Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

TÔI LÀ THẰNG ĐÁNG GHÉT



Rời trường Quân chính Trường Sơn, tôi ra Hà Nội nhận công tác ở ban Tổng kết Công tác đảng-Công tác chính trị trực thuộc Tổng cục Chính trị. Tôi được phân công tổng kết phần ‘Công tác cán bộ’ –Trong đánh Mĩ công tác này do một vị tướng chủ trì, bây giờ cũng chính ông tướng ấy phụ trách tổng kết toàn bộ các mặt công tác đảng, công tác chính trị.
Bản đề cương được thông qua sau bốn tháng khởi thảo. Bám sát đề cương, chúng tôi viết các phần kiểm điểm, đánh giá thành tích, ưu điểm và thiếu sót, khuyết điểm của các đơn vị, các cấp, nhất là của Tổng cục Chính trị.
Phần thành tích, ưu điểm được  thông qua sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa tướng với cán bộ ban Tổng kết. Nhiều vấn đề tuy là chân lí hai năm rõ mười nhưng phải mất nhiều thì giờ bàn cãi mới đi đến thống nhất. Ví dụ: khi nhận định về nguyên nhân tạo nên tinh thần chiến đấu cao của quân đội ta, ý của tướng là “phải nêu bật sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định tinh thần chiến đấu cao của quân đội ta” nhưng các cán bộ ban Tổng kết một mực cho rằng tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm mới là nhân tố quyết định. Trong báo cáo chính trị tại đại hội II của Đảng tháng 2-1951 Bác Hồ nói:
Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Chúng tôi cho rằng phải nêu bật truyền thống chống ngoại xâm đã hình thành trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ngay từ trước khi có Đảng. Phải đề cao sự lãnh đạo của Đảng nhưng không phải bằng cách phủ nhận truyền thống lâu đời của dân tộc. Tôi dẫn chứng: “Hồi 1946 phần đông các làng bản ở ngoại ô Hà Nội, ở các vùng hẻo lánh của Hà Đông, Sơn Tây đều chưa có tổ chức Đảng, các đội dân quân du kích chưa biết công tác chính trị lãnh đạo tư tưởng là gì nhưng nhờ có truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước nên họ chiến đấu rất dũng cảm”. Sau nhiều ngày bàn cãi sôi nổi, cuối cùng vị tướng thỏa thuận sẽ viết “trên nền tảng vốn có là tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy cao độ tinh thần chiến đấu hi sinh của quân đội tạo thành một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi”.
Viết phần ưu điểm đã khó viết phần khuyết điểm càng khó hơn gấp bội,  nhiều cuộc tranh luận diễn ra rất căng thẳng. Rõ ràng ông tướng không dễ nhận khuyết điểm trong sự lãnh đạo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị mà ông là một trong những người đứng đầu. Hôm sơ bộ thông qua phần Công tác Cán bộ, sau khi khẳng định thành tích xây dựng được một đội ngũ cán bộ đông đảo, đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao từ đánh nhỏ lên đánh lớn hợp đồng binh chủng v.v.. tôi nêu hai vấn đề :
1/ Không nên xác định đường lối công tác cán bộ là ‘lấy công nông làm cốt cán’ mà nên ‘lấy đảng viên làm cốt cán’. Ta coi đảng viên là những phần tử ưu tú nhất, là người đứng trong hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân vì thế họ là đối tượng chủ yếu trong công tác đào tạo và đề bạt cán bộ. Để thể hiện đầy đủ hơn đường lối giai cấp trong công tác cán bộ thì nêu ‘lấy đảng viên xuất thân hoặc bản thân là công nhân, nông dân lao động làm cốt cán’.
2/ Trong công tác đề bạt Tổng cục chấp nhận chủ trương của Cục Cán bộ ‘một năm không phải là nhanh mười năm không phải là chậm’ là vi phạm Luật Phục vụ của Sĩ quan.
Nghe nói đến luật Sĩ quan, ông tướng hỏi:
 - Luật nói thế nào?
 - Luật Phục vụ của Sĩ quan do Quốc hội ban hành năm 1958, điều 11 qui định niên hạn tối thiểu của sĩ quan tại ngũ để xét việc thăng cấp bậc cho từng cấp. Ví dụ: từ Thiếu uý lên Trung úy 3 năm, từ Đại úy lên Thiếu tá 4 năm, từ Thượng tá lên Đại tá 5 năm,  từ Đại tá trở lên thì căn cứ vào nhu cầu của Quân đội và đức tài, thành tích của sĩ quan mà quyết định.
Ông tướng ngẩn mặt vài giây rồi nói:
- Luật là một chuyện, khi vận dụng phải linh hoạt không máy móc.
Tôi không tán thành kiểu ‘vận dụng’ tùy tiện ấy. Theo tôi, có thể đề bạt trước thời hạn thậm chí vượt cấp, ngược lại có thể kéo dài thời hạn giữ cấp nhưng Tổng cục phải có những qui định cụ thể, những chuẩn mực rõ ràng. Không có những chuẩn mực ấy nên đã xẩy ra tình trạng nâng đỡ hoặc dìm dập theo cảm tính yêu ghét. Kẻ chẳng có tài cán gì, chưa một lần ngửi mùi thuốc súng nhưng nhờ khéo ‘vâng, dạ’ nên lên cấp vùn vụt, người có trình độ nhưng không chịu nịnh hót, thẳng thắn trung thực góp ý với trên thì thường bị ghét bỏ, quân hàm mốc meo vẫn không được lên cấp…
Cuộc tranh luận giữa tôi với ông tướng về hai vấn đề trên kéo dài cả tháng vẫn chưa phân thắng bại. Tôi đang ra sức sưu tầm tư liệu chuẩn bị lí lẽ rắp tâm cãi đến cùng để bảo vệ chân lí thì một hôm anh bạn Thế Trường nói nhỏ với tôi:
- Sáng hôm trước anh không dự họp, ông ấy nói với bọn tôi ‘Cái thằng đáng ghét ấy không đến à? Càng tốt. Mới thấy nó thò mặt qua cổng là tao đã tức lộn ruột lên rồi! Thằng ấy lắm mồm lắm mà lí sự của nó thối đéo ngửi được.
Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khoảng 10% thủ trưởng không khó chịu khi cấp dưới có ý kiến trái ý mình, số đông khi gặp bọn "tiểu tư sản cứng đầu" thường qui chụp lên đầu chúng những tội tự kiêu, tự mãn, tự phụ, lí luận suông, xa rời thực tế v.v... Ông tướng này thuộc loại ấy, đã thế còn có tật nói năng bỗ bã, thích văng tục. Hồi Lê Quang Đạo còn làm phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thấy ông tướng văng tục giữa một cuộc họp đông cán bộ cấp dưới, Lê Quang Đạo nhắc khéo:
-Anh văng ra nhiều thế ai dọn vệ sinh cho xuể?
Ông tướng vênh mặt:
-Thành phần cơ bản mà lị!
Lê Quang Đạo không ‘khéo’ nữa, cau mặt:
-Anh không được bêu riếu thành phần cơ bản!
Ông tướng ấy im re.
Cuộc tranh luận xung quanh công tác cán bộ kéo dài nhiều tháng. Chẳng riêng công tác này mà các mặt công tác khác của công tác Đảng-công tác Chính trị trong quân đội ta tuy có nhiều thành công nhưng cũng có thiếu sót, khuyết điểm. Khi đánh giá mức độ, hậu quả tiêu cực của những thiếu sót, khuyết điểm này giữa ban Tổng kết và một số lãnh đạo chủ chốt của các Cục và Tổng cục Chính trị có nhều nhận định trái ngược nhau, không kết luận được. Vì thế, bản Tổng kết sau khi viết xong không được công bố mà phải nằm trong két sắt của Tổng cục Chính trị.

                                                                                                                                                          SĐM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét