Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

GẶP LẠI NHỮNG NGƯỜI EM HỌ

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Chính Lê Nin ở Matxcơva, năm 1962 Trần Linh chủ nhiệm khoa Công tác Đảng-Công tác Chính trị về nước mang theo lá thư chị tôi ở Paris (sang học và chữa bệnh lao phổi từ năm 1947) gửi cho tôi trong đó có địa chỉ mấy người em con chú Hội sống trong thành phố  Sài Gòn. Nhận lá thư Linh đưa, tôi thắc mắc: bằng con đường nào lá thư từ Paris đến được Matxcơva khi mà việc thư từ đi lại giữa Pháp và Liên Xô lâu nay vẫn nhiều trở ngại? Mở thư ra đọc tôi mới biết: chị tôi gửi thư này nhờ Trần Linh mang về vì như chị viết trong thư “Từ khi tướng De Gaulle lên làm tổng thống năm 1959 không khí nước Pháp đã dễ thở hơn trước, việc đi lại với Nga xô không còn bị theo dõi, nghi ngờ. May mà tình hình thay đổi như thế nên chị mới gửi được lá thư này đến một người bạn làm trong đại sứ quán mình ở Moscou nhờ chuyển về cho em. Mong được tin em sau gần hai chục năm biền biệt không biết sống chết thế nào”. Người bạn này đến gặp đoàn học viên Việt Nam ở Học viện Lê Nin sắp về nước và nhờ Trần Linh mang thư về cho tôi, phó khoa của Trần Linh.
Hàng chục năm qua tuy không có liên lạc nhưng tôi tin các người con của chú tôi vẫn ở lại quê hương dù họ có thừa điều kiện để di tản ra nước ngoài. Theo truyền thống tộc Nguyễn họ đều có tinh thần yêu nước, đều phản đối sự đô hộ của bọn đế quốc thực dân. Tin thế nên khi Sài Gòn vừa được giải phóng, tôi đi tìm ngay mấy người em họ con ông chú với niềm tin chắc chắn sẽ gặp.
Người đầu tiên tôi tìm đến là cô Thịnh con gái thứ năm của chú Hội. Những năm 1940 chú Hóa chồng Thịnh là kiến trúc sư nổi tiếng ở Hà Nội, hai vợ chồng  thuê căn nhà ở phố Hồ Hoàn Kiếm ngay sau lưng chùa Bà Kiệu. Hồi còn đi học tôi hay đến đây, vừa vuốt ve con chó Fidèle vừa nghe hai vợ chồng chơi đàn, vợ đánh piano, chồng kéo violon. Sau khi đi vào hoạt động bí mật thỉnh thoàng buổi tối tôi vẫn lẻn đến ngồi ngoài cửa nghe đàn cho khuây khỏa…Những bản valse, menuet nhẹ nhàng vuốt ve các dây thần kinh, xoa dịu mọi căng thẳng do cuộc chiến đấu đầy nguy hiểm và cuộc sống thiếu thốn đủ đường gây ra cho tôi.
 Sau hơn ba mươi năm xa cách không biết ai còn ai mất giờ đây tôi rất nóng lòng mong gặp lại người thân, trên đường đi tìm nhà vợ chồng Thịnh câu ”Lệ mừng gặp nhau, xôn xao phím dương cầm [1] luôn thủ thỉ bên tai. Chắc chắn vợ chồng cô em cũng sẽ rất vui khi gặp lại người anh con ông bác từ cuộc kháng chiến dài đằng đẵng sống sót trở vềQuả nhiên khi trông thấy tôi sau cánh cửa vừa mở chú Hóa mừng rỡ reo lên: “Anh Phan!” rồi gọi rối rít “Thịnh ơi! Anh Phan đây này!” Cô vợ từ nhà trong chạy ra, đứng sững nhìn tôi mãi mới cất được tiếng chào: “Anh ạ!”.
 Sau vài câu chuyện, nhìn khắp nhà không thấy cây dương cầm hồi ba mươi năm trước, tôi hỏi và được Hóa cho biết sau khi vào Sài Gòn ít lâu hai vợ chồng không chơi đàn nữa. Họ đã bán chiếc dương cầm cho một nhóm nhạc rock trong thành phố. Hóa nói:
-Tôi tốt nghiệp trường kiến trúc Pháp, hành nghề với bằng cấp của Pháp, thích chơi nhạc Pháp, hát bài hát Pháp. Trong này người ta không ưa những người mà họ cho là thân Pháp. Để khỏi rắc rối phiền phức ảnh hưởng đến cuộc sống, bọn tôi không đàn không hát nữa.
Hóa cười chua chát:
-Chúng tôi đành chấp nhận sống một cuộc sống vô văn hóa.

Hôm sau tôi đến thăm Nguyễn Khắc Mẫn con trai thứ ba của chú Hội ở với vợ con gần trường đua Phú Thọ. Cháu Nga con gái lớn của hai vợ chồng mở phòng chữa răng. Chiếc ghế nha khoa đặt ngay sau cửa ra vào chiếm một phần chiều ngang căn nhà hẹp. Có lẽ vì sống trong vùng khí hậu nóng bức uống nhiều nước đá nên nhiều người Sài Gòn sớm bị hỏng răng. Phòng răng khá đắt khách là nguồn thu quan trọng của hai vợ chồng chú Mẫn và đàn con chín người.
Hai vợ chồng mời tôi ăn cơm trưa. Vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, chú Mẫn nhiều lúc tỏ ý ân hận vì không tham gia kháng chiến do quá nặng gánh gia đình, ngược lại cô vợ có vẻ bằng lòng với cuộc sống nhàn tản không giầu sang nhưng không “khốn khổ thiếu thốn trăm bề như bộ đội các anh”. Trong lúc ăn, hình như sợ tôi không biết thưởng thức các món cô khoản đãi nên cô không ngớt hướng dẫn: “Đây là rượu vang của Pháp. Vang Pháp làm ở vùng Bordeaux ngon nhất hạng, hơn vang của Úc, của Mĩ nhiều. Càng lâu năm càng ngon càng đắt tiền. Sau khi mở nút anh phải để ba mươi phút cho nó “thở” rồi hẵng uống…Bơ Bretelle của Pháp đây anh. Anh phết lên lát bánh mì này, ăn với thịt bò bít tết. Bơ mặn đấy ạ, anh phết một lớp mỏng thôi kẻo mặn quá mất ngon” v.v… Tôi nghĩ bụng: cô em sống giữa Hòn ngọc Viễn Đông, là chủ nhà tiếp ông anh họ mới từ rừng rú về  nên cô dặn dò cặn kẽ thế là phải. Chu đáo thế mới giúp ông anh khỏi làm chuyện ngớ ngẩn như mấy ông cán bộ sang Tàu công tác được mời ăn tiệc, đến lúc tráng miệng thấy bên cạnh mỗi đĩa đựng quả đào có một đĩa xôi các ông bèn véo xôi ăn ngon lành làm các cô gái Tàu phục vụ che miệng cười khúc khích. Các ông không biết đây là xôi để “làm lông” quả đào trước khi ăn…Tuy nghĩ thế nhưng rồi tự nhiên tôi lại nổi tự ái, hơi bực mình: “Có vẻ như nó coi bộ đội mình toàn là dân khố rách áo ôm, là bọn thực bất tri kì vị. Phải cho nó biết tay!”  Định bụng thế nhưng nghĩ mãi chưa tìm ra cách gì để “cho nó biết tay”.
Khi ăn xong, nhìn tách cà phê bốc hơi nóng trên tay cô em bưng ra, tôi nghĩ ngay được một cách.
Cô Mẫn mở hộp đường hỏi:
         -Anh dùng mấy viên?
         Tôi lắc đầu:  
         -Tôi uống cà phê không bao giờ cho đường. Uống không đường mới thưởng thức được hương vị đích
thực của cà phê.
         Cô Mẫn trố mắt ngạc nhiên nhìn ông anh họ nhẹ nhàng hớp một ngụm cà phê không đường ngậm trong miệng, phập phồng hai cánh mũi. Cô hỏi:
-Cà phê uống được không, anh? Em phải đấu mấy thứ theo công thức bí truyền của bố em mới được thế này đấy ạ.
Tôi không trả lời ngay được vì còn đang phải cố lấy gân giữ cho mặt không nhăn nhó trong khi từ từ nuốt ngụm cà phê đắng ngắt, một lúc sau mới lạnh lùng phán xanh rờn:
         -Cô trộn hơi nhiều robusta. Phải giảm bớt robusta, tăng thêm arabica thì cà phê mới thơm ngon.
Tôi nói bừa thế chứ có trộn cà phê bao giờ đâu mà biết nên tăng nên giảm loại nào. Được cái cũng biết thưởng thức cà phê nhờ hồi 1970 trong chiến dịch đường 9 được công nhân các đồn điền nhiều lần mời uống cà phê chồn. Cà phê này còn có tên “cà phê cu li” do bọn thực dân Pháp đặt vì nó là thứ do chồn ăn các quả cà phê chín mọng ngon nhất rồi ỉa hạt ra, phu đồn điền (cu li) hót những hạt cà phê đã được ướp các enzyme và lên men trong dạ dày chồn về chế biến thành thứ cà phê đặc biệt thơm ngon, có lẽ thơm ngon nhất thế giới.
Sau lúc ấy tuy luôn tay bày ra nhiều món tráng miệng, nhưng cô em không hướng dẫn tôi cách ăn cách uống tỉ mỉ như lúc trước, chỉ giới thiệu vắn tắt: “Tháng tư tháng năm này là mùa hoa quả chín rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là chôm chôm, vú sữa, đây là thanh long, sầu riêng, còn đây là bòn bon, mãng cầu xiêm…” Nghe những cái tên lạ, nhìn những loại quả chưa ăn bao giờ tôi dè dặt không dám mạnh tay. Thấy thế cô Mẫn lặng lẽ bóc vỏ thứ quả này, bổ loại quả kia bỏ vào đầy đĩa tôi và nhẹ nhàng "Mời anh".
Khi ngồi uống trà, chú Mẫn nói:
-Trong này họ đồn ba anh giải phóng bám vào cành đu đủ không gãy. Tôi không tin nhưng cũng không thể ngờ anh là bộ đội Cụ Hồ mà lại sành điệu thế. Xin bái phục sát đất ông anh bộ đội!
Tuy thấy mình rõ ràng không xứng với lời khen ấy nhưng mũi tôi vẫn phổng lên rất to…
SĐM





[1] Lời bài hát Có phải em là mùa thu Hà Nội nhạc Trần  Quang Lộc, thơ Tô Như Châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét