Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

MỘT PHẦN TỬ XÉT LẠI NGUY HIỂM


 Mùa đông năm 1967. Khu trưởng Khu Phòng Thủ 5 (KPT5) Đồng Phi Khánh, phó chính ủy Ngô Minh, tham mưu trưởng Triển, chủ nhiệm chính trị Bảo, trung đoàn trưởng E 242 đi họp trên bộ Tư lệnh quân khu Hải quân - Đông bắc. Cuộc họp bàn về quân sự nên tôi cử chủ nhiệm chính trị đi dự, một mình ở lại trực chỉ huy.
Đợt gió mùa đông bắc vừa tan, đài quan sát đảo Cô Tô báo cáo về Sở Chỉ huy:
- Khoảng ba chục tàu Trung quốc đang tiến sâu vào lãnh hải của ta. Xin chỉ thị.
Nhận báo cáo, tôi ra lệnh:
-Bắn pháo hiệu cảnh cáo chúng nó vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Buộc chúng trở ra hải phận quốc tế.
Lệnh từ Sở Chỉ huy ra đảo Cô Tô Lớn cách xa hơn 40 km và đi tất cả các đảo được thông suốt, nhờ đường điện thoại ngầm dưới biển do Trung quốc lắp đặt trong những năm 1965 - 1966.
Lúc đoàn tàu vào cách quần đảo Cô Tô chừng hai hải lí tôi lệnh trung đoàn 242 triển khai các đơn vị  pháo.
Đài quan sát báo cáo:
-Chúng vẫn tiến sâu thêm.

Tôi cố phán đoán âm mưu của đoàn tàu Trung quốc. Ít lâu nay chúng đã nhiều lần vào đánh bắt hải sản trong vùng biển giầu có của ta, có chuyến chúng cướp đi hàng mấy chục tấn mực tươi. Nếu chúng đặt được chân lên đảo Cô Tô chắc chắn những tên tay sai của chúng lâu nay vẫn giấu mặt sẽ ngóc đầu dậy gây khó khăn rất lớn cho ta, kể cả âm mưu gây phản loạn cướp chính quyển, tượng Bác Hồ có thể bị chúng xâm hại. Đây là bức tượng đài duy nhất trên cả nước được Bác đồng ý cho xây dựng khi Bác còn sống, sau chuyến Bác ra thăm đảo năm 1961…Có tin chúng âm mưu tấn công đảo Cô Tô Con, vơ vét ngọc trai thậm chí có thể bắt cóc các nhân viên kĩ thuật của cơ sở quốc doanh nuôi ngọc trai trên đảo. Ở Cô Tô Con không có bộ đội cũng không có dân quân, số đông nhân viên trạm nuôi ngọc trai là nữ, khả năng tự vệ rất yếu.
Tôi lệnh tiếp:
-Tiếp tục phát tín hiệu cảnh cáo. Bộ binh chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị chiến đấu!

Rồi ra lệnh các đơn vị trên đảo Minh Châu, Ba Mùn, Vĩnh Thực báo động cấp 1.
Hồi này chưa có đường điện thoại trực tuyến giữa KPT5 và Quân khu nên phải dùng vô tuyến điện. Tôi hỏi Lý nhân viên cơ yếu:
- Mấy giờ có Vac? (Vacation: phiên liên lạc theo giờ qui định)
- Báo cáo thủ trưởng 50 phút nữa.
Vậy là tôi phải chủ động giải quyết mọi tình huống diễn biến trong 50 phút tiếp theo rồi mới liên lạc được với Quân khu để xin chỉ thị.
Đầu óc căng thẳng tột độ tôi tự hỏi: ”Nếu chúng cứ vào sâu hơn nữa, mình sẽ xử trí như thế nào? Nổ súng ngay? Hay chờ đến lúc chúng đặt chân lên đảo? Khó quá! “
Đang nát óc suy tính thì đài quan sát báo cáo:
- Đoàn tàu Trung quốc bắt đầu quay mũi lên phía bắc.
Có lẽ chúng đã nhận thấy sự đối phó quyết liệt của ta.
Tôi thở một hơi dài, cảm thấy mệt lả như vừa leo qua một đỉnh núi cao
Chúng nó rút đi, nước biển quanh cảng Cái Rồng lại xanh ngăn ngắt điểm vô số đốm trắng: những con  mực bị cá thu ăn mắt đầu, bỏ lại phần thân nổi lềnh bềnh. Bọn cá thu chỉ ăn đầu vì thân mực có mai cứng chúng không ngoạm được, cũng có lẽ vì chúng thấy đầu mực là chỗ ngon nhất! Ngay các chiến sĩ của đơn vị tôi cũng chẳng thiết vớt những xác mực ấy mà thường dùng sào nhọn đâm những con mực đang bơi. Bị đâm trúng, nó phun mực đen kịt một khoảng nước biển. Lôi lên, vặt cái đầu rồi vứt thân mực xuống biển, quấn râu mực quanh ống tre lăn tròn trên bếp than vài phút là có thức nhắm ngon nhất trần đời! Vừa nhắm vừa nhìn những đôi cá heo vọt từ biển lên cao rồi uốn cong mình lao xuống rất đẹp. Nếu bọn Tàu kéo vào, liệu những đôi uyên ương kia có còn được múa như thế không?
Phía đông đảo Ba Mùn nhiều bãi đá lô xô không xuống biển tắm được nhưng dưới những bụi mắm, bụi đước có rất nhiều cua bể, những đêm sáng trăng chúng đánh càng gọi nhau cắc!cắc! ròn tan. Lính xách đôi thùng xuống bãi biển sau khoảng một giờ là mang về những thùng đầy cua, con nào cũng to bằng bàn tay. Đốt lửa nướng đến khi vỏ cua đỏ au, thịt cua trắng bóc bốc hơi nóng thơm lừng, chấm muối ăn đến no đến chán! Sống trên đất nước độc lập tự do không bị ngoại bang lấn chiếm sung sướng không gì bằng.

Một tuần sau, anh bạn thân trên bộ Tư lệnh Quân khu mật báo: “Có đơn tố cáo cậu là phần tử xét lại nguy hiểm, định bắn tàu Trung quốc”.
Hoàng Trà -chính ủy quân khu đích thân xuống dự cuộc họp đảng ủy mở rộng để điều tra vụ việc được coi là rất nghiêm trọng này. Có đông đủ đảng ủy viên dự họp trừ phó chính ủy Ngô Minh cáo ốm. Sau ba ngày căng thẳng, đối chiếu tường trình của tôi với các ghi chép trên nhật kí trực chiến lưu giữ đầy đủ các mệnh lệnh của tôi qua từng giờ từng phút, với báo cáo của chỉ huy các đảo Ba Mùn, Vĩnh Thực, Minh Châu, Cô Tô, hội nghị đảng ủy kết luận đoàn tàu Trung quốc đã vi phạm chủ quyền, đã được cảnh báo đầy đủ bằng các tín hiệu theo thông lệ hàng hải quốc tế nhưng vẫn cố tình đi sâu vào lãnh hải của ta, chỉ sau khi thấy các đơn vị KPT5 triển khai đội hình chiến đấu chúng mới rút lui. Đảng ủy biểu quyết: tôi đã xử trí tình huống đúng đường lối chủ trương của Đảng, đúng chỉ lệnh của Quân khu, không sai phạm gì.
Chính ủy Hoàng Trà chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu xác nhận kết luận đó.

Vài ngày sau anh bạn trên quân khu rỉ tai: những người viết đơn tố cáo tôi ‘xét lại’ là phó chính ủy KPT5 Ngô Minh và phó chính ủy trung đoàn 242 Nguyễn Văn. Cả hai đều đã học ở Trung quốc, khi về công tác ở KPT5 họ lôi kéo một số cán bộ đã học bên ấy thành một nhóm ăn cánh nhau nhằm hạ bệ tôi.
 Hồi này trong quân đội ta, nhất là trong các đơn vị miền Bắc số cán bộ trung cao cấp tốt nghiệp các trường lớp của Trung quốc rất đông. Chỉ riêng trong năm 1950 đã có 3100 người sang bên ấy học về chiến thuật, kĩ thuật. Những năm sau hầu như năm nào cũng có nhiều cán bộ được cử sang đó học, số đông là bần cố nông, trung nông lớp dưới. Tuy thành phần giai cấp của học viên đã được chọn kĩ như thế nhưng các thày Tàu vẫn tỏ vẻ nghi ngại.

Võ Nguyên Giáp viết trong hồi kí  Điểm hẹn lịch sử (trích):
  “Những đơn vị sang Trung Quốc, ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được bạn huấn luyện thêm về chiến thuật công kiên, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá, trước đây vì không có thuốc nổ ta chưa hề sử dụng kỹ thuật này.
Qua ba tháng luyện tập được bắn đạn thật, các chiến sĩ tiến bộ khá nhanh. Nhiều đồng chí Trung quốc rất ngạc nhiên khi thấy bộ đội ta, từ cán bộ tới chiến sĩ, nghe giảng bài đều ghi chép rất nhanh, các đồng chí ấy tỏ vẻ nghi ngại là trong quân đội Việt Nam có quá nhiều phần tử trí thức! Ta phải cố gắng làm cho bạn hiểu số đông cán bộ ta là học sinh, còn hầu hết chiến sĩ là thanh niên nông thôn, nhiều người chỉ bắt đầu học chữ sau khi vào bộ đội.”

Theo Hoàng Tùng – bí thư Trung ương Đảng, tổng biên tập báo Nhân Dân từ 1954 đến 1982- các sĩ quan quân đội xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức đều bị cố vấn Trung quốc rắp tâm cho về vườn.
“Có người đưa cho đoàn cố vấn Trung quốc một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân không phải là công nông, định gạt ra khỏi quân đội. Ai đưa danh sách này cho đoàn cố vấn ? Tôi ngờ rằng đó là một người trong quân đội…. Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp đều có tên trong danh sách này vì đều là trí thức. Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác Hồ, Bác bảo : “Đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”…

Chẳng những thế, ngay tướng Giáp cũng là đối tượng của chủ nghĩa thành phần ngu ngốc, mù quáng đó. Hoàng Tùng viết:
       “Mùa thu năm 1950, Trung quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam…Việc đầu tiên của họ là “sửa” quân đội trước đã. Họ “sửa” Đảng trong quân đội nên mới lập ra chức chính uỷ . …Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng trong quân đội, mà đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ năm 1930… mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng. Theo Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, để ông nắm quân sự là không ổn…”

Trong những người  sang Trung quốc học, nhiều người sau đó đã trở thành những cán bộ xuất sắc của quân đội ta, lập nhiều chiến công oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Như thượng tướng Hoàng Minh Thảo chẳng hạn. Được Bác Hồ cử đi học ở Liễu Châu năm 1941, năm 1950 làm đại đoàn trưởng đại đoàn 304, năm 1975 là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Tây nguyên, năm 1990 là viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự cho đến khi nghỉ hưu. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã học Học viện Quân sự Bắc Kinh trong 4 năm, về nước làm lữ trưởng Lữ đoàn Nhẩy dù, sau 1975 liên tục trúng cử ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII,  được cử giữ chức phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Rất nhiều tướng tá khác thuộc thành phần cơ bản tuy cũng sang học Trung quốc nhưng không lây nhiễm thói đối xử bất công, tàn bạo với các thành phần phi vô sản, thực hiện lời dạy của Bác Hồ đoàn kết cùng nhau dốc sức chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc..
Ngược lại không ít người thụ giáo tư tưởng Mao Trạch Đông đã đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phát triển nhiều thói hư tật xấu như thích ăn trên ngồi trốc, bè cánh, tự tư tự lợi, ganh ghét trí thức v.v. Một số đông trong bọn họ đã từng là cốt cán trong các đội Cải cách Ruộng đất, đã từng vu cho địa chủ những tội không có thật, đôn những phú nông lên thành địa chủ để có đủ tỉ lệ 5%, qui địa chủ kháng chiến thành cường hào gian ác… Đã thế, những điều mắt thấy tai nghe trong các phong trào Đại nhẩy vọt, Cách mạng Văn hóa càng làm tăng thêm chất tàn nhẫn trong tâm địa họ. Họ ca tụng và cố học theo “tấm gương” tiểu hồng vệ binh Trương Hồng Bân đã tố cáo với công an việc bà mẹ anh ta dùng những từ ngữ khiếm nhã khi nói về Mao Trạch Đông, hậu quả là mẹ Trương Bân bị bắt và vài tháng sau bị xử tử về tội “phản cách mạng”.
 Thành kiến với trí thức, bực bội khi phải dưới quyền trí thức, những người đó ra sức giành lấy các vị trí họ cho là ‘đáng lẽ phải thuộc về mình’. Họ không từ một thủ đoạn nào, từ ném đá giấu tay, tung tin đồn đến đả kích bóng gió thậm chí công khai. Tình trạng này xẩy ra ở nhiều đơn vị lúc lắng dịu lúc ồn ào kể cả ở một số cấp cao. Ở KPT5 cũng vậy, nó là một căn bệnh khó chữa, thường xuyên gây không khí căng thẳng.
Hôm KPT5 làm lễ mừng công năm 1967 có đông đủ cán bộ từ cấp đại đội trở lên và các chiến sĩ thi đua, chiến sĩ Quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mĩ toàn đơn vị về dự. Sau buổi lễ long trọng đến tiệc liên hoan với món chủ lực là thịt cầy. Bắt đầu khai tiệc, thấy phó chính ủy trung đoàn 242 ngồi trên chiếc chiếu gần cuối phòng tôi thân mật mời:
-Đồng chí Nguyễn Văn lên trên này ngồi với chúng tôi cho vui.
Nguyễn Văn xỏ xiên:
-Dưới này chó, trên ấy cũng chó, khác gì nhau đâu!
 Thói định kiến, đố kị, ganh ghét từng lớp tạch tạch sè trí thức được các thày Tàu và một số cán bộ lãnh đạo nuôi dưỡng, nêu gương nên càng trắng trợn, nham hiểm. Nọc độc của bọn Tàu ghê gớm thật!
                                                                                                                                                SĐM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét