Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

ĐOÀN XE KHÔNG KÍNH



Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều tôi về binh trạm 35 thay chính ủy Tuấn vừa hi sinh.
Binh trạm trên đường Trường Sơn là một đơn vị hợp đồng binh chủng gồm đội vận tải cơ giới (thường là một tiểu đoàn ô tô), công binh, giao liên, chuyên gia (cán bộ làm công tác dân vận trên đất Lào). Trên cung đường được giao- trung bình khoảng 80km hoặc 100km- binh trạm chịu trách nhiệm mở đường, sửa đường, lập kho, vận chuyển hàng, làm công tác dân vận, giao liên dẫn đường cho khách v.v. Có binh trạm được tăng cường một đại đội hoặc một tiểu đoàn pháo cao xạ. Mùa khô 1969-1970 đoàn 559 có 17 binh trạm phụ trách 19 tiểu đoàn ô tô vận tải với 2315 xe, 28 tiểu đoàn công binh với 70 máy húc, 39 xe ben, 22 tiểu đoàn cao xạ, 16 tiểu đoàn thông tin, 14 tiểu đoàn giao liên. Ngoài ra còn tiểu đoàn thuyền, các đội chuyên gia, nhiều đội phẫu thuật, bệnh xá v.v.
Liên lạc dẫn tôi đi xuyên qua nhiều mảng rừng, chỗ là rừng tre um tùm, chỗ là rừng khộp thông thoáng xen lẫn những cây săng lẻ cao vút, những rừng thông thơm hắc mùi phấn hoa… Lúc lội dọc một đoạn suối dài nghe tiếng chim hót tôi ngửa cổ nhìn lên ngọn cây cao chừng hơn mười mét nhưng không thấy chim chỉ thấy giữa vòm lá xanh một đám cỏ khô to bằng chiếc giường đôi. Tôi hỏi giao liên:
 -Tổ chim gì to thế? Phượng hoàng à?
Cậu giao liên nhìn lên ngọn cây, lắc đầu:
 -Mùa mưa suối dâng nuớc lên tít tận trên ấy. Cỏ rác bị cuốn theo, mắc lại rồi khô đi chứ không phải tổ chim.
Mưa Trường Sơn khủng khiếp thật. Nước mọi con suối dâng lên rất nhanh, rất cao, chảy rất mạnh, có lần cuốn phăng mấy chiếc ô tô nặng hàng chục tấn chẳng may chết máy nằm cách suối mấy chục mét. Có chiến sĩ mắc võng ở lưng đèo nằm ngủ, tưởng thế là an toàn. Đang độ tuổi ăn tuổi ngủ lại rất mệt mỏi sau một ngày chiến đấu căng thẳng nên cậu ngủ quá say, nước suối dâng cao cuốn trôi cả người cả võng đi mất tích…
Sau ba ngày đường, gần tới binh trạm 35 thì trời đổ mưa. Có lẽ đây là trận mưa do chương trình Popeye - một cố gắng của Mĩ nhằm kéo dài vô thời hạn mùa mưa trên đường Trường Sơn “biến mùa khô thành mùa mưa”  bằng cách làm mây nhân tạo, mây là các đám khói chứa chất iodine. Dự án bắt đầu vào khoảng tháng 9-1969 trên lưu vực sông Bạc. Sau cuộc thử nghiệm thành công, chúng thực hiện Popeye trên toàn tuyến đến tháng 7 năm 1972 mới chấm dứt.

Binh trạm 35 chiến đấu trên một tuyến vận chuyển huyết mạch trên địa phận tỉnh Xavannakhet của Lào. Cơ quan chỉ huy binh trạm đóng trên quả đồi thấp bên bờ sông Bạc (sông Sêkông). Qua sông Bạc, qua đèo Long, qua Sê Sụ một quãng tới “Ngã ba Đông Dương”, nơi một con gà gáy sáng người ba nước đều nghe tiếng.
Ngay trong đêm, binh trạm trưởng Nguyễn Giới triệu tập họp đảng ủy để giới thiệu bí thư mới, thông báo tình hình của binh trạm từ đầu mùa khô 1969 đến nay. Theo Nguyễn Giới binh trạm chỉ đạt từ 60 % đến 70 %  kế hoạch vận chuyển do tinh thần chiến sĩ tiểu đoàn xe 59 của binh trạm chưa được phát động, phong trào thi đua lập công không sôi nổi, công tác lãnh đạo chưa khắc phục được tâm lí sợ khó khăn nguy hiểm của số đông lái xe.
