Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

CHẶN ĐƯỜNG HÔNG CƯ VÀO BAN CHÂP HÀNH TRUNG ƯƠNG


 Năm 1986. Nghe tin Đảng sắp họp đại hội VI,  nhân lúc trà dư tửu hậu với người bạn từ thời đi học, tôi hỏi thượng tướng Đặng Vũ Hiệp phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam:
 -Ông lại tiếp tục tham gia Trung ương nhiệm kì nữa chứ?
(Hiệp trúng cử Ủy viên Trung ương dự  khuyết  tại đại hội IV năm 1976, ủy viên chính thức năm 1982, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy trung ương năm 1985).
 Hiệp lắc đầu:
 -Không. Theo tin mình nắm được thì ban Tổ chức đề cử Hồng Cư tham gia ban Chấp hành trung ương trong nhiệm kì này.
Tôi giật mình. Cái thằng che giấu lai lịch xuất thân địa chủ, giấu tội nộp 32 bạn học cho mật thám Pháp, làm tôi và Huy con phải vào tù mà lại được đề cử vào Trung ương Đảng! Mà có đến 99 % khả năng nó sẽ được đại hội bầu vì theo chủ trương cơ cấu lâu nay, trong Trung ương phải có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và một phó chủ nhiệm. Nó đương chức phó chủ nhiệm, cấp trung tướng, lại là em cọc chèo của đại tướng Tổng Tư lệnh. Xứng đáng quá! Các đại biểu dự đại hội đâu có biết những tội tày trời nó che giấu mấy chục năm nay!
Biết rõ tội nó nhưng trong bốn mươi năm qua tôi không tố cáo với tổ chức vì nghĩ rằng chuyện đã lâu không nên nhắc tới mà nên cho nó cơ hội lập công chuộc tội. Nhưng đã đến nước này thì không thể im lặng được nữa.
Tôi cả quyết:
-Không thể để Hồng Cư lọt vào danh sách đề cử. Hắn không đáng mặt.

 Đặng Vũ Hiệp ngạc nhiên:
-Thế à? Sao không đáng?
-Tôi nói riêng với một mình ông thì không có lợi cho ông. Nghe xong, tất nhiên ông sẽ phải báo cáo với tổ chức và có thể người ta cho rằng vì bị rút khỏi Trung ương nên ông đặt điều gièm pha Hồng Cư. Đang là chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Quân ủy trung ương, ông triệu tập ủy ban để tôi  báo cáo với ủy ban. Và ông không nên dự, đằng nào các ủy viên ban Kiểm tra cũng phải  báo cáo nội dung cuộc họp với ông, lúc ấy ông sẽ biết hết đầu đuôi. Trước mắt ông nên tránh xa vụ này càng xa càng tốt.
Tôi biết sẽ bị Hồng Cư trả thù. Nó sẽ chẳng thiếu gì cách hại tôi. Đòn của nó sẽ rất nặng. Tôi cản đường nó vào Trung ương thì nó sẽ chặn đường tôi lên cấp lên chức, tôi hết hi vọng được tăng tiêu chuẩn nhà ở, tiền lương, chế độ chữa bệnh, nghỉ dưỡng v.v. Thật trớ trêu, cái thằng nộp tôi cho mật thám Pháp tra tấn rồi bỏ tù tôi hồi trước cách mạng bây giờ lại là thủ trưởng của tôi! Sự đời nhiều khi có những nghịch cảnh éo le như thế! Nhưng không vì vậy mà tôi chùn bước, nhất định phải chặn đường không cho hắn có cơ may lọt vào Trung ương! Để bảo vệ sự trong sạch của Đảng đã có biết bao đảng viên phải hi sinh cả tính mạng của mình, dù tôi bị thua thiệt đến đâu cũng chẳng đáng bận tâm.
Hai ngày sau tôi được mời vào gặp các phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy trung ương, Kinh Chi Cục trưởng Cục Bảo vệ và một số cán bộ của các cơ quan liên quan. Không thấy có Đặng Vũ Hiệp, tôi yên tâm.                          
Tôi trình bày lai lịch xuất thân của Lê Đỗ Nguyên: bố là Lê Đỗ Kỳ địa chủ có hàng trăm mẫu ruộng ở ấp Thị Long huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có vườn rộng, nhà xây gạch khang trang ở giữa thị xã. Tôi thuật lại cặn kẽ vụ tháng Hai năm 1945 Lê Đỗ Nguyên học trường Bưởi cùng khóa với tôi đã khai báo cho mật thám Pháp ở Thanh Hóa bắt 32 bạn học, phá vỡ phong trào Việt Minh hồi đó.  Hôm thấy hắn trong phòng tạm giam của sở Mật thám tôi đã trực tiếp chất vấn hắn và hắn nhận đã khai báo.
Mọi người ngồi nghe, không ai hỏi han, chất vấn gì. Tôi nói xong, thiếu tướng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra bảo thư kí đưa biên bản cho tôi, tôi đọc kĩ, chữa vài câu chữ rồi tự ý viết bên dưới : “Tôi cam đoan báo cáo đúng sự thật, nếu sai xin chịu kỉ luật”. Kí tên.
 Sau đại hội VI, đọc đi đọc lại danh sách 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết ban Chấp hành Trung ương không thấy có Hồng Cư, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi không nghĩ rằng việc chặn đường không để hắn lọt vào Trung ương đảng khóa VI là “công” của tôi mà có thể do tiếng nói của một hoặc nhiều người khác, cũng có thể do một số nguyên nhân nào đó. Đối với tôi, điều quan trọng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng không có những phần tử phản bội, gian dối, cơ hội lọt vào và lương tâm được thanh thản vì tôi đã làm tròn trách nhiệm với Đảng.
Trong lịch sử Đảng ta đã có những tên che giấu tội ác chúng gây ra trong quá khứ, leo lên những chức vụ quan trọng trong Đảng. Điển hình là Nguyễn Hà Phan người huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Năm 1984 làm bí thư tỉnh Hậu Giang, 1986 trúng Ủy viên Trung ương dự khuyết, 1990 Ủy viên Trung ương chính thức, năm 1991 vào ban Bí thư Trung ương, trưởng ban Kinh tế Trung ương, 1992 phó Chủ tịch Quốc hội, 1993 vào bộ Chính trị, thường trực ban Bí thư. Đến lúc này mới có đảng viên phát hiện Nguyễn Hà Phan hồi bị Pháp bắt đã khai báo cho địch phá nhiều cơ sở nằm vùng nên năm 1964 hắn được địch trả tự do. Ban Bảo vệ trung ương mở cuộc điều tra, rà soát hàng vạn trang tàng thư và kết luận: đúng là Nguyễn Hà Phan đã khai báo rất nghiêm trọng, những người được hắn xây dựng thành cơ sở trong lòng địch đều bị khai ra hết, sau đó bị địch giết toàn bộ. Ngày 17/4/1996 hắn bị khai trừ Đảng, tước hết mọi chức danh trong Đảng và Nhà nước.
Hiện nay không ít người có công vẫn chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách chế độ gì nhưng trong các cấp chính quyền và tổ chức Đảng lại có không ít những kẻ khai man lí lịch, tự phong tặng những bằng cấp, học vị, những danh hiệu cao quí để thủ lợi về vật chất, tinh thần. Không bị địch bắt giam nhưng được lĩnh trợ cấp ‘cựu tù chính trị’, khai báo cho địch khủng bố cách mạng nhưng được nhận trợ cấp ‘cán bộ tiền khởi nghĩa’, khai man đảng tịch để được nhận huy hiệu tuổi Đảng cao…Một số nhỏ trong bọn -ở những cấp thấp- đã bị những người dũng cảm không sợ trù dập không sợ mất bát cơm manh áo vạch mặt. Chỉ riêng một tỉnh Cà Mau tính đến năm 2012 đã phát hiện 600 vụ sử dụng bằng cấp giả. Năm 2013 Phạm Thị Hải Chuyền bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo với quốc hội: “ trong 5 năm qua đã phát hiện 7 100 trường hợp giả thương binh, cựu chiến binh, thu hồi 75,5 tỉ đồng của 3378 người trong số đó."
Rõ ràng chúng vẫn còn rất đông. Cuộc chiến sẽ còn dài. 
                                                                                                                                                SĐM  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét