Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

ÂM MƯU CỦA TRUNG QUỐC TRÊN VÙNG ĐÔNG BẮC




Ngày 4 tháng Tám năm 1964 đế quốc Mĩ dựng chuyện tàu khu trục USS Maddok của chúng bị hải quân ta tấn công ở vịnh Bắc bộ tạo cớ cho quốc hội Mĩ thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc bộ”  mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc kéo dài 9 năm. Ngay hôm sau 5 tháng Tám chúng mở chiến dịch Mũi Tên Xuyên thực hiện 64 trận oanh kích nhiều địa điểm ở Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình. 2 máy bay Mĩ bị bắn rơi, trung úy phi công Ernett Alvarez bị bắt sống ở Hòn Gai.
Sau đó Mĩ mở liên tiếp nhiều chiến dịch bắn phá bằng không quân vá hải quân, chủ yếu nhằm vào hệ thống đường xá, cầu cống, đê điều, các cơ sở công nghiệp (nhà máy điện, ga tàu hỏa…) của ta hòng ngăn cản sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam ruột thịt và “đưa miền Bắc trở về thời kì đồ đá”.
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ ta và Trung quốc, bắt đầu từ tháng Sáu năm 1965 bẩy sư đoàn công binh TQ vào VN giúp ta xây dựng sửa chữa 12 đường giao thông chính, xây dựng một số công sự pháo binh, hầm máy bay v.v. Theo hãng Reuters lấy tin của China News Service, từ khi bắt đầu sang VN năm 1965 tới khi rút ra năm 1968 đã có 320 000 quân TQ sang VN. Năm 1967 là năm đông nhất: 170 000 quân.
Ngày 6 tháng Sáu 1965 sư đoàn thứ 2 quân số chừng 1 200 người vào tỉnh Quảng Ninh và đảo Cát Bà thuộc Hải Phòng với nhiệm vụ xây công sự (trận địa pháo, hầm bộ binh, hầm sở chỉ huy) trên 15 hòn đảo của vịnh Bái Tử Long. Theo hiệp định, Sư đoàn này phải hoàn thành nhiệm vụ và rút khỏi VN tháng Mười năm 1966.
Trên vùng biển Quảng Ninh có trên 2 000 đảo (bằng hai phần ba số đảo của cả nước), diện tích tổng cộng khoảng 620 nghìn km2, chỉ 1 030 đảo có tên, trong đó có một hòn đảo mang tên Anh hùng vũ trụ Liên xô Gherman Titov. Ngày 22 tháng Giêng 1962 Bác Hồ ra thăm tỉnh Quảng Ninh và vịnh Hạ Long. Cùng đi với Bác có Titov. Lúc đi ngang một đảo đá rất đẹp Bác hỏi người cán bộ tỉnh cùng đi:
-Đảo này tên là đảo gì ?
-Thưa, mới có số 47 trên bản đồ chứ chưa đặt tên.
-Vậy thì các chú thưa với đồng bào nên đặt tên là đảo Titov.

Cuối năm 1965 sư đoàn công binh TQ bàn giao một số công trình cho đơn vị tôi –phiên hiệu là Khu Phòng Thủ 5 chịu trách nhiệm bảo vệ tuyến đảo từ Vĩnh Thực giáp thị xã Móng Cái phía bắc trải dài xuống đảo Ngọc Vừng phía nam gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ. Xin miễn kể hết tên để khỏi dài dòng, dưới đây chỉ kể tên những hòn đảo có hoạt động của lính Tàu.
Cũng cần nói thêm về hậu cứ của đơn vị tôi : các huyện Tiên Yên, Đầm Hà ở phía dưới  các huyện Bình Liêu, Hải Hà, thị xã Móng Cái phía trên, nơi có hơn 130 km biên giới giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng tỉnh Quảng Tây của người anh em TQ. Cư dân các huyện này gồm nhiều tộc, người Kinh (nơi 10 % nơi 60 % dân số), người Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Nùng, Hoa.
Tuyến phòng thủ thứ nhất của đơn vị tôi là quần đảo Cô Tô gồm 50 hòn đảo với diện tích 46 km2 trong đó ba hòn đảo lớn nhất là Cô Tô Lớn, Cô Tô Con và Thanh Lân. 80 % đất đai là rừng núi chỉ 20 % là đất nông nghiệp. Từ đầu thời Nguyễn một số ngư dân Tàu sau khi đánh nhau với bọn cướp biển đã xin nhập cư làm ăn sinh sống trên đảo. Khi Nguyễn Công Trứ cho thành lập xã đầu tiên trên đảo năm 1832 (xã Hướng Hóa) người các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, đảo Hải Nam phiêu bạt sang khá đông, chiếm tỉ lệ 90 % cư dân trên đảo (năm 1978 số này mới rút về Tàu).
Trung đoàn bộ và 2 tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 242 đóng rên đảo Cô Tô Lớn. Tiểu đoàn thứ 3 đóng ở Tiên Yên, Đầm Hà làm đội dự bị. Trên đảo Ba Mùn đảo Vĩnh Thực mỗi đảo một tiểu đoàn độc lập.
Sở chỉ huy KPT 5 đóng trên đảo Cái Bàu, nơi có cảng Vạn Hoa do trung đoàn hải quân 71 trấn giữ đồng thời là căn cứ hải đội của KPT5 gồm 3 tàu vận tải nhỏ. Sườn một quả núi đất trên đảo đã được công binh TQ khoét sâu rồi đúc bê tông xây một căn hầm dài chừng 15 m rộng 2,5 m có lối ra vào ở hai đầu hầm.
Trên một quả đồi khác có ngôi nhà 2 tầng của chúa đảo người Pháp xây từ khi còn thống trị nước ta. Ban chỉ huy E 71 hải quân đã bố trí cho đoàn chuyên gia Liên Xô ở đây trong thời gian họ giúp trung đoàn.
Khi một trung đoàn của Sư 2 công binh Tàu tới đảo chuẩn bị thi công căn hầm nói trên và một vài công sự khác, chỉ huy của họ đến gặp thủ trưởng trung đoàn 71. Họ chỉ tay lên ngôi nhà 2 tầng đòi lên ở trên đó. Anh Minh trung đoàn trưởng trình bày “Đã bố trí cho chuyên gia Liên Xô ở từ một tháng nay rồi. Chỗ ở của các đồng chí chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo, tuy nhà tranh vách liếp nhưng sạch sẽ, phong cảnh rất đẹp, hầm trú ẩn rất đảm bảo”. Bọn Tàu không nghe, nhất định đòi lên đó. “Thu xếp cho bọn xét lại thế nào là việc của các đồng chí. Gì thì gì, chúng tôi nhất định lên đấy ở  không đi đâu hết”.
Vừa mới chân ướt chân ráo đến đây họ đã thở ra sặc mùi bành trướng nước lớn.
Anh Ngoạn chính ủy bàn với trung đoàn trưởng Minh: “Ta phải hoãn binh, về bàn tính xem sao”. Hai anh hẹn chiều mai sẽ trả lời.
Rồi cả hai lên gặp các chuyên gia Liên Xô, gãi đầu gãi tai trình bày sự việc và “nhờ các đồng chí gỡ giúp thế bí”. Ba chuyên gia –hai Nga một Ucraina lúc đầu tỏ vẻ khó chịu, quát “Kệ mẹ chúng nó ! Cóc làm gì được chúng tao đâu !” Nhưng sau khi nghe hai đồng chí VN than thở “Chúng tôi đánh Mĩ đã mệt lại còn phải đối phó với bọn này, đau đầu quá” ba chuyên gia ái ngại gật đầu “Thôi được rồi, chúng tớ đồng ý dọn nhà !” Người Nga lớn tuổi nhất giơ ngón tay dứ dứ trước mặt trung đoàn trưởng Minh:
-Nói cho cậu biết nhé ! Chúng tớ chưa bao giờ rút lui trước bọn phát xít Hitler nhưng hôm nay phải rút lui trước bọn Tàu vì chúng tớ nể các cậu đấy !

Vụ trên đây chưa là cái gì so với những rắc rối bọn Tàu gây ra ở miền đông bắc nước ta hồi ấy.
Sau khi xây xong hầm chỉ huy và bàn giao cho chúng tôi sử dụng, chúng chuyển sang xây một vài công trình nhỏ. Ngày nào cũng có xe tải qua phà Cửa Ông chở xi măng, sắt thép, đồ ăn thức uống sang. Lẫn trong đoàn xe tải chở những thứ đó còn có xe chở hàng thùng huy hiệu Mao chủ tịch  để chúng phân phát cho dân địa phương. Huy hiệu có đủ cỡ, cái bé bằng chiếc khuy áo đại cán, cái to bằng trôn chai bia Trúc Bạch. Dân thích lắm, đeo ngay lên ngực áo, một cái rồi ba bốn cái trình bày khác nhau không cái nào giống cái nào tuy cái nào cũng có hình cụ Mao.
 Trên đất liền còn rầm rộ hơn. Người dân các huyện ven biển và các huyện giáp giới TQ phần đông là người thiểu số, thích màu sắc rực rỡ nên rất mê loại huy hiệu xanh đỏ tím vàng được cho không này. Hễ gặp lính Tàu là hỏi xin huy hiệu Mao chủ si tuy trên ngực áo đã gắn một hai cái. Chẳng mấy chốc đã thành phong trào sôi nổi thi nhau lập bộ sưu tập.
Chúng tôi thấy phải tìm cách ngăn cản phong trào này vì dù nghĩ một cách đơn giản thôi cũng thấy cảnh dân mình vồ vập hình ảnh một lãnh tụ nước ngoài là không ổn. Lúc đầu có thể chỉ do hiếu kì, do ham thanh chuộng lạ nhưng lâu dần sẽ trở thành ý thức chính trị, ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước. Phân tích sâu hơn, có thể nghĩ đây là bước đầu của một âm mưu thâm độc.
Nhưng ngăn cản cách nào ? Xử trí không khéo thì thành to chuyện, thành đại sự quốc gia chứ chẳng chơi.
May quá, chính bọn nhóc trong xóm núi lại giúp chúng tôi cách giải quyết. Đồng chí Bảo chủ nhiệm chính trị đi xuống đơn vị về đưa cho tôi ba bốn cái, Mao chủ si trên cái này bị mất một miếng mũi, trên cái kia bị sứt một bên tai, trên cái thứ ba cụ bị chột mắt. Đó là do bọn nhóc dùng huy hiệu làm đồng xèng đánh đáo.
Tôi sang gặp chính ủy trung đoàn công binh
-Ở nước chúng tôi huy hiệu Hồ chủ tịch là phần thưởng rất cao quí, chỉ những người lập công xuất sắc như bắn rơi máy bay Mĩ chẳng hạn mới được tặng huy hiệu của Người. Thế mà các đồng chí vung vãi hình ảnh Mao chủ tịch kính mến để đến nỗi bị bọn trẻ con xúc phạm thế này thì quá lắm, không nên.
Mấy tên trong ban chỉ huy tần ngần nhìn những tấm huy hiệu tôi vừa đưa, rồi nhìn nhau.
Từ sau hôm đó không còn cảnh lính Tàu mang từng thùng huy hiệu đi phát ở chợ búa, bến đò nữa.

Thế vẫn chưa hết chuyện.
Lễ Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 năm 1966.
Trên đảo Cô Tô không khí vẫn yên tĩnh như mọi ngày. Nhà dân không treo cờ, chính quyền đảo không tổ chức mít tinh. Hoàn toàn không có một nét nhỏ nào thể hiện hôm nay là ngày hội ngày lễ của dân tộc. Đồng chí Đông Hải chính ủy trung đoàn 242 tìm mãi mới gặp một nhân viên ủy ban xã. Anh này nói:
-Không tổ chức gì cả, sợ máy bay Mĩ đến đánh.
Gõ cửa mãi mới vào được vài nhà dân. Trong nhà, không thấy ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh mà toàn ảnh Mao chủ si. Hỏi tại sao không tổ chức mừng Quốc Khánh, tại sao không treo ảnh Bác Hồ, các chủ nhà nói : “Thấy bảo chúng tôi là người Trung Quốc, chủ tịch chúng tôi là Mao chủ si, quốc khánh là ngày 1 tháng 10. Làm người Trung Quốc sướng hơn vớ !”
Tìm hiều sâu thêm chính ủy Đông Hải té ngửa: từ đầu năm học đến giờ, trường tiểu học trên đảo dạy theo sách giáo khoa của bộ Giáo dục Trung Quốc..
Mà không phải chỉ trên đảo Cô Tô Lớn. Anh Hải Vân chính trị viên tiểu đoàn độc lập đóng trên đảo Vĩnh Thực báo cáo : không khí ngày 2-9 hoàn toàn vắng lặng,  một số người dân đã thay ảnh Bác Hồ bằng ảnh Mao.
Trên đảo Ba Mùn không có dân để lính TQ ban phát huy hiệu, tranh ảnh. Xây xong mấy công sự pháo, đài quan sát, hầm chỉ huy và hầm bộ binh chúng dán la liệt ảnh Mao chủ si và cờ 5 sao lên vách công sự trước khi rút quân. Khi tiểu đoàn độc lập của tiểu đoàn trưởng Chung đến phòng thủ đảo anh em phải mất công tẩm nước rồi bóc bằng hết.
Trên đảo Minh Châu lính TQ cũng phát huy hiệu nhưng dân đảo không vồ vập, không ngửa tay xin. Chị phó chủ tịch ủy ban kể với tôi:
-Mỗi khi nghỉ tay làm công sự là họ kéo nhau đến xem bọn em bắt đồn đột (hải sâm) hoặc đào sá sùng, có vẻ thèm lắm.
Chúng tôi nói để chị biết: không phải chúng nó chỉ thèm mấy món hải sản rất ngon rất bổ có rất nhiều trên đảo của chị mà chúng muốn ăn sống nuốt tươi cả vùng đất vùng biển rộng lớn và giầu có của chúng ta cơ đấy.
Không chỉ trên các đảo mà tại một số xóm thuộc các xã vùng cao trên núi Cái Kỳ, Pạc Sủi, Thang Châu Đông của những huyện Bình Liêu, Tiên Yên v.v. cũng có những người dân hạ ảnh Bác Hồ treo ảnh Mao Trạch Đông, không ăn mừng ngày 2-9 mà chuẩn bị mừng quốc khánh Trung Hoa 1 tháng 10.
Tuy phải sẵn sàng chiến đấu suốt ngày đêm nhưng chúng tôi vẫn phải chỉ đạo các đơn vị cử người kết hợp với cán bộ địa phương tuyên truyền giải thích cho dân hiểu họ là công dân Việt Nam, Bác Hồ là chủ tịch nước, ngày Quốc khánh của ta là ngày 2 tháng 9…

Cuối năm 1966, sư đoàn công binh TQ rút về nước. Không được ăn thì đạp đổ, chúng phá tan hoang những nơi đóng quân. Nhà bị kéo sập, những chiếc hũ sành đựng tương bị đập vỡ tan, vỏ hộp sữa bị dẫm bẹp, những cây chuối mới mọc bị chặt sát gốc, giếng nước bị chúng tống đầy phân, nước tiểu. Mộng lấn chiếm tan vỡ làm chúng tức uất đến phát điên phát cuồng, bộc lộ hết tính cách tiểu nhân nham hiểm.
Chắc chắn chúng chưa chịu từ bỏ dã tâm bành trướng.
Chúng ta phải sẵn sàng !
Và phải cảnh giác : hồi đó tuy lính Tàu không hiện diện ở Cô Tô, ở Vĩnh Thực và ở nhiều huyện của Quảng Ninh, Móng Cái nhưng bọn tay sai của chúng đã lôi kéo được khá nhiều người mê muội tin theo chúng.
     SĐM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét