Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

KẾT QUẢ CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHÂN LÍ CỦA TÔI



Ngày 29/9/2012 tôi đã đăng trên blog bài Kẻ gian dối vô liêm sỉ vạch mặt Phạm Hồng Cư mạo nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa để hàng tháng nhận trợ cấp của Đảng. Ngày 25/9/2013 tôi đăng bài Chặn đường Hồng Cư vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vậy mà trên báo điện tử VnExpress lại có bài dưới đây, tôi chép lại nguyên văn để bạn đọc...thưởng thức!

Thứ bảy, 10/12/2016 | 16:01 GMT+7 (VnExpress)
Tướng Phạm Hồng Cư: ‘Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập’
Kể lại niềm vinh dự của một người lính được đứng gác dưới Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nói thế hệ của ông đã "mang theo lời thề độc lập trong tim đi vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ".

Ngày 10/12, Hà Nội tổ chức cuộc gặp đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)
Tại đây, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã chia sẻ câu chuyện những ngày đầu kháng chiến của mình. Sau cách mạng tháng Tám, ông là Trung đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hà Nội. Vinh dự cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), dù đã mấy chục năm trôi qua, ông Cư vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc mãnh liệt khi nghe từng lời của Lãnh tụ. 

"Mang theo lời thề độc lập trong trái tim đi vào hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, những người lính ôm nhau trào nước mắt. Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước”, ông Cư phát biểu trong sự vỗ tay hưởng ứng của toàn hội trường.
Góp mặt trong cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Năng (cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp, nguyên cán bộ văn phòng phủ Thủ tướng) bộc lộ niềm tự hào khi được làm người con của Hà Nội anh hùng.
"Từ những ngày đầu kháng chiến, tôi cùng đồng đội đã cống hiến hết mình chi viện cho quân dân Thủ đô, giữ từng căn nhà, góc phố suốt hai tháng trời”, ông Năng kể lại.


Trước chia sẻ của cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những người đã chiến đấu, hy sinh từ những ngày đầu cũng như trong suốt thời gian hai cuộc kháng chiến. 
Phát biểu của ông Chung nhắc lại, cách đây 70 năm - ngày 19/12/1946, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi đã thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Theo ông Chung, Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Mặc dù, lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/02/1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu... góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Võ Hải








Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

GẶP LẠI BẠN HỌC TRƯỜNG BƯỞI




         Ngày 1 tháng 1 năm 1992.Các cựu học sinh trường Bưởi trong thành phố Hồ Chí Minh họp mặt đón năm mới. Phan ghi trong danh sách tên mười hai người nhưng sáng nay đến họp ở nhà Nguyễn Cường chỉ có tám  người, vắng Khánh Tâm, Vũ Đức Trọng, Đặng Đình Áng và Nguyễn Quảng Tuân. Theo lệ, mỗi người mang đến một chút góp vào bàn tiệc nhỏ.
Sau năm mươi năm, những cậu học trò trẻ ngày trước giờ đây tóc đã muối tiêu, đã trải qua những biến cố dữ dội của đất nước, nhiều thăng trầm trong số phận,  mỗi người đều có những trải nghiệm riêng trong cuộc sống.
Gặp nhau đông đủ mỗi năm chỉ một lần nên họ có rất nhiều chuyện để nói. Rôm rả nhất là những chuyện thời sự trong nước và thế giới, những chuyện cho thấy quan điểm của họ có nhiều điểm không thống nhất, thậm chí đối lập nhau nhưng điều đáng quí là mọi người đều thẳng thắn nói ra chính kiến của mình, lời lẽ tranh luận đôi khi gay gắt nhưng vẫn trên tình bè bạn, không vì chính kiến đối lập mà hằn học, thù ghét nhau. Phan cho rằng có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, phần đông trong số bạn ngồi đây đã vào thành phố từ nhiều năm trước giải phóng nên họ có những nhận định trái chiều là điều dễ hiểu. Các bạn ấy thường nghe đài BBC, VOA, Á châu Tự do  nên chẳng nhiều thì ít đều bị ảnh hưởng những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của những cái loa tư bản, đế quốc ấy. Bù lại, được nghe nhiều tiếng chuông nên cách suy nghĩ của họ cũng thông thoáng không cứng nhắc một chiều.
Cuộc bàn luận hôm nay tập trung vào vụ Liên xô sụp đổ. Trước đây chưa lâu, từ tháng 4 đến tháng 8 một loạt nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết đã tuyên bố tách khỏi liên bang,  ngày 25 tháng 12 năm 1991 các đài đưa tin Gorbachev từ chức, Boris Yeltsin lên làm tổng thống liên bang Nga, đảng Cộng sản bị cấm hoạt động, lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli bị hạ xuống nhường chỗ cho lá cờ ba màu trắng xanh đỏ.
Trần Tấn Chỉ quăng ra bàn tờ Paris-Match in hình Lênin trên trang bìa với dòng chú thích chữ to “Lênin mắc bệnh giang mai” rồi hăng hái mở đầu:
 - Nga Xô tan vỡ là tất nhiên và là điều tốt cho nhân loại. Là tất nhiên vì cái chế độ Staline để lại là một chế độ tàn bạo, nghèo nàn, lạc hậu bị toàn dân Nga Xô căm ghét. Tốt cho nhân loại vì Nga Xô đầy tham vọng về đất đai, tài nguyên của các nước khác, nó đã thôn tính nhiều quốc gia và bóc lột dân các nước đó rất thậm tệ. Chết là đáng đời!
Vũ Yến từ tốn:
- Theo mình thì nguyên nhân chính là do cách tổ chức nền kinh tế và tổ chức xã hội không hợp lí, dẫn đến sản xuất lạc hậu, đời sống khó khăn, đã thế lại có quá nhiều tham quan ô lại làm người dân bất mãn, hết tin tưởng vào những người cầm quyền, vào chế độ cộng sản. Tóm lại, dân chúng muốn thay đổi. Sự thay đổi này có tốt không thì minh chưa dám chắc. Phải chờ xem.
Chi Lan thắc mắc
- Chê  nhà nước Xô viết dốt nát, không đủ tài xây dựng đất nước giầu mạnh để nhân dân ấm no sung sướng là không đúng. Mới đây họ là nước đầu tiên đưa người bay lên vũ trụ. Không giỏi mà lại làm được thế?
Phạm Biền tiếp :
- Phải thừa nhận trình độ khoa học kĩ thuật của nó không tồi, nhất là về quân sự. Nhưng về sản xuất hàng tiêu dùng thì rất tồi. Bà chị mình ở Hà Nội có cái quạt gọi là quạt tai voi vừa xấu xí quê mùa vừa quá giản đơn không tiện dụng như quạt Nhật. Ô tô Volga thì rõ ràng thua xa  Ford, Toyota. Người dân bình thường đâu cần đến tàu vũ trụ mà cần quạt điện, máy điều hòa, tivi, tủ lạnh thật đẹp, thật tốt, có sẵn trên thị trường, dễ chọn dễ mua. Không có thì người ta tức là đúng.
Thiết Vũ lên tiếng:
- Nên thông cảm hoàn cảnh phải đương đầu với nhiều kẻ thù rất mạnh nên họ phải tập trung nhân tài vật lực vào lĩnh vực quân sự do đó không còn sức phát triển các ngành trực tiếp nâng cao đời sống dân chúng. Ngân sách chỉ có hạn, chỗ này ăn bẫm thì chỗ kia phải nhịn…
Trần Tấn Chỉ vẫn hùng hồn:
- Bọn đầu sỏ lũ oligarchie và đàn em của chúng đút túi hết, còn gì cho dân đen nhét vào bụng nữa?  Chúng nó cứ xoen xoét không còn người bóc lột nhưng chính chúng nó bóc lột hơn cả bọn bóc lột ngày trước. Chúng nói chống đế quốc xâm lược nhưng chính chúng nó đã ép buộc cả một đống nước phải sáp nhập vào Liên bang Xô viết, gần đây còn trắng trợn xâm lược Ba Lan, Hung gia lợi. Các nước chư hầu của nó đánh bài chuồn là đúng…Các cậu nói gì thì nói, tớ cho rằng cái chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa ấy rất phi nhân văn, rất vô nhân đạo. Nó tan rã là hợp lẽ trời, hợp lòng người.
Cuộc bàn luận kéo dài mấy chục phút nữa. Cho đến lúc Chi Lan ôm đầu kêu toáng lên:
- Thôi thôi các ông ơi! Cãi nhau chuyện trên trời dưới biển này làm gì cho mệt? Mấy đĩa bánh kẹo kia để ruồi ăn à? Chén đi rồi về cho sớm chợ.
Suốt dọc đường về, Phan vẫn tự hỏi một điều ban nãy cậu giữ ý không muốn nói với các bạn: tại sao đảng Cộng sản Liên xô có hơn hai mươi triệu đảng viên mà không có một chi bộ cơ sở một đảng bộ huyện một đảng bộ tỉnh nào đứng lên bảo vệ Đảng? Họ đâu phải là những kẻ hèn nhát! Thế thì vì lẽ gì mà đảng viên thờ ơ trước sự tan rã của Đảng? Tuy Ủy ban Tình trạng Khẩn cấp nhằm bảo vệ Đảng có đến 8 nhân vật quyền lực nhất chính phủ tham gia gồm Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia… nhưng “cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8” chỉ tồn tại có 3 ngày vì đông đảo đảng viên không hưởng ứng, toàn bộ tám thành viên ủy ban đều bị bắt, ngày 21-8 bộ trưởng Nội vụ Boris Karlovic tự sát. 
Giáo sư Trung quốc Vương Hải Vận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch svề quan hệ Trung – Nga kể lại:           
 “Tại buổi họp báo do Ủy ban Tình trạng khẩn cấp tổ chức vào ngày thứ hai sau chính biến, tôi tận mắt nhìn thấy Phó thủ tướng Aliyev Xunxun Mariana say rượu, mất hết tinh thần. 8 nhân vật quan trọng lẽ ra đều phải tham dự, nhưng Thủ tướng Pavlov tuyên bố lâm bệnh nằm viện, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Dmitri T. Yazov cũng viện cớ lâm bệnh không tham gia”.
Phải có nguyên nhân nào đấy khiến hai mươi triệu đảng viên quay lưng trước sự diệt vong của Đảng họ, một Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười thắng lợi và đã bẩy mươi bốn năm chấp chính. Chắc hẳn có nhiều nguyên nhân, trong đó dĩ nhiên có bàn tay của bọn đế quốc. Nhưng  nguyên nhân chủ quan là chính. Mô hình phát triển cứng nhắc, "chiến lược phát triển nhanh" thất bại, kinh tế đình trệ, bất mãn xã hội tích lũy lâu ngày; chính sách đối ngoại khiến môi trường an ninh và môi trường phát triển xấu đi nghiêm trọng. Chính sách dân tộc của Liên Xô sai lầm lớn dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan tràn, các nước cộng hòa thi nhau li khai.
           Một nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu nói tới là sự lộng hành của tầng lớp đặc quyền.

Tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô xuất phát từ chức tước. Chức tước càng cao thì đặc quyền càng nhiều, chức tước vì thế mà có giá. Tại một số nơi, ngay cả chức bí thư đảng ủy cũng có giá. Năm 1969, chức bí thư thứ nhất của một khu ủy Azerbaijan giá 200 nghìn rúp, bí thư thứ hai giá 100 nghìn rúp. Hiện tượng mua quan, bán tước cũng tồn tại ở các nước cộng hoà khác trong Liên bang với các hình thức, mức độ khác nhau. Hội nghị toàn thể tháng 2 năm 1973 của Trung ương Đảng Gruzia cũng chỉ rõ: trước đây việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không căn cứ vào năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, mà dựa vào quan hệ quen thân gia đình, dựa trên nguyên tắc có trung thành với cá nhân cấp trên hay không.
 Để bảo vệ những lợi ích hiện có, tầng lớp đặc quyền chống lại bất cứ sự cải cách nào ảnh hưởng đến đặc quyền của nó. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và trợ lý soạn thảo một báo cáo về cải tổ kinh tế gây nên sự bất mãn và tẩy chay của một bộ phận các tầng lớp đặc quyền quan liêu. Kết quả, trợ lý của ông bị cách chức.
 Tầng lớp đặc quyền đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của Chủ nghĩa Xã hội, tạo ra hố ngăn cách các tầng lớp trong xã hội, làm hư hỏng xã hội. Khoảng cách giữa người dân bình thường và tầng lớp đặc quyền ngày càng lớn. Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền  không còn thỏa mãn với việc theo đuổi hưởng thụ cá nhân, mà còn muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền hiện có, thậm chí còn muốn để lại cho con cháu đời sau. Đồng thời, tầng lớp đặc quyền còn phát hiện ra rằng lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản  nơi cửa miệng và ánh hào quang đảng viên Đảng Cộng sản mà họ mang trên mình không còn giá trị sử dụng. Họ thấy những đặc quyền mà họ có phải được thay đổi hình hài và chủ nghĩa tư bản là chế độ thích hợp nhất để hợp pháp hóa những lợi ích hiện có của họ. Để giữ vững đặc quyền đặc lợi của mình và hợp pháp hoá chúng, tầng lớp đặc quyền đã không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai vứt bỏ chủ nghĩa xã hội, đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản, tư hữu hoá toàn diện. Trong thời gian này, chúng lợi dụng quyền lực đang nắm trong tay để ra sức vơ vét, làm giàu cho bản thân, nhất là các vị quan chức trực tiếp quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Chúng lợi dụng sự hỗn loạn về thương mại hoá, thị trường hoá, kinh tế tự do hoá để  chiếm đoạt tài sản nhà nước làm tài sản riêng. Nhiều kẻ thực hiện các cuộc giao dịch giữa quyền - tiền để có những ưu đãi về quota xuất khẩu nguyên liệu và vũ khí, bòn rút tài sản xã hội. Có kẻ thu siêu lợi trong các cuộc giao dịch chứng khoán, hàng hóa trả chậm rồi thành lập ngân hàng và các cơ quan tài chính khác. Một bộ phận thiểu số đó trở thành những ông trùm tài chính mới.
Năm 1991, đại bộ phận trong số hàng vạn triệu phú ở Moscow là những cán bộ làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Kết quả điều tra tiến hành tháng 6 năm đó cho thấy trong tầng lớp cán bộ cao cấp Liên Xô có tới 76,7 %  cho rằng nên đi theo con đường tư bản. Bọn họ không chỉ vơ vét cho đầy túi tham mà còn ra sức nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước. Ở nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ,  một phần cán bộ biến thành những “quý nhân” của nước Nga. Họ chiếm 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1% trong số lãnh tụ những chính đảng mới… Chính những kẻ gọi là đảng viên đảng Cộng sản này đã làm cách mạng bằng cách “cách đi cái mạng của đảng Cộng sản Liên Xô”. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code  nói: “Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình.”
Trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ không lâu đã có một cuộc điều tra dân ý về chủ đề: “Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả số người cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chỉ chiếm 7%, đại diện cho công nhân chiếm 4%, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11%. Trong khi đó, có tới gần 80% số người được hỏi cho rằng: Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước.
Sự hình thành và phát triển của tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài. Trong giai đoạn này, những kẻ tham nhũng lộ liễu hay lén lút đều tham lam chiếm đoạt tài sản nhà nước “thuộc sở hữu của toàn dân”. Trong khi đó, đối với tầng lớp đặc quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi từ chỗ ít ngăn chặn đến không tấn công, rồi bao che, thậm chí dung túng, khiến cho khối u ác tính này phát triển và lây lan nhanh chóng trên chính cơ thể của mình.
Khi Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị khối u ác tính làm cho thối rữa, biến chất thì nó bị nhân dân phỉ nhổ. Đó là điều tất yếu. (Trích NDĐT-Thời Nay ngày 15-8-2010).

20 năm sau, năm 2012 thủ tướng Liên bang Nga Medvedev trả lời báo Izvestia nói Liên Xô sụp đổ do chế độ độc đoán.
 Chủ nghĩa chuyên quyền độc đoán ngự trị thời Liên Xô đã khóa chặt nền kinh tế xô viết, tạo tình trạng chậm trễ cuối cùng dẫn đến sụp đổ…Chế độ Xô viết đã đạt được mục tiêu chính của nó, trong đó có chiến thắng kẻ thù rất mạnh, tận diệt nó, tạo các điều kiện cho châu Âu phát triển tự do…nhưng Liên Xô không biết tận dụng thời hậu chiến trong phát triển kinh tế mà vẫn là một xã hội độc đoán trói buộc nhiều quá trình kinh tế và đè nén mọi người….Tuy đã có nhiều tiến bộ được thực hiện nhưng theo tôi chế độ kinh tế và bộ máy chính trị Xô viết không thích hợp cho sự phát triển kinh tế bình thường”… “Các vấn đề kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm Liên Xô sụp đổ…Nếu kinh tế Liên Xô có sức cạnh tranh mạnh hơn, có lẽ tình hình đã khác”.
Chắc chắn phải sau nhiều thập kỉ nữa mới có lời giải thỏa đáng về sự kiện bi thảm này.
                                                                                                                                    SĐM

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

BIỆT LI, NHỚ NHUNG TỪ ĐÂY…

                                                                                                                           (nhạc sĩ Dzoãn Mẫn)
Cuối năm 1986 tôi đưa vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh. Ban ngày làm việc ở đơn vị, buổi tối, ngày nghỉ tranh thủ dịch sách, viết báo, vợ tôi bán cà phê thuốc lá…cuộc sống dần dần tạm ổn, sau hơn hai năm gia đình tôi vượt qua phần lớn những bế tắc hồi ở Hà Nội. Lãnh đạo thành phố có nhiều chủ trương chính sách sáng tạo, mạnh dạn xé rào, cởi trói cho sản xuất kinh doanh nên không khí ở đây thông thoáng, dễ làm ăn, dễ sống. Trong thành phố lại có nhiều người bạn vừa tốt bụng vừa có điều kiện san sẻ cho tôi nhiều thứ, giúp tôi vượt qua khó khăn. Ở Hà Nội tuy cũng có những bạn sẵn sàng giúp đỡ tôi nhưng họ không có khả năng sắm xe Dream như Thiết Vũ, không có con là ca sĩ đêm đêm nhận cát sê trị giá mấy cây vàng như Thái Thị Chi Lan... Các bạn ngoài ấy dù không ai lâm vào cảnh cùng quẫn được mô tả bằng câu vè có phần phóng đại Đầu đường đại tá bơm xe, Giữa đường trung tá bán chè đỗ đen, Cuối đường thiếu tá bán kem nhưng đều đang rất khó khăn, dù muốn giúp tôi nhưng lực bất tòng tâm.
Vào sống trong thành phố Hồ Chí Minh tôi không còn phải dậy từ 2, 3 giờ sáng đi xếp hàng đong gạo rồi phải về không vì kho hết gạo. Ở đây, mỗi ngày đầu tháng cứ mang bao tải đến ban Hậu cần của đơn vị là có gạo không kèm độn mang về. Ngày nào có thịt tiêu chuẩn, anh bạn Minh Đức đi nhận cho cả khoa giáo viên, mượn cân và dao thớt ngồi pha, chặt chia phần cho từng người đúng cân đúng lạng. Các tiêu chuẩn đường, nước mắm, đậu phụ v.v. đều được cung cấp đầy đủ, đúng hẹn. Các con tôi không còn phải lội bùn mót những cuống rau muống già đem về băm nhỏ hầm nhừ làm canh, tôi không phải hàng ngày bỏ giấc ngủ trưa cầm liềm đi cắt cỏ mang về nuôi thỏ…Mọi thứ từ tiện nghi sinh hoạt gia đình đến phương tiện đi lại, làm việc, giải trí đều dần dần được nâng cấp. Tôi không còn phải suốt ngày suốt đêm quanh quẩn kiếm cơm kiếm tiền mà đã có thì giờ làm vài việc có ích cho cộng đồng, đã có những phút ngồi uống trà với bạn bè thân thiết, phì phèo điếu thuốc đầu lọc tán gẫu với nhau về thế thái nhân tình. Cuộc sống đã có những niềm vui nho nhỏ, tôi tìm lại được tiếng cười tưởng chừng đã mất.

Nhưng vẫn nhiều lúc rất buồn.
Tháng Tư thành phố Hồ Chí Minh không tràn ngập hoa loa kèn như Hà Nội, nhưng đi trên đường phố đôi khi vẫn bắt gặp những bông hoa trinh trắng ấy vẫy gọi trở về với kí ức. Tháng Tám thành phố không có những làn gió thu thơm mùi cốm, đêm đêm vắng mùi hoa sữa khi ngát khi nồng tùy theo tâm trạng vui buồn …Với tôi Hà Nội đẹp hơn hẳn những thủ đô tôi đã đi qua, kể cả Paris hoa lệ. Hà Nội của tôi đẹp không đâu sánh kịp vì mỗi nơi mỗi chốn đều gắn với những người tôi thương mến quí yêu, mang ơn sâu nặng. Trường Bưởi bên bờ Hồ Tây mịt mùng khói tỏa ngàn sương[1] có bao nhiêu bạn cùng chí hướng đã hi sinh vì Tổ quốc… Quán sữa vỉa hè ga Hàng Lọng nơi Nguyễn Anh Bảo nhiều sáng vét hết tiền trong túi đưa tôi đến uống hot milk vì thương tôi gầy yếu sau khi ra tù Nhật… Làng Ngọc Hà có hai vợ chồng người Hoa chăm sóc tôi như ruột thịt, hàng ngày lo lắng bảo vệ tôi khỏi rơi vào tay địch…nơi cô vợ lính Lê dương người Đức trao cho tôi khẩu Walther của chồng làm quà cho Việt Minh… Ngõ Huế có anh trí thức trẻ theo đạo Thiên chúa đã nuôi tôi mấy tháng trời…Trên bến Phà Đen anh công nhân Tám đã dạy tôi bài học về tình hữu ái giai cấp…Đường Cổ Ngư có cô gái gần chết đói vẫn xẻ nắm cơm cho tôi một nửa… Vườn hoa Ba Đình tôi cùng đồng đội Tự vệ Chiến đấu bảo vệ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, cách không xa là Phủ Chủ tịch nơi tôi vào chúc Tết Bác Hồ năm Bính Tuất… Phố Gambetta trong ngôi nhà số 107 bí thư Lê Trung Toản đã chủ trì lễ kết nạp tôi vào đảng Cộng sản Đông Dương… Ga Hàng Cỏ đêm cuối tháng 12-1945 chật ních người mang cờ, hoa, đàn, sáo ra tiễn đoàn quân xung phong Nam tiến đầu tiên trong đó có tôi và 30 chàng trai Hà Nội…Ga tàu điện Bờ Hồ bọn Quốc dân đảng phản động đang hò hét “đả đảo Tổng tuyển cử” bị chúng tôi đánh cho tan tác, trong trận chiến ấy Lê Thành Quế đã anh dũng hi sinh …Chiến tuyến phố Hàng Thiếc trung đội phó Trần Đan tuy bị lựu đạn “lọ mực” nổ cướp làm gẫy tay phải vẫn dùng tay trái còn lại tiếp tục ném lựu đạn chặn đánh giặc Pháp, đồng đội phải lôi đi cưa cụt cánh tay gẫy, cưa tay mà không có thuốc mê… Tại ô Cầu Dền, Đỗ Đức Kiên đã cấp cho tôi những chiến sĩ thiện chiến nhất để thọc sâu vào sau lưng bọn Pháp, khuyến khích tôi viết bài báo đầu tiên trong đời…Phố Blockhaus-Nord (Phó Đức Chính) có căn nhà hai chị em tôi sống tuổi học trò mồ côi, nhường nhau từng củ khoai luộc thay cơm, nơi Lê Quang Đạo bí thư Đảng bộ Hà Nội đã dạy tôi bài học về cách mạng giải phóng dân tộc mở đường cho tôi đi tìm lẽ sống cuộc đời. Cửa sau căn nhà ấy thông ra phố Châu Long có cô nữ sinh Đồng Khánh đã gạt nước mắt dứt áo ra đi vì lão thầy bói Quỉ Cốc tử phán cô có tướng ‘sát phu’, trên má có nốt ruồi ‘thương phu trích lệ’…
Mỗi đường phố, mỗi ngõ nhỏ của Hà Nội đều có những con người đầy lòng yêu nước, hào hoa, thanh lịch, dũng cảm, nghĩa tình… Bao nhiêu kỉ niệm vui buồn không sao kể xiết của gần trọn đời sống và chiến đấu cùng Hà Nội, vì Hà Nội ùn ùn kéo về trĩu nặng trên tim nhiều lúc làm tôi tràn nước mắt.
Dù có đi bốn phương trời,
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội,
Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom một thời hòa bình[2]                               

Tôi có người bạn học cùng lớp tên là Châu rất đẹp trai, môi đỏ, da trắng, khuôn trăng đầy đặn, thân hình thanh tú nên trong ngày Hội Trường một năm đầu thập niên 1940 được Ba Khang -thầy dậy sử, trưởng ban tổ chức, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn ngày Hội Trường- giao cho Châu sắm vai Huyền Trân công chúa trong màn trình diễn cảnh nàng giã từ vua cha Trần Nhân Tông vào Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân đổi lấy châu Ô châu Rí cho nước nhà Đại Việt.
Nước non ngàn dặm ra đi…Châu vào sống trong Sài Gòn qua hơn nửa thế kỉ thì sinh bệnh phải nằm liệt giường. Nhớ Hà Nội lắm… Từ độ người đi thương nhớ âm thầm [3]  Châu bảo vợ dán tấm bản đồ Hà Nội lên bức tường ngay bên. Những lúc tỉnh, Châu ngước nhìn chằm chặp lên tấm bản đồ cố tìm lại những con đường in dấu thời trai trẻ…Tuổi phong sương ta vẫn gắng đi tìm… Chiếc cát xét cũ kĩ trong gian phòng nhỏ không ngớt thì thầm những bài hát về Hà Nội. Chị vợ ngồi bên giường cầm khăn luôn tay chấm chấm những giọt nước mắt rị ra từ đuôi mắt chồng.
Lúc biết mình sắp lìa đời, Châu cố vẫy ngón tay lên phía tường rồi chỉ vào ngực mình. Người vợ hiểu ý, gỡ tấm bản đồ đặt lên ngực chồng.
Châu về với Đất Mẹ Sài Gòn, trên ngực phủ tấm bản đồ Hà Nội.
Lúc phải đi khỏi cõi này, lòng vẫn ôm theo bóng hình nơi ấy. Để Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…                                                                                                                                           
 SĐM
---------------------------


[1] Thơ Dương Khuê, quan nhà Nguyễn (1839-1902).
2 Ca khúc Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
3 Ca khúc Có phải em là mùa thu Hà Nội.  Nhạc Trần Quân Lộc- thơ Tô Như Châu.