Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

ĐỒ DỞ HƠI!

           Sài Gòn giải phóng. Tôi vào tìm họ hàng và tham quan thành phố.
Sau khi đứng dưới tán cây tránh giọt mưa lâm thâm dự lễ Mừng Chiến thắng tôi lững thững dạo quanh thành phố. Hòa trong nhiều niềm vui khác tôi càng vui khi thấy mọi thứ còn nguyên vẹn, chỉ lác đác vài dấu vết nho nhỏ của cuộc chiến ác liệt vừa kết thúc vài ngày trước. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất mang nhiều thương tích nhất: hố bom, tường đổ, xác máy bay cháy…Một số nơi dọc bờ sông cũng gợi lên hình ảnh cuộc chiến tranh: xe máy, xe jeep, quân phục, giày, mũ nhà binh bằng nhựa bằng sắt, bi đông bẹp dúm vứt ngổn ngang, có chổ chất cao chắn hết hè đường.
Sau cuộc lễ khoảng một tiếng, không khí trở nên yên tĩnh, nhiều nhà đóng kín cửa, phố xá vắng người qua lại. Xem trên tivi tôi thấy Hà Nội mừng giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà sôi nổi, tưng bừng hơn trong này nhiều. Phải chăng vì người Hà Nội đã phải trả giá đắt hơn? Hay vì Hà Nội không phải đau lòng chứng kiến cảnh hàng vạn người bỏ của cải, nhà cửa, thậm chí có người bỏ cả vợ con để chạy trốn cuộc tắm máu tưởng tượng? Tôi không giải thích nổi, chỉ ghi nhận.
Khoảng một tuần sau, ở nhiều nơi trong thành phố diễn ra một cảnh khá lạ mắt. Nhiều chiếc xe tải Zil 130, Zil 157 phủ bạt kín mít đang oằn lưng xẹp nhíp cõng những thứ được bộ đội khiêng ra từ các doanh trại từ nhà các sĩ quan quân lực Sài Gòn bỏ trốn ra nước ngoài. Thùng xe chất đủ thứ  từ tủ lạnh, máy điều hòa, giường tủ gỗ cẩm lai đến chậu cây cảnh, đôn sứ…Ngồi cạnh lái xe trên cabin là một cán bộ trẻ có, ương ương có mà lớn tuổi cũng có. Tôi nhận ra trong số đó có dăm ba ông Cục phó, Cục trưởng, Sư trưởng, Chính ủy sư đoàn của binh đoàn Trường Sơn. Có những vị mấy hôm trước còn tả xung hữu đột, dốc sức chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc không tiếc mạng sống, giờ đây đang xoay trần bốc lên xe đủ thứ thượng vàng hạ cám để chở về nhà. Mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bơ phờ mặt mày hốc hác trông thật tội nghiệp! Những vị có bà con thân thích trong thành phố còn được tặng vài món quà. Dân Sài Gòn mỉa mai “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Trước các tiệm buôn mới mở cửa lại sau nhiều ngày nghỉ bán chờ thời, nhiều chiếc xe du lịch mang biển số trắng, biển số ngoại giao nối đuôi nhau xếp hàng. Các ông tây bà đầm từ Hà Nội kéo vào tranh nhau xùy đô Mĩ mua toàn những hàng xịn còn nguyên đai nguyên thùng: máy cát xét vừa nghe băng vừa chạy đĩa, giàn nghe nhạc băng cối loa thùng Akai, tivi National, tủ lạnh Hitachi…
Đúng là cốc mò cho cò xơi…trong khi những chiến sĩ được nghỉ phép về thăm quê chỉ xách những chiếc khung xe đạp, những hộp các tông đựng con búp bê biết nhắm mắt khi đặt nằm, thứ sang nhất là cái quạt Nhật cũ. Các chú lính trẻ hí hửng mang những thứ ấy về làm quà chiến thắng tặng bố mẹ, tặng người yêu. Khi qua trạm kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố các chú phải van nài gần như khóc mới không bị tịch thu vì tội phạm kỉ luật, làm sai qui định của cấp trên “Không được mua, không được mang hàng ra Bắc”.
Thấy một khu nhà bề thế nằm giữa bốn bề hàng rào sắt, hai cánh cổng mở toang dưới tấm biển đề “Trường Sinh Ngữ“, không có bộ đội gác, bên trong không có bóng người, tôi tò mò bước vào. Trên lối đi có rất nhiều sách, phần lớn đã ngấm nước mấy trận mưa đầu tháng, trên những trang giấy mủn nát hằn rõ nhiều vết giầy, giầy bộ đội, giầy bốt tin, đôi chỗ có cả dấu giầy cao gót. Dấu chân trần của người lớn, trẻ con cũng khá nhiều.
Hai dãy nhà dài lợp ngói nằm hai bên sườn, cửa chính cửa sổ gỗ sơn nâu cái đóng cái mở, bên trong tối om. Chắc là phòng học sinh ngữ hồi trước.
Tôi vào căn nhà vuông nằm giữa khuôn viên, bốn bề gắn kính. Nền nhà phủ kín nhiều lớp sách chồng lên nhau. Không bị nước mưa nên sách không mủn nát như những quyển vút ngoài sân, nhưng bị dẫm đạp, quăng quật, nhiều cuốn bị xé mất một số trang–chắc là những trang ảnh… Đưa mắt nhìn một lượt tôi thấy có rất nhiều loại sách từ văn học, ngôn ngữ học, y học, khoa học tự nhiên đến triết học, sử học v.v. Nhiều nhất là sách tiếng Anh, sách tiếng Pháp cũng khá nhiều.
Trong phòng có nhiều tủ kính kê trên nền nhà ngoài ra còn có những tủ kính treo khắp bốn bức tường, chắc là những tủ trước kia đựng sách, bây giờ trống hoác. Tất cả sách trong từng ấy chiếc tủ đã bị lôi ra, quẳng xuống đất, bị giằn vặt, tra khảo tàn tệ. Những người vào đây trước tôi chắc đã thất vọng, bực tức khi không tìm thấy những thứ đáng giá họ đang tìm.
Nhìn quang cảnh này, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Một kho tàng kiến thức quí giá đã bị hủy hoại.
Tôi bới trong đống sách với hi vọng may ra sẽ vớt vát được ít nhiều cuốn còn tương đối nguyên vẹn. Sau một lúc toát mồ hôi, tôi tìm được mấy cuốn tự điển Larousse, Oxford, cuốn Chủ nghĩa Hiện sinh là Chủ nghĩa Nhân đạo của Jean Paul Sartre, vài cuốn tiểu thuyết của Gustave Flaubert, Guy de Maupassant, một tập Livre de Poche trong đó có cuốn Bác sĩ Jivago của Boris Pasternak v.v. Tất cả bỏ đầy một chiếc bao tải ai đó vứt  trong thư viện. Tôi cõng bao tải lên lưng, trở về đơn vị.
Vài ngày sau nhân có đoàn xe chở hàng của các thủ trưởng mang về nhà ở Hà Nội, tôi nhờ cậu Ngôn lái xe của binh trạm tôi ngày trước mang giúp về nhà số sách tôi đã lau chùi sạch sẽ, xếp gọn gàng trong hòm đạn Mĩ nhặt bên đường.
Mười ngày sau, cậu Ngôn lái xe trở vào để chở tiếp hàng của các thủ trưởng, nhân thể tìm gặp tôi để báo tin nhà cửa vợ con tôi. Sau khi nghe tin tức về tình hình Hà Nội, tình hình vợ con, cuối cùng tôi hỏi:
- Cậu mang giúp mình hòm sách ra Bắc có bị rắc rối gì không?
- Báo cáo thủ trưởng, trót lọt không suy xuyển gì. Lúc qua trạm kiểm soát, nó bắt mở hòm, lục soát từ dưới lên trên, mở tung những quyển dầy để kiểm tra trong ruột rồi hỏi ‘Cậu biết tiếng nước ngoài đấy à?’  Em trả lời: ‘Không. Sách này của chính ủy tôi đấy chứ’. Thủ trưởng có biết nó nói gì không?
- Nó nói gì?
- Xin lỗi thủ trưởng. Nó bĩu môi ‘Bao nhiêu thứ quí chẳng lấy, lấy một đống sách. Đồ dở hơi!’
Tôi bật cười, vỗ vai chú lái xe thật thà, nói ‘Cám ơn cậu’.
                                                                                                                                    SĐM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét