Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

GẶP LẠI NHÀ THƠ HOÀNG CẦM



Trong những năm 1950 tôi làm trưởng ban Tuyên Huấn Liên khu Việt Bắc, sau đó chuyển công tác khác nên không có dịp gặp lại người đội trưởng đội Văn công hồi trước. Chỉ nghe loáng thoáng Hoàng Cầm phải đi cải tạo vì dính vào Nhân văn-Giai phẩm, năm 1982 lại phải ngồi tù 16 tháng vì tập thơ Về Kinh bắc. Tập thơ có ba bài -Đánh Tam cúc, Lá Diêu bông, Qua vườn ổi- bị coi là phản động, bóng gió đả kích Đảng. Ba bài ấy (thường gọi là bộ ba cây-lá-quả) được nhiều người ưa thíchđược diễn giải là lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Trần Thiếu Bảo giám đốc Nhà Xuất bản Minh Đức -đã bị tù trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm- mang tập thơ  đến nhờ Bùi Xuân Phái vẽ phụ bản. Đến hẹn, Thiếu Bảo đến lấy tranh và tập thơ. Ngày 17-8-1982 nhà thơ Hoàng Hưng đến nhà Thiếu Bảo lấy tập thơ để mang vào Sài Gòn thì bị bắt vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động“, phải đi cải tạo 39 tháng. Bản Về Kinh bắc và 6 bức tranh Bùi Xuân Phái bị tịch thu. Ba ngày sau -ngày 20-8-1982 đến lượt Hoàng Cầm bị bắt. Trong tù Hoàng Cầm nhận tội đã làm mấy bài thơ ấy để “chống Đảng, chống chế độ”.
 Hoàng Cầm kể lại (trích):
Tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat), tôi sống ở một phố nhỏ trên quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km, một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc, mẹ tôi có gánh hàng xén. Cái phố ấy có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hoả.  Những đêm trăng cô hàng xóm tập họp bọn trẻ ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…
Có lẽ vì thế mà tập Về Kinh Bắc chìm trong buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào câu nào cũng buồn. Hồi trong Hoả Lò  viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải phấn khởi tươi vui. Ngoài ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà không nhận. Thí dụ tôi dẫn chứng câu thơ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa” là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.
Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khoẻ suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi nghĩ: phải giữ cái mạng của mình đã, phải tồn tại, phải sống, tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội.
Hồi đầu1958, bên Trung Quốc đấu tranh rất gay gắt chống hữu phái trong văn nghệ, hình như có mấy nhà văn đòi tự do, đòi dân chủ gì đó. Ở bên ta, anh Huy Cận và một người nữa- tôi không nhớ rõ tên người thứ nhì, được cử sang tham quan để rút kinh nghiệm. Khi các anh ấy về thì lập tức mở ra một lớp gọi là lớp học chính trị, nhưng chính là để đấu tranh quyết liệt với tư tưởng NVGP bị cho là “tư tưởng phá hoại chống Ðảng”, “phản động”. Và sau một cuộc đấu tranh rất gay go, rất quyết liệt trong vòng gần hai tháng thì quyết định kỷ luật một số nhà văn, một số họa sĩ và nhạc sĩ đã tham gia  NVGP. Hội Nhà văn khai trừ ba năm anh Trần Dần, anh Lê Ðạt, Hội Âm Nhạc thì anh Ðặng Ðình Hưng, anh Tử Phác cùng chịu kỷ luật khai trừ ba năm. Suốt ba năm 58, 59 đến 60 hai anh  phải đi lao động cải tạo tư tưởng theo giai cấp vô sản, thấm nhuần tư tưởng nông công binh, để thực hiện trong sáng tác. Tôi và Phùng Quán nhẹ hơn, tức là khai trừ khỏi Hội Nhà văn một năm thôi. Riêng tôi, thì khai trừ khỏi Ban Chấp hành, thôi giữ chức Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ và đi lao động như mọi người. Các anh Trần Dần, Lê Ðạt, Tử Phác, Ðặng Ðình Hưng trong 6 tháng đầu tiên phải lao động cả ngày, tức là 8 tiếng chăn bò, chăn trâu ở nông trường Chí Linh. Còn tôi, Phùng Quán, Trần Lê Văn và Quang Dũng thì lao động nửa ngày còn nửa ngày có thể đến các gia đình nông dân, đi tìm hiểu tình hình thực tế v.v…
          Kỷ luật lúc đầu chỉ như thế. Nhưng rồi kỷ luật kéo quá dài
, cho đến năm 88. Tức là kỷ luật từ năm 58, đến khi hết kỷ luật là năm 88. Ba mươi năm. Ðặng Ðình Hưng và những anh em trước kia bị cảnh cáo như Quang Dũng hay Trần Lê Văn không bị kỷ luật gì, vẫn có thể in sách, in báo được. 
Riêng bốn người Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm  không được in một cái gì cả, suốt từ năm 58 đến năm 88. Trong 30 năm ấy, tôi không thể đem ngòi bút của mình kiếm được một đồng xu nào hết, phải lao động chân tay. Tôi với anh Trần Dần đã từng kéo xe bò. Lúc thì anh này cầm càng, anh kia đẩy, cứ thay phiên nhau như thế. Mới được hai hôm, cả Trần Dần và tôi đều sốt, rồi đau hết mình mẩy, trận ốm kéo dài có khi hàng tuần lễ. Sau không chịu được lao động chân tay nữa, đành phải đi kiếm ăn bằng cách khác, anh Trần Dần được một người bạn giúp cho đi tô màu ảnh. Lúc bấy giờ chưa có máy ảnh màu. Ai thích ảnh màu thì cứ chụp đen trắng, xong Trần Dần bôi màu vào ảnh, bôi cái má hồng, bôi cái môi son, bôi cái áo hoa nọ kia. Mỗi cái ảnh như thế được một hào hay hào rưỡi. Tôi thì đi làm phim đèn chiếu. Viết lời thuyết minh kể chuyện chiến sĩ thi đua hoặc người tốt, việc tốt, hoặc an toàn lao động v.v… kiếm mỗi tối ba đồng. Từ năm 60 trở đi thì lại đi lao động. Anh Trần Dần và tôi vào nhà máy gỗ Hà Nội, anh Trần Dần làm thợ cưa, tôi đứng máy cưa.
        Năm 1982 tôi phải ngồi tù 16 tháng vì tập thơ Về Kinh Bắc, khi được về thì những bác sĩ quen đều thống nhất là tâm thần tôi bị hai dạng: trước tiên là hoảng loạn, thứ hai là trầm uất.  Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa –mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà– vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi, tìm chỗ trốn. Tôi đã nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo Quân đội hay áo Cảnh sát hay của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một màu quần áo thôi, tôi cũng hoảng rồi. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm gì mình cả.
         Thứ hai là trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn tỉnh táo pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng khi người ta hỏi tôi về bất cứ cái gì thì tôi không trả lời hoặc trả lời gióng một. Năm 87 có 7, 8 anh em nhà văn trẻ như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v… ở Huế ra chơi.  Tôi vẫn giữ thái độ thân ái  nhưng khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi:“Anh có dự định sáng tác gì nữa không”, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng. Cứ lắc đầu hoài. Họ hỏi gì tôi cũng chỉ lắc đầu. Mãi về sau, sang năm 88, nhờ các bạn kéo tôi đi chơi những chỗ người ta yêu mến mình, dần dần nhờ sự săn sóc đó mà tôi lại viết được, cái mà tôi viết được ngay là bài “Mưa Thuận Thành”.
Năm 1988 báo “Văn Nghệ” dưới sự điều khiển của anh Nguyên Ngọc tổ chức kỉ niệm 40 năm thành lập báo. Tôi được mời, họ yêu cầu đọc một hay hai bài thơ, phần đông đều yêu cầu bài “Bên kia sông Ðuống”. Nhưng tôi, không đọc “Bên kia sông Ðuống” mà đọc hai bài thơ mới là “Mưa Thuận Thành”  “Lá diêu bông”. Tôi ngâm xong bài “Lá diêu bông” thì hội trường thành như một cuộc mít-tinh gì đó nhằm vào tôi. Hôm sau, ra hội trường Cung văn Hóa Hữu nghị Việt-Xô– khi nói đến tên tôi là lại nổi lên một trận vỗ tay đến nỗi tôi phải trốn. Không hiểu sao lúc bấy giờ tôi cứ ngường ngượng. Khi tôi lên sân khấu tiếng vỗ tay vẫn tiếp tục. Chợt có một lúc, tôi khóc lên, nước mắt ở đâu đó trào ra. Không phải là giọt nước mắt vui mừng vì vinh quang trở lại với mình. Không! Tuyệt nhiên không phải mà lúc bấy giờ tôi chợt nhớ đến bà vợ tôi là bà Lê Hoàng Yến. Nếu không có bà Lê Hoàng Yến thì không có tập “Về Kinh Bắc” viết cuối năm 59, tức là chỉ một năm sau khi bị kỷ luật. Tôi nhớ đến bà vợ đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn không có, bữa nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt, đáng lẽ ăn ba bát thì ăn có một bát, để nhường cho các con ăn. Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang ở dạng trầm uất và hoảng loạn. Bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải lên Sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi. Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ chập tối hơi sôn sốt, bà ấy đi nằm, giữa mùa nực mà bà ấy thấy ren rét, tôi phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời. Thành ra đến lúc lên sân khấu, vinh quang trở lại với tôi một cách quá sức tưởng tượng, thì chợt xuất hiện hình ảnh vợ tôi đã chịu tất cả mọi khổ sở trong vòng 30 năm. Trong 30 năm ấy, tôi không thể dùng ngòi bút của mình kiếm được một đồng nào.
x  x  x
Phần vì không ở gần, nhất là vì sợ bị qui là “liên quan với tên đã nhận tội chống Đảng” nên tôi không thư từ thăm hỏi, càng không dám nghĩ đến chuyện về Bắc Ninh tìm gặp Hoàng Cầm. Đôi lúc tự trách mình hèn nhát nhưng lại tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”.
Đầu năm 1984 tôi tình cờ gặp lại nhà thơ. Lúc này tóc cả hai chúng tôi đã bạc người nhiều người ít sau bao nỗi trầm luân bao nỗi éo le trong số phận mỗi người. Ngồi tỉ tê tâm sự bên chén nước chè quán vỉa hè tôi xót xa cảnh ngộ Hoàng Cầm bèn kể lại vụ tôi không đôn phú nông lên địa chủ nên bị đuổi khỏi đội cải cách và bị coi là phần tử lập trường không vững, không đứng hẳn về phía nông dân. Kể lại chuyện đó với ý định an ủi Hoàng Cầm nhưng chính Hoàng Cầm lại an ủi tôi. Bằng cách…đọc một bài thơ. Bài “Em bé lên sáu” tả cảnh ngộ đứa bé có bố là địa chủ cường hào đã trả nợ máu, mẹ bỏ con lay lắt đi tuột vào trong Nam. Thằng bé bơ vơ đói rách hàng ngày kêu khóc xin ăn nơi đầu đường cuối chợ. Một chị trong đội cải cách thương tình bớt phần cơm của mình cứu nó khỏi chết đói. Vì chị nghĩ “Nó là con địa chủ Bé bỏng đã biết gì” và chị “Nhìn đứa bé mồ côi Cố tìm vết thù địch Chỉ thấy một con người”.
Nhưng vì thế mà
Chị phải đình công tác Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya Thắp đèn lên kiểm thảo.
Do cái lưỡi không xương Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo Chẳng nhìn xa chân trời.
Do bộ óc chây lười Chỉ một màu sắt rỉ
Đã lâu nằm ngủ kỹ Trên trang sách im lìm.
Do mấy con-người-máy Đầy gân, thiếu trái tim
Nào "liên quan phản động" "Mất cảnh giác lập trường"
Trời nhập nhoạng tối sáng Chân lý mù như sương.
        Ngâm xong Hoàng Cầm nói:
-Những đứa bắt cô ấy kiểm thảo cũng cùng một duộc những thằng đuổi ông khỏi đội Cải cách...
Ngay sau đó anh sa sầm mặt:
-Có lẽ mình không làm thơ được nữa. Mình yếu lắm rồi, yếu toàn diện…Ông cũng đã ngồi tù phải không? Ngồi tù đế quốc thực dân tuy khổ về thể xác nhưng lại tự hào mình là người yêu nước là chiến sĩ cách mạng. Bị bỏ tù oan như tụi này thì vừa đau khổ thể xác vừa cay đắng tinh thần…
Tôi ái ngại, ướm hỏi :
-Nghĩ  lại chuyện cũ anh oán trách những ai?
Hoàng Cầm nhỏ nhẹ :
-Không, mình không thèm oán trách đứa nào. Con người phải biết yêu thương, phải khoan dung độ lượng, tránh xa thù hận. Người nghệ sĩ lại càng phải có lòng yêu thương, có lòng yêu thương thì sáng tác mới hay, mới đẹp. Trong lòng mang nặng hận thù thì không thể có tác phẩm tử tế được... Danh và lợi, sự bon chen, cầu cạnh, sự tâng bốc nịnh hót, dèm pha, thù hận là những cái rất xa lạ với mình, với Thơ chân chính, Thơ đích thực .
Tôi luôn cố gắng thực hiện bài học về lòng khoan dung Hoàng Cầm dạy tôi hôm ấy. Hôm ấy cũng là lần cuối cùng tôi trò chuyện với Hoàng Cầm. Ngày 6-5-2010 nhà thơ tôi quí mến đã sang thế giới bên kia… Tìm Lá Diêu bông.

SĐM