Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

NẮM CƠM KHẤT THỰC

  Đến hẹn gặp tổ trưởng Đỗ Đức Kiên, tôi nói rõ lí do không ở với anh Tám nữa. Kiên lắng nghe, khen tôi cư xử thế là rất có tình có nghĩa. Nhưng khi tôi hỏi nơi sẽ đến ở, Kiên ngớ người chưa nghĩ ra chỗ nào. Phần lớn các cơ sở của anh đều là sinh viên, công chức có vợ có con, nhà cửa chật chội, tuy thể nào cũng có người sẵn sàng nhận lời nhưng những chỗ ở như thế không tiện cho sinh hoạt và công việc của người thoát li gia đình hoạt động bí mật. Sau một hồi bàn tính, hai anh em quyết định: tạm thời tôi lại đến trú chân trong nhà Đu. Chỗ ở thế là tạm ổn. Về cái ăn thì mỗi sáng đến bờ hồ Hoàn Kiếm lĩnh một suất cơm của đoàn Khất thực do Hoàng Phương[1] cung cấp (trong tổ Đỗ Đức Kiên ngoài tôi còn có Hoàng Phương và Sáu). Sống cầm hơi như thế dăm ba ngày, đợi Kiên bàn thêm với Sáu tìm chỗ thích hợp.
Bố mẹ Đu đã quá quen cậu bạn học hiền lành của con trai nên sốt sắng thu xếp chỗ ở cho tôi. Phố Bắc Ninh[2] không quá tấp nập cũng không quá vắng vẻ, thợ thuyền tới làm cho chủ các cửa hàng đồ gỗ hết giờ ai về nhà nấy nên chẳng ai chú ý sự có mặt của cậu học trò mới đến ở trong nhà gia đình nghèo túng vào loại nhất phố.
x x x
        Ngày 6-5-1941 Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước qui định Pháp phải hằng năm cung cấp lương thực cho chúng. Từ 1941 đến 1944 mỗi năm Pháp nộp cho Nhật từ 700.000 đến1,3 triệu tấn lúa, ngô, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực nước ta thời đó. Ngoài ra phát xít Nhật còn cần rất nhiều loại nguyên vật liệu nên chúng bắt nông dân ta phải nhổ lúa trồng những cây có sợi, có dầu như đay, gai, bông, thầu dầu...
        Vụ mùa năm 1944 nạn đói tàn khốc nhất lịch sử nước ta ập đến. Năm ấy đâu đâu lúa cũng chết vàng, mọi giống lúa đều bị đạo ôn (bọ rầy) phá hỏng. Đã thế  bè lũ phát xít Nhật thực dân Pháp còn bắt dân ta đóng vô vàn thứ thuế …
       Toàn dân vô cùng lo lắng trước nạn đói chưa từng trong lịch sử có thể giết chết hàng triệu người. Một số thanh niên lập Đoàn Khất thực hàng ngày đi quyên góp cơm gạo cứu đói. Các nhà hảo tâm nấu cơm, nắm sẵn thành từng nắm, đoàn Khất thực tới nhận mang đi phân phát cho những người sắp chết đói nằm la liệt khắp thành phố. Công cuộc cứu đói được đông đảo dân thành phố nhiệt liệt hưởng ứng, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít theo tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người  không có cơm gạo thì góp công góp sức. Người không có thì giờ, nhân lực để nấu cơm nắm thành từng suất thì góp gạo giao cho các đoàn viên Khất thực nấu.
        Không chỉ từng lớp trung lưu mà nhiều nhà tư sản yêu nước thương dân cũng sốt sắng góp công của vào việc nghĩa theo truyền thống của dân tộc “lá lành đùm lá rách, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tiêu biểu là nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980) chủ hãng sơn Gecko. Lúc trẻ làm phụ thư kí cho một hãng buôn Pháp sau đó sang làm cho hãng sơn Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Với ý định tự lập, làm giàu, sau một thời gian làm cho hãng, ông tự tìm cách sản xuất sơn bằng phương pháp thủ công, rồi tiếp cận dần với kỹ thuật hiện đại. Hãng sơn của ông lấy tên Gecko với logo là con tắc kè xanh.
        Năm 1939, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ đến thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Sơn Hà: ra tranh cử Hội đồng thành phố, tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, Hội Truyền Bá quốc ngữ, thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường Dục Anh nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ ngay bên biệt thự của gia đình trên đường Lạch Tray, Hải Phòng.  Biết tin quê nhà (huyện Quốc Oai) bị mất mùa nhân dân đói kém, ông về quê  giúp đỡ bà con, chuyển hàng trăm cây dừa về trồng ở bên đường và đình làng để tạo bóng mát và thu hoạch quả, cử người đi học nghề dệt vải rồi mua tặng dân làng 4 máy dệt mở cơ sở sản xuất tạo việc làm và thu nhập cho dân. Trong nạn đói Ất Dậu (1945),Nguyễn Sơn Hà thuyết phục những người giàu có cùng với mình lập Hội Cứu tế để giúp đỡ dân nghèo. Ông tặng toàn bộ số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng của ông ở Kinh Môn (Hải Dương) vào công cuộc cứu đói. Lúc đầu số thóc đó đem nấu cháo, sau đó nấu cháo cũng không đủ cung cấp, phải chuyển sang làm bánh tấm, bánh cám phát cho dân.

Vỉa hè các phố phường Hà Nội, các vườn hoa, gầm đường dẫn cầu sông Cái chỗ nào cũng chất đống xác người chết đói. Sáng sáng có những chiếc xe bò do người kéo chở xác đi chôn. Một hôm thấy trên xe có người còn động đậy hai cẳng chân tôi gọi người kéo xe “ Bác ơi, có người còn sống đấy!” Người kéo xe thản nhiên: “Biết rồi. Đến chỗ chôn nó chết là vừa!”
Mỗi sáng theo đúng hẹn vào khoảng chín giờ tôi tới cổng đền Ngọc Sơn. Hoàng Phương trưởng đoàn Khất thực khu phố chọn trong bị cói lấy nắm cơm to nhất giúi cho tôi. Bữa nào được nắm cơm phủ mảng cháy vàng rộm to bằng nửa bàn tay tỏa mùi thơm điếc mũi thì sướng không sao tả xiết!
Giấu kín nắm cơm trong cặp da tôi lững thững cuốc bộ tới đường Cổ Ngư mới dám lấy ra ăn. Mặt mũi lúc này tuy hốc hác xanh xao nhưng vẫn còn dấu vết thư sinh, so với những người nông dân và dân nghèo đói rách sắp chết đói kia thì tôi vẫn còn khoẻ còn đẹp chán. Mẽ người thế này mà ăn cơm Khất thực thì đáng nghi lắm. Chó săn tay sai của Nhật, các loại Việt gian, hiến binh mặc thường phục lúc nhúc soi mói khắp nơi, đánh hơi mọi xó xỉnh, không thể vì háu đói mà sơ xuất.
  Đường Cổ Ngư vẫn khá đông người. Nhưng không phải là những đôi trai thanh gái lịch Hà Nội ngồi tự tình mà toàn là những người tứ xứ thất thểu dìu nhau lên Hà Nội kiếm miếng ăn họ thấy trong tưởng tượng khi còn ở quê nhà.
Tôi tới dưới gốc phượng vĩ, cách mấy toán hành khất chừng mươi bước chân, ngồi bẻ nắm cơm ra ăn. Cơm nấu bằng gạo hẩm, nắm vội nên không dền, mỗi khi bẻ một miếng lại bở ra một mảng, cơm rơi lả tả. Tôi khép chặt đùi hứng không để rơi mất hạt nào, một hạt cơm bây giờ rất quí.
Ngày thứ nhất tôi yên ổn ngồi ăn hết nắm cơm. Những hột cơm nhạt thếch, mấy miếng đầu làm tôi ngán tưởng chừng không nuốt nổi nhưng rồi cũng thấy ngon khi nhớ lại nắm cơm nấu nước vôi trong nhà tù Thanh Hóa.
Ngày thứ hai tôi vẫn ngồi chỗ ấy ăn hết nắm cơm không gặp rắc rối gì. Hôm nay ăn đã thấy ngon miệng hơn, khả năng thích nghi với hoàn cảnh giúp tôi luôn chiến thắng mọi tình huống ngặt nghèo để sống và chiến đấu.
Ngày thứ ba, tôi vừa nhai kĩ miếng cơm chờ đến lúc nó ngọt lịm mới nuốt vừa móc túi lấy tờ truyền đơn Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ra đọc. Nhìn bốn xung quanh thấy toàn những bộ xương đầy ghét quấn không kín trong mảnh khố tải rách bươm, không thấy có bộ mặt nào đáng ngờ, tôi co chân trái, tì khuỷu tay cầm nắm cơm lên đầu gối, tay kia lấy tờ truyền đơn trong túi đặt lên đùi bên phải. Che chắn như thế là cẩn thận lắm rồi, không sợ lộ bem.
Mới đọc được vài câu thì bất chợt nắm cơm bật khỏi tay. Tôi giật mình, ngửng đầu lên vừa kịp trông thấy người đang bỏ chạy. Gọi là chạy nhưng thực ra tấm thân liêu xiêu đó chỉ loạng choạng được mươi bước là phải tì vội vào thân cây bên hồ cho khỏi ngã. Đó là một cô gái còn trẻ, mái tóc khô vàng như túm rơm buông xõa, hai má lõm sâu, hai cẳng chân khẳng khiu như hai ống nứa lộ ra dưới mảnh bao tải lờm xờm. Cô dựa vào gốc cây, giơ nắm cơm vừa cướp được lên nhìn như lạ lẫm, như nghi hoặc rồi ngoạm một miếng. Hình như bị nghẹn, vươn dài cổ,  mấy đường gân mấy mạch máu tím sẫm hằn lên.
Bất chợt cô gái quay nhìn tôi. Đôi mắt tròn to, đen lạ lùng dưới cặp lông mày đầy đặn. Nhìn tôi chừng mươi giây rồi cô bẻ chỗ cơm còn lại làm đôi, chìa về phía tôi và nhoẻn miệng cười để lộ hai hàm răng trắng hởn. Thấy tôi vẫn ngồi im, cô khẽ nhấc nhấc bàn tay cầm cơm, như ra hiệu cho tôi đến nhận. Cũng có lẽ cô ra hiệu sắp tung cục cơm tới chỗ tôi.
Tôi giấu vội tờ truyền đơn vào túi, xua cả hai tay, lắc đầu.
Cô gái nguýt dài. Rồi ngồi thụp xuống, ăn tiếp chỗ cơm đang nắm trong hai bàn tay lem luốc, vàng vọt, trơ xương, run lẩy bẩy…
 Tôi quay mặt nhìn xuống đám cỏ khô xơ xác ven hồ, nước mắt ứa ra…Nắm cơm của tôi chắc chắn không thể cứu người con gái nhân hậu ấy thoát chết đói. Tội nghiệp quá!                     
SĐM


[1] Trung tướng,Viện trưởng viện Lịch sử Quân sự bộ Quốc phòng.
[2] Phố Nguyễn Hữu Huân.