Cuối
tháng Giêng năm 1979 tôi vào điều trị bệnh dạ dày trong quân y viện 108 ở Hà Nội.
Buồng bệnh trên tầng gác có hai giường, toalet ở phía sau ngăn cách với buồng bệnh
bằng một bức tường vách.
Tối 17
tháng 2, anh bạn nằm cùng phòng đã đỡ, xuống vườn gặp người nhà vào thăm. Tôi bật đèn ngồi trên giường đọc báo thì nghe đài báo tin bọn Tàu xua nhiều sư đoàn tràn sang phía
bắc nước ta giết hại nhiều phụ nữ trẻ em, đốt phá nhiều làng mạc thị trấn vùng
biên. Nghe tin tôi tức uất người! Nhớ lại chuyện Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn
Sơn đã cùng Lý Ban đã đóng góp biết bao công sức cho cách mạng Trung quốc thuở
còn trứng nước, tham gia cuộc Vạn lí Trường chinh đẫm máu…Nhớ tới 22 chiến sĩ của
ta hi sinh vì cách mạng Trung quốc trong chiến dịch Thập vạn Đại sơn, di cốt hiện
còn nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ Thủy Khẩu tỉnh Quảng Tây…Thế mà chúng nó tung
quân giết hại nhân dân ta. Đồ vô ơn bạc
nghĩa, lấy oán trả ân! Càng nghĩ càng căm uất…
Bỗng thấy bụng nôn nao, ruột gan dạ dày cuồn cuộn
như sắp vọt hết ra ngoài. Tôi chạy vội vào toalet. Mới qua được cửa thì từ mồm ộc
ra một ngụm máu tươi, một ngụm nữa, rồi một
ngụm nữa, ngực áo đỏ lòm. Thấy đầu ngây ngây choáng váng tôi biết mình sắp ngất
nhưng vẫn còn nghĩ được lơ mơ “Nằm trong này chắc chết. Không ai trông thấy mà
cứu mình”.
Tôi lết bốn chân bò dần ra phòng ngoài, ngồi tựa
vào bức tường vách, nhìn ra cửa... Sắp lả đi thì thấy bóng người thấp thoáng ngoài
hành lang mờ mờ ánh đèn, tôi ú ớ gọi, cố vẫy vẫy mấy ngón tay. Người khách đến thăm
bệnh nhân quay đầu nhìn rồi chạy trở lại phòng trực ở đầu hành lang. Vài giây
sau cô y tá Giao Hưởng và một y sĩ nam trong kíp trực chạy vào bế xốc tôi lên
cáng, đặt nằm ngả đầu xuống thấp, dặn “Giữ đầu thấp cho máu chảy xuống nuôi não
không thì khốn đấy”.
Giao Hưởng lẳng đôi dép dưới chân, chạy ù xuống cầu
thang đến kho máu lĩnh một túi nylon máu khô mang về pha rồi truyền ngay vào
tĩnh mạch. Lát sau y sĩ đo thấy bắt đầu có huyết áp tuy rất thấp. Tôi đã tỉnh,
ngước nhìn lên túi máu treo trên cọc truyền thấy lờ mờ dòng chữ Product of Cuba (Sản phẩm của Cuba). “Thế
là trong tim mình có máu của người Cuba anh em”. Ý nghĩ ấy làm tôi khỏe hẳn lên. Nhớ đến chuyện Fidel Castro năm
1973 vào thăm vùng Quảng Trị giải phóng đã phất cao lá cờ Mặt trận và tuyên bố:
“Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của
mình”. Nghĩ lan
man: chủ nghĩa quốc tế vô sản không phải khẩu hiệu suông mà có thật trong những
người cách mạng chân chính không bị chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỉ chi phối.
Như Che Guevara chẳng hạn…(Tôi có tật hay nghĩ lan man về đủ thứ chuyện trên đời,
đánh chết cũng không chừa!)
Bác sĩ Vũ Thanh chủ nhiệm khoa Ngoại đang ăn cơm tối
với vợ con nhận được tin qua điện thoại “Có bệnh nhân xuất huyết dạ dày nặng,
không còn huyết áp”. Bác sĩ buông ngay bát cơm đang ăn, nhẩy lên xe đạp. Tôi được
cáng lên bàn mổ, nằm đè lên tay trái quặt dưới lưng, tay phải và hai chân bị
đai cao su ghì chặt xuống bàn. Bác sĩ gây mê hồi sức Tiêu Tương úp chiếc mặt nạ
cao su đen sì lên mặt tôi, bảo:
-Anh đếm đi, đếm từ 1 đến 10.
Tôi đếm đến
4 hoặc 5 thì chẳng biết gì nữa.
Gần
trưa hôm sau mở mắt ra tôi thấy mình nằm trong buồng hậu phẫu, mồm ngậm một ống
cao su dài buông xuống chậu men dưới gầm giường, mạn sườn gắn một ống dẫn lưu
thọc vào trong bụng. Bụng chướng to, rất đau. Trên bụng đắp tờ giấy bản loang lổ
vài vết máu.
Chiều hôm ấy tôi được chuyển lên khoa nội. Liếc mắt
đọc trộm bệnh án trên tay bác sĩ Phát chủ nhiệm khoa thấy bác sĩ Vũ Thanh ghi:
“Mổ lúc 19h03, đóng ổ bụng lúc 23h. Vết loét ở môn vị làm đứt động mạch, khi mở
ổ bụng máu vẫn rỉ rả. Cắt bỏ hai phần ba dạ dày”.
Bác sĩ Phát kiểm tra vết mổ, đo huyết áp. Tôi hỏi
sao không băng bó cẩn thận mà chỉ đắp giấy bản, Phát lắc đầu:
-Kho bông băng của viện có bao nhiêu chuyển hết lên
biên giới rồi. Thiếu thốn quá, phải ưu tiên các đơn vị chiến đấu trên ấy. Anh
yên tâm, giấy bản đã khử trùng cẩn thận.
Bác sĩ Phát tiếp:
-Đau lắm phải không? Ai cũng thế, khi thuốc mê tan
hết thì các vết mổ rất đau. Tôi sẽ tiêm một mũi thuốc tê cho anh đỡ đau.
Tôi nghĩ bụng: “Thương binh trên biên
giới đang cần bông băng và tất nhiên cần cả thuốc giảm đau. Mình không tiêm để
có thêm thuốc gửi lên cho anh em. Thêm tí nào hay tí ấy”.
Tôi không nói hết với Phát điều vừa nghĩ, chỉ nói:
-Mình thử không tiêm xem có chịu được không.
Bác sĩ Phát
gật đầu:
-Lúc nào không chịu nổi nữa thì bảo, y tá trực luôn
sẵn sàng tiêm cho anh.
Đau thì quả là rất đau, nhưng cố chịu thì vẫn được.
Mà lại có lợi ở chỗ: nhu động ruột chóng trở lại bình thường. Nhờ vậy, ngay trong
đêm tôi đã tống được hết khí methane trong bụng, sáng hôm sau đã có thể vịn
thành giường đi loanh quanh dăm bẩy phút. Hai bệnh nhân mổ trước tôi một ngày nhưng
do tiêm thuốc tê để giảm đau nên mãi hôm sau mới trung tiện được.
Cô y tá vừa thay tờ giấy bản đắp vết mổ trên bụng tôi
vừa kể: anh nôn ra nhiều máu quá, cống buồng tắm to thế mà máu đông lại làm tắc
tị, em dùng cái que sắt dài hơn thước tây thông mãi mới hết tắc. Mất nhiều máu
thế mà anh chẳng sao cả! Tài thật!
Đâu phải do tôi có tài! Đó là nhờ các nhân viên bệnh
viện từ y tá đến các bác sĩ đều có tinh thần trách nhiệm rất cao nên tôi mới
thoát cơn nguy khốn. Không có những Thầy
thuốc như mẹ hiền ở viện quân y 108 chắc chắn hôm ấy tôi không được nằm
trong phòng bệnh ấm cúng mà đã xuống nhà lạnh rồi! Bất chợt một ý nghĩ lóe lên
trong đầu: mình suýt chết không phải vì bệnh mà vì thằng bành trướng Trung quốc!
Nó làm tôi tức hộc máu tươi!
Tự dưng nhớ lại truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao kết thúc bằng câu nhân vật Hoàng chửi “Tiên sư
anh Tào Tháo”, tôi buột miệng chửi “Tiên sư thằng bành trướng!”
Chiếc loa nhỏ gắn trong phòng truyền bản tin của
đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình chiến sự trên biên giới, ca ngợi tinh thần
chiến đấu của dân quân, bộ đội địa phương thua kém địch về trang bị nhưng hơn hẳn
chúng về tinh thần chiến đấu, lại khéo lợi dụng địa thế hiểm trở gây cho quân
xâm lược nhiều thiệt hại. Nhưng chúng vẫn tiến sâu xuống phía nam.Tên Dương Đắc Chí nguyên phó tướng của
Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều Tiên chỉ huy cánh quân xâm lăng Lai Châu,
Hà Giang, Lao Kai. Tên Hứa Thế Hữu ủy viên Trung ương Đảng
Cộng sản Trung quốc tư lệnh quân khu Quảng Châu là Tổng chỉ huy chiến dịch, xua quân theo chiến thuật “biển người” ào ạt tấn công Cao Bằng, Lạng Sơn, ngày
22-2-1979 chiếm Đồng Đăng, ngày 27-2 tung 6 sư đoàn tấn công Lạng
Sơn và chiếm được thành phố ngày 4-3-1979.
Bệnh nhân băn khoăn: bộ đội chủ lực của ta đâu? Liệu
bọn Tàu có tới được Hà Nội?
Chừng hơn một tuần sau, thương binh từ mặt trận
biên giới vào 108 điều trị cho biết: sau một số ngày bị động, quân ta đang phản
công trên khắp mặt trận, chặn đứng quân địch và gây cho chúng những tổn thất nặng
nề.
Một tháng sau khi tràn qua biên giới nước ta bọn
bành trướng phải rút hết về nước. Trước khi cút, chúng phá tan hoang tất cả nhà cửa, cầu cống, biến mọi nơi thành những đống đổ nát.
Hồi ấy “Đài Phát thanh Mạc-tư-khoa” hầu như không nói
đến vai trò của Liên Xô trong chiến thắng của quân và dân ta. Các bạn tôi ở bộ
Tổng Tham mưu, Tổng cục Kĩ thuật, văn phòng Bộ Quốc phòng v.v. cũng chỉ nói sơ
sơ về “Bí mật quốc gia” ấy.
Ba mươi hai năm sau, ngày 17-2-2011 đài “Tiếng nói
nước Nga” mới kể lại những chi tiết về “Ba
mươi ngày chiến tranh và các cố vấn Liên xô”.
…Ngày 17 tháng Hai năm 1979 là một ngày bi thảm
đối với nhân dân Việt Nam.
Vào ngày này 32 năm trước,
quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới Việt Nam. Bắc Kinh muốn "trừng
phạt Hà Nội” vì Việt Nam đã tham gia vào việc lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ở
Campuchia.
Lực lượng Trung Quốc xâm
lược bao gồm 7 quân đoàn, lên đến 600.000 người. Phía Việt Nam lúc đó chỉ có một
sư đoàn quân chủ lực, một sư đoàn quân địa phương, lính biên phòng và dân quân
tự vệ, với số lượng vũ khí không nhiều, gồm có pháo, súng cối và vũ khí chống
tăng.
Ngày 18 tháng Hai, chính
phủ Xô viết đã đưa ra một tuyên bố, trong đó, ngoài những điều khác, có nêu rõ:
"Liên bang Xô viết sẽ thực hiện các cam kết theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp
tác giữa Liên Xô và Việt Nam". Hiệp ước này được ký kết tại Matxcơva ba
tháng trước đó.
(Hiệp định hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô ký ngày
3.11.1978. Một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của Hiệp định ghi: “Trường
hợp một trong hai bên bị tiến công, hoặc bị đe dọa tiến công thì hai bên ký hiệp
ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó, và áp dụng
những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai
nước” SĐM chú thích).
Để hỗ trợ Việt Nam và hướng sự chú ý của quân đội
Trung Quốc vào phía nam Liên Xô, 29 sư đoàn bộ binh của quân đội Liên Xô gồm
250 nghìn người, với sự hỗ trợ của không quân đã được điều đến khu vực gần Mãn
Châu ở biên giới Xô-Trung.
Đồng thời, lãnh đạo Liên
Xô đã gửi bổ sung thêm cho Việt Nam một nhóm cố vấn quân sự.
Một trong những nhà lãnh
đạo của Hiệp hội các Cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam, đại tá
Gennady Ivanov nhớ lại:
Sáng 19 tháng 2, vào ngày
thứ ba của cuộc xâm lược, một nhóm các cố vấn quân sự của Liên Xô đã bay tới Hà
Nội, gồm các vị tướng có kinh nghiệm nhất, đứng đầu là đại tướng Gennady
Obaturov. Ngay sau khi đến nơi, họ lập tức gặp ban chỉ huy tối cao Quân đội
nhân dân Việt Nam.
Các cố vấn quân sự Liên Xô không chỉ nắm tình hình thực
tế qua cuộc tiếp xúc với bộ trưởng quốc phòng Văn Tiến Dũng và tổng tham mưu
trưởng Lê Trọng Tấn, mà còn ra mặt trận, lên tuyến đầu nơi quân đội Việt Nam bảo
vệ Tổ Quốc. Tại đó, họ đã rơi vào một trận pháo kích mạnh của quân Trung Quốc,
nhưng may mắn không ai bị thương. Tuy
nhiên, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô vẫn không tránh được tổn thất. Đầu tháng
Ba năm 1979, sáu cố vấn Liên Xô đã hy sinh tại Đà Nẵng trong tai nạn máy bay,
khi đang giúp Việt Nam.
Tại cuộc họp kéo dài 3 giờ
đồng hồ ngày 25 tháng Hai với ông Lê Duẩn, đại tướng Obaturov đề xuất di chuyển
lực lượng quân chủ lực được huấn luyện tốt hơn từ Campuchia về mặt trận phía Bắc.
Đề xuất này, cũng như một loạt đề xuất khác do đại tướng Liên Xô đưa ra, đã được
phía Việt Nam thông qua.
Theo lệnh của tướng Obaturov, các phi công lái máy
bay vận tải quân sự Xô Viết đã chuyển cánh quân Việt Nam từ Campuchia về hướng
mặt trận Lạng Sơn, khiến cho tình hình lập tức thay đổi theo hướng thuận lợi cho Việt Nam.
Tướng Obaturov cũng đã gửi
các lãnh đạo Liên Xô công văn yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam vũ khí và
trang thiết bị bằng đường hàng không.
Các tổ chức quân sự
Matxcơva nhanh chóng và tích cực đáp ứng mọi yêu cầu của nhóm cố vấn Liên Xô tại
Việt Nam.
Đại tá Gennady Ivanov nói tiếp. - Trong thời gian ngắn nhất, quân đội nhân dân
Việt Nam đã nhận được bằng máy bay vận tải quân sự tất cả mọi thứ cần thiết để
chống lại kẻ thù. Việt Nam đã được viện trợ tên lửa Grad,
những trang bị kĩ thuật cho các đơn vị thông tin liên lạc, tình báo và các
phương tiện hỗ trợ chiến đấu khác.
Các biện pháp đó đã góp phần làm cho các cuộc
tấn công của quân đội Trung Quốc bị sa lầy. Một bộ phận của Quân đội nhân dân
Việt Nam đã chiến đấu không cho đối phương tiến lên quá 30 km kể từ biên giới.
Những kẻ xâm lược đã mất
hơn 62.000 sĩ quan và binh lính, 280 xe tăng và xe bọc thép, 118 khẩu pháo và
súng cối cùng một số máy bay. Ngày 05 tháng Ba năm 1979, Trung Quốc bắt đầu rút
quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Ngày 18.3, chiến sự hoàn toàn chấm dứt.
Đài
Tiếng nói nước Nga ngày 16-12-2012 cho biết thêm:
…Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc
vượt biên giới Việt Nam khi đó còn chưa
có thời gian để chữa lành những vết thương do bọn xâm lược Mỹ gây ra, Trung quốc
đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh phía Bắc của nước cộng
hòa. Theo chính phủ Trung Quốc, mục đích của hành động này là "trừng phạt" Việt Nam vì đã tham
gia lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia.
Tại thời
điểm đó 85% Quân đội Nhân dân Việt Nam đang hiện diện ở Campuchia. Vì vậy, đáp
trả những kẻ xâm lược chỉ có một bộ phận quân thường trực, một bộ phận lực lượng
quốc phòng địa phương, đơn vị bộ đội
biên phòng và dân quân tự vệ. Lúc này lãnh đạo Việt Nam chưa biết rõ lực
lượng tiến hành cuộc xâm lược, cũng như hướng tiến quân của Trung Quốc.
Trong
tình hình đó, Liên Xô đã hỗ trợ đầy đủ cho Việt Nam. Nhằm lôi kéo quân đội
Trung Quốc về phía Nam Liên Xô, 29 sư đoàn cơ giới của quân đội Liên Xô với sự
hỗ trợ của không quân đã được điều tới biên giới Xô-Trung trong khu vực Mãn
Châu.
Để bảo
vệ Việt Nam trước những hành động của Hạm đội hải quân Nam Trung Quốc, 30 tàu
chiến của Liên Xô được tập trung tại những khu vực chiến lược quan trọng của Biển
Đông.
Một
nhóm các cố vấn quân sự Liên Xô đã được gửi thêm đến Việt Nam. Nhóm được thành
lập tại Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô vào đầu tháng Hai năm 1979, theo
khuyến nghị của Tổng cục trưởng Tình báo, người đã từng cảnh báo về khả năng xẩy
ra cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt
Nam. Trong số những cố vấn đến nước Việt Nam có cả các chuyên gia trinh sát.
Lãnh đạo họ là Thiếu tướng Evstafi Melnichenko, được bổ nhiệm làm cố vấn của
ông Phan Bình, chỉ huy bộ phận tình báo trong bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân
dân Việt Nam.
Trung
tướng Viktor Demyanenko, cựu cố vấn của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân
Việt Nam tại thời điểm đó kể lại:
Họ đã
làm việc với các điệp viên để thu thập những dữ liệu cần thiết. Họ nhận được những
thông tin thú vị về thành phần của quân đội và lực lượng xâm lược qua những quyết
định mà Chính phủ Trung Quốc đã thông qua.
Kết quả
công việc chung của trinh sát Liên Xô và Việt Nam là có thể nhanh chóng xác lập
rằng các lực lượng xâm lược có khoảng 600.000 người, bộ phận thường trực của
Quân đội Nhân dân Việt Nam trên các biên giới phía Bắc của nước cộng hòa đang
phải chiến đấu trong vòng vây, và đòn tấn công chính của Trung Quốc sẽ giáng vào Lạng Sơn để mở đường tới Hà Nội.
Dựa
trên thông tin tình báo này, người đứng đầu nhóm các cố vấn Liên Xô, tướng
Gennady Obaturov họp với Tổng bí thư Lê Duẩn đề nghị chuyển lực lượng thiện chiến
nhất của Quân đội Việt Nam từ Campuchia sang mặt trận phía Bắc. Ông cũng gợi ý
các mục tiêu cụ thể trên con đường quân xâm lược tấn công để bố trí tên lửa
"Grad" của Liên Xô vừa chuyển giao cho Việt Nam trước đó chưa lâu. Và
ông giới thiệu với nhà lãnh đạo Việt Nam kế hoạch các cố vấn Liên Xô lập ra về
việc đưa các đơn vị thường trực Việt Nam ra khỏi vòng vây của Trung Quốc.
Những
đề nghị này được chấp nhận. Việc thực hiện các kế hoạch đó ngay lập tức thay đổi
tình hình mặt trận theo hướng thuận lợi
cho Việt Nam. Các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam không cho kẻ thù tiến
sâu hơn 30 km kể từ biên giới. Ngày 05 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi
các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, ngày 18 tháng 3 chiến sự hoàn toàn chấm dứt.
Một lần nữa, như trong cuộc đấu tranh chống
xâm lược Mỹ vài năm trước đó, Việt Nam đã bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của
mình”.
SĐM (songdepmai@gmail.com)