Chủ nhiệm chính trị Cường phát biểu: một số lái xe chưa thật dũng cảm là do công tác tư tưởng chưa sâu sát chưa hiệu quả, mặt khác còn do công binh trên tuyến chưa làm tốt công tác bảo đảm cho xe. Cường phân tích thêm: công binh có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu. Đường tốt hay xấu, các trạm barie có được đóng mở kịp thời để ngăn chặn hoặc giải phóng đoàn xe, trên đường có đủ công sự vững chắc cho lái chính lái phụ ẩn nấp khi địch bắn phá, khi tắc đường có đủ lực lượng nhanh chóng giải phóng xe khỏi nút tắc…là những vấn đề cần giải quyết. Cường kết luận: đang còn rất nhiều thiếu sót về tổ chức và chỉ huy ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần lái xe, vì thế lãnh đạo vừa phải tăng cường công tác giáo dục, động viên vừa phải giải quyết tốt hơn công tác tổ chức, chỉ huy và hiệp đồng giữa các lực lượng. Nhận định của chủ nhiệm chính trị có nhiều điểm khác với binh trạm trưởng, tôi thấy phải xuống đơn vị trực tiếp quan sát mới biết được sự thật.
Sáng hôm sau Cường dẫn tôi xuống tiểu đoàn xe. Vương Thanh chính trị viên tiểu đoàn báo cáo tình hình mọi mặt của tiểu đoàn. Rồi thết chính ủy và chủ nhiệm chính trị bữa cơm trưa có món thịt lợn rừng nấu giả cầy. Lính Trường Sơn là những đầu bếp rất thiện nghệ, chân giò lợn lòi được nướng vàng rộm trông không khác mấy những cái chân giò lợn quay ở phố Hàng Buồm. Nướng xong, ướp giềng mẻ mắm tôm đúng 30 phút rồi hầm kĩ đến khi chỉ còn xâm xấp nước. Dọn ăn kèm với rau ngổ, rau húng hái trong vườn tiểu đoàn bộ và nộm hoa chuối rừng. Món thứ hai là canh “rau mì chính”, loại rau leo trên vách núi đá nấu canh suông không cần thịt cá mà ngọt lừ như canh xương hầm. Cơm xong ba anh em ngồi uống nước sâm rừng hút thuốc lá Thăng Long vụn, bàn tính các biện pháp vực dậy tinh thần bộ đội lái xe.
Hôm sau tôi bảo Vương Thanh bố trí cho tôi đi một chuyến dọc tuyến, trên xe của cậu nào nhút nhát nhất. Đoàn xe 20 chiếc gồm 3 xe xitéc xăng, 10 xe gạo, 7 xe đạn, thuốc nổ và thuốc tây xuất phát khi bóng chiều đã nhuộm tím dãy núi xa. Vương Thanh chính trị viên tiểu đoàn  dẫn đầu, chủ nhiệm chính trị Cường ngồi xe số 2, tôi chiếc số 3 do lái xe Thăng người Thanh Hóa cầm lái. Cả ba chiếc Zil 157 đều không còn kính chắn gió. Cửa xe hai bên cabin gắn áo giáp chống bom bi bằng hai lớp ống tre ghép lại. Giàn lá ngụy trang che kín phía trên. Xe chạy bằng đèn rùa chỉ chiếu sáng một khoảng chừng 3m trước mặt, khi leo dốc cao ánh đèn có thể bị máy bay địch phát hiện nên phải tắt đèn chạy thầm trên con đường độc đạo ngoằn ngoèo giữa một bên là vách núi một bên là vực sâu. Chả trách tinh thần lái xe luôn căng thẳng cực độ!
Đoàn xe ra khỏi kho chừng 3 cây số thì qua ngầm sông Bạc. Ngầm là khúc sông được  đổ đá chỉ còn sâu chừng 40 đến 50 cm vừa đủ cho xe vượt sông an toàn mà ngầm không bị lộ vì vẫn có nước chẩy bên trên. Mùa vận chuyển đã bắt đầu từ hơn một tháng nay nhưng con ngầm dài 20m vẫn lổn nhổn gập ghềnh, xe có lúc tụt xuống hố sâu nghiêng đi như muốn lật, động cơ xe ba cầu tuy rất khỏe nhưng phải gào lên mấy hơi liền mới bốc được xe lên khỏi hố.
Qua ngầm lại phải leo đèo Long dài 7km. Trên nền trời sáng trăng bàng bạc nổi bật hình những cây cổ thụ ba bốn người ôm bị chất độc hóa học làm héo quắt, đứng trơ xương trên đồi giơ những cành khô như những cánh tay khẳng khiu xin cứu mạng.
Xe đang gầm gừ leo con dốc gập ghềnh đá tai mèo lởm chởm, cỏ cây xơ xác hai bên đường vì bom B 52 thì một chiếc AC130 xuất hiện xa xa mé tay phải, nã pháo Bofors 40mm ùng ục ùng ục từng loạt ba bốn phát nối nhau. Cánh lái xe gờm nhất thằng này, nó dai như đỉa đói,  gần đây lại được trang bị thêm nhiều phương tiện điện tử hiện đại nên nó bắn phá khá chính xác, gây nhiều tổn thất nhất cho ta: từ 60 đến 70 % xe bị trúng đạn cháy hỏng là do thằng AC130 này. Được thằng trinh sát OV10 chỉ mục tiêu, nó đã nổ súng thì ít khi không trúng xe. Lái xe, công binh đều ngán, thường nhại tiếng súng nó bắn thủng thùng… thủng thùng!
Thăng hỏi:
 - Ta dừng lại chứ thủ trưởng?
-  Cứ chạy tiếp. Ta dừng, mười mấy chiếc phía sau sẽ ùn lại tạo thành mục tiêu ngon cho chúng nó. Hai chiếc đi trước vẫn đang chạy, ta cứ bám theo họ.
Một cậu công binh xuất hiện:
-  Nó bắn ở cao điểm 200. Nó đã có mục tiêu rồi, cậu tranh thủ chạy nhanh xuống chân đèo an toàn hơn ở trên này.
 Thăng lẩm bẩm:
-  Đêm nay công binh tử tế quá. Chả bù mọi hôm, chẳng thấy bóng vía thằng nào trên tuyến. Nghe có tiếng máy bay là chúng nó chui hết xuống hầm, cấm thấy mặt lấy một đứa để mình hỏi tình hình địch.

Đoàn xe vào tới kho binh trạm 36 an toàn không sa sẩy một tí gì. Các chiến sĩ của đại đội kho bốc hàng xuống, chiêu đãi các lái xe binh trạm bạn một chầu nước ngũ gia bì, thuốc lá Thăng Long vụn quấn vội bằng loại giấy cuốn máy chiều ngang chỉ 2,5cm nhưng cánh lái xe quấn rất gọn không rơi vãi một sợi. Rõ ràng họ vẫn bình tĩnh sau chuyến đi vất vả. Rồi cả đoàn  lại vui vẻ lên xe quay về, chở theo dăm thương binh của các đơn vị bạn, mươi cán bộ chiến sĩ lên bộ Tư lệnh 559 công tác.
Dọc đường tôi hỏi lái xe:
-Thăng có mệt lắm không?
Thăng lắc đầu:
-Báo cáo chính ủy! Chuyến đi đêm nay em thấy rất thoải mái. Về đến nhà nếu có hàng em xin xung phong đi luôn chuyến nữa ngay trong đêm.
Đang trên đà dốc bầu tâm sự, Thăng tiếp:
-Thú thật với thủ trưởng, nhiều đêm em cũng hơi hoảng. Đường vắng tanh, một mình đánh vật với mặt đường đầy ổ voi, địch ở đâu mình không biết, phía trước có bị tắc đường không cũng chẳng hay. Giá như công binh nó chịu khó hộ tống mình ở những đoạn khó hoặc những khi có máy bay địch đến thì tay lái bọn em vững hơn nhiều. Và phải chuẩn bị những chỗ cho bọn em tránh bom đạn kha khá một tí chứ đừng ẩu thế kia.
Thăng chỉ tay sang bên taluy dương có cái hàm ếch nông choèn.
Sáng hôm sau tôi triệu tập chính trị viên tiểu đoàn xe, chính trị viên tiểu đoàn công binh lên bàn bạc công tác lãnh đạo… Sau it lâu thực hiện những chủ trương của cuộc họp đó, nỗ lực của hai thủ trưởng quân sự và chính trị cùng các ban chuyên môn đã giúp tiểu đoàn xe và tiểu đoàn công binh tiến bộ trông thấy. Những tháng sau, cứ vào khoảng hơn một tháng tôi lại thu xếp công việc để đi trên tuyến với xe, thường là xe cậu Thăng. Và rất vui khi tận mắt trông thấy mỗi tháng tuyến đường lại có thêm nhiều điểm mới. Ngầm sông Bạc được lát phẳng phiu, chèn kĩ, xe chở nặng lao xuống không lảo đảo ngả nghiêng không bị sụt lún như trước. Dọc tuyến đường, mỗi vài ba cây số đều có một hoặc hai thậm chí ba ngách đường tránh (mang cá) vừa đủ cho một, hai xe lánh vào khi cần (thay lốp, bịt tạm lỗ thủng két nước bằng bùn hoặc cứt thú rừng, xốc lại hàng chở trên xe, tránh xe từ binh trạm bạn chạy ra…) Công binh tận dụng những đoạn taluy dương trúng bom Mĩ sửa sang thành vô số đường tránh mà không tốn một cân bộc phá nào. Các hàm ếch đều có tường đất, bao đất chắn ngoài cửa, chỉ hở vừa đủ cho người lách vào. Ở các barie có những hầm chữ A - đào sâu xuống đất, gác nhiều thanh gỗ trên mái thành hình chữ A rồi đắp đất lên. Giao thông hào dẫn đến hầm trú bom có cắm cờ trắng bằng dù pháo sáng để ban đêm dễ thấy. Khi xe tới mỗi chặng đều có lính công binh phụ trách chặng đó đứng bên đường chỉ dẫn, thông báo tình hình đường sá, hoạt động bắn phá của địch, động viên lái xe. Chỉ vài ba câu ngắn gọn nhưng rất có hiệu quả.
×  ×  ×
Năm 1968, chiến sự tại chiến trường miền Nam trở nên cực kì ác liệt. Số lớn chiến sĩ lái xe có kinh nghiệm được chuyển vào sâu.
Ngày18/12/1968, đơn vị nữ lái xe mang tên nữ Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hạnh được thành lập gồm hơn 40 cô gái ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, từ một trung đội lúc đầu phát triển thành đại đội C13 với 60 người. Sức vóc con gái, tuổi trẻ nhưng được giao nhiệm vụ nặng nề là hỗ trợ lực lượng cửa khẩu, chở vũ khí, lương thực từ Vinh vào giao tại các cửa khẩu đường 12, 18, 20, 22... Khi cần thiết, các cô phải vượt cửa khẩu giao hàng cho chiến trường miền Nam, chở thương binh từ miền Nam ra … 
Đây là mùa bộ đội Trường Sơn phải đối phó với nhiều loại vũ khi mới của giặc Mĩ. Bom lazer tập trung diệt các trận địa cao xạ. Máy bay AC30 gắn kính hồng ngoại tăng khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm. Mạng lưới trinh sát điện tử triển khai từ 1968 với kế hoạch rải 20 000 thiết bị trị giá 1,7 tỉ USD trong chương trình Igloo White được xúc tiến, những Cây Nhiệt đới gắn cảm biến địa chấn được rải dọc tuyến, khi có xe chạy gần gây rung động, máy sẽ truyền tín hiệu về trung tâm Cảnh giới Xâm nhập ISC ở Nakhon Phanom (Thái Lan). Trung tâm này có máy tính IBM 360-65 hiện đại nhất thế giới hồi đó, thu nhận và xử lí dữ liệu rồi truyền cho sở chỉ huy tác chiến điều máy bay đến bắn phá… Bom từ trường loại mới gắn kíp nổ tự động lúc mở lúc khóa, xe phá bom phóng từ gặp lúc kíp khóa thì bom không nổ, tưởng không còn bom đoàn xe chạy qua đúng lúc kíp mở thì bom nổ…
Trong tình hình như vậy, những chuyến đi trót lọt như chuyến đầu tiên của tôi rất hiếm, có thể nói là hãn hữu. Cung đường binh trạm 35 có hai trọng điểm là ngầm sông Bạc và đèo Long nên chạm trán máy bay địch là cơm bữa. Nhiều đêm đội hình xe bị đánh tan tác, có chuyến mười hai xe chỉ còn hai xe vào tới binh trạm 36. Nhiều xe chở phuy xăng bị bắn cháy, lái xe phải húc vào taluy dương cho đầu xe ghếch cao lên, các phuy xăng theo sàn xe dốc lăn xuống đường, lái xe nhẩy theo đẩy chiếc phuy cháy xuống vực để cứu xe và các phuy còn lại. Dĩ nhiên không phải lần nào cũng thu được kết quả! Nhiều chiến sĩ lái xe đã hi sinh thân mình để cứu hàng cứu xe bằng cách đó.
         Một trong những chuyến đi đáng nhớ là hôm tôi đi với đoàn 25 xe trong đó 10 xe chở xăng đóng phuy, 15 xe chở đạn, thuốc nổ, kíp mìn.  Khi tốp đầu 5 xe vừa vượt qua sông Bạc thì bị OV10 phát hiện, bắn pháo hiệu chặn đầu tốp sau. Pháo hiệu xanh lẹt một khoảng trời do nước sông Bạc chiếu hắt lên soi rõ mấy chiếc xe đang xuống ngầm. Chiến sĩ Vũ tông cửa xe nhẩy xuống, cởi áo giáp định dập tắt quả pháo hiệu thì phản lực địch lao tới trút bom. Vũ hi sinh ngay bên quả pháo hiệu đang lụi dần. Cậu Thăng lôi tôi vào hầm chữ A của công binh đào trong vách núi. Ngồi trong hầm kiên cố có hàng chục mét đất đá che trên đầu tôi thấy đất dưới chân không ngớt cuộn lên từng đợt sau tiếng bom nổ bịch… bịch. Bom đánh gần nghe tiếng nổ không to không dữ dội như khi nổ ở xa nhưng sức công phá thì khủng khiếp… Sáu xe cháy thành than, ngầm bị cắt đứt ba bốn đoạn. Bọn phản lực trút hết bom bắn hết đạn bỏ đi.
Tôi ra khỏi hầm động viên tiểu đội trưởng công binh “Bằng mọi giá chúng ta phải đưa được 14 xe này vượt sông trước khi máy bay địch quay lại đánh tiếp”. Ba chiến sĩ công binh và ba nữ thanh niên xung phong lội xuống sông dò đường rồi đứng ngâm mình làm cọc tiêu ở những chỗ nước sâu đến ngực hướng dẫn xe qua ngầm.  Đoàn xe tránh những hố bom có những cọc tiêu sống kia đánh dấu, vượt sông  rồi tăng tốc lên đèo Long.
Hai xe cuối cùng chưa tới được bờ nam thì máy bay địch lại đến. Lần này là thằng AC 130. Những loạt đạn 40 li rất chính xác của nó bắn cháy chiếc đi trước, một chiến sĩ công binh gục xuống sông. Hai chiến sĩ còn lại và ba cô gái vẫn đứng vững tại vị trí chỉ đường cho chiếc xe sau cùng. Chiếc này cũng trúng đạn, chết máy nằm lại giữa ngầm. Lái xe, hai chiến sĩ công binh, một nữ thanh niên xung phong hi sinh…
Binh trạm tôi hầu như không đêm nào không có xe cháy, người chết và bị thương. Dọc hai bên đường- cách mặt đường khoảng vài trăm mét- sau mỗi đêm lại có thêm nhiều nấm mộ mới...
Không chỉ các chiến sĩ lái xe bị thương vong. Một đêm tháng 12 năm 1969  kho hàng của binh trạm trúng một dây bom B 52, cả trung đội 41 con người chỉ còn lại một thúng xương thịt vơi vơi. Cậu binh nhất Năm 18 tuổi dũng sĩ Diệt Mĩ tại đại hội mừng công tối hôm trước vừa ngồi cạnh tôi trên ghế chủ tịch đoàn giờ đây biến mất không để lại vết tích gì. Nhìn thúng xương thịt do đồng đội đi nhặt khắp nơi trong rừng vừa mang về tôi không sao nín được khóc òa lên “Năm ơi Năm! em đâu rồi?“ Thấy tôi gục mặt ghì chặt hai tay vào chiếc thúng mấy cô y tá vội giằng chiếc thúng mang đi chôn.
Chiều qua còn nằm gác chân lên nhau bù khú chuyện quê hương, chuyện mối tình mới chớm, xây mộng tương lai…thế mà sau một đêm nhiều đồng chí đồng đội đã biến mất, chỉ còn lại chỗ nằm trống vắng trên sạp. Căm thù, đau thương chồng chất mỗi ngày khiến những người còn sống đều nghiến răng thật chặt, quyết không lùi bước.
Cuối mùa khô 1969-1970 binh trạm lần đầu tiên vượt mức kế hoạch 17%. Thành tích tuy khiêm tốn nhưng cũng làm toàn thể cán bộ chiến sĩ phấn khởi, lòng tự tin tăng lên chưa từng có. Đây là bệ phóng sẽ đưa thành tích của binh trạm lên cao hơn nữa. Quả nhiên chỉ ít lâu sau Binh trạm 35 được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng.
Vừa chủ trì xong lễ Mừng công thì tôi được lệnh đi thành lập đơn vị mới: trung đoàn 592 Đường ống.
                                                                                                                                                                                                                                                   SĐM




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét