Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CÁ RÔ ĐẦM SÉT



         Ra khỏi nhà tù Thanh Hóa, giữa tháng Ba 1945 tôi ra Hà Nội. Nghe tin, Nguyễn Anh Bảo[1] ủy viên Ban Chấp hành đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hà Nội) đến gặp ngay. Sau khi bàn công việc Bảo đưa tôi đến  làng Ngọc Hà.
Dọc đuờng Bảo giới thiệu:
- Mình đưa Phan đến ở một nơi rất xuya[2], những khi cần tạm lánh đề phòng địch mình vẫn đến ở vài hôm. Anh Kim là Công nhân Cứu quốc, Hoa kiều, nhân viên kĩ thuật đài vô tuyến điện Bạch Mai. Chị vợ người Việt, có cảm tình với Việt Minh. Thằng con 12 tuổi rất ngoan. Anh chị Kim sẽ lo chuyện ăn uống cho cậu. Chỗ ở kín đáo nhưng không quá xa rìa làng, khi có động dễ chuồn. Tóm lại, một chỗ đứng chân tuyệt vời để Phan yên tâm công tác.
Từ đường Quần Ngựa hai anh em rẽ vào lối đi lát gạch, sau một quãng dài trống trải con đường nhỏ len lỏi qua nhiều mảnh vườn làng Ngọc Hà. Sông Ngọc, cái tên thật đẹp! Phải chăng phù sa của đã bồi lắng nên ngôi làng xinh xắn một thời đầy hoa này? Giờ đây Sông Ngọc không còn, làng Hoa cũng chỉ hiu hắt vài miếng hồng miếng cúc cô đơn giữa những luống đất lởm chởm gốc hoa héo đen gục rũ trên hoang tàn.
Tới một xóm nhiều nhà lợp ngói, đầu xóm có bụi tre già, Bảo cúi xuống nhìn rồi nói:
- An toàn. Trước khi vào nhà cậu đến đây xem kĩ, nếu thấy hai cành tre buộc chéo là dấu hiệu báo động, phải biến ngay.
  Chúng tôi bước vào ngôi nhà ba gian. Anh Kim khoảng ngoài ba mươi, dong dỏng cao, một chiếc răng nanh bịt vàng, vồn vã hỏi Bảo thé’:
 - Cậu vẫn khỏe chứ? Lâu không thấy đến tôi sốt ruột quá.
Chị Kim từ dưới bếp chạy lên:
- Cậu hơi tọp đi đấy. Nghỉ nhà vài ngày chị kiếm cái gì tẩm bổ cho khỏe rồi hẵng đi.
Bảo ngồi xuống đỡ chén nước chè nóng từ tay anh Kim.
- Cám ơn anh chị. Hôm nay em đưa Phan tới   nhờ anh chị ít lâu.
Chị Kim sốt sắng:
- Hay quá, có cậu nhà thêm vui.
Sau vài chục phút trò chuyện Bảo chia tay chủ nhà. Tôi theo ra cửa, Bảo khẽ dặn:
-Các ngày thứ Ba thứ Năm thứ Bẩy, khoảng 5 giờ chiều liên lạc với mình ở cửa chợ Đồng xuân. Nếu thấy mình gãi đầu tức là có động, đừng đến gặp. Ngược lại cũng thế, nếu cậu nghi đuôi bám thì gãi đầu làm hiệu,  buổi tiếp theo sẽ gặp nhau.
      
 Gia đình này quả là một cơ sở tuyệt vời. Anh Kim ngày hai buổi đạp xe đi làm, tối không đi rải truyền đơn hay bảo vệ các cuộc diễn thuyết xung phong thì ở nhà kèm con học, đọc báo rồi đi ngủ. Chị Kim người làng Ngọc Hà, rất tần tảo, đúng là  “Con gái ở trại hàng Hoa, Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm”, trước kia ngày nào cũng dậy từ lúc chưa rõ mặt người, gánh một gánh nặng hoa tươi rong ruổi khắp phố phường Hà Nội mang vào thành phố vô vàn hương sắc và nguồn cảm hứng. Chị vừa bán hoa cắm lọ vừa đưa tới tận nhà những gói hoàng lan kèm hoa sói hoa ngâu, hoa mẫu đơn cúng Phật, cúng tổ tiên những ngày giỗ chạp, lễ tết. Sáng sớm chủ nhà đặt mua hoa chưa dậy, chị treo gói hoa lên tay nắm cửa, cuối tháng mới đến nhận tiền…Bây giờ gánh hoa thay bằng gánh rau muống trên vai với một rá rau thơm cắp nách, bán quanh quẩn mấy con phố gần làng.
Anh chị Kim coi tôi như ruột thịt, chăm sóc tôi còn hơn cả thằng con trai. Một buổi trưa tôi về muộn, cả nhà đã ăn cơm, anh đi làm, chị đi chợ chỉ còn thằng Hoàng ở nhà. Thấy tôi về nó vào buồng lấy liễn cơm ủ trong chăn bưng ra, mở lồng bàn, xới cơm, nói:
- Mời anh xơi cơm kẻo nguội.
Mâm cơm có một con cá rô nhỉnh bằng hai ngón tay rán vàng đặt bên chén nước mắm tỏi ớt… mới trông thấy nước dãi đã ứ đầy miệng.
Ăn xong nhân lúc ngồi xỉa răng uống nước tôi hỏi Hoàng:
- Hôm nay có món cá rán ngon quá, em ăn thêm được mấy bát?
Nó lắc đầu, hơi phụng phịu:
- Mẹ kiếm được có hai con, bố một con, anh một con. Em làm gì có phần đâu ạ.
Tôi ôm thằng bé vào lòng, dụi má vào mái tóc mềm của nó. Cảm thấy ân hận vì mình đến đây ở làm thằng bé mất phần.
Mấy hôm sau chị Kim lại kiếm được cá mang về, lần này vừa đủ bốn con. Ngồi vào mâm, anh Kim quay người mở tủ chè sau lưng lấy rượu rót vào hai chiếc cốc rồi gắp con to nhất bỏ vào bát tôi:
- Cá rô đầm Sét là ngon nhất hạng. Những con to hơn thì đừng rán, xương nó cứng lắm, từng này là vừa. Cá rô ron chỉ bằng ngón tay út rán lên còn ngon hơn, ăn được cả xương rất bùi. Cậu chấm đẫm nước mắm Vạn Vân này mà ăn thì miếng cá càng thơm càng ngọt càng ngon. 
Anh nói như ngâm:
“Cá rô đầm Sét, cá chép đầm Đại, nước mắm Vạn Vân”.
Anh tiếp:
-Những món ngon của đất Thăng Long ta đấy.
Rồi nâng cốc:
-Nào cậu Phan…Chúc mong được ước thấy.
Tôi định gắp con cá bỏ sang bát thằng Hoàng để trả nợ hôm trước ăn mất phần nó, nhưng nghĩ chắc anh chị Kim không nghe và thằng Hoàng cũng không dám nhận nên tự nhủ: để dịp khác.
Cuộc sống trong không khí gia đình thật đầm ấm yên vui, chị Kim chăm sóc tôi rất chu đáo: sáng sáng có ấm nước chè mạn, bữa trưa bữa tối có cơm nóng canh rau ngọt ngào, thỉnh thoảng có bát tép rang khế, đĩa cá bống kho tương…ăn xong ngồi giúp thằng Hoàng làm bài, rồi yên tâm đi ngủ.
Sau vài hôm, tôi đi bảo vệ cuộc mit tinh ở chợ Canh và gặp Sáu[3] trong cùng tổ. Sáu cho biết sắp đi dự lớp huấn luyện quân sự bên Bắc Ninh, bàn giao cho tôi nhận tiếp tế của người mấy tháng nay vẫn ủng hộ mỗi tháng 10 cân gạo và 7 đồng. Quần chúng cảm tình này là Trọng một nhà trí thức “trùm chăn” không đi làm cho chính quyền bù nhìn của khâm sai Phan Kế Toại. Tôi mừng lắm. Có thêm đôi chút góp cho anh chị Kim giữa lúc gạo châu củi quế này chẳng thừa. Sáu dặn địa chỉ, ám hiệu, hứa sẽ báo cho cơ sở biết để tiếp nhận tôi.
Ngay hôm sau tôi đến Ngõ Huế gặp Trọng nhận 10 cân gạo và 7 đồng.
Về đến nhà nhân lúc anh Kim đi vắng, tôi đưa hết cho chị Kim. Chị giẫy nẩy:
-Ô hay! Tôi có cho cậu ở trọ đâu mà cậu đưa tiền mấy gạo?
Tôi năn nỉ:
-Chị ơi, người ta ủng hộ chứ em có phải mua đâu ạ. Coi như em nhờ chị thổi nấu giúp để em dành thì giờ công tác cho đoàn thể thôi.
Chị Kim vẫn lắc đầu quầy quậy.
Tôi khích tướng:
-Hay chị chê ít thì em…
Chị Kim giả vờ làm mặt giận, mắng:
-Liệu hồn! Đừng có mà trêu tức tôi…
Đột nhiên chị dịu giọng:
-Thôi được, chị nhận. Sẽ có việc dùng đến.
Lúc ấy tôi chưa biết chị sẽ dùng vào việc gì…                                                                                     
Gần một tháng sau.                                                                                           
Sáng sớm nghe tiếng xèo xèo dưới bếp, chắc mẩm chị Kim lại rán cá rô đầm Sét cho bữa trưa tôi chạy xuống xem. Nhưng không phải cá, chị đang rán bánh bìa trong chiếc chảo to, loại bánh làm bằng bột gạo nếp trộn mật, hấp chín rồi rán, trước kia tôi đã vài lần mua của chú Chiệc bán rong. Bên cạnh có chiếc mẹt đựng mấy lớp bánh hình chữ nhật màu nâu vàng tỏa mùi thơm ngọt nồng nàn. Tôi hỏi :
- Chị rán làm gì nhiều thế hả chị? Mang đi bán à?
- Bán chác gì đâu. Anh chị phụ thêm vào số tiền gạo cậu đưa, làm thứ bánh này để được rất lâu không hỏng. Làm sẵn để đấy, mai kia cần đến thì các cậu có cái mà ăn...Nếu phải đi xa, mang theo cũng tiện.
Mai kia…Nếu phải đi xa…Chị Kim đã nghĩ đến một ngày mai chị hình dung là sẽ rất quyết liệt.  Chị góp sức cho đàn em theo cách của mình, cách của người phụ nữ đảm đang suốt đời tảo tần chăm chồng nuôi con

Ít lâu sau, tôi đi công tác ở ngoại thành ba bốn ngày mới về. Tới kiểm tra bụi tre, thấy hai nhánh buộc chéo bằng sợi lạt. Chột dạ, đưa mắt nhìn một vòng thấy không có gì khả nghi, không sợ bị bám đuôi, tôi lên đường Cổ Ngư ngồi chờ đến giờ đi gặp Nguyễn Anh Bảo.
Khoảng 5 giờ chiều tôi tới cửa chợ Đồng Xuân. Bảo ‘thé’ đã có mặt. Nghe tôi báo cáo, anh dặn:
- Tìm chỗ lánh tạm vài ngày. Mai mình kiểm tra tình hình, ngày kia bàn tiếp. Vẫn gặp nhau ở đây, giờ này.
Tôi đến nhà Vũ Văn Đu ở phố Bắc Ninh. Nghe con giới thiệu tôi là bạn học cùng lớp, đang chờ xe về quê trên Thái Nguyên, bố mẹ Đu vui vẻ thu xếp cho tôi tạm.
Tới phiên liên lạc sau, Bảo cho biết: anh Kim thấy mấy thằng hiến binh Nhật lảng vảng quanh xóm, nhòm ngó nhớn nhác không hiểu chúng tìm kiếm cái gì nên báo động phòng xa thế thôi. Nhưng vẫn phải cảnh giác đề phòng, tôi không được ở đấy nữa mà phải chuyển ra xóm ngoài.
Thế là tôi phải rời xa cuộc sống gia đình no ấm, tiếp tục dấn thân vào nguy nan khổ ải. Làm cách mạng thì phải thế, tôi không nề hà. Chỉ băn khoăn một điều: bao giờ mới trả được thằng Hoàng món nợ một con cá rô đầm Sét? Mang nợ thì phải trả nợ dù chỉ là một con cá. Nhưng biết đến  bao giờ mới trả được nợ? Bao giờ hay chẳng bao giờ?
                                                                                                                                       SĐM


[1]  Bí danh  của Nguyễn Viết Tiết sau này là chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin QĐND VN. Hi sinh trong chống .
            [2] Chắc chắn, tin cậy.
            [3]Bí danh của Nguyễn Tiến Sản tức An, tức Vinh Quốc chính ủy sư đoàn 308,  phó chính ủy quân khu 3 được cử  đi học ở Liên Xô rồi định cư bên đó khi xẩy ra vụ án Xét lại ở quê nhà.


Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

MỘT PHẦN TỬ XÉT LẠI NGUY HIỂM


 Mùa đông năm 1967. Khu trưởng Khu Phòng Thủ 5 (KPT5) Đồng Phi Khánh, phó chính ủy Ngô Minh, tham mưu trưởng Triển, chủ nhiệm chính trị Bảo, trung đoàn trưởng E 242 đi họp trên bộ Tư lệnh quân khu Hải quân - Đông bắc. Cuộc họp bàn về quân sự nên tôi cử chủ nhiệm chính trị đi dự, một mình ở lại trực chỉ huy.
Đợt gió mùa đông bắc vừa tan, đài quan sát đảo Cô Tô báo cáo về Sở Chỉ huy:
- Khoảng ba chục tàu Trung quốc đang tiến sâu vào lãnh hải của ta. Xin chỉ thị.
Nhận báo cáo, tôi ra lệnh:
-Bắn pháo hiệu cảnh cáo chúng nó vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Buộc chúng trở ra hải phận quốc tế.
Lệnh từ Sở Chỉ huy ra đảo Cô Tô Lớn cách xa hơn 40 km và đi tất cả các đảo được thông suốt, nhờ đường điện thoại ngầm dưới biển do Trung quốc lắp đặt trong những năm 1965 - 1966.
Lúc đoàn tàu vào cách quần đảo Cô Tô chừng hai hải lí tôi lệnh trung đoàn 242 triển khai các đơn vị  pháo.
Đài quan sát báo cáo:
-Chúng vẫn tiến sâu thêm.

Tôi cố phán đoán âm mưu của đoàn tàu Trung quốc. Ít lâu nay chúng đã nhiều lần vào đánh bắt hải sản trong vùng biển giầu có của ta, có chuyến chúng cướp đi hàng mấy chục tấn mực tươi. Nếu chúng đặt được chân lên đảo Cô Tô chắc chắn những tên tay sai của chúng lâu nay vẫn giấu mặt sẽ ngóc đầu dậy gây khó khăn rất lớn cho ta, kể cả âm mưu gây phản loạn cướp chính quyển, tượng Bác Hồ có thể bị chúng xâm hại. Đây là bức tượng đài duy nhất trên cả nước được Bác đồng ý cho xây dựng khi Bác còn sống, sau chuyến Bác ra thăm đảo năm 1961…Có tin chúng âm mưu tấn công đảo Cô Tô Con, vơ vét ngọc trai thậm chí có thể bắt cóc các nhân viên kĩ thuật của cơ sở quốc doanh nuôi ngọc trai trên đảo. Ở Cô Tô Con không có bộ đội cũng không có dân quân, số đông nhân viên trạm nuôi ngọc trai là nữ, khả năng tự vệ rất yếu.
Tôi lệnh tiếp:
-Tiếp tục phát tín hiệu cảnh cáo. Bộ binh chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị chiến đấu!

Rồi ra lệnh các đơn vị trên đảo Minh Châu, Ba Mùn, Vĩnh Thực báo động cấp 1.
Hồi này chưa có đường điện thoại trực tuyến giữa KPT5 và Quân khu nên phải dùng vô tuyến điện. Tôi hỏi Lý nhân viên cơ yếu:
- Mấy giờ có Vac? (Vacation: phiên liên lạc theo giờ qui định)
- Báo cáo thủ trưởng 50 phút nữa.
Vậy là tôi phải chủ động giải quyết mọi tình huống diễn biến trong 50 phút tiếp theo rồi mới liên lạc được với Quân khu để xin chỉ thị.
Đầu óc căng thẳng tột độ tôi tự hỏi: ”Nếu chúng cứ vào sâu hơn nữa, mình sẽ xử trí như thế nào? Nổ súng ngay? Hay chờ đến lúc chúng đặt chân lên đảo? Khó quá! “
Đang nát óc suy tính thì đài quan sát báo cáo:
- Đoàn tàu Trung quốc bắt đầu quay mũi lên phía bắc.
Có lẽ chúng đã nhận thấy sự đối phó quyết liệt của ta.
Tôi thở một hơi dài, cảm thấy mệt lả như vừa leo qua một đỉnh núi cao
Chúng nó rút đi, nước biển quanh cảng Cái Rồng lại xanh ngăn ngắt điểm vô số đốm trắng: những con  mực bị cá thu ăn mắt đầu, bỏ lại phần thân nổi lềnh bềnh. Bọn cá thu chỉ ăn đầu vì thân mực có mai cứng chúng không ngoạm được, cũng có lẽ vì chúng thấy đầu mực là chỗ ngon nhất! Ngay các chiến sĩ của đơn vị tôi cũng chẳng thiết vớt những xác mực ấy mà thường dùng sào nhọn đâm những con mực đang bơi. Bị đâm trúng, nó phun mực đen kịt một khoảng nước biển. Lôi lên, vặt cái đầu rồi vứt thân mực xuống biển, quấn râu mực quanh ống tre lăn tròn trên bếp than vài phút là có thức nhắm ngon nhất trần đời! Vừa nhắm vừa nhìn những đôi cá heo vọt từ biển lên cao rồi uốn cong mình lao xuống rất đẹp. Nếu bọn Tàu kéo vào, liệu những đôi uyên ương kia có còn được múa như thế không?
Phía đông đảo Ba Mùn nhiều bãi đá lô xô không xuống biển tắm được nhưng dưới những bụi mắm, bụi đước có rất nhiều cua bể, những đêm sáng trăng chúng đánh càng gọi nhau cắc!cắc! ròn tan. Lính xách đôi thùng xuống bãi biển sau khoảng một giờ là mang về những thùng đầy cua, con nào cũng to bằng bàn tay. Đốt lửa nướng đến khi vỏ cua đỏ au, thịt cua trắng bóc bốc hơi nóng thơm lừng, chấm muối ăn đến no đến chán! Sống trên đất nước độc lập tự do không bị ngoại bang lấn chiếm sung sướng không gì bằng.

Một tuần sau, anh bạn thân trên bộ Tư lệnh Quân khu mật báo: “Có đơn tố cáo cậu là phần tử xét lại nguy hiểm, định bắn tàu Trung quốc”.
Hoàng Trà -chính ủy quân khu đích thân xuống dự cuộc họp đảng ủy mở rộng để điều tra vụ việc được coi là rất nghiêm trọng này. Có đông đủ đảng ủy viên dự họp trừ phó chính ủy Ngô Minh cáo ốm. Sau ba ngày căng thẳng, đối chiếu tường trình của tôi với các ghi chép trên nhật kí trực chiến lưu giữ đầy đủ các mệnh lệnh của tôi qua từng giờ từng phút, với báo cáo của chỉ huy các đảo Ba Mùn, Vĩnh Thực, Minh Châu, Cô Tô, hội nghị đảng ủy kết luận đoàn tàu Trung quốc đã vi phạm chủ quyền, đã được cảnh báo đầy đủ bằng các tín hiệu theo thông lệ hàng hải quốc tế nhưng vẫn cố tình đi sâu vào lãnh hải của ta, chỉ sau khi thấy các đơn vị KPT5 triển khai đội hình chiến đấu chúng mới rút lui. Đảng ủy biểu quyết: tôi đã xử trí tình huống đúng đường lối chủ trương của Đảng, đúng chỉ lệnh của Quân khu, không sai phạm gì.
Chính ủy Hoàng Trà chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu xác nhận kết luận đó.

Vài ngày sau anh bạn trên quân khu rỉ tai: những người viết đơn tố cáo tôi ‘xét lại’ là phó chính ủy KPT5 Ngô Minh và phó chính ủy trung đoàn 242 Nguyễn Văn. Cả hai đều đã học ở Trung quốc, khi về công tác ở KPT5 họ lôi kéo một số cán bộ đã học bên ấy thành một nhóm ăn cánh nhau nhằm hạ bệ tôi.
 Hồi này trong quân đội ta, nhất là trong các đơn vị miền Bắc số cán bộ trung cao cấp tốt nghiệp các trường lớp của Trung quốc rất đông. Chỉ riêng trong năm 1950 đã có 3100 người sang bên ấy học về chiến thuật, kĩ thuật. Những năm sau hầu như năm nào cũng có nhiều cán bộ được cử sang đó học, số đông là bần cố nông, trung nông lớp dưới. Tuy thành phần giai cấp của học viên đã được chọn kĩ như thế nhưng các thày Tàu vẫn tỏ vẻ nghi ngại.

Võ Nguyên Giáp viết trong hồi kí  Điểm hẹn lịch sử (trích):
  “Những đơn vị sang Trung Quốc, ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được bạn huấn luyện thêm về chiến thuật công kiên, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá, trước đây vì không có thuốc nổ ta chưa hề sử dụng kỹ thuật này.
Qua ba tháng luyện tập được bắn đạn thật, các chiến sĩ tiến bộ khá nhanh. Nhiều đồng chí Trung quốc rất ngạc nhiên khi thấy bộ đội ta, từ cán bộ tới chiến sĩ, nghe giảng bài đều ghi chép rất nhanh, các đồng chí ấy tỏ vẻ nghi ngại là trong quân đội Việt Nam có quá nhiều phần tử trí thức! Ta phải cố gắng làm cho bạn hiểu số đông cán bộ ta là học sinh, còn hầu hết chiến sĩ là thanh niên nông thôn, nhiều người chỉ bắt đầu học chữ sau khi vào bộ đội.”

Theo Hoàng Tùng – bí thư Trung ương Đảng, tổng biên tập báo Nhân Dân từ 1954 đến 1982- các sĩ quan quân đội xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức đều bị cố vấn Trung quốc rắp tâm cho về vườn.
“Có người đưa cho đoàn cố vấn Trung quốc một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân không phải là công nông, định gạt ra khỏi quân đội. Ai đưa danh sách này cho đoàn cố vấn ? Tôi ngờ rằng đó là một người trong quân đội…. Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp đều có tên trong danh sách này vì đều là trí thức. Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác Hồ, Bác bảo : “Đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”…

Chẳng những thế, ngay tướng Giáp cũng là đối tượng của chủ nghĩa thành phần ngu ngốc, mù quáng đó. Hoàng Tùng viết:
       “Mùa thu năm 1950, Trung quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam…Việc đầu tiên của họ là “sửa” quân đội trước đã. Họ “sửa” Đảng trong quân đội nên mới lập ra chức chính uỷ . …Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng trong quân đội, mà đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ năm 1930… mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng. Theo Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, để ông nắm quân sự là không ổn…”

Trong những người  sang Trung quốc học, nhiều người sau đó đã trở thành những cán bộ xuất sắc của quân đội ta, lập nhiều chiến công oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Như thượng tướng Hoàng Minh Thảo chẳng hạn. Được Bác Hồ cử đi học ở Liễu Châu năm 1941, năm 1950 làm đại đoàn trưởng đại đoàn 304, năm 1975 là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Tây nguyên, năm 1990 là viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự cho đến khi nghỉ hưu. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã học Học viện Quân sự Bắc Kinh trong 4 năm, về nước làm lữ trưởng Lữ đoàn Nhẩy dù, sau 1975 liên tục trúng cử ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII,  được cử giữ chức phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Rất nhiều tướng tá khác thuộc thành phần cơ bản tuy cũng sang học Trung quốc nhưng không lây nhiễm thói đối xử bất công, tàn bạo với các thành phần phi vô sản, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đoàn kết cùng nhau dốc sức chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc..
Ngược lại không ít người thụ giáo tư tưởng Mao Trạch Đông đã đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phát triển nhiều thói hư tật xấu như thích ăn trên ngồi trốc, bè cánh, tự tư tự lợi, ganh ghét trí thức v.v. Một số đông trong bọn họ đã từng là cốt cán trong các đội Cải cách Ruộng đất, đã từng vu cho địa chủ những tội không có thật, đôn những phú nông lên thành địa chủ để có đủ tỉ lệ 5%, qui địa chủ kháng chiến thành cường hào gian ác… Đã thế, những điều mắt thấy tai nghe trong các phong trào Đại nhẩy vọt, Cách mạng Văn hóa càng làm tăng thêm chất tàn nhẫn trong tâm địa họ. Họ ca tụng và cố học theo “tấm gương” tiểu hồng vệ binh Trương Hồng Bân đã tố cáo với công an việc bà mẹ anh ta dùng những từ ngữ khiếm nhã khi nói về Mao Trạch Đông, hậu quả là mẹ Trương Bân bị bắt và vài tháng sau bị xử tử về tội “phản cách mạng”.
 Thành kiến với trí thức, bực bội khi phải dưới quyền trí thức, những người đó ra sức giành lấy các vị trí họ cho là ‘đáng lẽ phải thuộc về mình’. Họ không từ một thủ đoạn nào, từ ném đá giấu tay, tung tin đồn đến đả kích bóng gió thậm chí công khai. Tình trạng này xẩy ra ở nhiều đơn vị lúc lắng dịu lúc ồn ào kể cả ở một số cấp cao. Ở KPT5 cũng vậy, nó là một căn bệnh khó chữa, thường xuyên gây không khí căng thẳng.
Hôm KPT5 làm lễ mừng công năm 1967 có đông đủ cán bộ từ cấp đại đội trở lên và các chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mĩ toàn đơn vị về dự. Sau buổi lễ long trọng đến tiệc liên hoan với món chủ lực là thịt cầy. Bắt đầu khai tiệc, thấy phó chính ủy trung đoàn 242 ngồi trên chiếc chiếu gần cuối phòng tôi thân mật mời:
-Đồng chí Nguyễn Văn lên trên này ngồi với chúng tôi cho vui.
Nguyễn Văn xỏ xiên:
-Dưới này chó, trên ấy cũng chó, khác gì nhau đâu!
 Thói định kiến, đố kị, ganh ghét từng lớp tạch tạch sè trí thức được các thày Tàu và một số cán bộ lãnh đạo nuôi dưỡng, nêu gương nên càng trắng trợn, nham hiểm. Nọc độc của bọn Tàu ghê gớm thật!
                                                                                                                                                SĐM