Tôi lên hai tuổi
thì mẹ tôi qua đời sau khi sinh con bé em vì căn bệnh ngày xưa gọi chung chung là
bệnh hậu sản. Khi tôi
lên
năm bố tôi
lấy vợ lần thứ hai. Vài năm đầu bà ấy rất tử tế, một điều mợ hai điều mợ nghe
ngọt như mía lùi. Vừa đẻ ra thằng con đầu là bà ấy trở mặt, bắt ne bắt nẹt tôi từng li từng tí, từ miếng ăn miếng uống đến lời thưa gửi vâng dạ. Đã thế lại
thường hay đặt điều vu vạ, ton hót làm tôi bị bố đánh đòn oan. Nhưng
bà ta vẫn chưa hả dạ.
Hồi tôi học lớp tư
tiểu học (cour préparatoire), một buổi chiều hè oi bức vừa về đến nhà thì được bà
dì ghẻ săn đón niềm nở khác hẳn mọi ngày.
- Mợ để phần con bát chè đỗ đen trong bếp. Mở lồng bàn lấy ra mà ăn cho mát
ruột, đỡ đói, tối nay còn lâu mới có cơm.
Thằng bé háu
ăn tức tốc chạy vào bếp, hất tung chiếc lồng bàn. Chẳng kịp lấy thìa,
hai tay bưng bát chè nấu với bột sắn dây đặc quánh húp lấy húp để. Húp hết chè, ngửa cổ úp chiếc bát lên mặt định liếm đáy
bát thì thấy rất nhiều sợi tóc li ti phủ một lớp đen kịt từ thành bát xuống
đến đáy bát. Lúc
ấy tôi nghĩ:
chắc tóc vụn ở đâu đấy theo gió bay vào. Nuốt vào bụng, nó leo
lên đầu thì thành tóc, trôi xuống chân thì thành lông, chẳng sao! Một tối khác, học bài xong tôi đứng dưới sân hóng mát. Cửa sổ tầng gác
ngay trên đầu đóng kín, ánh đèn xuyên qua lá sách vạch những vệt sáng song
song dưới sân. Bỗng thấy những vạch ấy biến thành khung sáng hình chữ nhật, tôi
ngửng đầu nhìn lên vừa kịp nhẩy sang bên tránh chậu hoa từ trên ấy lao xuống
cùng lúc với bóng một đầu người vừa thụt vào. Chậu
hoa to một vòng tay ôm vỡ tan tành, văng một mảnh vào cẳng chân tôi tóe máu. Lần này cái đầu thơ dại của tôi cũng
chỉ nghĩ đơn giản “Hú vía! Suýt vỡ đầu vì cái chậu hoa rơi!”
Tết năm ấy, cô Tiến em bố tôi đến chúc Tết, lân la hỏi tôi chuyện sức khỏe, học hành, ăn uống v.v… Tôi nói với cô đủ thứ chuyện kể cả chuyện bát chè đỗ đen,
chuyện chiếc chậu hoa. Nghe xong cô ôm chầm lấy tôi khóc sụt sùi một lúc lâu. Mãi sau cô mới thở dài “Tội nghiệp cháu tôi! Mấy đời bánh đúc có xương…” Lát sau cô lại nói “Sao mà
người ta nhẫn tâm đối xử với con chồng tàn ác đến thế?...” Cô bàn với bố tôi
cho tôi về ở với cô với lí do “gần trường học, hiệu sách của em có rất nhiều
sách cho cháu tha hồ đọc”. Nhưng vì cô Tiến không dám nói rõ lí do tại sao cô đưa
ra đề nghị này nên bố tôi không nghe. Bản thân tôi hồi ấy nghe cô than thở cũng
không hiểu, nhiều năm sau tôi mới nhận ra ý cô nguyền rủa bà dì ghẻ độc ác và
muốn đưa tôi thoát khỏi những mưu mô của bà ấy tiếp tục ám hại tôi...
Tuy chưa đủ khôn
để nhận ra dã tâm bà dì ghẻ nhưng những đối xử bất công, những lời đơm đặt làm
tôi bị bố đánh nhiều trận đòn oan cũng đủ làm tôi căm ghét, rắp tâm trả thù bà ta
khi có dịp thuận tiện. Một hôm trong khi tôi đang ngồi học thì bà ấy đến đứng trước tủ gương chải đầu. Chiếc
tủ gắn gương kín một bên cánh, kê ngay phía trước bàn học của tôi. Nhìn vào gương thấy
cái mặt quằm
quặm rất
đáng ghét của bà ta, tôi bĩu môi thật dài, giơ nắm đấm dứ dứ mấy cái. Bất chợt bà ấy quay phắt lại, chỉ tay vào mặt tôi quát: “Giỏi nhỉ! Mày không biết tao có con mắt sau gáy
đây à? Gớm thật, dám dọa đánh tao cơ đấy. Để tao bảo bố cho mày một trận“. Thế là tôi lại bị bố đánh trận đòn thừa sống thiếu chết vì tội dọa đấm dì ghẻ. Từ
sau bữa ấy
tôi cạch không dám làm gì sau lưng bà ta nữa, đinh ninh bà ấy có con mắt mọc ở
gáy có thể trông thấy mọi thứ sau lưng! Hồi ấy tôi mới lên bẩy lên tám tuổi ấy mà! Nhiều năm sau mới biết tại sao mình giơ quả đấm sau lưng mà bà ấy lại trông thấy!
x x x
Nửa thế kỉ đầy
sóng gió trong vận mệnh dân tộc cũng như trong số phận mỗi con người trôi qua. Trong
nửa đầu thập niên 80 người dân miền Bắc sống thiếu đói túng quẫn trăm bề trong
cảnh “đêm tối trước Đổi Mới".
Ở Hà Nội liên
tiếp xẩy ra nhiều vụ làm người dân khiếp hãi. “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn tuy làm ăn chính đáng, bỏ vốn bỏ công
sức sản xuất được những chiếc lốp xe đạp rất tốt nhưng năm 1980 bị chính quyền vu
cáo là ' tư sản mới ', đầu cơ, làm ăn phi
pháp, bị tịch thu tài sản và tống vào tù ba mươi tháng. Bà Oanh vợ Nguyễn Văn Chẩn nói:
"Một số cá nhân có chức quyền lúc bấy giờ ‘nổi máu tham’ muốn kết
tội ông Chẩn để thừa cơ vơ vét tài sản của gia đình. Song, họ không ngờ rằng
bao nhiêu tiền kiếm được từ việc sản xuất, kinh doanh lốp, ông Chẩn đều quy đổi
ra vật liệu, tích trữ vật liệu để tiếp tục sản xuất chứ nào biết mua bán vàng
bạc, tích trữ của nả gì. Họ sục sạo khắp mọi ngõ ngách trong nhà để tìm vàng
bạc mà chẳng được gì. Vì trót nhúng tay vào chàm rồi nên họ vẫn phải tịch thu
công cụ, nguyên vật liệu, niêm phong nhà xưởng sản xuất và phải... kết tội ông
Chẩn".
Năm 1983 xẩy ra vụ chỉ thị “Z30” tịch thu nhà
và tài sản những người có nhà từ hai tầng trở lên. Khi Hà Nội bắt đầu thực hiện
thì Nguyễn Văn An bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh
nhận được công văn của sở Công an thành phố xin duyệt danh sách 200 gia đình có
nhà từ hai tầng trở lên để kiểm tra hành chính tịch thu tài sản. Bí thư Nguyễn
Văn An chột dạ. Sao lại có chuyện vô lý thế? Để có tiền xây căn nhà tránh mưa,
nắng, người dân phải bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức trong khoảng thời gian
nhiều khi đằng đẵng cả chục năm trời, thế mà giờ đây lại có lệnh tịch thu tài
sản của họ là cớ gì? Nguyễn Văn An đi Hải Phòng gặp bí thư thành ủy Đoàn Duy
Thành bàn tính xem nên xử trí thế nào. Đoàn Duy Thành phân tích "làm thế là phi đạo lí, trái pháp luật. Cuộc sống của nhân dân còn
khổ sở, tích cóp được ít tiền xây nhà cho cha mẹ con cái ở không dễ dàng gì.
Nay ta tịch thu thì người dân ở vào đâu, ở bằng cái gì" v.v. Sau đó Đoàn Duy Thành được tin Mười Cúc (tức Nguyễn Văn
Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM) không cho thành phố làm, đợi đến hội nghị Trung
ương để hỏi cho ra nhẽ. Hội
nghị Trung ương tháng 6-1983 lên án Z30, chấm dứt một chủ trương kì quái mà Hà
Nội phải giải quyết hậu quả đến 1992-1993 mới xong.
Năm 1985 có vụ Tạ Đình Đề bị bắt lần thứ hai
vì tội “thu thập ca dao hò vè nói xấu lãnh đạo,
chống chế độ xã hội chủ nghĩa rồi truyền cho người khác nghe những câu như Đầu đường thiếu tá bơm xe, Giữa đường trung
tá bán chè đỗ đen, Cuối đường đại tá bán kem, và Tôn Đản[1]
là chợ vua quan, Nhà Thờ[2] là
chợ trung gian nịnh thần, Bắc Qua là chợ thương nhân, Vỉa hè là chợ nhân dân
anh hùng v.v.” Tạ Đình Đề hay ngâm nga những câu ấy vì sau khi được tòa tuyên
bố vô tội và trả tự do năm 1976 nhưng
không được chính quyền trả lại sổ gạo, tem phiếu khiến đời sống vợ chồng con
cái khốn quẫn…Đến tháng 12-1987 viện
Kiểm sát Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho Tạ Đình Đề…
Đã thế hội nghị Trung ương 8 khóa V (10-6-1985) lại
quyết định một cuộc cải cách lớn nhằm tăng sức mua của đồng tiền lên gấp 10
lần. 12 tỉ tiền mới in ở Cộng hòa dân chủ Đông Đức mang về đưa ra thị
trường. Dân phải đổi tiền cũ lấy tiền mới theo tỉ giá 10 cũ ăn 1 mới. Mỗi người
chỉ được đổi lấy 2 000 đồng mới, số tiền cũ còn thừa phải gửi ngân hàng, nhà
nước sẽ xét sau. Nhiều người vì thế mất sạch số tiền dôi dư và tiền gửi tiết
kiệm. Vì chỉ in 12 tỉ đồng nên trên thị trường khan hiếm tiền. Không có tiền
trả lương công nhân, nhiều nhà máy trả lương bằng sản phẩm, có công nhân lĩnh
lương bằng…một chồng mũ, có giáo viên nhận lương bằng phân bón! Để có đủ lương
thực, nhà nước thu mua 40 % nông sản với giá cực rẻ “mua như cướp”. Các địa
phương lo giữ hàng cho địa phương mình, chống nạn đầu cơ buôn bán chợ đen nên
đua nhau lập hàng loạt trạm kiểm soát tạo thành tình trạng “ngăn sông cấm chợ”.
Để giải quyết khó khăn, chính phủ phải in thêm tiền, dẫn đến vật giá tăng: cuối
năm 1986 giá bán lẻ hàng hóa tăng 845,3 %, lạm phát lên đến 774,4 %.
Cuộc sống vừa
khốn đốn về vật chất vừa bức bách về tinh thần. Không ai dám sản xuất, kinh
doanh, mọi người đều lo ngay ngáy không biết ngày mai sẽ còn xẩy ra chuyện gì
nữa. Đào Xuân Sâm, thành viên nhóm cố vấn cho tổng bí thư Trường Chinh nhớ
lại: “Giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm
trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy tác dụng. Nguyên
vật liệu khan hiếm khiến các nhà máy sống thoi thóp. Lạm phát lên 300, 400, 500
và 700%... Lòng người từ trong đến ngoài Đảng, từ cơ sở đến trung ương hoang
mang và loay hoay không biết lối ra".
Trong hoàn cảnh xã
hội như thế tất nhiên cuộc sống của dì ghẻ tôi càng khốn khổ hơn nhiều người
khác vì tuổi đã cao lại lắm bệnh, không vốn liếng, không nghề nghiệp, không
tháo vát, không chỗ dựa, đã thế từ khi chuyển từ Hưng Yên về sống với con trai
vẫn chưa đăng kí được hộ khẩu nên không được cấp tem phiếu lương thực…Bà sống
lay lắt trong đói khát ốm đau ở phố Nguyễn Siêu với vợ chồng chú em cùng bố
khác mẹ với tôi. Chú em này đau dạ dày rất nặng, là giáo viên tiểu học thất
nghiệp, hai vợ chồng phải nuôi một thằng con bẩy tuổi…mấy mẹ con bà cháu chỉ
rau cháo qua ngày, dở sống dở chết trong tình thế bị dồn vào chân tường không
có lối thoát. Nhưng bà ta không tìm đến tôi, chắc do mặc cảm về những chuyện
cũ. Vì thế tôi không biết rõ hoàn cảnh sống của mấy bà cháu, cho đến hôm chú em
tìm đến nhà tôi xin “vay” vài cân gạo. Tôi hỏi tại sao phải vay gạo và được
nghe kể về tình cảnh khốn đốn của mấy mẹ con, bà cháu.
Tôi đến thăm
người ngày xưa đã hai lần ám hại tôi khi tôi còn non dại, lần thứ nhất trộn tóc
vụn vào bát chè đỗ đen, lần thứ hai ném chậu hoa từ trên gác xuống đầu tôi
nhưng không trúng. Sau một hồi hỏi chuyện tôi thấy tình cảnh bà ta thật đáng
thương. Tôi giúi cho bà ta ba mươi đồng, vừa đủ chi dùng tằn tiện trong một
tháng. Từ đó về sau, tháng nào tôi cũng trích đồng lương còm chu cấp cho bà ta
số tiền ấy. Ngoài ra gần như mỗi tháng một lần chú em xách chiếc bị cói đến nhà,
tôi lại trích từ tiêu chuẩn lương thực của gia đình dăm ba bơ gạo kèm với ít
ngô hoặc khoai trút vào bị cho chú mang về cứu đói.
Sáu tháng sau,
một buổi xế chiều chú em đi tàu điện đến báo:
- Mẹ em
sắp chết, đang muốn gặp anh lắm.
Tôi đạp xe đến
nơi, vén màn nhìn bộ xương bọc da xám xịt đang thở hắt trên giường. Thương
tình, tôi nắm lấy bàn tay khô đét. Chưa kịp nói lời an ủi thì bà dì ghẻ rụt tay
về, lẩy bẩy đặt lên ngực chắp hai tay
run run vái tôi ba vái. Rồi tắt thở.
Tôi cúi đầu trong một phút, cầu mong linh
hồn bà chóng siêu thoát. Xét cho cùng, dì ghẻ tôi chỉ
là nạn nhân vô thức của cái xã hội coi trọng đồng tiền hơn tình nghĩa con
người.
SĐM