Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

KẾT QUẢ CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHÂN LÍ CỦA TÔI



Ngày 29/9/2012 tôi đã đăng trên blog bài Kẻ gian dối vô liêm sỉ vạch mặt Phạm Hồng Cư mạo nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa để hàng tháng nhận trợ cấp của Đảng. Ngày 25/9/2013 tôi đăng bài Chặn đường Hồng Cư vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vậy mà trên báo điện tử VnExpress lại có bài dưới đây, tôi chép lại nguyên văn để bạn đọc...thưởng thức!

Thứ bảy, 10/12/2016 | 16:01 GMT+7 (VnExpress)
Tướng Phạm Hồng Cư: ‘Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập’
Kể lại niềm vinh dự của một người lính được đứng gác dưới Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nói thế hệ của ông đã "mang theo lời thề độc lập trong tim đi vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ".

Ngày 10/12, Hà Nội tổ chức cuộc gặp đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)
Tại đây, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã chia sẻ câu chuyện những ngày đầu kháng chiến của mình. Sau cách mạng tháng Tám, ông là Trung đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hà Nội. Vinh dự cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), dù đã mấy chục năm trôi qua, ông Cư vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc mãnh liệt khi nghe từng lời của Lãnh tụ. 

"Mang theo lời thề độc lập trong trái tim đi vào hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, những người lính ôm nhau trào nước mắt. Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước”, ông Cư phát biểu trong sự vỗ tay hưởng ứng của toàn hội trường.
Góp mặt trong cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Năng (cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp, nguyên cán bộ văn phòng phủ Thủ tướng) bộc lộ niềm tự hào khi được làm người con của Hà Nội anh hùng.
"Từ những ngày đầu kháng chiến, tôi cùng đồng đội đã cống hiến hết mình chi viện cho quân dân Thủ đô, giữ từng căn nhà, góc phố suốt hai tháng trời”, ông Năng kể lại.


Trước chia sẻ của cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người đã chiến đấu, hy sinh từ những ngày đầu cũng như trong suốt thời gian hai cuộc kháng chiến. 
Phát biểu của ông Chung nhắc lại, cách đây 70 năm - ngày 19/12/1946, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi đã thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Theo ông Chung, Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/02/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu... góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Võ Hải