Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

THẰNG NGU

Một ngày đầu tháng 5-1975. Đang ngồi trên ghế công viên ngắm dinh Độc Lập tôi thấy Chu Quang Hưng dắt chiếc Honda ra khỏi cổng. Tôi gọi Hưng thật to và chạy vội qua đường đến bắt tay cậu ta. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 Hưng buôn bè gỗ từ Tuyên Quang xuôi sông Hồng về Hà Nội bán, sau Cách mạng tháng Tám khai lí lịch là thành phần công nhân nên tuy trình độ kiến thức quân sự ở mức i tờ nhưng năm 1950 được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường quân chính trực thuộc bộ Tư lệnh Liên khu Việt bắc. Tôi –trưởng ban Tuyên huấn thường tới trường giảng các bài chính trị, nói chuyện thời sự nên quen Hưng, ít lâu sau tôi trở thành chính trị viên trường nên càng thân…
Gặp lại nhau sau cuộc chiến tranh ác liệt, cả hai đều mừng thấy bạn cũ vẫn còn sống. Hưng cho biết đang công tác ở Ủy ban Quân quản thành phố.
Đang nói chuyện tào lao tôi chợt nghĩ ra, hỏi:
          - Tôi định xin cấp nhà đưa vợ con vào trong này. Ông thấy có nên không?
Hưng sốt sắng:
-Nên quá đi chứ. Sống trong này thoải mái hơn ngoài Bắc nhiều. Hàng hóa nhiều mà toàn thứ tốt, thức ăn thức uống cũng sẵn và rẻ hơn.
Tôi băn khoăn:
-Nhưng tôi đưa cả vợ con vào, liệu có được một chỗ ở khơ khớ không?
 Hưng mở xà cột lấy ra tấm bản đồ.
-Ông khỏi lo. Trong này đang thừa ối nhà. Bản đồ thành phố đây, trong bản đồ tôi đánh dấu nhà những sĩ quan ngụy bỏ chạy theo Mĩ hiện đang bỏ trống chưa cấp cho ai. Ông thích nhà nào ở quận nào thì chấm một cái, lên xin anh Trần Văn Trà chủ tịch Ủy ban Quân quản là xong ngay.
Tôi nhìn bản đồ, phân vân chẳng biết nên chọn nhà nào, quận nào vì có biết gì về thành phố này đâu! Sau một lúc tôi nhắm mắt “chấm một cái” gần cầu Thị Nghè. Hưng mở sổ tay, nói tên phố, số nhà cho tôi ghi. Rồi hướng dẫn cách viết đơn gửi Ủy ban Quân quản mang đến văn phòng trong dinh Độc Lập.
Hôm sau tôi nhờ một cán bộ có chiếc Honda 67 chở đi xem nhà. Đây là cơ ngơi một trung tá quân đội Sài Gòn, kiểu bán biệt thự, hai tầng mỗi tầng 5 gian, phía trước có mảnh vườn trồng hoa, trong nhà còn nguyên giường tủ, bàn ghế, phòng ăn có tủ lạnh, buyp phê chứa những bộ bát đĩa dao nĩa bóng loáng, các phòng ngủ đều gắn máy lạnh. Tôi không ngờ mình nhắm mắt chấm bừa trên bản đồ mà lại chấm trúng chốn thiên đường nơi hạ giới. Tôi nhẩm tính cách bố trí chỗ ở: tầng dưới là phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung của gia đình, phòng tôi làm việc, phòng ngủ của hai vợ chồng. Trên gác ba phòng cho ba đứa con vừa làm phòng ngủ vừa là phòng học, hai phòng tiếp họ hàng bè bạn ngoài Bắc vào chơi. Tuyệt vời, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ nghĩ đến một chỗ ở vương giả đến thế dù chỉ trong mơ!
Ba ngày sau tôi đến dinh Độc Lập  nhận quyết định cấp nhà có chữ kí của chủ tịch ủy ban Quân quản. Ngay hôm ấy tôi gửi thư ra thượng tướng Đặng Vũ Hiệp phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xin ở lại công tác trong thành phố. Thư viết đại ý ‘Miền Nam đã được giải phóng, tổ quốc đã thống nhất,  đề nghị cho tôi ở lại trong này –công tác ở bộ Tư lệnh Thành phố hay Quân khu 7- như vậy tôi sẽ có điều kiện kết hợp công tác với đảm bảo sinh hoạt gia đình, nhất là việc học hành của 3 cháu. Rất mong anh thông cảm với hoàn cảnh và chấp nhận đề nghị của tôi’.
Hai ngày sau, có điện của Cục Cán bộ: ‘Tổng cục quyết định đồng chí phải ra ngay, tham gia ban Tổng kết Chiến tranh, viết phần Công tác đảng-công tác chính trị trong đánh Mĩ’.
Tôi vào gặp Ủy ban Quân quản trả lại bản quyết định cấp nhà.
Khi biết chuyện tôi được cấp nhà nhưng đã trả lại, mấy người bạn thân  mắng té tát:
-Sao cậu ngu thế? Có cả một đống em, một đống cháu trong thành phố, không ở thì giao cho họ trông coi giúp, sau sẽ tính. Sắp đến tuổi về hưu rồi…Chưa ở, cho thuê mỗi tháng cũng được vài chục đồng. Ngu quá là ngu!
Họ nêu ‘gương’ Chu Quang Hưng lợi dụng vị thế cán bộ Ủy ban Quân quản chiếm ba ngôi nhà, cái ở, cái nhờ người quen trông coi, cái cho thuê mà có sao đâu! Ngon ơ ! Tôi sực nghĩ ra ‘Ừ nhỉ, mình ngu thật. Ngu ơi là ngu!’ Nhưng rồi lại nghĩ ‘Quân đội cấp nhà để mình ở nếu mình làm việc trong này, không ở thì trả lại là đúng chứ?’ Lúc thấy mình ngu lúc lại thấy mình chẳng ngu tí nào. Làm người tử tế khó thật! 
Trả nhà xong, tôi đến chia tay mấy cô mấy chú em họ rồi trở về trường. Đang chuẩn bị lên đường ra Bắc nhận công tác mới  thì Nguyễn Lang phó Tư lệnh binh đoàn Trường Sơn mới được thăng cấp đại tá đến thăm trường. Bệ vệ trong bộ quân phục gắn quân hàm đại tá mới cứng, Nguyễn Lang quát trung tá chính ủy Cao Tâm ra cổng đón đại tá thay hiệu trưởng Thái đi vắng.
-Đại tá đến kiểm tra, sao không lập hàng rào danh dự?
Cao Tâm vội tập hợp hai tiểu đội học viên dàn thành hàng ngang hai bên lối đi vào trường.
Đại tá Nguyễn Lang trịnh trọng đi giữa hàng rào danh dự, rồi đi lướt một vòng xem qua nơi ăn chốn ở của học viên, ra thao trường xem thao diễn động tác đội ngũ. Buổi chiều đại tá phó Tư lệnh nói chuyện với toàn trường. Đại tá nói về thắng lợi vĩ đại của quân dân ta trong đó đoàn Trường Sơn đã đóng góp một phần không nhỏ. Rồi đại tá phân tích tình hình và nhiệm vụ mới. Trong toàn bộ nội dung buổi nói chuyện của phó Tư lệnh kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, cán bộ và học viên nhà trường tâm đắc nhất hai điều: thứ nhất, ta đã đánh thắng Mĩ tên đế quốc giầu nhất mạnh nhất phe đế quốc nên từ nay về sau bố bảo cũng không một kẻ thù nào dám động đến nước ta. Thứ hai, chỉ  ba năm nữa ta sẽ đuổi kịp Nhật Bản về kinh tế, khoa học kĩ thuật, về mức sống của người dân..
Tôi chưa từng thấy diễn giả nào được hoan hô nồng nhiệt kéo dài như diễn giả Nguyễn Lang hôm ấy. Tất cả mọi người từ cán bộ khung, giáo viên đến học viên, y tá, chị nuôi đều muốn hét lên thật to: “Sướng đến nơi rồi! Sướng đến nơi rồi, sắp đuổi kịp nước Nhật rồi bà con anh em ơi!”
Riêng chính ủy Cao Tâm có vẻ không chú ý lắm đến những điều to tát tầm cỡ lịch sử ấy. Ngồi cạnh tôi, chính ủy hậm hực lẩm bẩm:
-Mẹ kiếp! Đúng là phú quí sinh lễ nghĩa. Tháng trước còn xắn quần móng lợn lội bùn ở trọng điểm, hôm nay đã đòi phải lập hàng rào danh dự!
Sau này nhiều người nói: hai ý quan trọng của Nguyễn Lang hôm ấy không phải của phó Tư lệnh mà của thủ tướng Tố Hữu đấy! Tôi không biết có đúng thế không, chỉ có điều chắc chắn là ngày 2-7-1976 đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa 6 tôi nghe rõ lời tuyên bố của Tổng bí thư Lê Duẩn “15 năm sau ta sẽ theo kịp Nhật Bản”.
Lúc nghe được câu ấy tôi vô cùng phấn khởi:”Mười lăm năm sau tức là năm 1991 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chúng ta sẽ bằng nước tư bản chủ nghĩa Nhật! Nhà nhà đều có tivi, tủ lạnh, tôi sẽ có ngôi nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi còn hơn ngôi nhà gần cầu Thị Nghè tôi trả lại Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn năm 1975. Sướng ơi là sướng!”

                                                                                                                                    SĐM




Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

GẶP LẠI NHỮNG NGƯỜI EM HỌ

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Chính Lê Nin ở Matxcơva, năm 1962 Trần Linh chủ nhiệm khoa Công tác Đảng-Công tác Chính trị về nước mang theo lá thư chị tôi ở Paris (sang học và chữa bệnh lao phổi từ năm 1947) gửi cho tôi trong đó có địa chỉ mấy người em con chú Hội sống trong thành phố  Sài Gòn. Nhận lá thư Linh đưa, tôi thắc mắc: bằng con đường nào lá thư từ Paris đến được Matxcơva khi mà việc thư từ đi lại giữa Pháp và Liên Xô lâu nay vẫn nhiều trở ngại? Mở thư ra đọc tôi mới biết: chị tôi gửi thư này nhờ Trần Linh mang về vì như chị viết trong thư “Từ khi tướng De Gaulle lên làm tổng thống năm 1959 không khí nước Pháp đã dễ thở hơn trước, việc đi lại với Nga xô không còn bị theo dõi, nghi ngờ. May mà tình hình thay đổi như thế nên chị mới gửi được lá thư này đến một người bạn làm trong đại sứ quán mình ở Moscou nhờ chuyển về cho em. Mong được tin em sau gần hai chục năm biền biệt không biết sống chết thế nào”. Người bạn này đến gặp đoàn học viên Việt Nam ở Học viện Lê Nin sắp về nước và nhờ Trần Linh mang thư về cho tôi, phó khoa của Trần Linh.
Hàng chục năm qua tuy không có liên lạc nhưng tôi tin các người con của chú tôi vẫn ở lại quê hương dù họ có thừa điều kiện để di tản ra nước ngoài. Theo truyền thống tộc Nguyễn họ đều có tinh thần yêu nước, đều phản đối sự đô hộ của bọn đế quốc thực dân. Tin thế nên khi Sài Gòn vừa được giải phóng, tôi đi tìm ngay mấy người em họ con ông chú với niềm tin chắc chắn sẽ gặp.
Người đầu tiên tôi tìm đến là cô Thịnh con gái thứ năm của chú Hội. Những năm 1940 chú Hóa chồng Thịnh là kiến trúc sư nổi tiếng ở Hà Nội, hai vợ chồng  thuê căn nhà ở phố Hồ Hoàn Kiếm ngay sau lưng chùa Bà Kiệu. Hồi còn đi học tôi hay đến đây, vừa vuốt ve con chó Fidèle vừa nghe hai vợ chồng chơi đàn, vợ đánh piano, chồng kéo violon. Sau khi đi vào hoạt động bí mật thỉnh thoàng buổi tối tôi vẫn lẻn đến ngồi ngoài cửa nghe đàn cho khuây khỏa…Những bản valse, menuet nhẹ nhàng vuốt ve các dây thần kinh, xoa dịu mọi căng thẳng do cuộc chiến đấu đầy nguy hiểm và cuộc sống thiếu thốn đủ đường gây ra cho tôi.
 Sau hơn ba mươi năm xa cách không biết ai còn ai mất giờ đây tôi rất nóng lòng mong gặp lại người thân, trên đường đi tìm nhà vợ chồng Thịnh câu ”Lệ mừng gặp nhau, xôn xao phím dương cầm [1] luôn thủ thỉ bên tai. Chắc chắn vợ chồng cô em cũng sẽ rất vui khi gặp lại người anh con ông bác từ cuộc kháng chiến dài đằng đẵng sống sót trở vềQuả nhiên khi trông thấy tôi sau cánh cửa vừa mở chú Hóa mừng rỡ reo lên: “Anh Phan!” rồi gọi rối rít “Thịnh ơi! Anh Phan đây này!” Cô vợ từ nhà trong chạy ra, đứng sững nhìn tôi mãi mới cất được tiếng chào: “Anh ạ!”.
 Sau vài câu chuyện, nhìn khắp nhà không thấy cây dương cầm hồi ba mươi năm trước, tôi hỏi và được Hóa cho biết sau khi vào Sài Gòn ít lâu hai vợ chồng không chơi đàn nữa. Họ đã bán chiếc dương cầm cho một nhóm nhạc rock trong thành phố. Hóa nói:
-Tôi tốt nghiệp trường kiến trúc Pháp, hành nghề với bằng cấp của Pháp, thích chơi nhạc Pháp, hát bài hát Pháp. Trong này người ta không ưa những người mà họ cho là thân Pháp. Để khỏi rắc rối phiền phức ảnh hưởng đến cuộc sống, bọn tôi không đàn không hát nữa.
Hóa cười chua chát:
-Chúng tôi đành chấp nhận sống một cuộc sống vô văn hóa.

Hôm sau tôi đến thăm Nguyễn Khắc Mẫn con trai thứ ba của chú Hội ở với vợ con gần trường đua Phú Thọ. Cháu Nga con gái lớn của hai vợ chồng mở phòng chữa răng. Chiếc ghế nha khoa đặt ngay sau cửa ra vào chiếm một phần chiều ngang căn nhà hẹp. Có lẽ vì sống trong vùng khí hậu nóng bức uống nhiều nước đá nên nhiều người Sài Gòn sớm bị hỏng răng. Phòng răng khá đắt khách là nguồn thu quan trọng của hai vợ chồng chú Mẫn và đàn con chín người.
Hai vợ chồng mời tôi ăn cơm trưa. Vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, chú Mẫn nhiều lúc tỏ ý ân hận vì không tham gia kháng chiến do quá nặng gánh gia đình, ngược lại cô vợ có vẻ bằng lòng với cuộc sống nhàn tản không giầu sang nhưng không “khốn khổ thiếu thốn trăm bề như bộ đội các anh”. Trong lúc ăn, hình như sợ tôi không biết thưởng thức các món cô khoản đãi nên cô không ngớt hướng dẫn: “Đây là rượu vang của Pháp. Vang Pháp làm ở vùng Bordeaux ngon nhất hạng, hơn vang của Úc, của Mĩ nhiều. Càng lâu năm càng ngon càng đắt tiền. Sau khi mở nút anh phải để ba mươi phút cho nó “thở” rồi hẵng uống…Bơ Bretelle của Pháp đây anh. Anh phết lên lát bánh mì này, ăn với thịt bò bít tết. Bơ mặn đấy ạ, anh phết một lớp mỏng thôi kẻo mặn quá mất ngon” v.v… Tôi nghĩ bụng: cô em sống giữa Hòn ngọc Viễn Đông, là chủ nhà tiếp ông anh họ mới từ rừng rú về  nên cô dặn dò cặn kẽ thế là phải. Chu đáo thế mới giúp ông anh khỏi làm chuyện ngớ ngẩn như mấy ông cán bộ sang Tàu công tác được mời ăn tiệc, đến lúc tráng miệng thấy bên cạnh mỗi đĩa đựng quả đào có một đĩa xôi các ông bèn véo xôi ăn ngon lành làm các cô gái Tàu phục vụ che miệng cười khúc khích. Các ông không biết đây là xôi để “làm lông” quả đào trước khi ăn…Tuy nghĩ thế nhưng rồi tự nhiên tôi lại nổi tự ái, hơi bực mình: “Có vẻ như nó coi bộ đội mình toàn là dân khố rách áo ôm, là bọn thực bất tri kì vị. Phải cho nó biết tay!”  Định bụng thế nhưng nghĩ mãi chưa tìm ra cách gì để “cho nó biết tay”.
Khi ăn xong, nhìn tách cà phê bốc hơi nóng trên tay cô em bưng ra, tôi nghĩ ngay được một cách.
Cô Mẫn mở hộp đường hỏi:
         -Anh dùng mấy viên?
         Tôi lắc đầu:  
         -Tôi uống cà phê không bao giờ cho đường. Uống không đường mới thưởng thức được hương vị đích
thực của cà phê.
         Cô Mẫn trố mắt ngạc nhiên nhìn ông anh họ nhẹ nhàng hớp một ngụm cà phê không đường ngậm trong miệng, phập phồng hai cánh mũi. Cô hỏi:
-Cà phê uống được không, anh? Em phải đấu mấy thứ theo công thức bí truyền của bố em mới được thế này đấy ạ.
Tôi không trả lời ngay được vì còn đang phải cố lấy gân giữ cho mặt không nhăn nhó trong khi từ từ nuốt ngụm cà phê đắng ngắt, một lúc sau mới lạnh lùng phán xanh rờn:
         -Cô trộn hơi nhiều robusta. Phải giảm bớt robusta, tăng thêm arabica thì cà phê mới thơm ngon.
Tôi nói bừa thế chứ có trộn cà phê bao giờ đâu mà biết nên tăng nên giảm loại nào. Được cái cũng biết thưởng thức cà phê nhờ hồi 1970 trong chiến dịch đường 9 được công nhân các đồn điền nhiều lần mời uống cà phê chồn. Cà phê này còn có tên “cà phê cu li” do bọn thực dân Pháp đặt vì nó là thứ do chồn ăn các quả cà phê chín mọng ngon nhất rồi ỉa hạt ra, phu đồn điền (cu li) hót những hạt cà phê đã được ướp các enzyme và lên men trong dạ dày chồn về chế biến thành thứ cà phê đặc biệt thơm ngon, có lẽ thơm ngon nhất thế giới.
Sau lúc ấy tuy luôn tay bày ra nhiều món tráng miệng, nhưng cô em không hướng dẫn tôi cách ăn cách uống tỉ mỉ như lúc trước, chỉ giới thiệu vắn tắt: “Tháng tư tháng năm này là mùa hoa quả chín rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là chôm chôm, vú sữa, đây là thanh long, sầu riêng, còn đây là bòn bon, mãng cầu xiêm…” Nghe những cái tên lạ, nhìn những loại quả chưa ăn bao giờ tôi dè dặt không dám mạnh tay. Thấy thế cô Mẫn lặng lẽ bóc vỏ thứ quả này, bổ loại quả kia bỏ vào đầy đĩa tôi và nhẹ nhàng "Mời anh".
Khi ngồi uống trà, chú Mẫn nói:
-Trong này họ đồn ba anh giải phóng bám vào cành đu đủ không gãy. Tôi không tin nhưng cũng không thể ngờ anh là bộ đội Cụ Hồ mà lại sành điệu thế. Xin bái phục sát đất ông anh bộ đội!
Tuy thấy mình rõ ràng không xứng với lời khen ấy nhưng mũi tôi vẫn phổng lên rất to…
SĐM





[1] Lời bài hát Có phải em là mùa thu Hà Nội nhạc Trần  Quang Lộc, thơ Tô Như Châu.