Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

TÔI ĐI LÀM "anh ĐỘI"


Tháng 12 năm 1953 Cải cách Ruộng đất được làm thí điểm ở 47 xã của Thái Nguyên và 6 xã của Thanh Hóa để rút kinh nghiệm mở rộng ra toàn miền Bắc.
Thủ trưởng gọi tôi lên:
-          Cậu đã dự lớp tập huấn chính trị do cố vấn Trung quốc giảng dạy, đã học trường đảng Nguyễn Ái Quốc . Vậy là về mặt lí luận cậu đã được bồi dưỡng kha khá. Còn trẻ, đã được tôi luyện ít nhiều trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bây giờ cậu phải đi vào thực tiễn đấu tranh giai cấp, phải qua thử thách trong đấu tranh giai cấp cậu mới có được lập trường vô sản vững chắc, mới trưởng thành một cách toàn diện được. Cậu sẽ đi làm vài đợt cải cách ruộng đất.
Thấy thủ trưởng quan tâm tạo điều kiện cho mình tiến bộ, tôi rất phấn khởi. Khi thủ trưởng bắt tay tôi, dặn: “Phải dứt khoát đứng hẳn về phía nông dân”, tôi đứng nghiêm, dõng dạc hứa:
-          Rõ ! Xin đứng hẳn về phía nông dân!
 Tôi đến trình diện đoàn trưởng Đoàn Cải cách tỉnh Thái Nguyên, đoàn đưa tôi về đội cải cách của một xã thuộc huyện Phú Bình, đội xã phân công tôi phụ trách xóm Tây Sơn.
      Theo cẩm nang Cải cách Ruộng đất việc đầu tiên của “anh Đội” là ba cùng, thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi xây dựng lực lượng cốt cán để phát hiện địa chủ rồi mở cuộc đấu tố hạ gục chúng… 
      Tôi đi vài vòng quanh xóm. Tây Sơn có 21 hộ, chỉ ba bốn hộ ở trong những nơi đáng gọi là nhà: hai hoặc ba gian với một hoặc hai chái, vách gỗ, mái lợp ngói hoặc lá cọ, ngoài ra toàn là những túp lều cột tre xiêu vẹo, mái rạ tả tơi xơ xác…Biết tin có anh Đội về, dân cả xóm nôn nao chờ được anh Đội bắt rễ xâu chuỗi. Đi đến đâu tôi cũng được người dân chào hỏi vồn vã, mời vào uống nước, kể nghèo kể khổ, cung cấp tin tức về bọn địa chủ. Tình hình khác hẳn những chuyện tôi đã nghe về phong trào cải cách thổ địa bên Tàu. Cán bộ Đội bên ấy khi về xã đều không tránh khỏi nạn bị bọn địa chủ cường hào gian ác cho tay sai bao vây, dụ dỗ, mua chuộc, có khi còn bị chúng làm thịt là khác. Nhiều nơi bọn địa chủ có hẳn một đội quân hùng hậu gồm toàn những tên đầu trộm đuôi cướp vũ trang đến tận… đuôi sam. Ở xóm Tây Sơn này không thấy có bóng dáng tay sai bọn địa chủ, ngày cũng như đêm tôi đều cảm thấy rất an toàn, được nhân dân sẵn sàng bảo vệ. Anh Đội được coi là tối thượng “nhất Đội, nhì Trời”.
       Tôi vào túp lều tiều tụy nhất dựng trên mảnh đất bé nhất. Trong lều chỉ có một chiếc chõng, một cái chạn tre úp mấy chiếc bát đàn sứt mẻ, ở góc lều có mấy ông đầu rau đen kịt kê bên một hũ sành đậy chiếc bát ám khói. Đang ngó quanh thì một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi từ ngoài ngõ chạy vào.
-          Chào anh Đội. Em đi đón anh nhưng tìm mãi không thấy. Không biết anh đã về nhà em rồi.
Anh chủ nhà tên Kiệm, tá điền, không vợ không con. Bố và mẹ đều là cố nông, đêu chết trong nạn đói năm Ất Dậu. Từ bé tới giờ Kiệm lang bạt tứ xứ đi cày cuốc thuê cho những người có ruộng thiếu nhân công. Sau vài lần trò chuyện với Kiệm, kết hợp với nhận xét của nhiều nông dân trong xóm, tôi quyết định bắt rễ vào Kiệm, đeo ba lô tới ba cùng với anh.
Việc đầu tiên của Kiệm là vác rá đi vay gạo nấu cơm. Cơm độn sắn dọn ra với chút mắm cáy bốc mùi thum thủm chắt từ chiếc hũ sành bên cạnh bếp. Tôi nghĩ thầm “Cơm cố nông không hơn cơm tù hồi Pháp thuộc. Cách mạng thành công gần mười năm rồi mà nông dân mình vẫn khổ quá ! Không diệt hết bọn địa chủ thì chẳng bao giờ dân mình hết khổ !” Cố mãi tôi mới nuốt được lưng bát cơm. Kiệm nài :
-          Ăn nữa đi, anh Đội. Ăn thế hơi sức đâu mà đấu địa chủ ?
      Anh Đội biết ăn uống thế này thân xác mình sẽ gầy còm, xanh xao vàng vọt nhưng tinh thần chiến đấu nhất định không suy suyển. Dù có lả đi vì đói tôi vẫn quyết tâm cùng với nông dân quật ngã bọn địa chủ giành lại ruộng đất cho bà con!
      Qua trao đổi với Kiệm và vài ba bần cố nông trong xóm tôi thấy họ đã nhắm sẵn mấy tên địa chủ rồi, chỉ chờ Đội về là lôi chúng ra đấu tố . Chẳng cần Đội phóng tay phát động, dân trong xóm đã động rồi, động rất mạnh và từ rất lâu rồi.
       Hàm là tên thứ nhất, ngoài 50 tuổi, hai vợ, ba con trai , có ba mẫu hai sào bốn thước ruộng loại thượng đẳng điền, 1 bò, 2 lợn, một đàn gà, ngan khoảng hai chục con.
       Tên thứ hai Phú năm ngoái vừa làm lễ mừng thọ 60 tuổi, một vợ, hai con gái, bốn cháu ngoại đang đi học, có ba mẫu ruộng loại tốt, một sào vườn, 1 bò 1 bê mới đẻ, 1 đàn chim bồ câu.
         Tên thứ ba Vinh 56 tuổi, một vợ bốn con (hai trai trong đó một thằng trông coi cửa hàng thợ may của bố nó ở thị xã Thái Nguyên), có hai mẫu ba sào ruộng. Kiệm trầm trồ: “Trong nhà nó có nhiều đồ đạc sang trọng, có máy hát, hai thằng con đi xe đạp bấm chuông kêu kính coong khắp xóm”.
            Một tuần sau, đội trưởng đội Cải cách xã triệu tập họp để nghe cán bộ phụ trách các xóm báo cáo tình hình. Tất cả đã bắt rễ xâu chuỗi vào đúng các bần cố nông trung kiên, đã nắm chắc tình hình các đối tượng sẽ lôi ra đấu tố. Đội trưởng xã biểu dương toàn thể các cán bộ xóm và nhắc đi nhắc lại chỉ thị của đoàn trưởng đoàn Cải cách Ruộng đất tỉnh : phải đạt tỉ lệ 5 % địa chủ, tuyệt đối không để một thằng nào lọt lưới, phải rất cảnh giác với các thủ đoạn che giấu thành phần của bọn chúng, gần đây nhiều tên đã phân tán ruộng đất, giả nghèo giả khổ để tránh bị trị tội. Muốn không mắc mưu chúng phải mạnh dạn dựa hẳn vào bần cố nông, không dựa vào chi bộ đảng, vào bộ máy chính quyền và các đoàn thể cũ vì trong những tổ chức này đều có nhiều tay sai địa chủ.
Trên đường trở về xóm tôi nhẩm tính: theo tỉ lệ 5 % xóm mình phải có tối thiểu hai địa chủ.
Tôi bỏ ra một tuần điều tra về ba tên do cốt cán xác định là địa chủ. Tôi dự đoán: khả năng trúng địa chủ nhất là hai tên Hàm và Phú, như thế cũng vừa đủ theo tỉ lệ qui định.
Nhưng qua thẩm tra nhiều lần –vài lần trực tiếp gặp các đối tượng- tôi khẳng định Hàm và Phú chỉ là phú nông, ruộng đồng vườn tược đều do người trong gia đình canh tác, ngày mùa mới thuê mướn thêm nhân công để thu hoạch cho kịp thời vụ.  Vinh thì thuộc diện trung nông lớp trên kiêm công thương gia, không phải là đối tượng của cải cách. Dù Vinh có là địa chủ đi nữa thì theo chính sách phải“bảo hộ công nghiệp và thương nghiệp. Không trưng mua công nghiệp, thương nghiệp của địa chủ và những đất đai cùng tài sản trực tiếp dùng vào công nghiệp và thương nghiệp"…
Tôi trao đổi nhận định của mình với Kiệm. Nét mặt anh ta đang hí hửng bỗng tối sầm lại “Thế thì lấy đâu ra quả thực để chia cho chúng em? Không có máy hát, xe đạp cũng không sao nhưng mỗi gia đình chúng em phải có vài ba sào ruộng mới sống nổi”. Kiệm gạt hai ống tay áo rách chùi hai hàng nước mắt, mếu máo: “Anh Đội thương chúng em với, một tấc đất cắm dùi không có thì chúng em sống bằng gì ?”
Tôi thực tình mủi lòng thương xót.  Những người nông dân này đều nghèo xác xơ, không có tư liệu và công cụ sản xuất trong tay, họ làm sao thoát đói thoát nghèo? Nhưng có địa chủ mới có ruộng đất nông cụ trâu bò chia cho họ, không có địa chủ thì lấy gì mà chia?
Bất chợt tôi thoáng nghĩ: hay là “đôn” Phú và Hàm lên địa chủ ? Gần bẩy mẫu ruộng đất và đàn gia súc của họ là khoản quả thực khá ngon lành. Đưa họ lên thành phần địa chủ, bà con bần cố nông trong xóm nhất định sẽ rất mừng, Đội xã nhất định sẽ duyệt phương án của tôi. Tôi sẽ được biểu dương là có lập trường vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ…Phú nông cũng bóc lột nông dân, hai lão phú nông này sướng nhiều rồi, bây giờ có khổ dăm bẩy năm rồi chết cũng đáng đời. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy không ổn. Qui sai thành phần, lôi người ta ra trường đấu, tước đoạt hết tài sản đẩy họ vào cảnh khốn cùng là không nên. Hơn nữa, làm thế là trái chính sách "không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và tài sản khác của phú nông".
Tôi giải thích cho cốt cán hiểu chính sách của Đảng, nhấn mạnh khía cạnh “nhân đức” vì theo tôi dân Việt Nam mình rất coi trọng nhân đức, không làm những chuyện bất nhân bất nghĩa vu oan giá họa cho người không đáng tội.. Nhưng đội ngũ cốt cán nghe tôi giải thích với thái độ lạnh nhạt, chán ngán. Những ngày sau dân trong xóm không còn vồ vập tôi như trước, lời chào hỏi ít đi, các cuộc họp vắng hẳn người đến dự, không khí cuộc họp  buồn tẻ, nặng nề, mọi người thay nhau ngáp ngắn ngáp dài…
Đã thế, hôm tổng kết đợt, đoàn trưởng đoàn cải cách của tỉnh nghiêm mặt nhận xét:
-          Ở một vài đội có những cán bộ chưa kiên định lập trường, thiếu tinh thần căm thù giai cấp  nên không phát hiện ra địa chủ,vì thế đoàn ta không đạt tỉ lệ 5 phần trăm, thắng lợi của đoàn ta không ròn rã như mong muốn. Đoàn sẽ gửi trả họ về cơ quan, đơn vị cũ, không để những phần tử mất lập trường ấy phá hoại cuộc đấu tranh long trời lở đất, một mất một còn của nông dân chúng ta.
Sau hội nghị tổng kết, tôi bị gửi trả về bộ Tư lệnh Liên khu.
Tuy biết như thế có nghĩa mình bị coi là phần tử thiếu lập trường giai cấp, không căm thù địa chủ, không thương xót nông dân v.v và v.v. và sẽ bị điểm xấu trong bản nhận xét cán bộ cuối năm nhưng tôi không hối tiếc việc mình đã làm. Tin chắc mình không đôn phú nông lên địa chủ là đã thực hiện đúng lời hứa với thủ trưởng : “Xin đứng hẳn về phía nông dân”.
Tôi đã đứng hẳn về phía nông dân theo cách hiểu của tôi.
                                                                                                                                             SĐM