Trong
thời gian làm lính Cụ Hồ tôi đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của nhiều thủ trưởng
khác nhau về thành phần giai cấp, năng lực chỉ đạo, trình độ học vấn, tính
cách, thái độ v.v. Có những thủ trưởng tôi kính trọng, quí mến mà cũng có đôi
ba người tôi không ưa .
Một
trong những người tôi rất quí mến, kính phục là Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn
Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc,
Vĩnh
Phúc trong một gia đình nông dân nghèo. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm
1939, sau Tết Đinh Tỵ 1954 được Liên khu ủy Việt bắc cử làm chủ nhiệm phòng
Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu thay Lê Đình Thiệp.
Kim Ngọc gầy gò xanh xao, ít cười, luôn nhăn
nhó vì đau dạ dày nặng, ai mới gặp lần đầu cũng có ấn tượng anh là người khô
khan, nghiêm khắc nhưng sau vài lần tiếp xúc lại thấy dễ gần, dễ cởi mở tâm
tình.
Hôm
vào chơi bản người Mán Cao Lan gần nơi đóng quân, lúc đi qua cánh đồng xơ xác
cỏ nhiều hơn lúa, mỗi bông lác đác chừng mươi hạt thóc Chủ nhiệm Kim Ngọc hỏi
tôi, trưởng ban Tuyên huấn:
-
Cậu học cao hơn mình, theo cậu thì nước
ta sẽ giầu lên mạnh lên bằng cái gì ? Than ư, vàng ư, ô tô tàu bay, hay cái
quái quỉ gì ?
Không
đợi tôi trả lời, Kim Ngọc tiếp luôn:
-
Bằng nông nghiệp! Nhớ chưa? Phải phát triển nông nghiệp thật mạnh, thủy lợi
hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất nâng cao chất
lượng sản phẩm nông nghiệp. Biến một bộ phận nông dân thành công nhân nông
nghiệp. Trên cơ sở nền nông nghiệp cơ giới hóa điện khí hóa mà phát triển các
ngành sản xuất khác, phát triển văn hóa, giáo dục vân vân. Không dựa vào nông
nghiệp, không phát huy sức mạnh của nông dân thì cháo loãng cũng chẳng có mà
húp chứ đừng nói đến thứ gì khác. Trên thế giới này có thằng chó nào chịu nhịn
đói chịu cởi truồng không ? Vì thế, ta làm ra bao nhiêu thóc gạo, lợn bò, vải
vóc lụa là cũng bán được hết, cóc sợ ế.
Nói
một thôi dài rồi nhưng vẫn chưa hết ý, Kim Ngọc vung tay chém không khí :
-
Mọi ngành kinh tế phải xoay quanh nông nghiệp. Điện phải ưu tiên cho bơm nước,
cho chế biến nông sản. Công nghiệp phải lo làm ra máy cày máy gặt máy bơm .
Ngành hóa chất phải lo chế ra thuốc trừ sâu. Các nhà khoa học phải tìm ra loại phân
bón và các giống cây giống con năng suất chất lượng cao…Nước mình không có nhà
máy sản xuất ô tô cũng chẳng sao, từ nông nghiệp sẽ có tất cả. Dân ta sẽ ngon
cơm đẹp áo, có thừa nhà thương, thừa thuốc men cho người ốm, thừa trường học
sách vở cho trẻ con, thừa tàu bay tàu bò súng to bom lớn cho bộ đội.
Tôi
nghĩ bụng “Hồi nghe ông Lê Quang Đạo giải thích về con đường tất yếu đi lên chủ
nghĩa xã hội, mình mơ ngày lập nông trường có máy cày máy gặt, các nông trang
viên ở biệt thự đi ô tô…tưởng thế là đã “lãng mạn tiểu tư sản” lắm rồi, nhưng
xem ra ông nông dân này còn lãng mạn hơn mình gấp mấy chục lần…”
Chủ
nhiệm Kim Ngọc chỉ học hết lớp 5, rồi tự học lên lớp 7, nhưng tư duy đổi mới
của ông vào thời đó ít người sánh kịp. Ngay từ những năm 60, khi nạn giáo điều
hết sức nặng nề, mong muốn “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” bị coi là sùng bái vật
chất tư bản chủ nghĩa, khi phát biểu trong Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã
táo bạo khẳng định mục đích phấn đấu của người đảng viên là “làm cho dân được
ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền. Đấy là chủ nghĩa
xã hội mà chúng ta phải thực hiện bằng được để xứng đáng là người cộng sản”.
