Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

DÒNG SUỐI LỬA

           Tuy sức khỏe sa sút, bệnh đau dạ dày hành hạ ngày đêm nhưng tôi vẫn cố gắng bám tuyến, bám chiến sĩ. Hôm từ bản Ra Khum nơi đặt sở chỉ huy trung đoàn xuống thăm tiểu đoàn 968, khi sắp lội qua con suối chắn ngang đường tôi thấy chiếc xe Molotova ở bờ bên kia đang từ từ xuống suối. Trên thùng xe có hai cô gái ngồi vắt vẻo trên đống sách báo cao ngất và rất nhiều cuộn giấy màu. Loại xe Gat 2 tấn một cầu này rất yếu, chỉ dùng cho cơ quan bộ Tư lệnh chở nhẹ, chạy những đoạn ngắn. Chiếc này chắc là xe phòng Tuyên huấn Cục Chính trị chở sách báo vật liệu xuống phát cho các đơn vị.
            Xe lội qua suối, hai bánh trước bắt đầu bám vào bờ dốc bên này. Bờ khá cao, chiếc xe rú máy, hai bánh sau quay tít guồng nước suối bắn tung tóe…Bỗng cả đoạn suối bốc cháy rừng rực, lửa khói ngùn ngụt xung quanh xe, trên thùng xe. Cửa xe bật ra, hai chú lính lao xuống chạy một quãng rồi đứng lại, vẫy hai cô gái đang lập cập từ trên mui cabin tụt xuống đầu máy rồi nhẩy xuống đất vừa hét vừa chạy như ma đuổi.
            Một đoạn đường ống phía thượng lưu bị hở tự lúc nào, số xăng dư trong ống sau đợt bơm lúc đêm chẩy hết xuống suối. Tia lửa từ ống xả chiếc Molotova  phụt ra làm đoạn suối dài hàng mấy cây số biến thành suối lửa…
            Bốn người tần ngần ngồi nhìn cho đến khi chiếc xe cháy rụi trơ khung sắt đen sì. Họ lếch thếch lội qua suối đi bộ trở về cơ quan.
            Tôi tiếp tục lên đường. Cách chỗ suối cháy chừng nửa cây số, một tốp ba cô gái mỗi cô vác trên vai một chiếc ống nặng ba chục cân rưỡi tay cầm dao phát rừng lấy lối đi tới chỗ tuyến ống bị hở. Tôi nhập bọn, đến bên cô nhỏ người nhất có lẽ chỉ nặng hơn ba chục cân, nặng bằng chiếc ống cô đang vác. Tôi bảo cô gái:
          - Đưa dao cho tôi. Đi đã không vững lại còn vừa đi vừa chặt cây thế này bao giờ mới đến chỗ sửa tuyến?
          Cô bé chẳng biết tôi là ai, cong cớn đáp:
          - Đừng coi thường gái Hà Đông này nhé!
          Tôi phì cười:
          - Sư tử Hà Đông mà còm nhom thế kia ư? Chắc cả tháng nay chưa vồ được thằng nào!
        Cả ba cô đứng lại chống đầu ống xuống đất, ôm ống cười ngặt nghẽo.
        Lúc đi tiếp, họ cho biết sáng nay đã đi theo tuyến ống 4 cây số từ đơn vị đến chỗ đứt tuyến, quay lại hai cây số đến chỗ có ống dự trữ vác tới đây. Đi  theo tuyến nghĩa là đi mà không có đường đi, phải luồn rừng rậm, lội suối sâu, dẫm lên những nơi đầy bom từ trường mìn lá mìn vương đủ loại, nguy cơ thương vong có thể xẩy ra dưới mỗi bước chân.
         Đoạn ống bị hở nằm ngay giữa dòng suối. Hai bộ chân chống xiêu vẹo, ngoàm nối hai đoạn ống bật ra. Các cô chỉ cần thay hai ống bị biến dạng khớp nối, gioăng cao su bị sứt vài chỗ. Công việc hoàn thành sau nửa giờ, các cô trở về báo cáo lên tiểu đoàn vừa kịp thực hiện đợt bơm xăng nước rút theo lệnh của tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên:
            -Phải bơm xăng đầy kho Q6 ở bắc đường 9,  kho Q7 ở nam đường 9 trước khi địch đổ quân xuống cắt ngang tuyến chi viện miền nam của chúng ta. Trung đoàn 592 phải tổ chức ngay lực lượng chiến đấu với bộ binh địch, bảo vệ vững chắc đường ống.
            Lệnh đó căn cứ vào chỉ thị trực tiếp của đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn bộ Tư lệnh 559 ở Hà Nội ngày 26 tháng 6 năm 1970:

Từ khi Lon Non nắm chính quyền ở Campuchia, cảng Xihanúcvin bị khóa chặt, tuyến vận chuyển chiến lược 559 trở thành tuyến duy nhất thực hiện nhiệm vụ chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Vì vậy một trong những mục tiêu chiến lược rất quan trọng của Mỹ là dùng sức mạnh tổng lực cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm loại bỏ thảm họa đối với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của chúng.
Sắp tới chúng sẽ đặc biệt chú trọng đánh phá vùng Trung - Hạ Lào và vùng đông bắc Campuchia. Không những bằng không quân, biệt kích mà có thể dùng những lực lượng bộ binh lớn của ngụy quân miền Nam, Lào, Thái Lan và Cam pu chia, khi cần có thể dùng cả bộ binh Mỹ để mở cuộc tiến quân bằng binh chủng hợp thành quy mô lớn.
Hướng tiến công chủ yếu có khả năng là địa bàn đường 9, Nam Lào. Địch có thể tổ chức cuộc hành quân bằng lực lượng cơ động dự bị chiến lược, thực hiện chiến thuật "Trực thăng vận" đổ quân xuống các điểm cao nam - bắc đường 9, kết hợp mũi tiến công bằng bộ binh cơ giới vượt Lao Bảo tiến lên Sê Pôn, hợp điểm với quân ngụy Lào, Thái đánh từ Mường Pha Lan xuống nhằm chiếm toàn bộ đường 9, cắt hẳn tuyến chi viện chiến lược.
 Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải theo dõi và chuẩn bị cho tình huống này. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn có lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, rất quen thuộc chiến trường, phải là một trong những lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch, đồng thời là lực lượng tại chỗ đánh địch và là căn cứ hậu cần chiến dịch.Trong bất cứ tình huống nào, Bộ đội Trường Sơn cũng phải thực hiện sự chi viện lớn hơn, sâu hơn, xa hơn, bảo đảm được các yêu cầu trước mắt, đồng thời có một phần dự trữ cho các chiến trường. Mặt khác, phải chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống ngăn chặn của địch. Phải có kế hoạch cơ bản, toàn diện về xây dựng vùng ba biên giới thành căn cứ vững chắc về mọi mặt.
×  ×  ×
            Lúc này trên chiến trường miền Nam đang còn 28 vạn quân Mỹ và 70 vạn quân ngụy. Trên chiến trường Cam-pu-chia có 12 vạn quân của Lon Non. Trên chiến trường Lào có 8 vạn quân Hoàng gia và thổ phỉ Vàng Pao cùng 10 tiểu đoàn quân Thái Lan.
            Với lực lượng quân sự hùng hậu như vậy Nixon cho rằng cần tranh thủ  thực hiện mục tiêu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", tạo vốn chính trị để hắn ta giành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1972, vào ngồi trong Nhà Trắng một nhiệm kì nữa.
             Đúng như phán đoán của Quân ủy trung ương và bộ Quốc phòng, đầu tháng 2 năm 1971 địch mở cuộc tấn công lớn ở đường 9-Nam Lào với lực lượng 4 vạn quân ngụy tinh nhuệ nhất,  6000 quân Mĩ, 4 tiểu đoàn quân ngụy Lào, 580 xe tăng xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1 000 máy bay. Mục tiêu của chiến dịch là cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá hủy phần lớn các kho dự trữ chiến lược trên đường Trường Sơn, làm cho các lực lượng của ta ở các chiến trường không còn nguồn chi viện về người và vật chất kỹ thuật để mở các cuộc tiến công lớn trong mùa khô 1971 - 1972, tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tục rút quân, cho ngụy mạnh lên. Địch cho rằng đánh bại bộ đội chủ lực cơ động của quân đội ta sẽ chứng minh cho sự thành công của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tạo thêm thế mạnh trên chiến trường nhằm ép ta nhân nhượng trong cuộc đàm phán ở Paris.
            Đây là cuộc hành quân đầy tham vọng, có quy mô lớn nhất, điển hình nhất trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ và cũng là đỉnh cao của chiến tranh ngăn chặn nhằm cắt đứt hoàn toàn đường Hồ Chí Minh.
            Tôi bàn với trung đoàn trưởng Mai Trọng Phước cử một đại đội phối hợp tác chiến cùng Sư đoàn 2 của quân khu 5. Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn đặt ở cao điểm 310 gần kho Q7.
            Ngày 8-2-1971. Từ sáng sớm quân ngụy mở cuộc tấn công dọc đường 9. Bom, đạn từ trực thăng Cobra, từ các trận địa pháo dã chiến của địch nổ không phút nào ngớt xung quanh sở chỉ huy trung đoàn. Trực thăng UH1 bay rợp trời như chuồn chuồn báo mưa. Những chiếc trực thăng vận tải “Quả chuối bay” Chinook CH 47 cẩu các cỗ pháo 105 đặt lên đồi cao nã đạn vào trận địa pháo và các cứ điểm của ta. Chốc chốc lại có một chiếc trực thăng bốc cháy cắm đầu lao thẳng xuống đất vì trúng đạn cao xạ của bộ đội phòng không, đạn cao xạ vác vai SA-7 do Liên Xô viện trợ (ta gọi bằng mật danh  A72).
            Đại đội 6 của trung đoàn 592 do đại đội trưởng Nguyễn Thọ Sĩ chỉ huy lần đầu tiên chiến đấu như lính bộ binh nhưng anh em rất  kiên cường bảo vệ trận địa chặn đứng nhiều đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch có trực thăng yểm trợ. Đại đội vừa chặn đánh địch vừa bơm xăng vào phía trong.
            Sau ba tuần, ngày 16 -3 chủ lực ta từ nhiều hướng tiến công trung đoàn quân ngụy số 1 đóng trên cao điểm 72A. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, chúng tìm đường vượt qua yên ngựa Keng Be sang hội quân với bọn trên cao điểm 660 nhưng bị chốt của trung đoàn 592 chặn lại. Chốt chỉ có một trung đội nhưng cả một tiểu đoàn địch xung phong hết đợt này đến đợt khác vẫn không sao vượt qua. Thiếu úy đại đội phó Nông Văn Hoàng người Tày Cao Bằng chỉ huy trung đội diệt 37 tên địch, bị thương vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị diệt thêm nhiều tên cho đến lúc hi sinh. Gần sáng địch trên cao điểm 72A hốt hoảng tháo chạy, nhiều đứa cởi bỏ áo mũ, vứt súng đạp rừng le tìm đường thoát thân.
            Ngày 21-3 khi đại quân địch rút khỏi bản Đông, trung đoàn số 1 của Sư 1 bộ binh ngụy Sài Gòn trên cao điểm 660 bị xóa sổ: 905 tên bị tiêu diệt, 365 tên bị bắt sống trong đó có 3 tên sĩ quan cấp tá. Từng toán tàn binh vứt vũ khí lủi vào rừng tìm đường tới biên giới. Nhiều toán lạc đường, chui đầu vào vị trí đóng quân của ta, nhiều tên bị anh chị nuôi của các đơn vị thuộc trung đoàn 592 bắt gọn. Ngày 25-3 chiến dịch Lam Sơn kết thúc. Trong 45 ngày bom đạn đầy trời, lính ngụy đầy đất, xăng vẫn chẩy đầy trong tuyến ống của trung đoàn 592 cấp phát cho các đơn vị, tổng cộng được 608 tấn. Toàn bộ tuyến ống, kho, trạm bơm được bảo vệ an toàn. Các đơn vị của trung đoàn tiêu diệt 135 tên địch, riêng tiểu đoàn 968 diệt 107 tên, bắt sống 26 tên, thu 62 súng các loại.
            Những chiến công của trung đoàn ngay từ năm đầu tiên ra đời được Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá cao nên sau đó không lâu trung đoàn được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT.
            Bên cạnh trung đoàn 592, từ tháng 8-1971 có thêm trung đoàn đường ống thứ hai: trung đoàn 532 làm nhiệm vụ nối tiếp tuyến ống từ Mường Noòng vào Sông Bạc. Được tin trung đoàn trưởng 532 là Nguyễn Tuấn bạn học trường Bưởi ngày trước, tôi đi bộ một ngày đường đến Sê La Nông thăm bạn đồng thời bàn kế hoạch hợp đồng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Những cố gắng quá sức làm bệnh ngày càng nặng tới mức tôi không sao trụ nổi.
Ngày 30/11/1971 tôi được ra Bắc chữa bệnh. Chiếc xe Zil 130 chở tôi từ bản Tà Lào qua trọng điểm Pha Bang Nưa ra Hà Nội.
Người đến thay tôi là thiếu tá Đào Ngọc Khuê. Sau vài tuần đảm nhận vị trí, chính ủy Khuê đi cùng trung đoàn trưởng Mai Trọng Phước lên bộ Tư lệnh họp hội nghị quân chính. Họp xong Mai Trọng Phước ở lại làm việc với Cục Tham mưu, chính ủy Khuê trở về lo triển khai nghị quyết.
Chiếc xe chở Khuê đến con suối gần K4 thì một tốp Con Ma F4 lao tới. Xe trúng bom bốc cháy, cả bốn người trên xe gồm chính ủy, lái xe, liên lạc và một cán bộ cùng đi đều bị thương, trong đó Khuê và lái xe bị nặng nhất.
Khuê phải nằm viện 6 tháng, khi ra viện được xếp thương binh loại 3/4.
Ít lâu sau các bác sĩ nói:
-Mức độ thương tật của anh phải xếp loại 2/4 mới đúng. Anh nên đề nghị phúc tra lại.
Khuê tặc lưỡi:
-Lo chuyện “thăng cấp” thương binh đâu có dễ. Nhiều đồng chí đã phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần tốn bao nhiêu công sức mà cuối cùng vẫn thế. Thôi, đành chịu thiệt  vậy.
                                                                                                                                                SĐM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét