Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

TÔI LÀ THẰNG LIỀU



Tết Ất Dậu năm 1945 tôi về làng Hội Thống huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ăn Tết với bà ngoại. Đêm giao thừa tôi đang thủ thỉ thăm dò lòng yêu nước của anh Niêm con cậu chắt Trí, định vài ngày nữa sẽ đưa anh vào hội Nông dân Cứu quốc thì có tiếng gọi qua hàng rào sau nhà:
- Bớ anh Niêm! Mở cổng có người kêu nè.
Anh Niêm mừng rỡ, huých tôi:
- Hàng xóm đi biển kiếm được cá, gọi ta sang lấy. Mai anh em mình có cá tươi ăn rồi.
Ở xóm này vẫn có lệ thay phiên nhau nấu nồi nước chè xanh gọi hàng xóm sang cùng uống, nhà làm nghề biển được cá thì gọi hàng xóm sang chia phần.
Thằng con anh Niêm chạy ra mở cổng. Hai tên lính lệ xách hai chiếc đèn chai lách qua người nó đi thẳng vào nhà, theo sau là anh lí Đồng con cậu đĩ Nhường. Hai tên lính soi đèn vào chõng bà ngoại đang nằm,  rồi tới trước cửa buồng lớn tiếng hỏi:
- Nguyễn Phan mô?
Tôi tụt xuống giường, đáp:
- Tôi đây.
- Bận quần áo, lên huyện. Quan huyện đòi.
Tôi nghĩ ngay đến số tài liệu Việt Minh trong túi quần móc trên vách liếp cạnh hòm thóc. Tôi chậm chậm đi ra chỗ bà ngoại đang nằm rên hừ hừ, trèo lên chõng. Chõng hẹp, bề ngang chỉ khoảng sáu mươi phân, trên chõng lúc này có hai bà cháu nên hai tên lính lệ đành đứng dưới đất giơ cao chiếc đèn chai sau lưng tôi. Soi cao đèn như thế kia nhất định chúng bị lóa mắt, bóng tôi lại che kín chiếc quần móc trên vách nên chúng không thể trông thấy tôi đang nhanh tay lấy hết những tài liệu quốc cấm trong túi quần giắt vào vách liếp. Hai thằng lính vẫn đứng im dưới đất soi đèn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, mặc blu-dông, mặc quần tây bước xuống. Một tên rút còng trong túi bập vào cổ tay tôi. Bà ngoại òa khóc:
- Cháu ơi! tội tình chi mà cực rứa cháu ơi!
Tên lính nhăn nhở:
-Không can chi mô. Quan huyện hỏi đôi điều rồi cho về ngay.
Tôi an ủi:
- Bà và các cậu các anh ả đừng lo. Ngoại cố giữ sức khỏe chờ con về.
Hai tên lính cầm đèn vào phòng hất tung chiếu trên giường. Anh Niêm đứng tựa lưng vào vách liếp, đưa mắt dáo dác nhìn hai tên lính, trên mặt lộ vẻ vừa căm tức vừa thoáng sợ sệt. Khi trở ra, một tên trèo lên chõng lấy chiếc ba lô trên hòm thóc xuống lục tung tóe, vứt hết quần áo ra ngoài rồi tới bàn thờ nghiêng ngó, sau cùng nó khám túi áo túi quần tôi. Không thấy gì.
Hai đứa giải tôi ra ngõ. Bà con hàng xóm nấp sau hàng rào chè tươi, dưới gốc vối, bụi tre lặng lẽ nhìn theo.
x  x  x
Trời tối đen, mưa phùn làm mái tóc bết chặt rỏ nước xuống gáy xuống ngực làm tôi rét run. Tôi rất băn khoăn không biết do đâu xẩy ra cơ sự này. May mà chúng không tóm được tài liệu. Mình sẽ chối phăng, không nghe, không thấy, không biết… Mải suy tính, tôi vấp chân vào mô đất loạng choạng vài bước rồi húc đầu vào lưng thằng lính đi trước. Nó hốt hoảng rú lên:
- Chui cha! Cái chi rứa bay? Trời, choa hết hồn!
Tôi mím chặt môi để khỏi bật cười, nghĩ bụng:  “Giá mình kịp xây dựng cơ sở trong làng thì chỉ cần vài ba anh em tự vệ cứu quốc là đủ gô cổ mấy thằng nhát như cáy này, giải thoát cho mình. Tiếc quá! Mình đã bỏ lỡ thời cơ. Việc có thể làm hôm nay thì chớ để đến ngày mai!"
 Trụ sở huyện hiện ra lờ mờ xa bên tay phải,  tôi đi chậm lại liếc nhìn vào thấy vẫn tối om. Tên lính đi sau đẩy vào lưng tôi, quát:
-Đi! Còn ngái mới tới.
Thì ra không phải là huyện đòi như chúng nói. Đi qua ngã ba cây Da Lách tới phà Bến Thủy, tên lính hú lên mấy tiếng, một chiếc thuyền nhỏ khua chèo oàm oạp cặp vào bờ. Sang tới bờ bên kia, màn đêm đang đen kịt bỗng sáng lóa mắt, tiếng máy ô tô rộ lên. Một bóng đen to cao nhẩy xuống đi theo vệt đèn pha tới  rì rầm vài câu với hai tên lính lệ rồi tới trước mặt tôi. Nước da nâu sạm, nói tiếng ta rất sõi nó ôn tồn:
- Chào anh. Anh là Nguyễn Phan phải không? Tôi chờ anh đã lâu. Mời anh lên xe.
Hắn mở cửa đẩy tôi lên ghế sau. Vừa đặt một chân lên bậc bất chợt tôi giật mình lùi lại : một con chó béc-giê rất to ngồi thành một đống lù lù đen chùi chũi trên ghế cất tiếng gầm gừ dữ tợn. Tên tây lai da đen suỵt một tiếng, con chó im bặt. Xe gài số lao đi. Suốt dọc đường, con béc-giê luôn ghé mõm thở hồng hộc vào tai tôi. Mỗi khi tôi cựa quậy nó lại  «gừ»  một tiếng…
Tới sở Liêm Phóng thành phố Vinh, tôi bị nhốt vào phòng giam. Rạng sáng, hai tên mật thám mặc thường phục đưa tôi ra ga tàu hỏa, hai tay vẫn bị xích, bụng đói cồn cào, miệng khát khô. Hai đứa xốc nách nhấc bổng tôi lên đặt ngồi xổm giữa chúng trên toa đen. Xung quanh chật ních người với thúng mủng quang gánh lủng củng những nắm khoai lang khô, lác đác vài đấu cám, vài đấu tấm vơi vơi.
Tàu đỗ ga Thanh Hóa.
Chúng đưa tôi lên xe kéo về sở Liêm Phóng. Liếc nhìn căn phòng rộng chừng bốn chục thước vuông chật ních những gương mặt trẻ măng, hầu hết là bạn học trường Bưởi, tôi chột dạ: sao mà bị bắt nhiều thế! Trong số ấy chỉ thấy Huy con trong tiểu tổ tôi, không thấy Đu. Tôi càng yên tâm hơn khi không thấy Lã Triều Khu, nhân vật chủ yếu biết rõ tôi.
Ở một góc phòng có mấy người không phải học trò trường Bưởi. Một anh trắng trẻo, nhỏ bé, đeo kính cận, nghĩ mãi tôi mới nhớ ra đó là anh Võ Đắc Huề[1] giáo viên trường Nord-Annam giữ liên lạc giữa Lã Triều Khu với tỉnh bộ Việt minh Thanh hóa. Tôi đã vài lần đi với Khu đến gặp anh.Anh kia là Hồ Trúc[2] giáo viên trường thày dòng Mission. Anh thứ ba là Trương Khâm, chủ hiệu sách Hạc Thành. Những người khác thì tôi không biết. Do đâu các anh bị chúng bắt giam?  Do đâu số bạn trường Bưởi bị bắt nhiều thế? Mà lại bị đúng vào lúc đang cần và đang có điều kiện mở rộng phong trào cứu quốc ở trường, ở tỉnh Thanh, đang dự định tổ chức đội du kích, lập chiến khu! Tai hại  quá!
Tôi được tháo còng tay, len vào ngồi bên Đường, Kim Khánh hai bạn cùng lớp. Tôi hỏi Đường:
- Sao nó bắt cậu?
Đường hất hàm ra phía cửa:
- Tại thằng kia. Thằng khốn nạn! Nó phun ra cả thảy ba mươi hai anh em mình.
Đường lại hất hàm về phía cửa có một cậu ngồi gần như tách khỏi mọi người: Lê Đỗ Nguyên[3] lớp Nhì C. Tôi lết tới bên, dằn giọng hỏi:
- Sao mày khai lắm thế? Mà mày biết đếch gì về tao mà khai ra cả tao?
Nguyên nhếch mép chẳng ra cười chẳng ra mếu, thản nhiên đáp:
- Thấy bọn mật thám kháo nhau  Ce sont des gosses qui ne savent pas encore se moucher.(Chúng nó là bọn trẻ ranh hỉ mũi chưa sạch) nên tớ tương kế tựu kế khai thật nhiều để chúng thấy đây là bọn trẻ con a dua đua đòi nhau chứ chẳng phải là Việt Minh hay Cộng Sản, ái quần ái quốc gì.
Tôi gầm lên:
- Đồ hèn!
Khoảng 9 giờ sáng,  một tên mật thám mở phòng giam ra hiệu cho Lê Đỗ Nguyên đi theo hắn. Không thấy Nguyên trở lại, nó được thả vì có công tố giác 32 người. Quá trưa lại loảng xoảng tiếng xích, một tên mật thám mở cửa vừa gọi vừa chỉ tay ra hiệu :  
- Nguyễn Phan! Lên phòng ông chánh thanh tra.

Tôi bị chúng tra tấn, quay điện trong mười ngày liền nhưng không khai điều nào có "giá trị", cuối cùng trong phòng giam chỉ còn lại tôi và Huy “con”, hai anh Huề, Trúc, và ba đoàn viên Cứu quốc thị xã. Những anh em khác đã được thả vì bọn mật thám không thu được bằng chứng gì. Vài ngày sau, bẩy người chúng tôi bị tống vào nhà tù Thanh Hóa. Tên quản khố xanh dùng hắc ín viết lên lưng áo số tù của từng người. Hắn viết lên áo tôi số 54 rồi cầm tông-đơ cạo trọc đầu tôi. Hắn mỉa mai:
-Bố mẹ cho bay đi học thành cậu tú, nhưng bay ngu dại nên biến thành thằng tù!
Mỗi ngày tù được ăn một bữa với nắm cơm nấu nước vôi to vừa bằng quả trứng vịt, thức ăn là cái mảnh đầu cá khô trong khi ăn phải đập mạnh cho dòi bò hết ra. Đêm mùa đông nằm co ro không chăn chiếu trên tấm phản gỗ đầy rệp, sáng sáng cởi quần áo cầm chiếc bát bằng vỏ dừa miết theo đường chỉ để giết bớt rận, trứng rận nổ lép bép.
Một tháng sau, chúng tôi bị đưa ra tòa án Nam triều tỉnh Thanh xử tội “làm loạn” với bản án 3 năm tù. Nhưng cuộc đảo chính mùng 9 tháng 3 năm 1945 vừa nổ ra, bộ máy chính quyền tay sai đế quốc Pháp bị lật đổ.. “ Tòa” vừa dứt lời tuyên án liền bị nhân dân dự khán hét to “ Đả đảo! Đả đảo ! Bắt giam ngay ba thằng tay sai đế quốc đàn áp người yêu nước! “ Cả ba tên hốt hoảng bỏ chạy qua cửa hậu ném lại sau lưng câu “Cho hưởng án treo”.
   Mấy bạn tù người Thanh Hóa về nhà, số còn lại và vài bạn học về nhà thầy Huề ngồi nghỉ chốc lát trước khi chia tay. Một cậu tới bên tôi, tự giới thiệu:
- Mình là Khôi[4] anh ruột Đỗ Nguyên.
Tôi nhìn cậu ta, vẻ dửng dưng không có thiện cảm. Khôi tiếp:
- Cậu yếu lắm. Về nhà mình nghỉ ít lâu cho khỏe rồi đi đâu hãy đi.
   Thấy đây là dịp tìm hiều thêm về gia đình tên Nguyên, về trường hợp hắn bị bắt, vả lại lúc này  chưa có ý định đi đâu, làm gì nên tôi nhận lời.
   Bố mẹ Nguyên là địa chủ có hàng trăm mẫu ruộng phát canh thu tô ở ấp Thị Long huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, có ngôi nhà gạch bề thế giữa thị xã, bốn bề là vườn trồng ngô, su hào và nhiều loại rau xanh. Trong một tuần ở đây, tôi được Khôi chăm sóc chu đáo từ ăn, ngủ đến thể dục, giải trí. Tôi cảm nhận rất rõ niềm ân hận của Khôi về tội lỗi của thằng em. Chú Lê Đỗ An[5] cũng rất ngoan, rất niềm nở, sốt sắng giúp đỡ tôi mọi mặt, sáng nào cũng rủ tôi đánh bóng bàn. Sau độ nửa giờ, An đưa tôi vào buồng tắm, múc nước giếng mang vào cho tôi.
Bẩy ngày sau tôi trở ra Hà Nội, chắp mối với đoàn thể. Từ cuối tháng 3-1945 đến 19 tháng 8-1945, tôi nối liên lạc với hầu hết những đường dây Thanh niên Cứu quốc của trường Bưởi, trường Thăng Long, Đỗ Hữu Vị và nhiều trường Đại học. Tuy theo nguyên tắc bí mật, người trong đường dây này không được biết người của đường dây khác nhưng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa này tâm lí chủ quan khá phổ biến, các đường dây gần như đã ra “công khai” hết. Trong những đường dây ấy, không thấy bóng dáng Lê Đỗ Nguyên, cũng không nghe thấy bất cứ bạn trường Bưởi nào nói đến hắn ta.
Ngày 25-8-1945 đội Tự vệ Chiến đấu thành Hoàng Diệu ra đời.. Đại đội có 3 trung đội: Tô Hiệu, Ký Con và trung đội Hà Huy Tập. Ngay buổi đầu họp đại đội tôi thấy Lê Đỗ Nguyên ngồi trong trung đội Hà Huy Tập. Lúc ấy tôi không nghĩ đến tội hắn đã hèn nhát khai ra 32 bạn học trong đó có tôi bị tra tấn, quay điện rồi bỏ tù …trái lại rất mừng khi thấy hắn đứng trong đội ngũ cách mạng. “Thế là tốt, để cho nó lập công chuộc tội”. Tôi không hé răng với ai vụ khai báo của hắn 6 tháng trước. Và suốt 41 năm sau đó, tôi không lúc nào nghĩ đến chuyện ấy nữa, vì toàn chiến đấu ở những chiến trường xa nên không lần nào thấy lại mặt hắn mà cũng chẳng nghe tin tức gì về hắn.
Cho đến năm 1986 trước Đại hội VI của Đảng. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp Ủy viên trung ương Đảng cho biết ban Tổ chức ghi tên Hồng Cư trong danh sách đề cử vào Trung ương. Lúc này tôi là cán bộ ban Tổng kết trực thuộc Tổng cục Chính trị, Lê Đỗ Nguyên đeo quân hàm trung tướng với bí danh Phạm Hồng Cư làm phó chủ nhiệm Tổng cục, là thủ trưởng của tôi. Tố giác hắn chắc chắn tôi sẽ bị hắn trả thù, nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể để hắn có cơ may lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tôi xin gặp Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nói rõ vụ khai báo nghiêm trọng của trung tướng Phạm Hồng Cư hồi tháng Hai năm 1945.
Nhiều người trong đơn vị biết tin. Một anh bạn thân đến gặp tôi, nói:
             -Đáng lẽ cậu không nên làm thế. Chỉ tổ mang vạ vào thân.
Tôi hỏi:
-Thế cứ để nó ung dung lọt vào Trung ương à?
-Ý mình không phải thế. Phải chặn đường nó, nhưng bằng thư nặc danh chứ không lộ mặt. Là thủ trưởng của cậu nó sẽ dìm cậu đến chết không ngóc đầu lên được. Cậu hết đường lên tướng, mất tiêu chuẩn xe hơi nhà lầu và hàng chục quyền lợi khác. Cậu liều quá! Dám mó dái ngựa vuốt râu hùm!
Mất những thứ ấy kể cũng tiếc thật. Nhưng tôi nghĩ ‘Nhiều đảng viên đã hi sinh cả tính mạng để bảo vệ Đảng, những thứ tôi để vuột khỏi tay có đáng gì !
                                                                                                                                                SĐM










        [1] Sau này lấy bí danh Trần Quang Huy, tháng 8-1945  là thành viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội
[2] Bí danh của Nguyễn Tài Uyên, nguyên bí thư trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,  thứ trưởng Bộ Giáo dục.

 3 Con thứ hai của Lê Đỗ Kỳ địa chủ có hàng trăm mẫu ruộng ở Nông Cống (Thanh Hóa). Vào bộ đội, che giấu thành phần địa chủ và tội khai báo cho mật thám Pháp bắt 32 người, leo lên đến cấp trung tướng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt nam.
       
[4] Lê Đỗ Khôi nguyên chính trị viên tiểu đoàn (E169 F312) hi sinh trong chiến dịch Điện Biên     Phủ  vài  giờ trước khi quân ta chiếm  hầm De Castries.
[5] Bí danh Tiên Phong  phó trưởng ban Dân vận TW.

                                                                                                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét