Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

CÓ GÌ CHỈ MỘT MÌNH TÔI…

          Sau gần ba năm đoàn 310 thực hiện nhiệm vụ vận tải theo phương châm “Đi không dấu nấu không khói nói không tiếng” cuối năm 1961 xe vận tải của đoàn 3 Cục Hậu cần bắt đầu lăn bánh ầm ầm trên đường Trường Sơn. Đến tháng 4 năm 1965 đã có 6 tiểu đoàn xe vận tải cơ giới của đoàn 559 đêm đêm chạy trên đường. Đế quốc Mĩ nhanh chóng phát hiện ra con đường chiến lược cực kì nguy hiểm cho chúng. Ngay từ tháng 12 năm 1964 chúng đã liên tiếp mở nhiều chiến dịch bắn phá ác liệt, giờ đây mức độ bắn phá càng tăng gấp bội: từ 20 phi vụ mỗi tháng năm 1964 tăng lên 1000 phi vụ mỗi tháng năm 1965.
           Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 nhu cầu của chiến trường miền nam tăng rất lớn nhưng mọi con đường đều bị địch đánh chặn quyết liệt, xăng dầu không chuyển vào được nên hoạt động vận chuyển hầu như tê liệt, bệnh binh không có thuốc, khẩu phần gạo của bộ đội từ 400g xuống còn 200g, nhiều kế hoạch chuẩn bị chiến đấu có nguy cơ phá sản.
            Bằng cách nào đưa được xăng dầu vào chiến trường?
            Kĩ sư Lưu Vĩnh Cường hướng dẫn binh trạm 12 tận dụng mọi thứ ống - ống phóng rocket của Mĩ, ống cao su, ống nước và cả ống bương nối với nhau bằng săm ô tô tạo thành tuyến đường ống có một không hai trên thế giới. Đường ống độc đáo này tồn tại được 2 tháng, bơm được 150 tấn xăng cho đoàn 559. Nhưng đường ống này hiệu quả không cao, xăng làm ống bương teo tóp, làm săm cao su nối ống chảy ra, hệ thống ống không chịu nổi áp suất cao nên hiệu quả chẳng bao nhiêu mà thất thoát thì quá lớn.
            Cùng với tuyến ống bương, binh trạm 12 dùng biện pháp “kiệu xăng”: bốn người khiêng một phuy loại 100 lít băng qua bãi lầy trọng điểm dài hàng kilomet. Hai ngày mới giao được hai xe xăng cho đoàn 559 với cái giá hai mươi chín chiến sĩ hi sinh, mười tám người bị thương!
            Khi Tổng tấn công Mậu Thân sang đợt 3 (tháng 8-1968) việc cung cấp xăng cho 559 vẫn tắc. Binh trạm 12 áp dụng biện pháp “gùi xăng”: 4000m nylon may thành túi mỗi túi đựng 20 lít xăng bỏ vào ba lô cho năm trăm người gùi qua trọng điểm, sau một ngày vượt bom mìn chỉ giao được hai chuyến. Túi nylon bị xăng làm bục, hàm lượng chì rất cao của xăng A72, A83 làm hơn bốn mươi chiến sĩ gái trai bị bỏng sùi lưng, hai chiến sĩ hi sinh vì ngộ độc chì. Tính chung trong các đơn vị vận chuyển xăng dầu trên đường Trường Sơn, số người hi sinh vì bom mìn địch chỉ chiếm 10%, vì bỏng và cháy xăng dầu chiếm 90%. Chỉ trong mấy ngày  hàng trăm con người đã ngã xuống sông Son, Cường Hà, trọng điểm Trạ Ang mà chỉ đưa được ba xe xăng cho binh trạm 14. Mỗi phuy xăng 200 lít qua Trạ Ang phải đổi bằng sinh mạng một chiến sĩ. Cái giá quá đắt!
            Phải tìm cách khác.
           Dưới làn bom đạn, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cùng các chuyên viên Cục Xăng dầu, các cơ quan bộ Quốc phòng và chỉ huy các binh trạm tìm cách vượt qua khó khăn.
           Hôm tham quan cuộc diễn tập của quân đội khối Varsawa chủ nhiệm Đinh Đức Thiện đã được xem quân đội Liên Xô trình diễn kĩ thuật triển khai tuyến ống dẫn dầu dã chiến. Đây là một giải pháp khả thi. Nhưng quân đội khối Varsawa triển khai hệ thống này dưới sự yểm hộ của pháo binh, máy bay, rải ống bằng xe cơ giới, bơm xăng từ hậu phương tới các đơn vị tác chiến sau chừng mươi ngày thì tháo dỡ tuyến ống. Ta dùng sức người là chính, tạo tuyến ống cố định vượt qua nhiều cao điềm, vận hành lâu dài dưới bom đạn dầy đặc suốt ngày đêm… liệu có thành công?
           Tin ở sức sáng tạo của cán bộ chiến sĩ, Đinh đức Thiện đề nghị chính phủ xin Liên Xô viện trợ và chỉ sau hai tháng, từ tháng 9 đến tháng 11-1967 bạn đã giao cho ta hai bộ, mỗi bộ gồm số ống nối lại dài một trăm kilômet (mỗi ống đường kính 10 cm, dài 6m) kèm theo hai mươi máy bơm. Trong những năm 1970, 1971, 1972 Liên Xô viện trợ thêm 9 bộ nữa. Ngoài ra, bạn còn cử kĩ sư Kondrasov và chuyên gia máy bơm Yvrasenko sang mở lớp huấn luyện kĩ thuật cho 34 người trong đó có một số công nhân của khu gang thép Thái nguyên. Cuối năm 1967 Công trường 18 được thành lập do Mai Trọng Phước làm đoàn trưởng, Hoàng Sùng chính ủy. Ngày 23-6-1968 nhân dân hai xã Nam Lâm, Nam Đông huyện Nam Đàn, Nghệ An giúp Công trường 18 đưa đường ống vượt sông Lam thành công. Tuyến ống vượt qua được “Tam giác lửa Vinh -Nam Đàn -Linh Cảm” nhờ sự hợp đồng chặt chẽ giữa bộ đội với giáo viên, sinh viên các trường đại học Bách khoa, Mỏ Địa chất, Xây dựng, Cơ khí-Chế tạo máy của bộ Công nghiệp nặng. Trí tuệ và công sức của bà con nông dân cũng là một yếu  tố rất quan trọng. Thấy bộ đội dùng cuốc bới đất chỗ sâu chỗ nông, cong queo không thẳng, việc lắp đặt ống diễn ra chậm chạp, mấy bác nông dân Hà Tĩnh bảo:
            -Các chú mần rứa chừng mô mới xong? Để choa vẽ cách mần như ri nè.
            Một bác đánh trâu tới, hướng thẳng chỗ cậu kĩ sư đường ống đứng làm chuẩn phía xa, tì mạnh xuống bắp cày, vung roi quát “Vắt! “ Một đường cày dài bốn năm mươi  mét, rất thẳng rất sâu xuất hiện. Bộ đội đặt ống xuống, lấp đất kín. Những đoạn qua ruộng nước thì cấy lúa phủ lên trên. Thế là xong. Tốc độ lắp tuyến tăng gấp mười lần, rất đảm bảo kĩ thuật.
            Chỉ sau vài ngày tuyến ống dài 42km của Liên xô viện trợ  đã đưa 500 m3 xăng vào kho ở xã Nga Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 10-8-1968 Mai Trọng Phước hứng chai xăng đầu tiên từ lòng ống chẩy ra gửi về báo cáo với Tổng cục Hậu cần.
×  ×  ×
           Sau khi vào Nhà Trắng tổng thống Nixon chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, một điểm chủ chốt trong chiến lược là tập trung lực lượng không quân bắn phá đường Trường Sơn ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
         Nhu cầu xăng dầu cho vận chuyển chi viện chiến trường ngày càng lớn. Vấn đề đặt ra cho ngành Xăng dầu là phải có nhiều tuyến trên nhiều hướng nhưng một khó khăn lớn là thiếu vật liệu, khí tài. Những thứ do Liên xô viện trợ đã gần hết, chỉ còn khoảng 40km ống. Tháng 4 năm 1969 Cục Xăng dầu bắt đầu nghiên cứu sản xuất máy bơm, ống và các phụ kiện. Kĩ sư Nguyễn Văn Sên, các giáo sư trường đại học Bách khoa, các nhà máy Cơ khí Trung qui mô, Cơ khí Trần Hưng Đạo phối hợp chặt chẽ, chạy đua nước rút sản xuất thành công máy bơm tương đương máy bơm PNU35/70 của Liên Xô cùng với ống, gioăng, ngàm v.v.
            Do trình độ nền công nghiệp của ta thấp kém nên ống nặng tới 75kg, hơn gấp đôi ống Liên Xô, mang vác xuyên rừng, leo núi rất khó khăn. Để có ống đạt tiêu chuẩn, ta đề nghị Trung quốc giúp. Cuối năm 1969 tiến sĩ Long Đạt Thực dẫn đoàn cán bộ 14 người sang khảo sát tuyến ống từ Vinh đến đèo Mụ Giạ rồi về sản xuất thử đường ống theo mẫu Liên Xô. Năm 1970 bộ trưởng Ngoại thương Phương Nghị sang thị sát lần nữa rồi kí hiệp định chính thức viện trợ đường ống cho ta. Tính đến cuối cuộc chiến tranh đánh Mĩ, Trung quốc đã viện trợ cho ta 45 bộ.
            Tháng 7 năm 1970 bộ Quốc phòng quyết định đưa ống dẫn dầu vào sâu chiến trường. Lúc này đoàn Trường Sơn đã có 6500 đầu xe, hơn 1000 máy móc làm đường và hàng nghìn thiết bị các loại, nhu cầu rất lớn, không tải xăng dầu bằng đường ống thì không thể đảm bảo hoạt động của từng ấy trang thiết bị. Cuối mùa mưa năm 1970 trung đoàn đường ống đầu tiên của đoàn Trường Sơn ra đời: trung đoàn 592. Trung đoàn trưởng là thiếu tá Mai Trọng Phước người đã chỉ huy thi công tuyến ống vượt tam giác lửa Vinh -Nam Đàn -Linh Cảm, hai trung đoàn phó là thiếu tá Đặng Thế Hải và thiếu tá Nguyễn Đăng Tụng, trung tá Nguyễn Phan từ binh trạm 35 về làm chính ủy.  Đảng ủy trung đoàn quyết định trước mắt phải bơm xăng vượt qua “cửa tử” Pha Bang Nưa đang bị địch đánh phá dữ dội – chỉ trong tháng 11-1969 có gần 500 lần B52 rải thảm trong đó hơn 90 lần phá vỡ tuyến ống, làm nhiều chiến sĩ thương vong trong những trường hợp rất thương tâm. Trung đội trưởng Quy người Thanh Hóa thấy khớp nối ống bị hơi bom thổi làm lỏng ra, xăng chẩy rỉ rả liền cầm lắc lê chạy đến siết lại cho chặt. Đang siết thì xăng phía cao dồn xuống tưới đẫm quần áo Quy đúng lúc một loạt bom nổ. Quy bốc cháy đùng đùng như bó đuốc…
×  ×  ×
        Tuyến ống phía bắc sông Xê Bang Hiêng bị địch đánh phá quyết liệt gây tổn thất rất lớn.  Trung đoàn được lệnh chuyển tuyến ống này sang phía nam sông, nơi có một số địa hình chôn được ống và
cách xa đường ô tô nên đỡ bị vạ lây khi địch đánh xe.
         Để lắp đặt tuyến ống mới trước hết phải làm sạch bãi bom từ trường dày đặc. Để làm việc này đại đội 4 tiểu đoàn 668 tổ chức nhiều đội rà phá bom. Chỉ riêng đội của Nguyễn Văn Hà đã phá được 27 quả bom, các đội khác cũng thu được kết quả tương tự.
        Khi bom trên mặt đất được phá hết, bộ đội chuẩn bị lắp đặt tuyến ống mới. Tiểu đội trưởng Nguyễn Lương Định  đề nghị với đại đội trưởng:
           -Chưa chắc đã hết bom dưới lớp đất kia. Để tôi đi trước, có gì chỉ một mình tôi…
          Nguyễn Lương Định vác ống đi dọc tuyến. Cả đại đội hồi hộp nhìn theo. Đi gần hết tuyến Định vẫn an toàn nhưng đến điểm cuối cùng thì một quả bom từ trường nằm sâu dưới đất nổ tung, hất Định lên cao...
           Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu nguyên trưởng Tiểu ban Kĩ thuật E 592 kể lại trong cuốn “Con đường máu lửa” (Nhiều tác giả. NXB Văn Học 2013):                                                                                                                                                                                                     
           “ Tôi gặp lại Nguyễn Lương Định mười bẩy năm sau ngày Định bị thương trước cửa hang Cọp Đen. Tôi cõng anh vào hội trường dự mit tinh kỉ niệm 50 năm truyền thống bộ đội Trường Sơn. Gặp lại Định chúng tôi mới biết những năm qua anh đã vô cùng vất vả chiến đấu với bệnh tật, vật lộn với cuộc sống. Anh đã không nhận được tấm huân chương Chiến công hạng hai  trung đoàn 592 đã đề nghị tặng cho anh. Anh nói:
            “ Sau khi bị thương tôi không biết mình nằm mê man bất động trong bao nhiêu lâu. Tôi được chuyển qua nhiều quân y viện. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, nhẩm tính từ ngày bị thương đã qua cả tháng trời. Vết thương ở khắp nơi trên cơ thể. Nhiều xương bị gãy, nội tạng bị tổn thương. Những đêm nghiến răng chịu những cơn đau hành hạ tôi nhận ra rằng mình bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu mới: cuộc chiến với chính mình và tôi phải chiến thắng chính mình. Các bác sĩ nói với tôi: ‘Anh thoát chết là một điều thật kì diệu. Khi nhận anh vào viện chúng tôi không dám hi vọng anh sẽ sống. Anh không chỉ dũng cảm mà còn đầy nghị lực. Chính nghị lực của anh đã giúp chúng tôi giằng anh khỏi tay thần chết ’.
          “ Khi ngồi được xe lăn, tôi bắt đầu được đưa ra ngoài hít thở khí trời. Đó cũng là lúc tôi biết đôi chân của mình đã bại liệt. Một đôi chân vô dụng với một cơ thể đầy thương tích, tôi sẽ sống ra sao? Tôi bi quan, ý nghĩ không muốn sống bắt đầu luẩn quẩn trong đầu. May thay, tôi sớm nhận ra rằng bi quan không thể làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
          “ Trong trại có một cô y tá đem lòng thương tôi. Chúng tôi làm lễ cưới, hai vợ chồng về nhà tôi. Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ thì già, em gái tật nguyền. Tiền trợ cấp thương binh của tôi, tiền trợ cấp người nuôi thương bịnh nặng của vợ tôi chẳng được bao nhiêu. Tôi nhận bán vé số. Vợ tôi ngày ngày đi lấy vé số cho tôi ngồi bán rồi tất tả buôn đầu chợ bán cuối chợ sống qua ngày.
“ Một hôm tôi ra chợ mua rau trong cửa hàng mậu dịch. Rau mậu dịch thường là rau già, rau ôi vì các cô mậu dịch chẳng mấy khi tưới rau như những tư nhân trồng rau gánh ra chợ bán. Tuy vậy dây xếp hàng mua rau vẫn dài dằng dặc vì rau mậu dịch chỉ bằng nửa giá rau ngoài. Tôi đi xe lăn qua dãy người xếp hàng, tới gần cô mậu dịch.
‘Chị ơi, cho tôi mua một cân. Tôi có thẻ thương binh đây’.
Mặt cô mậu dịch viên vẫn lạnh ngắt như không nghe thấy tôi nói. Một ông đứng tuổi nhắc:
‘Chị ưu tiên bán cho anh thương binh đi. Chúng tôi đợi được mà’. Mặt cô mậu dịch đanh lại.
‘Thì cũng phải từ từ chứ.Thương binh có ba bảy đường thương binh. Có người vô kỉ luật, nghịch  bom nghịch đạn bị thương rồi cũng xoay được thẻ thương binh đấy!’
“ Nghe câu ấy tôi bàng hoàng. Những người như cô mậu dịch viên này đâu biết cái khốc liệt của chiến trường và sự hi sinh của những người như chúng tôi. Cơn phẫn uất bốc lên. Loại người như thế này không cần giải thích cho phí lời. Tôi nhoài tới vung chiếc nạng vào cô ta. Cô giơ tay đỡ, hét to:
‘ Ôi giời ơi, thương binh đánh mậu dịch! ’
“ Hai nhân viên trật tự của chợ đến đưa tôi ra ngoài.
‘ Đồng chí thương binh, xin đồng chí bình tĩnh.’ 
“ Tôi rời chợ đến một góc phố thì dừng lại, khóc tức tưởi, rất lâu, dường như khóc cho cả những thằng bạn nằm lại chiến trường. Chiến tranh qua rồi. Chẳng lẽ đời lại bất công với thương binh chúng tôi đến thế hay sao?
“ Đã thế tôi còn không biết rằng có một người trong xóm đã chứng kiến cảnh nhốn nháo vừa rồi. Bà này mới dọn về nên chẳng biết gì về tôi cứ vô tư kể lại câu chuyện ở chợ rồi kết luận bằng một câu lập lờ:
‘Cậu Định nhận là thương binh nhưng biết đâu cái điều cô mậu dịch nói là có lí’.
“ Từ sau hôm ấy hình như mọi người nhìn tôi bằng con mắt khác. Tôi làm sao giải thích cho họ hiểu đây? Trung đoàn 592 không còn nữa. Các bạn cũ cùng đơn vị mà tôi gặp lại đều nghèo khổ, đều phải chạy ăn từng bữa. Họ không có thì giờ và cũng chẳng biết làm cách nào để mọi người hiểu đúng con người tôi.”
        
         Nghe được câu chuyện trên Mai Trọng Phước nguyên trung đoàn trưởng 592, Hồ Sỹ Hậu nguyên trưởng ban Kĩ thuật trung đoàn và Trần Đình Bảo nguyên chính trị viên tiểu đoàn 668 cùng kí tên vào đơn đề nghị tặng huân chương Chiến công hạng hai, kèm theo báo cáo thành tích của Nguyễn Lương Định gửi lên Tổng cục Chính trị. Cục Chính sách khẩn trương làm mọi thủ tục cần thiết.
            Ngày trao huân chương, cả xóm được mời đến dự lễ và được nghe câu chuyện của Định trong chiến tranh. Mọi người đều rất xúc động.
        Gia đình của Định là một gia đình bất hạnh. Bố Định bị tai nạn giao thông gãy chân không đi lại được.Mấy người con khỏe mạnh đã lập gia đình đi làm ăn xa. Cô em ở lại nhà thì câm điếc. Vợ Định mất sớm vì đau tim. Mọi vất vả mệt nhọc dồn hết lên vai người mẹ già của Định.
          Những ngày cuối đời, được sự quan tâm của đồng đội trong trung đoàn 592, trong ban liên lạc cựu chiến binh ngành Xăng dầu và trong một số cơ quan bộ Tư lệnh Trường Sơn nên Nguyễn Lương Định vợi bớt được phần nào nỗi đau thể xác, tinh thần.
            Rồi lặng lẽ ra đi, một chiều đông…   
 

                                                                                                                                                                  SĐM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét