Trong những
năm 1950 thủ trưởng của tôi là Lê Đình
Thiệp Chủ nhiệm phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc. Ông là cán bộ cũ từ thời kì bí mật. Bản thân là thành
phần cốt cán (bần nông) nhưng khác với hầu hết cán bộ thành phần cơ bản ông
không có định kiến nặng nề với bọn tiểu tư sản học sinh chúng tôi. Hồi đó chỉ hai
ban Bảo vệ và Cán bộ có phần lớn cán bộ là thành phần cơ bản, các ban Tuyên
huấn, Địch vận số đông là tiểu tư sản. Riêng ban Tuyên huấn của tôi thì toàn là
tiểu tư sản hạng nặng: đội Văn công có nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Nguyễn
Văn An, các diễn viên Huy Công, Thúy Nga, Nguyễn Thị Thậm v.v. bộ phận Văn nghệ có nhà thơ Hoàng Cầm,
nhà văn Ngô Linh Ngọc, Bàng Sĩ Nguyên, họa sĩ Giang Tô, Tô Linh (con Lê Giản
giám đốc đầu tiên của Nha Công An)…Vì thế ban Tuyên huấn bị coi là cái ổ tư tưởng
tiểu tư sản.
Kết hợp nhận
xét của riêng ông với ý kiến của ban Cán bộ đánh giá tôi, ông phê bình tôi tuy
có nhiều điểm tốt nhưng vì thành phần gốc rễ là tiểu tư sản nên tôi còn mang nặng
nhiều căn bệnh, phải tích cực sửa chữa mới tiến bộ được. Đó là những bệnh cố hữu
trong từng lớp tiểu tư sản: tự cao tự đại, không kiên định, dễ dao động trước
khó khăn nguy hiểm, ủy mị, lãng mạn, cá nhân chủ nghĩa…Ông nhắc lại những điều
được viết nhiều trong các văn kiện của Đảng:
điều mấu chốt để rèn luyện, tu dưỡng là thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh.
Để tạo điều
kiện cho tôi tiến bộ ông cử tôi đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc khóa
4. Tôi được ông chọn trong số hơn một trăm cán bộ trung cao cấp của cơ quan bộ
Tư lệnh.
Trường được
xây dựng tại xã Tân Tiến huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang, trên quả đồi thấp sát
chân núi Lũng Đẩy. Bốn bề rừng rậm, nhiều con suối chia cắt trường thành những
khu riêng biệt. Giảng đường do kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế rất bề thế
đủ chỗ ngồi cho khoảng 400 người, các hàng cột gỗ kê trên đá tảng, mặt bàn học
bằng ván gỗ phẳng phiu. sân khấu cao hơn mặt sàn 2 mét. Cách giảng đường 50 mét
có mười dãy nhà cho học viên, có bệnh xá mười giường, nhà ban giám đốc và giảng
viên, nhân viên phục vụ. Nấp kín ở một góc là nhà hai cố vấn Trung quốc. Họ
nhanh chân lắm, mới đó đã có mặt rồi!
Tháng Tư năm
1952 khóa học khai mạc. Phó giám đốc Nguyễn Chương báo cáo tình hình : có 300 học
viên trung cao cấp của Đảng, nhiều đồng chí lãnh đạo quân đội như Quang Trung,
Bằng Giang, Hoàng Sâm, Đồng Sĩ Nguyên. Chương trình gồm: Cách mạng dận tộc dân
chủ, Đường lối Trường kì kháng chiến. Tình hình và nhiệm vụ. Giảng viên là các
đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương.
Phó giám đốc
báo cáo xong, giới thiệu:
-Xin
báo với các đồng chí tin mừng: Bác Hồ tới dự lễ khai mạc và huấn thị cho chúng
ta.
Mọi
người đứng bật dậy vỗ tay rào rào. Bác đi thẳng lên sân khấu tới trước micro.
Tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Bác giơ hai cánh tay hạ mạnh, ra hiệu mọi người ngồi
xuống. Rồi Bác nói đại ý “những việc cần kíp của Đáng ta hiện nay là học tập chủ
nghĩa, nâng cao lí luận, dùi mài tư tưởng, chỉnh đốn tổ chức”. Nghe Bác nói
“dùi mài tư tưởng” tôi nghĩ: nói “cải tạo” nghe
quyết liệt, cải tạo là phải thay đổi hẳn tư tưởng cũ bằng tư tưởng mới;
dùi mài là chỉ bỏ đi những phần khô rám,
trau chuốt cho tư tưởng trong sáng, lộng lẫy hơn.
Bác đi một vòng thăm các khu nhà ở,
phòng giáo vụ, nhà bếp. Trước khi ra về, Bác khen phong cảnh nơi này rất đẹp và
nêu ý kiến nên đặt tên cho quả đồi giảng đường là đồi Stalin.
Sau khi tiễn
Bác ra về, Lê Văn Lương trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng kiêm giám đốc trường
trở vào giảng đường kể lại chuyện Bác tới thăm khóa 2 năm 1949, ghi Sổ Vàng lời dạy :”
Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai
cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và Nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải Cần
Kiệm Liêm Chính, Chí công vô tư”.
Trong tổ tôi
có Phú Hương lớn tuổi nhất, khoảng bốn mươi, là học viên lắm ý kiến nhất, phần
lớn là những ý kiến tôi cho là ngang ngược, trái chiều. Phú Hương thường đưa ra nhiều thắc mắc khiến tổ
lúc thảo luận sôi nổi, lúc ngồi ngẩn tò te không biết nên phát biểu thế nào. Ví
dụ: “Có nên nói chính quyền của ta thực chất là chuyên chính vô sản không? Tại
sao lại chỉ một mình giai cấp vô sản nắm chính quyền trong khi ở nước ta nông
dân chiếm đa số? Lại có khi nói chính quyền của ta là chính quyền công nông,
như thế cũng không đúng vì không khẳng định vai trò cực kì quan trọng của trí
thức trong hoàn cảnh đất nước lạc hậu, trên 90 % dân không biết chữ. Sau này
xây dựng chủ nghĩa Xã hội mà không phát huy trí tuệ tâm huyết của trí thức thì
làm sao giải quyết nổi các vấn đề phức tạp khó khăn của đất nước? Mặt khác, nói
thế hóa ra việc ta vận động cho đảng Xã Hội có 24 ghế, đảng Dân Chủ có 46 ghế
trong Quốc hội khóa 1 và 4 ghế bộ trưởng trong chính phủ lâm thời chỉ là mánh
khóe giả vờ tôn trọng vai trò trí thức, coi họ chỉ là bù nhìn giữ dưa chứ không
được thực sự tham gia chấp chính? v.v. Phú Hương còn đưa ra nhiều ý kiến tôi
cho là vượt quá khuôn phép của Đảng. Theo Phú Hương thì “nguyên tắc dân chủ tập trung là cần nhưng đa
số có khi sai thiểu số có khi đúng, cấp trên có khi sai trong khi cấp dưới lại
đúng. Trong những trường hợp ấy phải có qui định giải quyết như thế nào chứ
không thể để cái sai của đa số, của cấp trên lấn át đè bẹp cái đúng của cấp dưới
của thiểu số. Hồi ở Liên Xô, vì giữ quan điểm “Cách mạng Đông Dương là cách mạng
giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội “ Bác Hồ bị ban Chấp hành Đệ tam
Quốc tế Kominterm coi là theo “chủ nghĩa dân tộc” nên phải ngồi chơi xơi nước một
thời gian dài. Thế có phải là cấp trên và số đông sai còn cấp dưới, thiểu số
đúng không nào? Hiến pháp 1946 qui định nhân dân có quyền phúc quyết các quyết
định của quốc hội, vậy thì đảng viên có quyền phúc quyết các nghị quyết của Đại
hội Đảng không?”
Tôi
hơi sợ sợ ông anh bạo mồm bạo miệng này, và thấy mình chưa đủ trình độ bàn luận
đúng sai với anh ấy. Nhưng thấy anh có một điểm rất cần học theo : không cúi đầu
chấp nhận ngay một luận thuyết, một đường lối, một chủ trương chính sách dù được
coi là chính thống.Phải lật đi lật lại suy nghĩ thật thấu đáo tìm hiểu thật cặn
kẽ.
Học xong phần
lí luận chuyển sang làm thu hoạch.
Hai ngày thông qua thu hoạch kết
thúc nhẹ nhàng, bản thu hoạch của từng tổ viên được góp ý chân thành không đao
to búa lớn, không truy ép, từng người đều thấy mình hiểu thêm nhiều điều mới mẻ
về lí luận, tìm ra những thiếu sót lệch lạc để sửa chữa.
Hôm nhà trường
tổng kết khóa học, phó giám đốc Nguyễn Chương đánh giá cán bộ đảng viên ta rất
tốt, có tinh thần dân tộc cao kết hợp chặt chẽ với lòng yêu chủ nghĩa xã hội,
tuy có những hạn chế về trình độ chính trị nên đôi lúc phạm khuyết điểm nhưng đảng
viên ta có ý thức tự rèn luyện tốt, luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân phục vụ
cách mạng tốt hơn.
Tôi đinh ninh
thể nào Phú Hương cũng bị cạo một mẻ ra trò vì những ý kiến táo tợn của anh.
Nhưng phó giám đốc Nguyễn Chương lại tỏ ý ủng hộ: “Nhiều đồng chí có những đóng
góp quan trọng giúp Đảng rà soát công tác xây dựng đảng và công tác lãnh đạo của
Đảng. Đóng góp như thế là rất tốt, rất quí. Đảng ta chỉ có thể phát triển lớn mạnh
khi trong Đảng có không khí thực sự dân chủ, mọi sai lầm khiếm khuyết của tập
thể ban lãnh đạo cũng như của cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao nhất đều được
các đảng viên phát hiện, góp ý cách sửa chữa…Trong sinh hoạt đảng, các đồng chí
có quyền phê bình cấp trên một cách thẳng thắn, không e dè nể nang. Và chính các
đồng chí cần phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới. Như thế trong Đảng mới
có không khí dân chủ thực sự, yếu tố cơ bản nhất giúp Đảng phát triển, lớn mạnh”.
Tự đánh giá kết
quả khóa học chính trị vừa qua, tôi tâm đắc nhất ba điều:
-lời dạy của
Bác Hồ về mục đích học tập,
-phương pháp
tư tưởng của Phú Hương,
-câu kết luận
cuối cùng của Nguyễn Chương.
SĐM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét