Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

ĐOÀN XE KHÔNG KÍNH



Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều tôi về binh trạm 35 thay chính ủy Tuấn vừa hi sinh.
Binh trạm trên đường Trường Sơn là một đơn vị hợp đồng binh chủng gồm đội vận tải cơ giới (thường là một tiểu đoàn ô tô), công binh, giao liên, chuyên gia (cán bộ làm công tác dân vận trên đất Lào). Trên cung đường được giao- trung bình khoảng 80km hoặc 100km- binh trạm chịu trách nhiệm mở đường, sửa đường, lập kho, vận chuyển hàng, làm công tác dân vận, giao liên dẫn đường cho khách v.v. Có binh trạm được tăng cường một đại đội hoặc một tiểu đoàn pháo cao xạ. Mùa khô 1969-1970 đoàn 559 có 17 binh trạm phụ trách 19 tiểu đoàn ô tô vận tải với 2315 xe, 28 tiểu đoàn công binh với 70 máy húc, 39 xe ben, 22 tiểu đoàn cao xạ, 16 tiểu đoàn thông tin, 14 tiểu đoàn giao liên. Ngoài ra còn tiểu đoàn thuyền, các đội chuyên gia, nhiều đội phẫu thuật, bệnh xá v.v.
Liên lạc dẫn tôi đi xuyên qua nhiều mảng rừng, chỗ là rừng tre um tùm, chỗ là rừng khộp thông thoáng xen lẫn những cây săng lẻ cao vút, những rừng thông thơm hắc mùi phấn hoa… Lúc lội dọc một đoạn suối dài nghe tiếng chim hót tôi ngửa cổ nhìn lên ngọn cây cao chừng hơn mười mét nhưng không thấy chim chỉ thấy giữa vòm lá xanh một đám cỏ khô to bằng chiếc giường đôi. Tôi hỏi giao liên:
 -Tổ chim gì to thế? Phượng hoàng à?
Cậu giao liên nhìn lên ngọn cây, lắc đầu:
 -Mùa mưa suối dâng nuớc lên tít tận trên ấy. Cỏ rác bị cuốn theo, mắc lại rồi khô đi chứ không phải tổ chim.
Mưa Trường Sơn khủng khiếp thật. Nước mọi con suối dâng lên rất nhanh, rất cao, chảy rất mạnh, có lần cuốn phăng mấy chiếc ô tô nặng hàng chục tấn chẳng may chết máy nằm cách suối mấy chục mét. Có chiến sĩ mắc võng ở lưng đèo nằm ngủ, tưởng thế là an toàn. Đang độ tuổi ăn tuổi ngủ lại rất mệt mỏi sau một ngày chiến đấu căng thẳng nên cậu ngủ quá say, nước suối dâng cao cuốn trôi cả người cả võng đi mất tích…
Sau ba ngày đường, gần tới binh trạm 35 thì trời đổ mưa. Có lẽ đây là trận mưa do chương trình Popeye - một cố gắng của Mĩ nhằm kéo dài vô thời hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn “biến mùa khô thành mùa mưa”  bằng cách làm mây nhân tạo, mây là các đám khói chứa chất iodine. Dự án bắt đầu vào khoảng tháng 9-1969 trên lưu vực sông Bạc. Sau cuộc thử nghiệm thành công, chúng thực hiện Popeye trên toàn tuyến đến tháng 7 năm 1972 mới chấm dứt.

Binh trạm 35 chiến đấu trên một tuyến vận chuyển huyết mạch trên địa phận tỉnh Xavannakhet của Lào. Cơ quan chỉ huy binh trạm đóng trên quả đồi thấp bên bờ sông Bạc (sông Sêkông). Qua sông Bạc, qua đèo Long, qua Sê Sụ một quãng tới “Ngã ba Đông Dương”, nơi một con gà gáy sáng người ba nước đều nghe tiếng.
Ngay trong đêm, binh trạm trưởng Nguyễn Giới triệu tập họp đảng ủy để giới thiệu bí thư mới, thông báo tình hình của binh trạm từ đầu mùa khô 1969 đến nay. Theo Nguyễn Giới binh trạm chỉ đạt từ 60 % đến 70 %  kế hoạch vận chuyển do tinh thần chiến sĩ tiểu đoàn xe 59 của binh trạm chưa được phát động, phong trào thi đua lập công không sôi nổi, công tác lãnh đạo chưa khắc phục được tâm lí sợ khó khăn nguy hiểm của số đông lái xe.
Chủ nhiệm chính trị Cường phát biểu: một số lái xe chưa thật dũng cảm là do công tác tư tưởng chưa sâu sát chưa hiệu quả, mặt khác còn do công binh trên tuyến chưa làm tốt công tác bảo đảm cho xe. Cường phân tích thêm: công binh có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu. Đường tốt hay xấu, các trạm barie có được đóng mở kịp thời để ngăn chặn hoặc giải phóng đoàn xe, trên đường có đủ công sự vững chắc cho lái chính lái phụ ẩn nấp khi địch bắn phá, khi tắc đường có đủ lực lượng nhanh chóng giải phóng xe khỏi nút tắc…là những vấn đề cần giải quyết. Cường kết luận: đang còn rất nhiều thiếu sót về tổ chức và chỉ huy ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần lái xe, vì thế lãnh đạo vừa phải tăng cường công tác giáo dục, động viên vừa phải giải quyết tốt hơn công tác tổ chức, chỉ huy và hiệp đồng giữa các lực lượng. Nhận định của chủ nhiệm chính trị có nhiều điểm khác với binh trạm trưởng, tôi thấy phải xuống đơn vị trực tiếp quan sát mới biết được sự thật.
Sáng hôm sau Cường dẫn tôi xuống tiểu đoàn xe. Vương Thanh chính trị viên tiểu đoàn báo cáo tình hình mọi mặt của tiểu đoàn. Rồi thết chính ủy và chủ nhiệm chính trị bữa cơm trưa có món thịt lợn rừng nấu giả cầy. Lính Trường Sơn là những đầu bếp rất thiện nghệ, chân giò lợn lòi được nướng vàng rộm trông không khác mấy những cái chân giò lợn quay ở phố Hàng Buồm. Nướng xong, ướp giềng mẻ mắm tôm đúng 30 phút rồi hầm kĩ đến khi chỉ còn xâm xấp nước. Dọn ăn kèm với rau ngổ, rau húng hái trong vườn tiểu đoàn bộ và nộm hoa chuối rừng. Món thứ hai là canh “rau mì chính”, loại rau leo trên vách núi đá nấu canh suông không cần thịt cá mà ngọt lừ như canh xương hầm. Cơm xong ba anh em ngồi uống nước sâm rừng hút thuốc lá Thăng Long vụn, bàn tính các biện pháp vực dậy tinh thần bộ đội lái xe.
Hôm sau tôi bảo Vương Thanh bố trí cho tôi đi một chuyến dọc tuyến, trên xe của cậu nào nhút nhát nhất. Đoàn xe 20 chiếc gồm 3 xe xitéc xăng, 10 xe gạo, 7 xe đạn, thuốc nổ và thuốc tây xuất phát khi bóng chiều đã nhuộm tím dãy núi xa. Vương Thanh chính trị viên tiểu đoàn  dẫn đầu, chủ nhiệm chính trị Cường ngồi xe số 2, tôi chiếc số 3 do lái xe Thăng người Thanh Hóa cầm lái. Cả ba chiếc Zil 157 đều không còn kính chắn gió. Cửa xe hai bên cabin gắn áo giáp chống bom bi bằng hai lớp ống tre ghép lại. Giàn lá ngụy trang che kín phía trên. Xe chạy bằng đèn rùa chỉ chiếu sáng một khoảng chừng 3m trước mặt, khi leo dốc cao ánh đèn có thể bị máy bay địch phát hiện nên phải tắt đèn chạy thầm trên con đường độc đạo ngoằn ngoèo giữa một bên là vách núi một bên là vực sâu. Chả trách tinh thần lái xe luôn căng thẳng cực độ!
Đoàn xe ra khỏi kho chừng 3 cây số thì qua ngầm sông Bạc. Ngầm là khúc sông được  đổ đá chỉ còn sâu chừng 40 đến 50 cm vừa đủ cho xe vượt sông an toàn mà ngầm không bị lộ vì vẫn có nước chẩy bên trên. Mùa vận chuyển đã bắt đầu từ hơn một tháng nay nhưng con ngầm dài 20m vẫn lổn nhổn gập ghềnh, xe có lúc tụt xuống hố sâu nghiêng đi như muốn lật, động cơ xe ba cầu tuy rất khỏe nhưng phải gào lên mấy hơi liền mới bốc được xe lên khỏi hố.
Qua ngầm lại phải leo đèo Long dài 7km. Trên nền trời sáng trăng bàng bạc nổi bật hình những cây cổ thụ ba bốn người ôm bị chất độc hóa học làm héo quắt, đứng trơ xương trên đồi giơ những cành khô như những cánh tay khẳng khiu xin cứu mạng.
Xe đang gầm gừ leo con dốc gập ghềnh đá tai mèo lởm chởm, cỏ cây xơ xác hai bên đường vì bom B 52 thì một chiếc AC130 xuất hiện xa xa mé tay phải, nã pháo Bofors 40mm ùng ục ùng ục từng loạt ba bốn phát nối nhau. Cánh lái xe gờm nhất thằng này, nó dai như đỉa đói,  gần đây lại được trang bị thêm nhiều phương tiện điện tử hiện đại nên nó bắn phá khá chính xác, gây nhiều tổn thất nhất cho ta: từ 60 đến 70 % xe bị trúng đạn cháy hỏng là do thằng AC130 này. Được thằng trinh sát OV10 chỉ mục tiêu, nó đã nổ súng thì ít khi không trúng xe. Lái xe, công binh đều ngán, thường nhại tiếng súng nó bắn thủng thùng… thủng thùng!
Thăng hỏi:
 - Ta dừng lại chứ thủ trưởng?
-  Cứ chạy tiếp. Ta dừng, mười mấy chiếc phía sau sẽ ùn lại tạo thành mục tiêu ngon cho chúng nó. Hai chiếc đi trước vẫn đang chạy, ta cứ bám theo họ.
Một cậu công binh xuất hiện:
-  Nó bắn ở cao điểm 200. Nó đã có mục tiêu rồi, cậu tranh thủ chạy nhanh xuống chân đèo an toàn hơn ở trên này.
 Thăng lẩm bẩm:
-  Đêm nay công binh tử tế quá. Chả bù mọi hôm, chẳng thấy bóng vía thằng nào trên tuyến. Nghe có tiếng máy bay là chúng nó chui hết xuống hầm, cấm thấy mặt lấy một đứa để mình hỏi tình hình địch.

Đoàn xe vào tới kho binh trạm 36 an toàn không sa sẩy một tí gì. Các chiến sĩ của đại đội kho bốc hàng xuống, chiêu đãi các lái xe binh trạm bạn một chầu nước ngũ gia bì, thuốc lá Thăng Long vụn quấn vội bằng loại giấy cuốn máy chiều ngang chỉ 2,5cm nhưng cánh lái xe quấn rất gọn không rơi vãi một sợi. Rõ ràng họ vẫn bình tĩnh sau chuyến đi vất vả. Rồi cả đoàn  lại vui vẻ lên xe quay về, chở theo dăm thương binh của các đơn vị bạn, mươi cán bộ chiến sĩ lên bộ Tư lệnh 559 công tác.
Dọc đường tôi hỏi lái xe:
-Thăng có mệt lắm không?
Thăng lắc đầu:
-Báo cáo chính ủy! Chuyến đi đêm nay em thấy rất thoải mái. Về đến nhà nếu có hàng em xin xung phong đi luôn chuyến nữa ngay trong đêm.
Đang trên đà dốc bầu tâm sự, Thăng tiếp:
-Thú thật với thủ trưởng, nhiều đêm em cũng hơi hoảng. Đường vắng tanh, một mình đánh vật với mặt đường đầy ổ voi, địch ở đâu mình không biết, phía trước có bị tắc đường không cũng chẳng hay. Giá như công binh nó chịu khó hộ tống mình ở những đoạn khó hoặc những khi có máy bay địch đến thì tay lái bọn em vững hơn nhiều. Và phải chuẩn bị những chỗ cho bọn em tránh bom đạn kha khá một tí chứ đừng ẩu thế kia.
Thăng chỉ tay sang bên taluy dương có cái hàm ếch nông choèn.
Sáng hôm sau tôi triệu tập chính trị viên tiểu đoàn xe, chính trị viên tiểu đoàn công binh lên bàn bạc công tác lãnh đạo… Sau it lâu thực hiện những chủ trương của cuộc họp đó, nỗ lực của hai thủ trưởng quân sự và chính trị cùng các ban chuyên môn đã giúp tiểu đoàn xe và tiểu đoàn công binh tiến bộ trông thấy. Những tháng sau, cứ vào khoảng hơn một tháng tôi lại thu xếp công việc để đi trên tuyến với xe, thường là xe cậu Thăng. Và rất vui khi tận mắt trông thấy mỗi tháng tuyến đường lại có thêm nhiều điểm mới. Ngầm sông Bạc được lát phẳng phiu, chèn kĩ, xe chở nặng lao xuống không lảo đảo ngả nghiêng không bị sụt lún như trước. Dọc tuyến đường, mỗi vài ba cây số đều có một hoặc hai thậm chí ba ngách đường tránh (mang cá) vừa đủ cho một, hai xe lánh vào khi cần (thay lốp, bịt tạm lỗ thủng két nước bằng bùn hoặc cứt thú rừng, xốc lại hàng chở trên xe, tránh xe từ binh trạm bạn chạy ra…) Công binh tận dụng những đoạn taluy dương trúng bom Mĩ sửa sang thành vô số đường tránh mà không tốn một cân bộc phá nào. Các hàm ếch đều có tường đất, bao đất chắn ngoài cửa, chỉ hở vừa đủ cho người lách vào. Ở các barie có những hầm chữ A - đào sâu xuống đất, gác nhiều thanh gỗ trên mái thành hình chữ A rồi đắp đất lên. Giao thông hào dẫn đến hầm trú bom có cắm cờ trắng bằng dù pháo sáng để ban đêm dễ thấy. Khi xe tới mỗi chặng đều có lính công binh phụ trách chặng đó đứng bên đường chỉ dẫn, thông báo tình hình đường sá, hoạt động bắn phá của địch, động viên lái xe. Chỉ vài ba câu ngắn gọn nhưng rất có hiệu quả.
×  ×  ×
Năm 1968, chiến sự tại chiến trường miền Nam trở nên cực kì ác liệt. Số lớn chiến sĩ lái xe có kinh nghiệm được chuyển vào sâu.
Ngày18/12/1968, đơn vị nữ lái xe mang tên nữ Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hạnh được thành lập gồm hơn 40 cô gái ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, từ một trung đội lúc đầu phát triển thành đại đội C13 với 60 người. Sức vóc con gái, tuổi trẻ nhưng được giao nhiệm vụ nặng nề là hỗ trợ lực lượng cửa khẩu, chở vũ khí, lương thực từ Vinh vào giao tại các cửa khẩu đường 12, 18, 20, 22... Khi cần thiết, các cô phải vượt cửa khẩu giao hàng cho chiến trường miền Nam, chở thương binh từ miền Nam ra … 
Đây là mùa bộ đội Trường Sơn phải đối phó với nhiều loại vũ khi mới của giặc Mĩ. Bom lazer tập trung diệt các trận địa cao xạ. Máy bay AC30 gắn kính hồng ngoại tăng khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm. Mạng lưới trinh sát điện tử triển khai từ 1968 với kế hoạch rải 20 000 thiết bị trị giá 1,7 tỉ USD trong chương trình Igloo White được xúc tiến, những Cây Nhiệt đới gắn cảm biến địa chấn được rải dọc tuyến, khi có xe chạy gần gây rung động, máy sẽ truyền tín hiệu về trung tâm Cảnh giới Xâm nhập ISC ở Nakhon Phanom (Thái Lan). Trung tâm này có máy tính IBM 360-65 hiện đại nhất thế giới hồi đó, thu nhận và xử lí dữ liệu rồi truyền cho sở chỉ huy tác chiến điều máy bay đến bắn phá… Bom từ trường loại mới gắn kíp nổ tự động lúc mở lúc khóa, xe phá bom phóng từ gặp lúc kíp khóa thì bom không nổ, tưởng không còn bom đoàn xe chạy qua đúng lúc kíp mở thì bom nổ…
Trong tình hình như vậy, những chuyến đi trót lọt như chuyến đầu tiên của tôi rất hiếm, có thể nói là hãn hữu. Cung đường binh trạm 35 có hai trọng điểm là ngầm sông Bạc và đèo Long nên chạm trán máy bay địch là cơm bữa. Nhiều đêm đội hình xe bị đánh tan tác, có chuyến mười hai xe chỉ còn hai xe vào tới binh trạm 36. Nhiều xe chở phuy xăng bị bắn cháy, lái xe phải húc vào taluy dương cho đầu xe ghếch cao lên, các phuy xăng theo sàn xe dốc lăn xuống đường, lái xe nhẩy theo đẩy chiếc phuy cháy xuống vực để cứu xe và các phuy còn lại. Dĩ nhiên không phải lần nào cũng thu được kết quả! Nhiều chiến sĩ lái xe đã hi sinh thân mình để cứu hàng cứu xe bằng cách đó.
         Một trong những chuyến đi đáng nhớ là hôm tôi đi với đoàn 25 xe trong đó 10 xe chở xăng đóng phuy, 15 xe chở đạn, thuốc nổ, kíp mìn.  Khi tốp đầu 5 xe vừa vượt qua sông Bạc thì bị OV10 phát hiện, bắn pháo hiệu chặn đầu tốp sau. Pháo hiệu xanh lẹt một khoảng trời do nước sông Bạc chiếu hắt lên soi rõ mấy chiếc xe đang xuống ngầm. Chiến sĩ Vũ tông cửa xe nhẩy xuống, cởi áo giáp định dập tắt quả pháo hiệu thì phản lực địch lao tới trút bom. Vũ hi sinh ngay bên quả pháo hiệu đang lụi dần. Cậu Thăng lôi tôi vào hầm chữ A của công binh đào trong vách núi. Ngồi trong hầm kiên cố có hàng chục mét đất đá che trên đầu tôi thấy đất dưới chân không ngớt cuộn lên từng đợt sau tiếng bom nổ bịch… bịch. Bom đánh gần nghe tiếng nổ không to không dữ dội như khi nổ ở xa nhưng sức công phá thì khủng khiếp… Sáu xe cháy thành than, ngầm bị cắt đứt ba bốn đoạn. Bọn phản lực trút hết bom bắn hết đạn bỏ đi.
Tôi ra khỏi hầm động viên tiểu đội trưởng công binh “Bằng mọi giá chúng ta phải đưa được 14 xe này vượt sông trước khi máy bay địch quay lại đánh tiếp”. Ba chiến sĩ công binh và ba nữ thanh niên xung phong lội xuống sông dò đường rồi đứng ngâm mình làm cọc tiêu ở những chỗ nước sâu đến ngực hướng dẫn xe qua ngầm.  Đoàn xe tránh những hố bom có những cọc tiêu sống kia đánh dấu, vượt sông  rồi tăng tốc lên đèo Long.
Hai xe cuối cùng chưa tới được bờ nam thì máy bay địch lại đến. Lần này là thằng AC 130. Những loạt đạn 40 li rất chính xác của nó bắn cháy chiếc đi trước, một chiến sĩ công binh gục xuống sông. Hai chiến sĩ còn lại và ba cô gái vẫn đứng vững tại vị trí chỉ đường cho chiếc xe sau cùng. Chiếc này cũng trúng đạn, chết máy nằm lại giữa ngầm. Lái xe, hai chiến sĩ công binh, một nữ thanh niên xung phong hi sinh…
Binh trạm tôi hầu như không đêm nào không có xe cháy, người chết và bị thương. Dọc hai bên đường- cách mặt đường khoảng vài trăm mét- sau mỗi đêm lại có thêm nhiều nấm mộ mới...
Không chỉ các chiến sĩ lái xe bị thương vong. Một đêm tháng 12 năm 1969  kho hàng của binh trạm trúng một dây bom B 52, cả trung đội 41 con người chỉ còn lại một thúng xương thịt vơi vơi. Cậu binh nhất Năm 18 tuổi dũng sĩ Diệt Mĩ tại đại hội mừng công tối hôm trước vừa ngồi cạnh tôi trên ghế chủ tịch đoàn giờ đây biến mất không để lại vết tích gì. Nhìn thúng xương thịt do đồng đội đi nhặt khắp nơi trong rừng vừa mang về tôi không sao nín được khóc òa lên “Năm ơi Năm! em đâu rồi?“ Thấy tôi gục mặt ghì chặt hai tay vào chiếc thúng mấy cô y tá vội giằng chiếc thúng mang đi chôn.
Chiều qua còn nằm gác chân lên nhau bù khú chuyện quê hương, chuyện mối tình mới chớm, xây mộng tương lai…thế mà sau một đêm nhiều đồng chí đồng đội đã biến mất, chỉ còn lại chỗ nằm trống vắng trên sạp. Căm thù, đau thương chồng chất mỗi ngày khiến những người còn sống đều nghiến răng thật chặt, quyết không lùi bước.
Cuối mùa khô 1969-1970 binh trạm lần đầu tiên vượt mức kế hoạch 17%. Thành tích tuy khiêm tốn nhưng cũng làm toàn thể cán bộ chiến sĩ phấn khởi, lòng tự tin tăng lên chưa từng có. Đây là bệ phóng sẽ đưa thành tích của binh trạm lên cao hơn nữa. Quả nhiên chỉ ít lâu sau Binh trạm 35 được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng.
Vừa chủ trì xong lễ Mừng công thì tôi được lệnh đi thành lập đơn vị mới: trung đoàn 592 Đường ống.
                                                                                                                                                                                                                                                   SĐM




Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

THỦ TRƯỞNG CỦA TÔI




Trong thời gian làm lính Cụ Hồ tôi đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của nhiều thủ trưởng khác nhau về thành phần giai cấp, năng lực chỉ đạo, trình độ học vấn, tính cách, thái độ v.v. Có những thủ trưởng tôi kính trọng, quí mến mà cũng có đôi ba người tôi không ưa .
Một trong những người tôi rất quí mến, kính phục là Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc trong một gia đình nông dân nghèo. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939, sau Tết Đinh Tỵ 1954 được Liên khu ủy Việt bắc cử làm chủ nhiệm phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu thay Lê Đình Thiệp.
 Kim Ngọc gầy gò xanh xao, ít cười, luôn nhăn nhó vì đau dạ dày nặng, ai mới gặp lần đầu cũng có ấn tượng anh là người khô khan, nghiêm khắc nhưng sau vài lần tiếp xúc lại thấy dễ gần, dễ cởi mở tâm tình.
Hôm vào chơi bản người Mán Cao Lan gần nơi đóng quân, lúc đi qua cánh đồng xơ xác cỏ nhiều hơn lúa, mỗi bông lác đác chừng mươi hạt thóc Chủ nhiệm Kim Ngọc hỏi tôi, trưởng ban Tuyên huấn:
- Cậu  học cao hơn mình, theo cậu thì nước ta sẽ giầu lên mạnh lên bằng cái gì ? Than ư, vàng ư, ô tô tàu bay, hay cái quái quỉ gì ?
Không đợi tôi trả lời, Kim Ngọc tiếp luôn:
- Bằng nông nghiệp! Nhớ chưa? Phải phát triển nông nghiệp thật mạnh, thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Biến một bộ phận nông dân thành công nhân nông nghiệp. Trên cơ sở nền nông nghiệp cơ giới hóa điện khí hóa mà phát triển các ngành sản xuất khác, phát triển văn hóa, giáo dục vân vân. Không dựa vào nông nghiệp, không phát huy sức mạnh của nông dân thì cháo loãng cũng chẳng có mà húp chứ đừng nói đến thứ gì khác. Trên thế giới này có thằng chó nào chịu nhịn đói chịu cởi truồng không ? Vì thế, ta làm ra bao nhiêu thóc gạo, lợn bò, vải vóc lụa là cũng bán được hết, cóc sợ ế.
Nói một thôi dài rồi nhưng vẫn chưa hết ý, Kim Ngọc vung tay chém không khí :
- Mọi ngành kinh tế phải xoay quanh nông nghiệp. Điện phải ưu tiên cho bơm nước, cho chế biến nông sản. Công nghiệp phải lo làm ra máy cày máy gặt máy bơm . Ngành hóa chất phải lo chế ra thuốc trừ sâu. Các nhà khoa học phải tìm ra loại phân bón và các giống cây giống con năng suất chất lượng cao…Nước mình không có nhà máy sản xuất ô tô cũng chẳng sao, từ nông nghiệp sẽ có tất cả. Dân ta sẽ ngon cơm đẹp áo, có thừa nhà thương, thừa thuốc men cho người ốm, thừa trường học sách vở cho trẻ con, thừa tàu bay tàu bò súng to bom lớn cho bộ đội.
Tôi nghĩ bụng “Hồi nghe ông Lê Quang Đạo giải thích về con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội, mình mơ ngày lập nông trường có máy cày máy gặt, các nông trang viên ở biệt thự đi ô tô…tưởng thế là đã “lãng mạn tiểu tư sản” lắm rồi, nhưng xem ra ông nông dân này còn lãng mạn hơn mình gấp mấy chục lần…”

Chủ nhiệm Kim Ngọc chỉ học hết lớp 5, rồi tự học lên lớp 7, nhưng tư duy đổi mới của ông vào thời đó ít người sánh kịp. Ngay từ những năm 60, khi nạn giáo điều hết sức nặng nề, mong muốn “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” bị coi là sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa, khi phát biểu trong Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã táo bạo khẳng định mục đích phấn đấu của người đảng viên là “làm cho dân được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền. Đấy là chủ nghĩa xã hội mà chúng ta phải thực hiện bằng được để xứng đáng là người cộng sản”.
  Người con trai Kim Nam kể lại: “Mỗi lần nghe đài, đọc báo thấy ta chạy đi Đông Âu xin viện trợ lương thực, thực phẩm thì bố tôi lại buồn thỉu. Ông ngồi mãi một chỗ, cười buồn và thốt lên: “Sống trên thóc gạo mà phải đi xin... Thóc gạo ở ngay trong lòng dân, sức dân. Sao không nghĩ cách làm cho dân sản xuất ra nhiều thóc gạo, mà lại kìm hãm người dân, rồi nhân danh người dân mà đi xin người ta. Miếng ăn đi xin thì còn đắng mãi về sau…”

Nguyễn Thành Tô, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhớ lại:
- Tôi làm việc với bí thư Kim Ngọc nhiều năm. Tôi dạy văn hóa từ lớp 5 đến lớp 7 cho ông. Dạy tiếng Nga để ông có vốn tối thiểu giao tiếp với các chuyên gia Liên Xô đang làm cố vấn kỹ thuật ở nông trường Tam Đảo và công trình thủy lợi Đại Lải. Trong hai năm ông đã hoàn thành những yêu cầu học tập do mình tự đề ra, mà chỉ tranh thủ học lúc ngồi trên xe ôtô đi xuống cơ sở. Tôi truyền đạt cho ông những kiến thức toán, văn, ngoại ngữ trong không gian chật chội, ồn, bụi, nóng như lò sấy thuốc lá của chiếc xe Gat 69 thời đó. Hôm nào không bận thì lúc khuya ông gọi tôi lên kiểm tra những bài tập ông đã làm. Tôi tuy là thầy dạy văn hóa cho ông, nhưng về ứng xử, về tư cách đạo đức, phong cách làm việc thì tôi lại là học trò ông.
x  x  x
Năm 1958 Kim Ngọc về làm bí thư tỉnh uỷ tỉnh quê hương Vĩnh Phúc. Suốt 24 năm làm bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc đều gắn với những thăng trầm của khoán hộ.
 Kim Ngọc được gọi là “cha đẻ của khoán hộ” (còn gọi là khoán mười), là “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp”. Khoán hộ là khâu đột phá vào cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, tập trung, mệnh lệnh. Những năm 65-67 nhờ khoán hộ nên đời sống người dân Vĩnh Phúc khấm khá hẳn lên.
Nhưng khoán hộ đã gặp nhiều bước gian nan, người sinh ra nó đã  nhiều phen khốn khổ.
Ngày 6 tháng 11 năm 1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú khoán hộ của Kim Ngọc bị Tổng bí thư Trường Chinh phê phán gay gắt:
“...việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã, kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hoá và tan rã… tính chất sai lầm rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư tưởng…” (bài “Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vững bước tiến lên”. Trường Chinh, Tạp chí Học tập, tháng 2-1969, tr.19).
Báo Đảng đăng hai bài báo dài của Trường Chinh dưới hàng tít chữ to phân tích sai lầm nghiêm trọng của Kim Ngọc.
Bị buộc phải làm kiểm điểm Kim Ngọc nhận:
“Khuyết điểm sai lầm lớn nhất của tôi là việc quản lý hợp tác xã nông nghiệp mà cụ thể là vấn đề khoán hộ, vấn đề quản lý ruộng đất và nông cụ”… “do quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”… “không thấy tác hại là làm cho ruộng đất, nông cụ của hợp tác xã bị phân tán dần về tay xã viên, tạo điều kiện phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đối lập với kinh tế tập thể…”.
Tuy nhiên khi phát biểu với những người cùng chí hướng trong nội bộ Kim Ngọc vẫn khẳng định “Nông dân không được coi ruộng đất là của mình nên chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” và “Không thể bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì khoán hộ dưới nhiều hình thức khác nhau”.
Ngày 12 tháng 12 năm 1968, Ban Bí thư Trung ương gửi thông tri yêu cầu tỉnh uỷ Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc gộp với Phú Thọ) chấn chỉnh việc khoán hộ. Thực chất đây là thông tri cấm khoán hộ[1].
Bị giáng đòn chí tử nhưng khoán hộ không chết. Nông dân thấy khoán hộ là con đường sống của họ nên họ bảo vệ nó đến cùng. Không cho khoán công khai thì nông dân khoán chui. Phong trào khoán chui bắt đầu ở Vĩnh Phú, chẳng bao lâu lan sang hợp tác xã Đoàn Xá ở Hải Phòng rồi lan khắp miền Bắc. Hợp tác xã Đoàn Xá khoán ruộng cho xã viên với mức nộp cho hợp tác xã mỗi sào 70kg thóc (tương đương sản lượng một sào khi ruộng nằm trong tay hợp tác xã). Chỉ sau vụ đầu tiên các xã viên nhận khoán đã thu hoạch từ 1,4 đến 1,5 tạ một sào, sau khi giao nộp 70kg cho hợp tác xã mỗi hộ còn được hưởng 70-80kg.
Khoán chui bại lộ, đầu năm 1976 đảng ủy xã Đoàn Xá phải kiểm điểm, phải nhận tội với huyện ủy “Khoán là sai đường lối, ảnh hưởng xấu đến cuộc vận động đưa hợp tác xã lên qui mô toàn xã”. Ngày 3 tháng 2 kỉ niệm ngày thành lập Đảng năm ấy Phạm Hồng Thưởng bí thư xã Đoàn Xá không được phát thẻ Đảng. Nhưng bí thư Thưởng nói: “Cái cấp bách nhất hiện giờ là đời sống của dân chứ không phải cái thẻ Đảng. Có thẻ Đảng mà để dân đói càng thêm xấu hổ. Lo cho hợp tác xã tiến lên, đó là cái thẻ quí nhất”.
Tuy Kim Ngọc bị phê phán nặng nề, phải làm kiểm điểm nhưng Đại hội Đảng tỉnh Vĩnh Phú vẫn bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Tháng 5 năm 1977, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III, Kim Ngọc xin rút khỏi chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.
Năm 1978, Kim Ngọc chính thức về hưu. Rồi ra đi năm 1979 thọ 62 tuổi.

Lê Thị Liên vợ Kim Ngọc kể lại:
Năm bác Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Khi biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: “Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”
 Năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một trong những vị lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khi nhắc đến Kim Ngọc cũng nói: “Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh”.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đúc bức tượng người bí thư có công lớn với nhân dân tỉnh nhà. Bức tượng đồng nặng 45 kg được tỉnh ủy tặng gia đình Kim Ngọc để tỏ lòng biết ơn của đảng bộ và nhân dân. Năm 1996 hai ngôi trường của xã Bình Định huyện Yên Lạc quê hương, năm 2005 con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên được mang tên Kim Ngọc. Ngày 23-3-2009 ông được Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh.
Nhưng có lẽ điều làm Kim Ngọc dưới suối vàng vui sướng hơn cả là khoán hộ đã dẫn đến "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5 tháng 4 năm 1988", tháo bỏ sự kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo. Năm 1990, chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, lần đầu tiên ta không phải nhập khẩu lương thực. Một năm sau, năm 1991  bắt đầu xuất khẩu gạo và đến năm 2005 xuất khẩu tới 4 triệu tấn, kết thúc năm 2012 xuất khẩu trên 7 triệu tấn giữ vững ngôi vị nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Phó giáo sư Trần Đình Huỳnh nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng hỏi giáo sư Trần Nhâm:
-Có thể nói đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo đầu tiên có tư duy đổi mới hồi đầu thập kỷ 80, mở ra thời kỳ lịch sử mới của Đảng, của dân tộc. Nhưng tại sao 15 năm trước đó, khoảng năm 1968, chính đồng chí Trường Chinh lại là người phản đối gay gắt việc "khoán hộ" ở Vĩnh Phú?
Giáo sư Trần Nhâm – trợ lí của Tổng Bí thư Trường Chinh từ 1982 đáp:
-Tôi không có mặt bên ông thời đó, nhưng tôi đã có nhiều dịp được nghe ông nhắc lại sự kiện này và được biết thái độ, ý kiến của ông. Một ngày trước khi ông mất ông còn nói chuyện với tôi về chủ trương khoán hộ của Vĩnh Phú. Tôi có hỏi: ‘Sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?’. Ông điềm tĩnh trả lời: ‘Có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác’.
x  x  x
Bản thân tôi khi đọc báo Đảng cũng tin chắc Kim Ngọc thủ trưởng của tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng gây nguy hại lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nên đích thân Tổng bí thư Trường Chinh phải lên tiếng. Lúc ấy tôi cho rằng Kim Ngọc với bản chất nông dân, mang nặng đầu óc tư hữu nên không tán thành sản xuất tập thể theo hướng xã hội chủ nghĩa mà muốn duy trì sản xuất nhỏ.
Tôi đã có lỗi lớn với thủ trưởng.
Nhân ngày giỗ Kim Ngọc 26 tháng 5 tôi kể lại chuyện này làm một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ và tạ lỗi với thủ trưởng kính yêu của tôi. Với lời hứa: noi gương thủ trưởng, quyết chiến đấu đến cùng để thực hiện điều qua trải nghiệm bản thân mình tin là đúng, dù có vì thế mà bị hiểu lầm, chịu oan sai, trù dập…
                                                                                                                                             SĐM









 [1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, năm 1968. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.542-548

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

NHÀ THƠ TRONG VỤ ÁN TRẦN DỤ CHÂU



Chủ nhiệm chính trị Lê Đình Thiệp bảo tôi:
- Tổng cục mở lớp chính trị ngắn ngày do cố vấn Trung quốc phụ trách. Cậu đi học rồi về truyền lại cho cán bộ phòng ta.
Tôi đeo túi dết quần áo lên Tuyên Quang dự tập huấn.
Vừa lên tới nơi thì được nghe số cán bộ của Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị về dự tập huấn bàn tán sôi nổi về vụ xử tử  Cục trưởng Quân nhu Trần Dụ Châu, lần đầu tiên một cán bộ cao cấp của Quân đội Nhân dân bị tử hình… Tôi hào hứng nhập bọn ngay để tìm hiểu về vụ án đang gây chấn động mạnh trong dư luận.
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ được coi là người có công đầu trong vụ Trần Dụ Châu. Đoàn Phú Tứ nổi tiếng từ năm 1942 khi cùng Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh thành lập nhóm Xuân Thu Nhã tập, với mục đích đổi mới sáng tác văn học nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu Trần Huyền Sâm viết trên tạp chí Sông Hương số 207, tháng 5 năm 2006 :
… Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những đánh giá xác đáng về hiện tượng Xuân Thu nhã tập cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác...Trong tiến trình của văn học Việt, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu Nhã tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả "đại gia đình" nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất "khiêm tốn" nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận... Xuân Thu nhã tập có hẳn một nguyên lý sáng tác, một hệ thống quan điểm nghệ thuật riêng. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo "Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - SÁNG TẠO - ĐẠO ĐỨC ...Ngay từ khi ra đời, Xuân Thu đã mang một tinh thần tiên phong với ý thức cách tân táo bạo. Mục đích cách tân thể hiện trên hai phương diện:
* Không lặp lại cái Tôi của Thơ mới.
* Chống lại sự đồng hóa của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc.

...Xuân Thu nhã tập từng được đánh giá như một ‘hiện tượng nghệ thuật độc đáo, lý thú ‘những ‘trang viết tuyệt vời’. Xuân Thu cũng từng bị xem như những gì ‘tắc tị, tăm tối, bí hiểm’. Nếu tránh được những ý kiến cực đoan, gạt bỏ những hạn chế tất yếu của Xuân Thu, chúng ta có thể tìm thấy những hạt nhân hợp lý, những giá trị đích thực để vận dụng vào công cuộc đổi mới văn học hôm nay...”

        35 tuổi Đoàn Phú Tứ đi theo kháng chiến và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (1946), đảm trách nhiều công tác ở Liên khu IV, Liên khu V, Thanh Hóa. Năm 1948 về Thái Nguyên làm Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam và tham gia Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam. Thời gian này, Đoàn Phú Tứ chuyên tâm sáng tác, giảng dạy và đi thực tế lấy vốn sống để viết kịch. Một năm sau, xuất bản tập kịch “Trở về” với nhiều đề tài phong phú phản ánh những tấm gương hi sinh cho cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của dân tộc. Thời kì này quân đội ta đang rất thiếu thốn. Gạo bảo quản trong kho bằng bồ, ẩm thấp nên mục nát nhiều, lĩnh gạo về chỉ rửa qua vì vo kỹ thì gạo sẽ tan theo nước. Để chống đói, có bữa bộ đội phải ăn măng rừng thay cơm, có khi ăn cháo khi truy kích địch. Về cái mặc, mỗi người một áo trấn thủ và một tấm “chăn kháng chiến” chỉ có một lượt bông rất mỏng. Nhiều chiến sĩ không chăn, không áo ấm, phong phanh tấm áo mỏng đứng gác trên đèo. Thuốc men thiếu thốn, nhất là thuốc sốt rét, Quinacrine phải pha với nước để uống nên hiệu quả không cao. Trong khi đại tá Trần Dụ Châu Cục trưởng Quân nhu ăn toàn đồ ngon, uống rượu Tây, hút thuốc ba số…
Đoàn Phú Tứ và nhà văn Nguyễn Đình Tôn được Trần Dụ Châu mời dự đám cưới Bùi Minh Trân đàn em thân tín của hắn. Đám cưới diễn ra ngày 4 tháng Tư 1950 tại làng Lang Tạ do Lê Sĩ Cửu làm Trưởng ban tổ chức
Nguyễn Đình Tôn viết trên báo Cứu Quốc số 1548 ngày 15/5/1950:
“...hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy nến bạch lạp to bằng cổ tay. Những dãy bàn dài tít tắp xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội đưa lên. Ban nhạc Cảnh Thân từ Khu Ba lên tấu nhạc.
“Trần Dụ Châu mặc quân phục choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau là một vệ sĩ cao lớn, súng ‘côn bạt’ đeo xệ bên hông. Tân khách ngồi chật kín hội trường, mắt hau háu nhìn bàn tiệc. Rượu vang đỏ rót đầy các cốc. Chủ hôn Trần Dụ Châu oai phong, đầy quyền uy bước ra tuyên bố làm lễ thành hôn cho đôi vợ chồng hắn đỡ đầu, và trịnh trọng mời tân khách nâng cốc trong tiếng nhạc vang lừng. Nhìn thấy nhà thơ ngồi ở bàn đầu, hắn tươi cười giới thiệu: ‘Đám cưới hôm nay có một vị khách đặc biệt là ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ cự phách của nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Xin mời nhà thơ lên đọc một bài thơ mừng cô dâu chú rể và quý vị tân khách’.
“Đoàn Phú Tứ đứng dậy, đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu …Ông giận run lên, ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, nói lớn, nhấn mạnh từng từ cho tất cả những người dự tiệc nghe thấy: ‘Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay tôi vừa nghĩ ra’… Khắp các bàn tiệc dậy lên tiếng xì xào tán thưởng: ‘Hoan hô Xuân Thu Nhã Tập! Hoan hô thi sĩ Đoàn Phú Tứ!’.  Chờ cho tiếng xì xào im hẳn, nhà thơ nói tiếp: ‘Thơ như sau: Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng máu xương chiến sĩ!’
“Trần Dụ Châu mặt tái nhợt quát to ’Láo!’ Vệ sĩ của hắn xông tới tát bốp vào mặt nhà thơ, đại biểu Quốc hội.  Đoàn Phú Tứ lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, ném khăn xuống đất, nhổ vào cốc rượu trước mặt, đĩnh đạc bước ra khỏi phòng.
 Ngay đêm hôm đó, nhà thơ viết một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ Tịch, trình bày toàn bộ sự việc.     
Thư có đoạn viết:
‘ Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã dùng quyền lực ‘ban phát’ thức ăn đồ mặc để giở trò ăn cắp. Cứ mỗi cái màn lính, Châu ăn cắp hai tấc vải nên hễ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Áo trấn thủ bị Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào. Nhiều người biết đấy nhưng không ai dám ho he... Cháu cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đi đánh giặc trở về. Cháu đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, hầu hết các chiến sĩ đều rách rưới đói rét, chỉ còn mắt với răng giữa mùa đông chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng ’…Sau đó, nhà thơ kể về tiệc cưới  Bùi Minh Trân…”
x  x  x
Một đêm hè năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc, Thiếu tướng Trần Tử Bình Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được mời lên gặp Bác.
Bác trao lá thư của Đoàn Phú Tứ: “Thư của một nhà thơ gửi cho Bác. Bác đã đọc kỹ và rất đau lòng!”. Bác dứt khoát: "Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm". Bác giao cho Thiếu tướng điều tra vụ việc.
Trước khi điều tra vụ Châu, Bộ Tổng tư lệnh cho bắt cục phó Quân nhu Phạm Toàn để lấy lời khai. Tạm giam Toàn tại nhà dân, có bộ đội canh giữ. Đêm ấy, Toàn lấy trộm lựu đạn, mở chốt, úp mặt vào… 
Ngay hôm sau, Tổng Thanh tra quân đội Lê Thiết Hùng triệu tập cuộc họp bàn việc “Điều tra vụ tham ô của Đại tá Trần Dụ Châu”. Cán bộ Thanh tra tỏa về các liên khu. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng trực tiếp gặp từng cán bộ, chiến sĩ trò chuyện về đời sống, về chất lượng và cách cấp phát quân nhu của đại tá Châu.
Tài liệu từ Khu Bốn gửi ra, từ Khu Ba gửi lên, rồi từ chiến khu Việt Bắc... Trần Dụ Châu hiện nguyên hình một kẻ gian hùng, trác táng, phản bội lòng tin của Đảng, xâm phạm lợi ích quốc gia.
Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án Binh tối cao mở phiên tòa xử Trần Dụ Châu. Lê Sĩ Cửu vắng mặt vì đang ốm. Tại cửa phòng xử án căng khẩu hiệu "Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội". Trong phòng treo 2 khẩu hiệu "Quân pháp vô thân!" và "Trừng trị để giáo huấn!".
Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án cùng 2 hội thẩm: Phạm Học Hải - Giám đốc sở Tư pháp Liên khu Việt Bắc và Trần Tấn - Cục phó Cục Quân nhu. Thiếu tướng Trần Tử Bình, ngồi ghế Công tố viên. Nhiều đại diện các cơ quan dân chính đảng cùng đại biểu quân đội, đại diện các đoàn thể nhân dân và các nhà báo tới dự.
Các chứng cứ cho thấy Trần Dụ Châu tham ô, lợi dụng chức quyền biển thủ 57.950 đồng Việt Nam, 449 USD, 28 tấm lụa xanh, nhận 20 vạn đồng tiền hối lộ, sống xa hoa, trụy lạc,  bè phái, gây chia rẽ nội bộ.
Công tố viên Trần Tử Bình đọc cáo trạng trong đó có những đoạn:

Trong tình thế gấp rút chuẩn bị Tổng phản công, để đền nợ cho quân đội, để làm  gương cho cán bộ và nhân dân, để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ phương kế xoay tiền của Chính phủ, những kẻ bày ra mưu nọ kế kia, lừa trên bịp dưới, để trừ hết bọn mọt quỹ tham ô, dâm đãng, để làm bài học cho những ai đang trục lợi kháng chiến, đang cậy quyền, cậy thế loè bịp nhân dân, bản án mà Toà sắp tuyên bố phải là một bài học về đạo đức cách mạng cho mọi người, thoả mãn lòng công phẫn của nhân dân, làm cho nhân dân thêm tin tưởng và nỗ lực hy sinh cho cuộc toàn thắng của nước nhà. Vì vậy, tôi yêu cầu toà xử phạt:
1 - Trần Dụ Châu: tử hình
2 - Tịch thu ba phần tư tài sản
3 - Tịch thu những tang vật hối lộ

Thiếu tướng Chánh án tuyên án:
“Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến: Tử hình, tịch thu ba phần tư tài sản. Lê Sĩ Cửu: xử tử hình vắng mặt. Bùi Minh Trân can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn lậu giả mạo giấy tờ: 10 năm tù giam.”

Chủ tịch Hồ chí Minh bác đơn xin giảm tội của Châu. 6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu ra trường bắn trước sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan…
Lúc này, nước ta còn đang trong vòng vây của địch, biên giới bị bịt kín, ta phải hoàn toàn tự lực, cán bộ, bộ đội chưa có lương còn do dân nuôi, thiếu thốn đủ mọi thứ. Thế nước đang như “ngàn cân treo sợi tóc” nên mọi người đều tin chắc vụ tham nhũng lớn này chỉ giải quyết trong nội bộ. Thế nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thông tin rộng rãi cho nhân dân biết,  phải tường thuật đầy đủ trên báo Cứu Quốc và đài Tiếng nói Việt Nam. Tiền của bọn tham nhũng lấy là tiền đóng góp của dân nên phải báo cáo với dân.
Báo Cứu Quốc đăng bài tường thuật 6 kỳ liền, có bốn kỳ trên trang nhất, nêu tỉ mỉ các thủ đoạn, mánh khóe moi tiền của Nhà nước cùng mọi trò ăn chơi, sa đọa của bọn tham nhũng.
Xã luận “Nhân vụ án Trần Dụ Châu” phân tích tại sao lại công khai với toàn dân:
“… Có người e ngại chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu Chính quyền, Đoàn thể ta (thời gian này Đảng đang tự giải tán vì vậy công khai trên báo gọi Đảng là Đoàn thể). Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đây là sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, Đoàn thể. Vì họ đã hiểu Chính quyền, Đoàn thể là Chính quyền, Đoàn thể của mình nên họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ. Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người khác, tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững mạnh. Đấy không phải là việc riêng của Chính phủ, của Đoàn thể mà đấy là bổn phận của các tầng lớp quần chúng nhân dân đông đảo chúng ta”.
Vừa đọc các bài báo chúng tôi vừa mạn đàm sôi nổi và tất cả đều tin chắc “hễ thằng quan tham nào lộ mặt là Chính phủ và Đảng ta sẽ trị ngay, nhờ vậy muôn đời dân ta sẽ không khổ sở vì bị chúng nó bóc lột”. Mà chỉ cần làm đúng lời Bác Hồ dạy: “Dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm”  “Tiền của bọn tham nhũng lấy là tiền đóng góp của dân nên phải báo cáo với dân”.
                                                                                                                                              SĐM