Người con
trai Kim Nam kể lại: “Mỗi lần nghe đài, đọc báo thấy ta chạy đi Đông Âu xin
viện trợ lương thực, thực phẩm thì bố tôi lại buồn thỉu. Ông ngồi mãi một chỗ,
cười buồn và thốt lên: “Sống trên thóc gạo mà phải đi xin... Thóc gạo ở ngay
trong lòng dân, sức dân. Sao không nghĩ cách làm cho dân sản xuất ra nhiều thóc
gạo, mà lại kìm hãm người dân, rồi nhân danh người dân mà đi xin người ta. Miếng
ăn đi xin thì còn đắng mãi về sau…”
Nguyễn
Thành Tô, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhớ lại:
-
Tôi làm việc với bí thư Kim Ngọc nhiều năm. Tôi dạy văn hóa từ lớp 5 đến lớp 7
cho ông. Dạy tiếng Nga để ông có vốn tối thiểu giao tiếp với các chuyên gia
Liên Xô đang làm cố vấn kỹ thuật ở nông trường Tam Đảo và công trình thủy lợi
Đại Lải. Trong hai năm ông đã hoàn thành những yêu cầu học tập do mình tự đề
ra, mà chỉ tranh thủ học lúc ngồi trên xe ôtô đi xuống cơ sở. Tôi truyền đạt
cho ông những kiến thức toán, văn, ngoại ngữ trong không gian chật chội, ồn,
bụi, nóng như lò sấy thuốc lá của chiếc xe Gat 69 thời đó. Hôm nào không bận
thì lúc khuya ông gọi tôi lên kiểm tra những bài tập ông đã làm. Tôi tuy là
thầy dạy văn hóa cho ông, nhưng về ứng xử, về tư cách đạo đức, phong cách làm
việc thì tôi lại là học trò ông.
x
x x
Năm
1958 Kim Ngọc về làm bí thư tỉnh uỷ tỉnh quê hương Vĩnh Phúc. Suốt 24 năm làm
bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc đều gắn với những thăng trầm của khoán hộ.
Kim Ngọc được gọi là “cha đẻ của khoán hộ”
(còn gọi là khoán mười), là “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp”. Khoán hộ là
khâu đột phá vào cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, tập trung, mệnh lệnh. Những
năm 65-67 nhờ khoán hộ nên đời sống người dân Vĩnh Phúc khấm khá hẳn lên.
Nhưng
khoán hộ đã gặp nhiều bước gian nan, người sinh ra nó đã nhiều phen khốn khổ.
Ngày
6 tháng 11 năm 1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú khoán hộ của Kim Ngọc bị
Tổng bí thư Trường Chinh phê phán gay gắt:
“...việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn
đến hậu quả tai hại là phát triển tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể
của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã, kìm hãm và
đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, giảm nhẹ vai trò của lao động tập
thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy hợp tác
xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hoá và tan rã… tính chất sai lầm
rất nghiêm trọng vì nó không chỉ thuộc về cách làm mà thuộc về lập trường tư
tưởng…” (bài “Kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu
điểm, đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vững bước tiến lên”. Trường Chinh, Tạp chí Học tập, tháng 2-1969,
tr.19).
Báo
Đảng đăng hai bài báo dài của Trường Chinh dưới hàng tít chữ to phân tích sai
lầm nghiêm trọng của Kim Ngọc.
Bị
buộc phải làm kiểm điểm Kim Ngọc nhận:
“Khuyết điểm sai lầm lớn nhất của
tôi là việc quản lý hợp tác xã nông nghiệp mà cụ thể là vấn đề khoán hộ, vấn đề
quản lý ruộng đất và nông cụ”… “do quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán
triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã
sản xuất nông nghiệp”… “không thấy tác hại là làm cho ruộng đất, nông cụ của
hợp tác xã bị phân tán dần về tay xã viên, tạo điều kiện phục hồi và phát triển
lối làm ăn riêng lẻ, đối lập với kinh tế tập thể…”.
Tuy
nhiên khi phát biểu với những người cùng chí hướng trong nội bộ Kim Ngọc vẫn
khẳng định “Nông dân không được coi ruộng đất là của mình nên chẳng thiết tha
gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” và “Không thể
bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì khoán hộ dưới nhiều hình thức khác
nhau”.
Ngày
12 tháng 12 năm 1968, Ban Bí thư Trung ương gửi thông tri yêu cầu tỉnh uỷ Vĩnh
Phú (Vĩnh Phúc gộp với Phú Thọ) chấn chỉnh việc khoán hộ. Thực chất đây là
thông tri cấm khoán hộ[1].
Bị
giáng đòn chí tử nhưng khoán hộ không chết. Nông dân thấy khoán hộ là con đường
sống của họ nên họ bảo vệ nó đến cùng. Không cho khoán công khai thì nông dân khoán
chui. Phong trào khoán chui bắt đầu ở Vĩnh Phú, chẳng bao lâu lan sang hợp tác
xã Đoàn Xá ở Hải Phòng rồi lan khắp miền Bắc. Hợp tác xã Đoàn Xá khoán ruộng
cho xã viên với mức nộp cho hợp tác xã mỗi sào 70kg thóc (tương đương sản lượng
một sào khi ruộng nằm trong tay hợp tác xã). Chỉ sau vụ đầu tiên các xã viên
nhận khoán đã thu hoạch từ 1,4 đến 1,5 tạ một sào, sau khi giao nộp 70kg cho
hợp tác xã mỗi hộ còn được hưởng 70-80kg.
Khoán
chui bại lộ, đầu năm 1976 đảng ủy xã Đoàn Xá phải kiểm điểm, phải nhận tội với
huyện ủy “Khoán là sai đường lối, ảnh hưởng xấu đến cuộc vận động đưa hợp tác
xã lên qui mô toàn xã”. Ngày 3 tháng 2 kỉ niệm ngày thành lập Đảng năm ấy Phạm
Hồng Thưởng bí thư xã Đoàn Xá không được phát thẻ Đảng. Nhưng bí thư Thưởng
nói: “Cái cấp bách nhất hiện giờ là đời
sống của dân chứ không phải cái thẻ Đảng. Có thẻ Đảng mà để dân đói càng thêm
xấu hổ. Lo cho hợp tác xã tiến lên, đó là cái thẻ quí nhất”.
Tuy
Kim Ngọc bị phê phán nặng nề, phải làm kiểm điểm nhưng Đại hội Đảng tỉnh Vĩnh
Phú vẫn bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Tháng 5 năm 1977, tại Đại hội Đại
biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III, Kim Ngọc xin rút khỏi chức bí thư Tỉnh
ủy Vĩnh Phú.
Năm
1978, Kim Ngọc chính
thức về hưu. Rồi ra đi năm 1979 thọ 62 tuổi.
Lê
Thị Liên vợ Kim Ngọc kể lại:
Năm bác Võ Nguyên Giáp 90 tuổi, tôi
đến chúc thọ Đại tướng. Khi biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: “Đất nước
phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ
đất nước phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”
Năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một
trong những vị lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh
Phúc) khi nhắc đến Kim Ngọc cũng nói:
“Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con
người như anh”.
Tỉnh
ủy Vĩnh Phúc đúc bức tượng người bí thư có công lớn với nhân dân tỉnh nhà. Bức
tượng đồng nặng 45 kg được tỉnh ủy tặng gia đình Kim Ngọc để tỏ lòng biết ơn
của đảng bộ và nhân dân. Năm 1996 hai ngôi trường của xã Bình Định huyện Yên
Lạc quê hương, năm 2005 con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên được mang tên Kim
Ngọc. Ngày 23-3-2009 ông được Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh.
Nhưng
có lẽ điều làm Kim Ngọc dưới suối vàng vui sướng hơn cả là khoán hộ đã dẫn đến
"Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5 tháng 4 năm 1988", tháo bỏ sự
kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành
nước xuất khẩu gạo. Năm 1990, chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, lần đầu tiên
ta không phải nhập khẩu lương thực. Một năm sau, năm 1991 bắt đầu xuất khẩu gạo và đến năm 2005 xuất
khẩu tới 4 triệu tấn, kết thúc năm 2012 xuất khẩu trên 7 triệu tấn giữ vững
ngôi vị nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Phó giáo sư Trần Đình Huỳnh nguyên Viện trưởng Viện
Xây dựng Đảng hỏi giáo
sư Trần Nhâm:
-Có
thể nói đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo đầu tiên có tư duy đổi mới hồi
đầu thập kỷ 80, mở ra thời kỳ lịch sử mới của Đảng, của dân tộc. Nhưng tại sao
15 năm trước đó, khoảng năm 1968, chính đồng chí Trường Chinh lại là người phản
đối gay gắt việc "khoán hộ" ở Vĩnh Phú?
Giáo sư Trần Nhâm – trợ lí của Tổng
Bí thư Trường Chinh từ 1982 đáp:
-Tôi không có mặt bên ông thời đó, nhưng tôi đã có nhiều
dịp được nghe ông nhắc lại sự kiện này và được biết thái độ, ý kiến của ông.
Một ngày trước khi ông mất ông còn nói chuyện với tôi về chủ trương khoán hộ
của Vĩnh Phú. Tôi có hỏi: ‘Sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?’. Ông
điềm tĩnh trả lời: ‘Có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình
hình thực tế, hơn nữa nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác’.
x x x
Bản
thân tôi khi đọc báo Đảng cũng tin chắc Kim Ngọc thủ trưởng của tôi đã phạm sai
lầm nghiêm trọng gây nguy hại lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nên
đích thân Tổng bí thư Trường Chinh phải lên tiếng. Lúc ấy tôi cho rằng Kim Ngọc
với bản chất nông dân, mang nặng đầu óc tư hữu nên không tán thành sản xuất tập
thể theo hướng xã hội chủ nghĩa mà muốn duy trì sản xuất nhỏ.
Tôi
đã có lỗi lớn với thủ trưởng.
Nhân
ngày giỗ Kim Ngọc 26 tháng 5 tôi kể lại chuyện này làm một nén nhang kính cẩn
tưởng nhớ và tạ lỗi với thủ trưởng kính yêu của tôi. Với lời hứa: noi gương thủ
trưởng, quyết chiến đấu đến cùng để thực hiện điều qua trải nghiệm bản thân
mình tin là đúng, dù có vì thế mà bị hiểu lầm, chịu oan sai, trù dập…
SĐM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét