Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CÁ RÔ ĐẦM SÉT



         Ra khỏi nhà tù Thanh Hóa, giữa tháng Ba 1945 tôi ra Hà Nội. Nghe tin, Nguyễn Anh Bảo[1] ủy viên Ban Chấp hành đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội) đến gặp ngay. Sau khi bàn công việc Bảo đưa tôi đến  làng Ngọc Hà.
Dọc đuờng Bảo giới thiệu:
- Mình đưa Phan đến ở một nơi rất xuya[2], những khi cần tạm lánh đề phòng địch mình vẫn đến ở vài hôm. Anh Kim là Công nhân Cứu quốc, Hoa kiều, nhân viên kĩ thuật đài vô tuyến điện Bạch Mai. Chị vợ người Việt, có cảm tình với Việt Minh. Thằng con 12 tuổi rất ngoan. Anh chị Kim sẽ lo chuyện ăn uống cho cậu. Chỗ ở kín đáo nhưng không quá xa rìa làng, khi có động dễ chuồn. Tóm lại, một chỗ đứng chân tuyệt vời để Phan yên tâm công tác.
Từ đường Quần Ngựa hai anh em rẽ vào lối đi lát gạch, sau một quãng dài trống trải con đường nhỏ len lỏi qua nhiều mảnh vườn làng Ngọc Hà. Sông Ngọc, cái tên thật đẹp! Phải chăng phù sa của đã bồi lắng nên ngôi làng xinh xắn một thời đầy hoa này? Giờ đây Sông Ngọc không còn, làng Hoa cũng chỉ hiu hắt vài miếng hồng miếng cúc cô đơn giữa những luống đất lởm chởm gốc hoa héo đen gục rũ trên hoang tàn.
Tới một xóm nhiều nhà lợp ngói, đầu xóm có bụi tre già, Bảo cúi xuống nhìn rồi nói:
- An toàn. Trước khi vào nhà cậu đến đây xem kĩ, nếu thấy hai cành tre buộc chéo là dấu hiệu báo động, phải biến ngay.
  Chúng tôi bước vào ngôi nhà ba gian. Anh Kim khoảng ngoài ba mươi, dong dỏng cao, một chiếc răng nanh bịt vàng, vồn vã hỏi Bảo thé’:
 - Cậu vẫn khỏe chứ? Lâu không thấy đến tôi sốt ruột quá.
Chị Kim từ dưới bếp chạy lên:
- Cậu hơi tọp đi đấy. Nghỉ nhà vài ngày chị kiếm cái gì tẩm bổ cho khỏe rồi hẵng đi.
Bảo ngồi xuống đỡ chén nước chè nóng từ tay anh Kim.
- Cám ơn anh chị. Hôm nay em đưa Phan tới   nhờ anh chị ít lâu.
Chị Kim sốt sắng:
- Hay quá, có cậu nhà thêm vui.
Sau vài chục phút trò chuyện Bảo chia tay chủ nhà. Tôi theo ra cửa, Bảo khẽ dặn:
-Các ngày thứ Ba thứ Năm thứ Bẩy, khoảng 5 giờ chiều liên lạc với mình ở cửa chợ Đồng xuân. Nếu thấy mình gãi đầu tức là có động, đừng đến gặp. Ngược lại cũng thế, nếu cậu nghi đuôi bám thì gãi đầu làm hiệu,  buổi tiếp theo sẽ gặp nhau.
      
 Gia đình này quả là một cơ sở tuyệt vời. Anh Kim ngày hai buổi đạp xe đi làm, tối không đi rải truyền đơn hay bảo vệ các cuộc diễn thuyết xung phong thì ở nhà kèm con học, đọc báo rồi đi ngủ. Chị Kim người làng Ngọc Hà, rất tần tảo, đúng là  “Con gái ở trại hàng Hoa, Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm”, trước kia ngày nào cũng dậy từ lúc chưa rõ mặt người, gánh một gánh nặng hoa tươi rong ruổi khắp phố phường Hà Nội mang vào thành phố vô vàn hương sắc và nguồn cảm hứng. Chị vừa bán hoa cắm lọ vừa đưa tới tận nhà những gói hoàng lan kèm hoa sói hoa ngâu, hoa mẫu đơn cúng Phật, cúng tổ tiên những ngày giỗ chạp, lễ tết. Sáng sớm chủ nhà đặt mua hoa chưa dậy, chị treo gói hoa lên tay nắm cửa, cuối tháng mới đến nhận tiền…Bây giờ gánh hoa thay bằng gánh rau muống trên vai với một rá rau thơm cắp nách, bán quanh quẩn mấy con phố gần làng.
Anh chị Kim coi tôi như ruột thịt, chăm sóc tôi còn hơn cả thằng con trai. Một buổi trưa tôi về muộn, cả nhà đã ăn cơm, anh đi làm, chị đi chợ chỉ còn thằng Hoàng ở nhà. Thấy tôi về nó vào buồng lấy liễn cơm ủ trong chăn bưng ra, mở lồng bàn, xới cơm, nói:
- Mời anh xơi cơm kẻo nguội.
Mâm cơm có một con cá rô nhỉnh bằng hai ngón tay rán vàng đặt bên chén nước mắm tỏi ớt… mới trông thấy nước dãi đã ứ đầy miệng.
Ăn xong nhân lúc ngồi xỉa răng uống nước tôi hỏi Hoàng:
- Hôm nay có món cá rán ngon quá, em ăn thêm được mấy bát?
Nó lắc đầu, hơi phụng phịu:
- Mẹ kiếm được có hai con, bố một con, anh một con. Em làm gì có phần đâu ạ.
Tôi ôm thằng bé vào lòng, dụi má vào mái tóc mềm của nó. Cảm thấy ân hận vì mình đến đây ở làm thằng bé mất phần.
Mấy hôm sau chị Kim lại kiếm được cá mang về, lần này vừa đủ bốn con. Ngồi vào mâm, anh Kim quay người mở tủ chè sau lưng lấy rượu rót vào hai chiếc cốc rồi gắp con to nhất bỏ vào bát tôi:
- Cá rô đầm Sét là ngon nhất hạng. Những con to hơn thì đừng rán, xương nó cứng lắm, từng này là vừa. Cá rô ron chỉ bằng ngón tay út rán lên còn ngon hơn, ăn được cả xương rất bùi. Cậu chấm đẫm nước mắm Vạn Vân này mà ăn thì miếng cá càng thơm càng ngọt càng ngon. 
Anh nói như ngâm:
“Cá rô đầm Sét, cá chép đầm Đại, nước mắm Vạn Vân”.
Anh tiếp:
-Những món ngon của đất Thăng Long ta đấy.
Rồi nâng cốc:
-Nào cậu Phan…Chúc mong được ước thấy.
Tôi định gắp con cá bỏ sang bát thằng Hoàng để trả nợ hôm trước ăn mất phần nó, nhưng nghĩ chắc anh chị Kim không nghe và thằng Hoàng cũng không dám nhận nên tự nhủ: để dịp khác.
Cuộc sống trong không khí gia đình thật đầm ấm yên vui, chị Kim chăm sóc tôi rất chu đáo: sáng sáng có ấm nước chè mạn, bữa trưa bữa tối có cơm nóng canh rau ngọt ngào, thỉnh thoảng có bát tép rang khế, đĩa cá bống kho tương…ăn xong ngồi giúp thằng Hoàng làm bài, rồi yên tâm đi ngủ.
Sau vài hôm, tôi đi bảo vệ cuộc mit tinh ở chợ Canh và gặp Sáu[3] trong cùng tổ. Sáu cho biết sắp đi dự lớp huấn luyện quân sự bên Bắc Ninh, bàn giao cho tôi nhận tiếp tế của người mấy tháng nay vẫn ủng hộ mỗi tháng 10 cân gạo và 7 đồng. Quần chúng cảm tình này là Trọng một nhà trí thức “trùm chăn” không đi làm cho chính quyền bù nhìn của khâm sai Phan Kế Toại. Tôi mừng lắm. Có thêm đôi chút góp cho anh chị Kim giữa lúc gạo châu củi quế này chẳng thừa. Sáu dặn địa chỉ, ám hiệu, hứa sẽ báo cho cơ sở biết để tiếp nhận tôi.
Ngay hôm sau tôi đến Ngõ Huế gặp Trọng nhận 10 cân gạo và 7 đồng.
Về đến nhà nhân lúc anh Kim đi vắng, tôi đưa hết cho chị Kim. Chị giẫy nẩy:
-Ô hay! Tôi có cho cậu ở trọ đâu mà cậu đưa tiền mấy gạo?
Tôi năn nỉ:
-Chị ơi, người ta ủng hộ chứ em có phải mua đâu ạ. Coi như em nhờ chị thổi nấu giúp để em dành thì giờ công tác cho đoàn thể thôi.
Chị Kim vẫn lắc đầu quầy quậy.
Tôi khích tướng:
-Hay chị chê ít thì em…
Chị Kim giả vờ làm mặt giận, mắng:
-Liệu hồn! Đừng có mà trêu tức tôi…
Đột nhiên chị dịu giọng:
-Thôi được, chị nhận. Sẽ có việc dùng đến.
Lúc ấy tôi chưa biết chị sẽ dùng vào việc gì…                                                                                     
Gần một tháng sau.                                                                                           
Sáng sớm nghe tiếng xèo xèo dưới bếp, chắc mẩm chị Kim lại rán cá rô đầm Sét cho bữa trưa tôi chạy xuống xem. Nhưng không phải cá, chị đang rán bánh bìa trong chiếc chảo to, loại bánh làm bằng bột gạo nếp trộn mật, hấp chín rồi rán, trước kia tôi đã vài lần mua của chú Chiệc bán rong. Bên cạnh có chiếc mẹt đựng mấy lớp bánh hình chữ nhật màu nâu vàng tỏa mùi thơm ngọt nồng nàn. Tôi hỏi :
- Chị rán làm gì nhiều thế hả chị? Mang đi bán à?
- Bán chác gì đâu. Anh chị phụ thêm vào số tiền gạo cậu đưa, làm thứ bánh này để được rất lâu không hỏng. Làm sẵn để đấy, mai kia cần đến thì các cậu có cái mà ăn...Nếu phải đi xa, mang theo cũng tiện.
Mai kia…Nếu phải đi xa…Chị Kim đã nghĩ đến một ngày mai chị hình dung là sẽ rất quyết liệt.  Chị góp sức cho đàn em theo cách của mình, cách của người phụ nữ đảm đang suốt đời tảo tần chăm chồng nuôi con

Ít lâu sau, tôi đi công tác ở ngoại thành ba bốn ngày mới về. Tới kiểm tra bụi tre, thấy hai nhánh buộc chéo bằng sợi lạt. Chột dạ, đưa mắt nhìn một vòng thấy không có gì khả nghi, không sợ bị bám đuôi, tôi lên đường Cổ Ngư ngồi chờ đến giờ đi gặp Nguyễn Anh Bảo.
Khoảng 5 giờ chiều tôi tới cửa chợ Đồng Xuân. Bảo ‘thé’ đã có mặt. Nghe tôi báo cáo, anh dặn:
- Tìm chỗ lánh tạm vài ngày. Mai mình kiểm tra tình hình, ngày kia bàn tiếp. Vẫn gặp nhau ở đây, giờ này.
Tôi đến nhà Vũ Văn Đu ở phố Bắc Ninh. Nghe con giới thiệu tôi là bạn học cùng lớp, đang chờ xe về quê trên Thái Nguyên, bố mẹ Đu vui vẻ thu xếp cho tôi tạm.
Tới phiên liên lạc sau, Bảo cho biết: anh Kim thấy mấy thằng hiến binh Nhật lảng vảng quanh xóm, nhòm ngó nhớn nhác không hiểu chúng tìm kiếm cái gì nên báo động phòng xa thế thôi. Nhưng vẫn phải cảnh giác đề phòng, tôi không được ở đấy nữa mà phải chuyển ra xóm ngoài.
Thế là tôi phải rời xa cuộc sống gia đình no ấm, tiếp tục dấn thân vào nguy nan khổ ải. Làm cách mạng thì phải thế, tôi không nề hà. Chỉ băn khoăn một điều: bao giờ mới trả được thằng Hoàng món nợ một con cá rô đầm Sét? Mang nợ thì phải trả nợ dù chỉ là một con cá. Nhưng biết đến  bao giờ mới trả được nợ? Bao giờ hay chẳng bao giờ?
                                                                                                                                       SĐM


[1]  Bí danh  của Nguyễn Viết Tiết sau này là chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin QĐND VN. Hi sinh trong chống .
            [2] Chắc chắn, tin cậy.
            [3]Bí danh của Nguyễn Tiến Sản tức An, tức Vinh Quốc chính ủy sư đoàn 308,  phó chính ủy quân khu 3 được cử  đi học ở Liên Xô rồi định cư bên đó khi xẩy ra vụ án Xét lại ở quê nhà.