Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

BIỆT LI, NHỚ NHUNG TỪ ĐÂY…

                                                                                                                           (nhạc sĩ Dzoãn Mẫn)
Cuối năm 1986 tôi đưa vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh. Ban ngày làm việc ở đơn vị, buổi tối, ngày nghỉ tranh thủ dịch sách, viết báo, vợ tôi bán cà phê thuốc lá…cuộc sống dần dần tạm ổn, sau hơn hai năm gia đình tôi vượt qua phần lớn những bế tắc hồi ở Hà Nội. Lãnh đạo thành phố có nhiều chủ trương chính sách sáng tạo, mạnh dạn xé rào, cởi trói cho sản xuất kinh doanh nên không khí ở đây thông thoáng, dễ làm ăn, dễ sống. Trong thành phố lại có nhiều người bạn vừa tốt bụng vừa có điều kiện san sẻ cho tôi nhiều thứ, giúp tôi vượt qua khó khăn. Ở Hà Nội tuy cũng có những bạn sẵn sàng giúp đỡ tôi nhưng họ không có khả năng sắm xe Dream như Thiết Vũ, không có con là ca sĩ đêm đêm nhận cát sê trị giá mấy cây vàng như Thái Thị Chi Lan... Các bạn ngoài ấy dù không ai lâm vào cảnh cùng quẫn được mô tả bằng câu vè có phần phóng đại Đầu đường đại tá bơm xe, Giữa đường trung tá bán chè đỗ đen, Cuối đường thiếu tá bán kem nhưng đều đang rất khó khăn, dù muốn giúp tôi nhưng lực bất tòng tâm.
Vào sống trong thành phố Hồ Chí Minh tôi không còn phải dậy từ 2, 3 giờ sáng đi xếp hàng đong gạo rồi phải về không vì kho hết gạo. Ở đây, mỗi ngày đầu tháng cứ mang bao tải đến ban Hậu cần của đơn vị là có gạo không kèm độn mang về. Ngày nào có thịt tiêu chuẩn, anh bạn Minh Đức đi nhận cho cả khoa giáo viên, mượn cân và dao thớt ngồi pha, chặt chia phần cho từng người đúng cân đúng lạng. Các tiêu chuẩn đường, nước mắm, đậu phụ v.v. đều được cung cấp đầy đủ, đúng hẹn. Các con tôi không còn phải lội bùn mót những cuống rau muống già đem về băm nhỏ hầm nhừ làm canh, tôi không phải hàng ngày bỏ giấc ngủ trưa cầm liềm đi cắt cỏ mang về nuôi thỏ…Mọi thứ từ tiện nghi sinh hoạt gia đình đến phương tiện đi lại, làm việc, giải trí đều dần dần được nâng cấp. Tôi không còn phải suốt ngày suốt đêm quanh quẩn kiếm cơm kiếm tiền mà đã có thì giờ làm vài việc có ích cho cộng đồng, đã có những phút ngồi uống trà với bạn bè thân thiết, phì phèo điếu thuốc đầu lọc tán gẫu với nhau về thế thái nhân tình. Cuộc sống đã có những niềm vui nho nhỏ, tôi tìm lại được tiếng cười tưởng chừng đã mất.

Nhưng vẫn nhiều lúc rất buồn.
Tháng Tư thành phố Hồ Chí Minh không tràn ngập hoa loa kèn như Hà Nội, nhưng đi trên đường phố đôi khi vẫn bắt gặp những bông hoa trinh trắng ấy vẫy gọi trở về với kí ức. Tháng Tám thành phố không có những làn gió thu thơm mùi cốm, đêm đêm vắng mùi hoa sữa khi ngát khi nồng tùy theo tâm trạng vui buồn …Với tôi Hà Nội đẹp hơn hẳn những thủ đô tôi đã đi qua, kể cả Paris hoa lệ. Hà Nội của tôi đẹp không đâu sánh kịp vì mỗi nơi mỗi chốn đều gắn với những người tôi thương mến quí yêu, mang ơn sâu nặng. Trường Bưởi bên bờ Hồ Tây mịt mùng khói tỏa ngàn sương[1] có bao nhiêu bạn cùng chí hướng đã hi sinh vì Tổ quốc… Quán sữa vỉa hè ga Hàng Lọng nơi Nguyễn Anh Bảo nhiều sáng vét hết tiền trong túi đưa tôi đến uống hot milk vì thương tôi gầy yếu sau khi ra tù Nhật… Làng Ngọc Hà có hai vợ chồng người Hoa chăm sóc tôi như ruột thịt, hàng ngày lo lắng bảo vệ tôi khỏi rơi vào tay địch…nơi cô vợ lính Lê dương người Đức trao cho tôi khẩu Walther của chồng làm quà cho Việt Minh… Ngõ Huế có anh trí thức trẻ theo đạo Thiên chúa đã nuôi tôi mấy tháng trời…Trên bến Phà Đen anh công nhân Tám đã dạy tôi bài học về tình hữu ái giai cấp…Đường Cổ Ngư có cô gái gần chết đói vẫn xẻ nắm cơm cho tôi một nửa… Vườn hoa Ba Đình tôi cùng đồng đội Tự vệ Chiến đấu bảo vệ Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, cách không xa là Phủ Chủ tịch nơi tôi vào chúc Tết Bác Hồ năm Bính Tuất… Phố Gambetta trong ngôi nhà số 107 bí thư Lê Trung Toản đã chủ trì lễ kết nạp tôi vào đảng Cộng sản Đông Dương… Ga Hàng Cỏ đêm cuối tháng 12-1945 chật ních người mang cờ, hoa, đàn, sáo ra tiễn đoàn quân xung phong Nam tiến đầu tiên trong đó có tôi và 30 chàng trai Hà Nội…Ga tàu điện Bờ Hồ bọn Quốc dân đảng phản động đang hò hét “đả đảo Tổng tuyển cử” bị chúng tôi đánh cho tan tác, trong trận chiến ấy Lê Thành Quế đã anh dũng hi sinh …Chiến tuyến phố Hàng Thiếc trung đội phó Trần Đan tuy bị lựu đạn “lọ mực” nổ cướp làm gẫy tay phải vẫn dùng tay trái còn lại tiếp tục ném lựu đạn chặn đánh giặc Pháp, đồng đội phải lôi đi cưa cụt cánh tay gẫy, cưa tay mà không có thuốc mê… Tại ô Cầu Dền, Đỗ Đức Kiên đã cấp cho tôi những chiến sĩ thiện chiến nhất để thọc sâu vào sau lưng bọn Pháp, khuyến khích tôi viết bài báo đầu tiên trong đời…Phố Blockhaus-Nord (Phó Đức Chính) có căn nhà hai chị em tôi sống tuổi học trò mồ côi, nhường nhau từng củ khoai luộc thay cơm, nơi Lê Quang Đạo bí thư Đảng bộ Hà Nội đã dạy tôi bài học về cách mạng giải phóng dân tộc mở đường cho tôi đi tìm lẽ sống cuộc đời. Cửa sau căn nhà ấy thông ra phố Châu Long có cô nữ sinh Đồng Khánh đã gạt nước mắt dứt áo ra đi vì lão thầy bói Quỉ Cốc tử phán cô có tướng ‘sát phu’, trên má có nốt ruồi ‘thương phu trích lệ’…
Mỗi đường phố, mỗi ngõ nhỏ của Hà Nội đều có những con người đầy lòng yêu nước, hào hoa, thanh lịch, dũng cảm, nghĩa tình… Bao nhiêu kỉ niệm vui buồn không sao kể xiết của gần trọn đời sống và chiến đấu cùng Hà Nội, vì Hà Nội ùn ùn kéo về trĩu nặng trên tim nhiều lúc làm tôi tràn nước mắt.
Dù có đi bốn phương trời,
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội,
Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom một thời hòa bình[2]                               

Tôi có người bạn học cùng lớp tên là Châu rất đẹp trai, môi đỏ, da trắng, khuôn trăng đầy đặn, thân hình thanh tú nên trong ngày Hội Trường một năm đầu thập niên 1940 được Ba Khang -thầy dậy sử, trưởng ban tổ chức, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn ngày Hội Trường- giao cho Châu sắm vai Huyền Trân công chúa trong màn trình diễn cảnh nàng giã từ vua cha Trần Nhân Tông vào Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân đổi lấy châu Ô châu Rí cho nước nhà Đại Việt.
Nước non ngàn dặm ra đi…Châu vào sống trong Sài Gòn qua hơn nửa thế kỉ thì sinh bệnh phải nằm liệt giường. Nhớ Hà Nội lắm… Từ độ người đi thương nhớ âm thầm [3]  Châu bảo vợ dán tấm bản đồ Hà Nội lên bức tường ngay bên. Những lúc tỉnh, Châu ngước nhìn chằm chặp lên tấm bản đồ cố tìm lại những con đường in dấu thời trai trẻ…Tuổi phong sương ta vẫn gắng đi tìm… Chiếc cát xét cũ kĩ trong gian phòng nhỏ không ngớt thì thầm những bài hát về Hà Nội. Chị vợ ngồi bên giường cầm khăn luôn tay chấm chấm những giọt nước mắt rị ra từ đuôi mắt chồng.
Lúc biết mình sắp lìa đời, Châu cố vẫy ngón tay lên phía tường rồi chỉ vào ngực mình. Người vợ hiểu ý, gỡ tấm bản đồ đặt lên ngực chồng.
Châu về với Đất Mẹ Sài Gòn, trên ngực phủ tấm bản đồ Hà Nội.
Lúc phải đi khỏi cõi này, lòng vẫn ôm theo bóng hình nơi ấy. Để Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…                                                                                                                                           
 SĐM
---------------------------


[1] Thơ Dương Khuê, quan nhà Nguyễn (1839-1902).
2 Ca khúc Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
3 Ca khúc Có phải em là mùa thu Hà Nội.  Nhạc Trần Quân Lộc- thơ Tô Như Châu.








TÔI LÀ THẰNG ĐÁNG GHÉT



Rời trường Quân chính Trường Sơn, tôi ra Hà Nội nhận công tác ở ban Tổng kết Công tác đảng-Công tác chính trị trực thuộc Tổng cục Chính trị. Tôi được phân công tổng kết phần ‘Công tác cán bộ’ –Trong đánh Mĩ công tác này do một vị tướng chủ trì, bây giờ cũng chính ông tướng ấy phụ trách tổng kết toàn bộ các mặt công tác đảng, công tác chính trị.
Bản đề cương được thông qua sau bốn tháng khởi thảo. Bám sát đề cương, chúng tôi viết các phần kiểm điểm, đánh giá thành tích, ưu điểm và thiếu sót, khuyết điểm của các đơn vị, các cấp, nhất là của Tổng cục Chính trị.
Phần thành tích, ưu điểm được  thông qua sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa tướng với cán bộ ban Tổng kết. Nhiều vấn đề tuy là chân lí hai năm rõ mười nhưng phải mất nhiều thì giờ bàn cãi mới đi đến thống nhất. Ví dụ: khi nhận định về nguyên nhân tạo nên tinh thần chiến đấu cao của quân đội ta, ý của tướng là “phải nêu bật sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định tinh thần chiến đấu cao của quân đội ta” nhưng các cán bộ ban Tổng kết một mực cho rằng tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm mới là nhân tố quyết định. Trong báo cáo chính trị tại đại hội II của Đảng tháng 2-1951 Bác Hồ nói:
Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Chúng tôi cho rằng phải nêu bật truyền thống chống ngoại xâm đã hình thành trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ngay từ trước khi có Đảng. Phải đề cao sự lãnh đạo của Đảng nhưng không phải bằng cách phủ nhận truyền thống lâu đời của dân tộc. Tôi dẫn chứng: “Hồi 1946 phần đông các làng bản ở ngoại ô Hà Nội, ở các vùng hẻo lánh của Hà Đông, Sơn Tây đều chưa có tổ chức Đảng, các đội dân quân du kích chưa biết công tác chính trị lãnh đạo tư tưởng là gì nhưng nhờ có truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước nên họ chiến đấu rất dũng cảm”. Sau nhiều ngày bàn cãi sôi nổi, cuối cùng vị tướng thỏa thuận sẽ viết “trên nền tảng vốn có là tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy cao độ tinh thần chiến đấu hi sinh của quân đội tạo thành một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi”.
Viết phần ưu điểm đã khó viết phần khuyết điểm càng khó hơn gấp bội,  nhiều cuộc tranh luận diễn ra rất căng thẳng. Rõ ràng ông tướng không dễ nhận khuyết điểm trong sự lãnh đạo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị mà ông là một trong những người đứng đầu. Hôm sơ bộ thông qua phần Công tác Cán bộ, sau khi khẳng định thành tích xây dựng được một đội ngũ cán bộ đông đảo, đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao từ đánh nhỏ lên đánh lớn hợp đồng binh chủng v.v.. tôi nêu hai vấn đề :
1/ Không nên xác định đường lối công tác cán bộ là ‘lấy công nông làm cốt cán’ mà nên ‘lấy đảng viên làm cốt cán’. Ta coi đảng viên là những phần tử ưu tú nhất, là người đứng trong hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân vì thế họ là đối tượng chủ yếu trong công tác đào tạo và đề bạt cán bộ. Để thể hiện đầy đủ hơn đường lối giai cấp trong công tác cán bộ thì nêu ‘lấy đảng viên xuất thân hoặc bản thân là công nhân, nông dân lao động làm cốt cán’.
2/ Trong công tác đề bạt Tổng cục chấp nhận chủ trương của Cục Cán bộ ‘một năm không phải là nhanh mười năm không phải là chậm’ là vi phạm Luật Phục vụ của Sĩ quan.
Nghe nói đến luật Sĩ quan, ông tướng hỏi:
 - Luật nói thế nào?
 - Luật Phục vụ của Sĩ quan do Quốc hội ban hành năm 1958, điều 11 qui định niên hạn tối thiểu của sĩ quan tại ngũ để xét việc thăng cấp bậc cho từng cấp. Ví dụ: từ Thiếu uý lên Trung úy 3 năm, từ Đại úy lên Thiếu tá 4 năm, từ Thượng tá lên Đại tá 5 năm,  từ Đại tá trở lên thì căn cứ vào nhu cầu của Quân đội và đức tài, thành tích của sĩ quan mà quyết định.
Ông tướng ngẩn mặt vài giây rồi nói:
- Luật là một chuyện, khi vận dụng phải linh hoạt không máy móc.
Tôi không tán thành kiểu ‘vận dụng’ tùy tiện ấy. Theo tôi, có thể đề bạt trước thời hạn thậm chí vượt cấp, ngược lại có thể kéo dài thời hạn giữ cấp nhưng Tổng cục phải có những qui định cụ thể, những chuẩn mực rõ ràng. Không có những chuẩn mực ấy nên đã xẩy ra tình trạng nâng đỡ hoặc dìm dập theo cảm tính yêu ghét. Kẻ chẳng có tài cán gì, chưa một lần ngửi mùi thuốc súng nhưng nhờ khéo ‘vâng, dạ’ nên lên cấp vùn vụt, người có trình độ nhưng không chịu nịnh hót, thẳng thắn trung thực góp ý với trên thì thường bị ghét bỏ, quân hàm mốc meo vẫn không được lên cấp…
Cuộc tranh luận giữa tôi với ông tướng về hai vấn đề trên kéo dài cả tháng vẫn chưa phân thắng bại. Tôi đang ra sức sưu tầm tư liệu chuẩn bị lí lẽ rắp tâm cãi đến cùng để bảo vệ chân lí thì một hôm anh bạn Thế Trường nói nhỏ với tôi:
- Sáng hôm trước anh không dự họp, ông ấy nói với bọn tôi ‘Cái thằng đáng ghét ấy không đến à? Càng tốt. Mới thấy nó thò mặt qua cổng là tao đã tức lộn ruột lên rồi! Thằng ấy lắm mồm lắm mà lí sự của nó thối đéo ngửi được.
Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khoảng 10% thủ trưởng không khó chịu khi cấp dưới có ý kiến trái ý mình, số đông khi gặp bọn "tiểu tư sản cứng đầu" thường qui chụp lên đầu chúng những tội tự kiêu, tự mãn, tự phụ, lí luận suông, xa rời thực tế v.v... Ông tướng này thuộc loại ấy, đã thế còn có tật nói năng bỗ bã, thích văng tục. Hồi Lê Quang Đạo còn làm phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thấy ông tướng văng tục giữa một cuộc họp đông cán bộ cấp dưới, Lê Quang Đạo nhắc khéo:
-Anh văng ra nhiều thế ai dọn vệ sinh cho xuể?
Ông tướng vênh mặt:
-Thành phần cơ bản mà lị!
Lê Quang Đạo không ‘khéo’ nữa, cau mặt:
-Anh không được bêu riếu thành phần cơ bản!
Ông tướng ấy im re.
Cuộc tranh luận xung quanh công tác cán bộ kéo dài nhiều tháng. Chẳng riêng công tác này mà các mặt công tác khác của công tác Đảng-công tác Chính trị trong quân đội ta tuy có nhiều thành công nhưng cũng có thiếu sót, khuyết điểm. Khi đánh giá mức độ, hậu quả tiêu cực của những thiếu sót, khuyết điểm này giữa ban Tổng kết và một số lãnh đạo chủ chốt của các Cục và Tổng cục Chính trị có nhều nhận định trái ngược nhau, không kết luận được. Vì thế, bản Tổng kết sau khi viết xong không được công bố mà phải nằm trong két sắt của Tổng cục Chính trị.

                                                                                                                                                          SĐM