Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

TÔI ĐẦU ĐỊA CHỦ CÁT HANH LONG

Năm 1953 tôi và một số cán bộ chiến sĩ được đi dự đấu địa chủ Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long. Thủ trưởng “đả thông tư tưởng” chúng tôi: dự đấu địa chủ để “nâng cao lòng căm thù giai cấp bóc lột, củng cố lập trường giai cấp vô sản”. Thủ trưởng nói tiếp: "Đây là cuộc đấu thí điểm của Ban Cải cách Ruộng đất Trung ương nên được chỉ đạo rất chặt chẽ, các cậu sẽ học được nhiều điều bổ ích".
Trường đấu dựng ở xã Đồng Bẩm, trên bãi cỏ dưới chân núi Voi ba bề đồi thấp bao quanh, ngay bên con đường dẫn về thị xã Thái Nguyên bên kia sông. Người đàn bà hơi đẫy trong chiếc áo cánh nâu quì như túm giẻ rách dưới tấm vải đỏ dán hàng chữ cắt giấy vàng “Đánh đổ địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Thị Năm, Giành lại ruộng đất về tay nông dân”. Đối diện mụ ta, cách một khoảng trống lớn có một người con trai trắng trẻo, nhỏ nhắn mặc sơ mi trắng quần tây trắng, cũng quì dưới đất như người đàn bà kia. Một chị phụ nữ và hai anh đàn ông, chắc là cán bộ đội cải cách ruộng đất của xã, ngồi sau chiếc bàn mộc ọp ẹp. Phía sau cách chừng một mét có ba người đàn ông một chị phụ nữ ngồi dưới bãi cỏ. Tôi đoán chừng họ là cán bộ của Ban Cải cách Trung ương về xã chỉ đạo cuộc đấu thí điểm. Ước khoảng hơn một trăm người dự cuộc đấu tố, trong đó chừng hai chục là bộ đội.
Một người đàn ông trạc ba chục tuổi ngồi sau bàn –chắc là đội trưởng đội cải cách xã Đồng Bẩm- đứng lên tuyên bố lí do, kết thúc bằng câu: ”Bà con nông dân hãy kiên quyết vạch tội tên địa chủ gian ác Cát Hanh Long, bắt nó phải đền mạng”.
Ngay sau đó một chị nông dân váy rách tả tơi, tóc xõa rũ rượi, mặt mày xanh mướt lên đứng trước mặt mụ địa chủ quát:
-   Bớ Nguyễn Thị Năm!

Tiếng “Dạ” yếu ớt đáp lại.
Chị nông dân lại quát:
-         Đứng dậy !

Mụ địa chủ chống tay lóp ngóp đứng lên.
Chị nông dân xỉa xói:
      -   Mày là đồ độc ác, mày bóc lột chúng tao đến tận xương tủy. Vợ chồng con cái tao đói rách vì mày. Bao nhiêu nông dân làm cho đồn điền nhà mày đã chết vì đói vì khát, mày còn nhớ không? Bây giờ ơn Đảng cho nông dân vùng lên, mày phải trả lại hết mọi thứ cho chúng tao.
 
 Rồi chị kể vanh vách tên và vị trí những cánh đồng, những đồn điền đang nằm trong tay mụ địa chủ.
Hai anh đội và chị đội ngồi sau bàn đồng loạt vung tay hét :”Đả đảo địa chủ cường hào gian ác ! Đả đảo, đả đảo, đả đảo !”
Mọi người hô theo rầm rầm. Tôi cũng vung cao nắm đấm hét thật to “Đả đảo ! Đả đảo ! Đả đảo !” Không khí sục sôi căm thù. Cuộc đấu tố rất khí thế.
Một bà đứng tuổi lên tố:
       -     Sống ở đời phải có nhân có nghĩa. Chúng tao một nắng hai sương làm ra mười cân thóc thì mày chỉ nên lấy đi sáu bẩy cân để lại cho chúng tao ba bốn cân thì chúng tao mới sống được mà cung phụng cho chúng mày ngồi mát ăn bát vàng chứ. Mày lấy đến chín cân thì quá lắm, nhẫn tâm lắm. Ác giả ác báo là thế này đây.

Một anh nông dân lên vạch tội:
-         Trời rét như cắt ruột, mày thì áo trong áo ngoài ngồi trong nhà đốt lò sưởi, chúng tao thì trần như nhộng lội dưới ruộng từ sáng đến tối mịt mới được về căn lều trống húp bát cháo loãng. Vì thế nên mấy đứa trẻ mồ côi mày nhặt về năm 45 đều chết cả vì mày bắt làm quá sức lại bắt ăn đói mặc rách. Đả đảo địa chủ gian ác !
Mọi người lại vung tay hô theo. Nhưng hinh như vẫn chưa đạt yêu cầu nên một người đàn ông ngồi sau chiếc bàn mộc đứng dậy tới ngồi giữa đám bộ đội, bảo bọn tôi:
-       Các đồng chí phải hô to hơn, mạnh hơn, nhiều hơn để ủng hộ cuộc đấu tranh của bà con nông dân và tỏ rõ lập trường giai cấp của mình.
Từ lúc ấy anh ta đóng vai châm ngòi cho những đợt hô khẩu hiệu.
Tôi hỏi:

-            Anh ơi, cái thằng mặc sơ mi trắng quì dưới đất kia là thằng nào thế?
-            Con trai địa chủ Nguyễn Thị Năm đấy. Còn một thằng nữa, chưa tóm cổ được.
-            Thằng này làm gì hả anh ? Nó có tham gia bóc lột nông dân không?
-            Còn nặng tội hơn thế. Nó chui vào bộ đội leo lên đến cấp trung đoàn trưởng để phá ta. Chúng tôi đang điều tra tội ác của nó để trừng trị.
Các nạn nhân của địa chủ Cát Hanh Long vẫn theo nhau lên tố khổ, vạch ra nhiều tội ác kinh thiên động địa của mụ ta, giết chết hàng trăm nông dân kể cả đàn bà, trẻ con.   
Thằng con trai thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn mẹ nó bằng đôi mắt ngơ ngác, nửa như gạn hỏi “Có thật thế không hử mẹ ?” nửa như hối lỗi, nhận tội…

Lúc quá trưa, người phụ nữ dưới bãi cỏ tới đưa cho anh đội trưởng đội Cải cách xã một tờ giấy. Anh này nheo mắt lẩm nhẩm một lúc lâu rồi rời ghế đứng lên cao giọng đọc bản tổng hợp tội ác của địa chủ Cát Hanh Long.
Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long cùng hai đứa con trai và bọn lâu la của chúng đã:
Tra tấn đánh đập hàng chục nông dân thiếu tô thiếu nợ, tàn nhẫn không kém  thực dân Pháp. Thí dụ:
Trời rét, bắt nông dân cởi trần, đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
Trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
Đóng gióng trâu vào mồm, làm gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra, đổ nước cà, nước mắm vào mũi .
 Dùng nến đốt cháy da bỏng thịt.
Năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và bắt  ăn đói. Ít tháng sau vì cực khổ quá 32 gia đình gồm 200 người đã chết hết.
Năm 1945 chúng đưa 65 nông dân bị đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều nên hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ sau mấy tháng 15 em đã bỏ mạng.
Thế là ba mẹ con địa chủ Cát Hanh Long đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!
Cùng với tội bóc lột, giết hại nông dân chúng còn phạm tội phản cách mạng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng lại thông đồng với giặc Pháp và Việt gian để phá hoại kháng chiến.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ  ra tố cáo. Mẹ con Cát Hanh Long không thể chối cãi, đã thú nhận tất cả những tội ác hại nước hại dân kể trên.
Địa chủ đại gian đại ác Nguyễn Thị Năm đáng tội chết!

Bản án chắc đã được viết sau một cuộc điều tra rất công phu, tỉ mỉ, có đầy đủ ngày tháng, số liệu. Anh ta vung tay giơ nó cao quá đầu hét to :         
-Xử tử địa chủ Nguyễn Thị Năm! Xử tử địa chủ phản động gian ác Nguyễn Thị Năm!

Nghe bản án tôi thấy tội mụ địa chủ này quả là rất nặng. Không ngờ người đàn bà trông không đến nỗi xấu xí  mà lại độc ác tới mức giết chết từng ấy người, từng ấy trẻ con. Thật khủng khiếp ! Đã thế mụ còn làm tay sai cho thực dân đế quốc nữa chứ ! Mụ chẳng những có tội với nông dân mà có tội với toàn thể dân tộc mình. Mụ đáng bị xử tử hàng trăm lần chứ không chỉ một lần !
Tôi nắm chặt cả hai nắm đấm vung mạnh về phía mụ Cát Hanh Long:
        -Xử tử! Xử tử địa chủ Nguyễn Thị Năm!

Nhưng rồi…
Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9 tuyên bố cải cách ruộng đất có sai lầm.
Tháng 3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 nghe báo cáo các sai lầm và thông qua biện pháp sửa sai.
Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm, báo tin Trung ương đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm.
Ngày 24 tháng 8 năm 1956, báo Nhân Dân công bố tin một số đảng viên trung kiên đã bị hành quyết oan trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất.
Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng xác định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, thi hành kỷ luật Ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất. Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư đảng, Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng ra khỏi ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 29 tháng 10 năm 1956, tại nhà Hát Lớn Hà Nội, đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào sai lầm Cải cách Ruộng đất, thay mặt Chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng nhận sai lầm, phát động chiến dịch sửa sai, công bố chủ trương phục hồi chức vụ và tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố.
Tôi cũng như hầu hết cán bộ trung cao cấp không được phổ biến toàn văn các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, chỉ được nghe phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cục trưởng Cục Tuyên huấn tới đơn vị lên lớp. Đáng lẽ phải dẫn chứng những sự việc cụ thể để minh họa các kết luận thì họ lại lược bớt nhiều điểm trong các kết luận (có lẽ vì họ muốn bảo vệ uy tín của Đảng, nói hết mọi chuyện sợ cán bộ hoang mang, giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng lâu nay vẫn được coi là vô cùng sáng suốt?). Tuy nhiên phản ứng của cán bộ chúng tôi lại không như họ nghĩ. Tuy đau xót vì những tổn thất chưa từng có, những tổn thất có mặt còn nặng nề hơn tổn thất trong cuộc chiến chống Pháp nhưng cán bộ, đảng viên chúng tôi đều cho rằng: nhận ra sai lầm, công khai thú nhận trước dân rằng mình đã sai, thi hành kỉ luật những kẻ làm sai, quyết tâm sửa sai là hành động giúp giữ vững uy tín lãnh đạo, củng cố lòng tin của nhân dân, giảm thiểu được nguy cơ sau này tiếp tục phạm sai lầm.
Tuy vậy tôi vẫn chưa biết nguyên nhâu sâu xa của những sai lầm nghiêm trọng ấy, chưa biết mụ địa chủ bị đấu tố ở Đồng Bẩm năm trước rồi bị xử bắn và người con trai quì đối diện mụ ta là những người như thế nào. Vẫn đinh ninh là mình đã đấu trúng mụ địa chủ gian ác đầy nợ máu với nông dân với dân tộc, vẫn tin chắc mình đồng tình với bản án xử tử mụ ta là rất đúng.
Dần dần sự thực mới sáng rõ. Mà sự thực không đến từ những nguồn tin chính thức, không đến ngay một lúc mà sau một thời gian dài…

Sai lầm nghiêm trọng, tổn thất nặng nề  trong Cải cách Ruộng đất là do “làm theo cách Trung quốc, do cố vấn Trung quốc đạo diễn”. Người đàn bà bị tôi đả đảo đến khản cổ và hò hét đòi xử tử là một người có công với cách mạng, con trai bà đang là trung đoàn trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
       Hoàng Tùng nguyên Bí thư Trung ương đảng viết trong hồi kí:
“Mùa thu năm 1950, Trung quốc phái hai đoàn cố vấn sang Việt Nam. Đoàn cố vấn chính trị do La Quý Ba làm trưởng đoàn, La Quý Ba trước là bí thư của Mao, nay là bí thư tỉnh Sơn Tây… Ông ta là người tin cẩn của Mao. Còn tổng cố vấn về quân sự là Vi Quốc Thanh. Đoàn cố vấn cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn. Kiều là phó bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây.
“Ta không hiểu thâm ý của Trung quốc là muốn “sửa” ta. Họ sang để giới thiệu kinh nghiệm Trung quốc, lý luận Mao Trạch Đông, lý luận quân sự, tổ chức quân đội. Việc đầu tiên của họ là “sửa” quân đội trước đã. Họ “sửa” Đảng trong quân đội nên mới lập ra chức chính uỷ . Trước ta chỉ có chính trị viên. Cũng là chính trị viên cả nhưng có khác nhau về chức năng. Chính uỷ (tối hậu quyết định), là người bao trùm lên tư lệnh chứ không phải tư lệnh là người quyết định. Lập ra chính uỷ là để xác định vị trí của Đảng trong quân đội, mà đầu tiên là nhằm vào ông Giáp. Vì ông Giáp xuất thân trí thức, năm 1950 mới có 10 tuổi Đảng, mặc dù ông tham gia cách mạng từ năm 1930… mãi đến năm 1940 mới được Bác kết nạp vào Đảng. Theo đánh giá của Trung Quốc ông là một trí thức xuất thân không phải công nông, để ông nắm quân sự là không ổn…
“Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân không phải là công nông, định gạt ra khỏi quân đội. Ai đưa danh sách này cho đoàn cố vấn ? Tôi ngờ rằng đó là một người trong quân đội, người này là Lý Ban, phó của Văn Tiến Dũng. Văn Tiến Dũng là Cục trưởng Cục Chính trị, Lý Ban là Cục phó. Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác Hồ, Bác bảo : “Đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”…
       Thấy cố vấn Trung quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm,  Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Bác Hồ ý kiến của cố vấn.
 Bác nói: “Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch  bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức !”
       Hoàng Tùng viết tiếp:
“Nguyễn Thị Năm tức là Cát Hanh Long có một người con làm trung đoàn trưởng ở Cục Chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong Tuần lễ Vàng có hiến 100 lạng vàng. Bà còn tham gia công tác của Hội Phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đến nhà lần nào, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường hay ăn cơm ở nhà bà. Gia đình Nguyễn Thị Năm cũng giống như các gia đình Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm.”
        Đoàn Duy Thành ủy viên Trung ương đảng từ 2-1982 đến 11-1983,  phó thủ tướng từ 2-1987 đến 1990 viết trong hồi kí :
“Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý “Chẳng lẽ Cải cách Ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?” Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung quốc và được trả lời “Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả !” Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm”.
       Hơn 60 năm sau nhà sử học Dương Trung Quốc viết :
“Nhà giàu, được giác ngộ nên bà Năm trở thành nguồn cung cấp tài chính cho cách mạng mà bây giờ gia đình tập hợp lại thành một hồ sơ dày đặc từ việc góp 20.000 đồng bạc Đông Dương tương đương bẩy trăm lạng vàng, thóc gạo, vải vóc, nhà cửa và là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần Lễ Vàng” ở Hải Phòng.
“Dù đã đứng tuổi theo quan niệm đương thời, nhưng người phụ nữ 40 tuổi của thành phố cảng ấy đã phóng xe nhà treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền”.…
“Hai con của bà… sau đó về tham gia lực lượng vũ trang ở Thủ đô, một người bị thương khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngay ở Cầu Giấy - cửa ngõ Thủ đô; một người đã từng tháp tùng đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu... vào Huế tước ấn kiếm vua Bảo Đại rồi sau này trở thành một Trung đoàn trưởng nổi tiếng của Sư đoàn 351”…
“ Cuộc Cải cách ruộng đất được tiến hành và trớ trêu thay, lần phát động mang tính thí điểm đầu tiên ở huyện Đại Từ, bà Nguyễn Thị Năm lại là địa chủ đầu tiên bị đem ra “xử lý”. Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép, người phụ nữ mới 47 tuổi (1906-1953) này đã bị đem ra xử bắn và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động “long trời lở đất”[1]

Thì ra tôi đã mắc lừa! Và những kẻ trực tiếp đánh lừa tôi trên trường đấu năm ấy cũng chỉ là những con rối mà thôi!

                                                                                                                                                                            Sống Đẹp Mãi




[1] Trích bài “Viết nhân ngày thương binh liệt sĩ” của Dương Trung Quốc. Báo Lao động Cuối tuần 27/7/2012

1 nhận xét:

  1. Đọc xong mới biết, Trung Cộng Quyết định hết thảy! Lãnh đạo ta chẳng có tý quyền hành gì, ngay cả bác Hồ cũng bó tay. Thảo nào, dân ta biểu tình chống Trung Cộng bị CA, An ninh đánh đập, bắt nhốt...

    Trả lờiXóa