Khoảng giữa
tháng 4 năm 1968 Ban Chỉ huy đơn vị tôi -đóng trên đảo Kế Bào- nhận được bức điện
tối mật của bộ Tư lệnh Quân khu: “Chuẩn bị đón anh Văn. Phải đảm bảo tuyệt đối bí mật tuyệt đối an toàn”. Chúng tôi rất mừng được đón tiếp người anh Cả kính mến của quân đội,
và cũng vô cùng lo lắng. Lo nhất là vấn đề bảo đảm an toàn, phần vì trên đảo có
cảng của Hải quân và một cái cầu trên đường độc đạo đến quân cảng là những mục
tiêu hầu như ngày nào cũng bị máy bay Mĩ đến thả bom, bắn phá, phần vì đảo này khá
lớn, có rừng có núi, nên rất khó kiểm soát người từ nơi khác tới. Trong những
năm 1964-1966 một trung đoàn công binh Trung quốc đến xây dựng công sự trên đảo,
chúng công khai truyền bá Mao tuyển, phân phát huy hiệu Mao Trạch Đông, ngấm ngầm
cổ vũ dân các vùng xung quanh nhận là con cháu họ Mao, khuyến khích ăn mừng quốc
khánh ngày 1 tháng 10 thay cho ngày 2 tháng 9. Rất có thể tay sai bọn bành trướng
còn lẩn khuất đâu đây…
Mọi việc
chuẩn bị vừa xong thì xe command-car chở anh Văn tới. Theo yêu cầu của anh, Tư
lệnh Quân khu cử một cán bộ tham mưu thông thạo đường xá cùng đi trên xe để dẫn
đường, ngoài ra không có thư kí riêng, bác sĩ riêng, không có vệ sĩ, cần vụ,
liên lạc đi theo…Không như nhiều ông tướng khác, dù chỉ là thiếu tướng nhưng đi
đâu cũng tiền hô hậu ủng rầm rầm rộ rộ, đến nơi phải có hàng rào danh dự đón
chào…
Mấy thày
trò đang ngồi uống nước thì một toán lính trẻ từ bãi biển trèo lên, tay xách những
xô đầy cua bể, mực ống, cá thu mới đánh bắt để chuẩn bị bữa chiều. Anh Văn vẫy tay
gọi lại, vui vẻ xem từng món “chiến lợi phẩm” của lính rồi nói: “Các cậu chiêu
đãi mình thịnh soạn quá! Đừng vẽ vời mất nhiều thì giờ công sức vì mình.”
Tôi trình
bày:
- Chỉ dăm
ba anh em không trực chiến đi xuống bãi biển vài tiếng đồng hồ là có đủ chất
tươi mang về cải thiện cho cơ quan đoàn bộ. Ở đây đã thành lệ từ lâu rồi ạ.
-Thế thì
được- anh Văn nói.
Bữa ăn
chiều hôm ấy rất vui, chúng tôi chỉ kể những chuyện săn bắt hải sản, các hành
vi chống xét lại, chống sùng bái cá nhân
“rởm đời” của bọn bành trướng, cách chúng tôi đối phó với bọn chỉ huy công binh
Trung quốc…làm anh Văn cười thoải mái. . Cũng có
lúc sắc mặt anh nghiêm lại. Như khi tôi kể chuyện bọn Tàu xúi giục dân trong
vùng bỏ lễ kỉ niệm quốc khánh Việt Nam ngày 2 tháng
Chín thay bằng quốc khánh Trung quốc ngày 1 tháng Mười, thay ảnh Bác Hồ bằng ảnh Mao. Anh
nói:
-Chiến
thuật của bọn chúng là kết hợp giữa “ngoạm từng miếng” với “gặm nhấm dần”. Khi
có cơ hội chúng sẽ tạo ra cớ này cớ kia để dùng quân sự đánh chiếm đất đai của chúng ta, khi chưa tạo được cớ để gây chiến thì hàng ngày hàng giờ dùng các
thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội làm suy yếu ta và bành trướng thế
lực của chúng trên đất nước ta. Các cậu và các thế hệ con cháu sau này không được
một phút lơ là mất cảnh giác.
Tuy có rất
nhiều điều muốn hỏi, nhiều thắc mắc đang muốn được giải đáp nhưng sợ anh đi đường
mệt nên chúng tôi rút lui sớm để anh đi nghỉ. Tuy thế, cho đến khuya tôi vẫn
nghe chiếc đài bán dẫn của anh thì thầm…(tôi nằm chắn ở cửa hầm cách giường anh
chừng dăm mét, lữ đoàn trưởng Khánh nằm chắn cửa hầm bên kia).
Sáng hôm
sau không “nhịn” được nữa, tôi hỏi:
-Thưa
anh, dạo này trên đài không thấy đưa tin dồn dập về chiến thắng của ta trên chiến
trường miền Nam như mấy tháng trước. Có phải ta tạm nghỉ để chuẩn bị đợt tấn
công mới không?
Anh Văn
trầm ngâm một lát rồi nói:
-Không
còn yếu tố bất ngờ…Đã khó càng thêm khó…Lực lượng tại chỗ của Mĩ ngụy còn rất mạnh,
bộ máy kìm kẹp của chúng gần như còn nguyên vẹn…Phải rất tỉnh táo không được chủ
quan, phải cân nhắc nhiều lắm kĩ lắm mới được…
Anh ngừng
lời, rồi tiếp:
-Bác Hồ rất
quan tâm đến việc giảm bớt tổn thất của quân dân ta trên chiến trường nên ngày
5 tháng Chín năm ngoái trước khi sang Trung quốc chữa bệnh Bác đã duyệt kế hoạch
mở chiến dịch Khe Sanh nhằm thu hút, kìm chân một lực lượng lớn quân Mĩ để giảm
bớt gánh nặng, tạo thêm thuận lợi cho quân dân miền Nam.
Như các cậu
đã thấy, ngày 21 tháng 1-đúng 10 ngày trước khi bắt đầu
cuộc Tổng tấn công trên miền Nam quân ta đã giáng đòn sấm sét xuống cứ điểm Khe
Sanh rồi liên tiếp tấn công nhiều cứ điểm
khác. Không những bộ đội ta đã cầm chân
bọn Thủy quân Lục chiến mà còn buộc địch phải sử dụng con chủ bài Sư Kị binh
bay số 1 là đơn vị có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh và thiện chiến nhất của Mĩ
mở chiến dịch Pegasus đầu tháng Tư vừa rồi hòng giải vây Khe Sanh. Nói cách
khác, mặt trận Khe Sanh đã và đang chia lửa rất hiệu quả cho miền Nam. Nhưng
không vì thế mà trong ấy hết khó khăn…Khó khăn lớn lắm. Trong đó chúng còn rất đông.
Tôi hiểu
đây là vấn đề chiến lược ngoài phạm vi tìm hiểu, bàn luận của mình nên không
dám hỏi thêm. Hơn nữa, trong mấy ngày sau đó anh Văn hình như suy nghĩ căng thẳng
lắm, sức ăn giảm hẳn, khi ngồi ăn anh không hỏi chuyện chúng tôi như những ngày
trước. Chiều ngày thứ tư một cán bộ của Quân khu đến đơn vị. Sáng hôm sau anh
Văn báo tin anh về Hà Nội. Anh vỗ vai tôi, nói:
-Rất tiếc
không ở lại đây với các cậu lâu hơn được. Cám ơn nhiều. Chúc tất cả mạnh khỏe,
đánh thắng mọi kẻ thù.
Xe chở
anh Văn rời Sở chỉ huy của đơn vị tôi ngày 19 tháng 4 năm 1968.
Trong thời
gian từ tháng 5 đến tháng 9 tình hình chiến sự vẫn sôi động xen kẽ với những
khoảng lặng. Đầu tháng 5 ta chiếm khu vực Minh Phụng, Bình Thới, tấn công ngã
tư Bẩy Hiền, pháo kích nhiều mục tiêu, cuối tháng 5 trận Khâm Đức diệt nhiều
địch.
Ngày 21-1 chi
khu quân sự Hướng Hóa vào tay quân Giải phóng, hơn 300 lính Mĩ bị tiêu diệt và bắt sống. Ngày 7-2 Làng Vây bị tấn công lần 2,
gần một nghìn Mĩ ngụy bị tiêu diệt. Vòng vây thắt chặt quanh cứ điểm Khe Sanh. Địch
muốn giải tỏa vòng vây bằng cách điều thêm quân tới ứng cứu nhưng do phải đối
phó chật vật với các cuộc tấn công vào thành thị của quân dân miền Nam nên
chúng không có đủ lực lượng cần thiết. Đầu tháng 4 Mĩ buộc phải đưa sư đoàn Kị
binh bay và sư đoàn dù ngụy mở cuộc hành quân “Ngựa bay” nhưng chỉ sau 10 ngày
đã có 3200 tên phần lớn là Mĩ bị diệt, 38 máy bay bị bắn rơi. Bị thiệt hại nặng
ở đây cùng lúc với những thiệt hại lớn tại các thành thị miền Nam, ngày 26-6 đại
tướng Abrams chỉ huy quân Mĩ tại Việt Nam –thay tướng Westmoreland bị cách chức-
ra lệnh mở chiến dịch Charlie rút quân Mĩ khỏi Khe Sanh. Trên đường tháo chạy chúng
tiếp tục bị quân ta chặn đánh quyết liệt, chỉ trong 7 ngày cuối tháng 6 có thêm
700 tên bị lọai khỏi vòng chiến, 9 máy bay bị bắn rơi.
Sau 170 ngày
đêm chiến đấu cực kì anh dũng chống các lực lượng tinh nhuệ nhất của địch sử dụng
những vũ khí hiện đại nhất và lượng bom tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống
Hiroshima quân dân trên chiến trường Quảng Trị đã diệt 11 900 tên địch (có hơn
10 000 quân Mĩ, tỉ lệ thương vong của chúng cao hơn trong Thế chiến 2), hủy và
thu một số lớn vũ khí thiết bị quân sự, giải phóng một vùng rộng lớn phía tây
Quảng trị với một vạn dân. Dự định lập hàng rào điện tử Mac Namara vỡ vụn. Kế
hoạch chiến lược cắt đứt đường Hồ Chí Minh phá sản.
Thắng lợi to
lớn trong chiến dịch nghi binh Khe Sanh của quân và dân Quảng Trị đã chia lửa rất
hiệu quả với quân dân miền Nam, góp phần giảm bớt khó khăn và tổn thất, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ buộc
chúng phải kí hiệp định Paris.
Vị tổng chỉ
huy trận đại thắng Điện Biên phủ năm 1954 lại chỉ huy trận đại thắng Điện Biên
phủ thứ 2 năm 1968 ở Đường 9-Khe Sanh.
Tháng 8
ta đồng loạt tấn công 27 thành phố, thị xã, trong đó có Đà Nẵng, Tam Kì và 100
thị trấn. Tháng 9 chiến dịch Tây Ninh có thể coi là chiến dịch kết thúc cuộc Tổng
tấn công.
x x x
Tháng 12
năm 68 tôi được lệnh vào công tác ở binh đoàn Trường Sơn. Vào tới nơi, đại tá
Vũ Xuân Chiêm chính ủy binh đoàn cho biết: tôi sẽ vào binh trạm Sông Bạc thay chính
ủy Tuấn mới hi sinh.
Tôi theo
giao liên đi về binh trạm đóng sở chỉ huy ở tỉnh Sê Kông trên đất Lào, cùng vĩ
tuyến với huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Càng vào sâu
càng thấy rõ cái giá phải trả cho thắng lợi của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân.
Trên đường giao liên nườm nượp nhiều tốp từ các chiến trường đi ra, số đông là
thương binh bệnh binh chống gậy hoặc do giao liên cáng trên võng đưa ra vùng tự
do điều trị. Tại các trạm có nhiều chiến sĩ lạc đơn vị đang chờ bắt liên lạc,
nhiều cán bộ cơ sở bị lộ phải tạm lánh chờ cấp trên bố trí công tác ở địa
phương khác. Hàng nghìn quân đang trên đường vào phải dừng lại vì mọi con đường
xuống đồng bằng đều bị địch chặn cứng. Số người trên tuyến giao liên tăng cao
ngoài dự kiến, lương thực thực phẩm dự trữ không đủ, ngoài hậu phương đưa vào
không kịp nên khẩu phần gạo phải hạ xuống 300g người/ngày. Nhiều đoàn hành quân
ra từ B2 dọc đường phải ăn củ mì (củ sắn) cõng cơm. Sắn đào ở các nương rẫy ven
đường theo qui ước “ăn củ trả cây”, một qui ước bất thành văn nhưng mọi người đều
tự giác tuân thủ rất nghiêm: đào lấy củ rồi phải chặt hom trồng lại cây để rừng
sắn cứu đói trên Trường Sơn không bao giờ cạn kiệt. Chỉ huy các trạm giao liên cho
biết chưa bao giờ đông đúc chật chội tới mức các bãi không còn chỗ mắc võng.
Trên đường có nhiều cán bộ dân chính đảng được cử ra
Bắc học, có cả những bí thư tỉnh ủy, những cán bộ cấp khu cấp quân khu ra báo
cáo với Trung ương. Trong những đêm nằm chung sàn tôi được nghe kể nhiều về
tình hình khó khăn của các đơn vị các địa phương sau ba đợt Tổng tấn công năm
1968.…
Qua các
câu chuyện của họ, tôi cảm thấy tuy mọi người đều xác nhận ta đã thu được thắng lợi rất lớn, nhất là về chính
trị, buộc Johnson phải tuyên bố chấm dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận
đàm phán với Việt nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng…nhưng người nào cũng
nói nhiều về những tổn thất to lớn của
ta, đều tỏ ý rất lo lắng về triển vọng khôi phục lực lượng, tóm lại đều cho rằng
cái giá phải trả là quá đắt.
Nghe những
lời lẽ ấy tôi rất phân vân. Khi còn ở miền Bắc, nghe tin tức qua đài Tiếng nói
Việt Nam, đọc trên các báo tôi cho rằng ta đã thắng rất ròn rã, ước mơ giải
phóng miền Nam thống nhất nước nhà sắp thành hiện thực. Giờ đây tôi tự hỏi: sự
thật là thế nào?
Dần dần qua
tiếp xúc với nhiều người trong cuộc và tận
mắt nhìn thấy những hình ảnh chân thật không tô vẽ tôi mới đánh giá được toàn
diện cuộc Tổng công kích Tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân. Rất lâu về sau lại đọc trên
giấy trắng mực đen những bài viết chính thức xác nhận những khó khăn và khuyết điểm
trong chỉ đạo của các cấp.
Thiếu tướng Huỳnh Công
Thân Anh hùng LLVT viết trong hồi kí:
Về mặt quân sự đơn thuần, thì không
thể hạ quyết tâm chiếm Sài Gòn bằng cách đánh và bằng lực lượng như đã diễn ra
mà phải kết hợp với tổng khởi nghĩa. Nhưng vì sao mũi chính trị lại không
mở ra được? Tình hình quần chúng Sài Gòn và sinh viên, học sinh như thế
nào mà lúc đó lại có nhận định: hàng triệu quần chúng đang sục sôi khí thế cách
mạng sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do! Khi chúng tôi vào Sài Gòn,
thực tế tình hình không phải như thế. Quần chúng ghét chế độ Mỹ - Nguỵ
bóp nghẹt dân sinh, dân chủ nhưng chưa đến mức "sục sôi" và chưa
"sẵn sàng hy sinh tất cả" để có thể xuống đường đối đầu với súng đạn
địch lật đổ nguỵ quyền trung ương Sài Gòn, thiết lập chính quyền cách mạng.
Sinh viên, học sinh là lực lượng có tổ chức nhưng lúc đó không tập hợp được đội
ngũ. Sau tiến công đợt một, mọi vấn đề đã bộc lộ rất rõ, tổ chức lực lượng
và cách đánh ấy hoàn toàn không phù hợp, không thể tiến đến các mục tiêu,
thương vong của ta rất lớn. Không hiểu vì sao khi tiến công đợt hai trong
điều kiện khó khăn hơn nhiều so với đợt một, ta vẫn duy trì tổ chức, trang bị
và cách đánh như cũ?
Trong cuộc đời chỉ huy chiến đấu của tôi, Tết Mậu Thân năm 1968 là giai đoạn căng thẳng nhất. Không phải do tính chất ác liệt của các trận đánh, mà chủ yếu là do không giải quyết nổi các mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ với thực lực và biện pháp tiến hành. Ở vào tình trạng ấy, người chỉ huy như bị bó tay, không còn hành động một các tự tin nữa.
Tết Mậu Thân năm 1968 là những ngày tháng, những kỷ niệm và những kinh nghiệm xương máu không thể nào quên được trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Long An chúng tôi. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân trên toàn miền Nam là hết sức to lớn, góp phần làm cho quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi nước ta. Nhưng tôi cũng nghĩ như một số đồng chí khác, nếu ta biết dừng lại sau đợt một (đợt Tết Mậu Thân), đưa lực lượng về giữ các căn cứ và vùng nông thôn đồng bằng, sẽ tránh được tổn thất lớn và hậu quả nặng nề trong những năm 1969 - 1970. (Trich cuốn Ở chiến trường Long An. Huỳnh Công Thân. NXB Quân đội Nhân dân).
Trong cuộc đời chỉ huy chiến đấu của tôi, Tết Mậu Thân năm 1968 là giai đoạn căng thẳng nhất. Không phải do tính chất ác liệt của các trận đánh, mà chủ yếu là do không giải quyết nổi các mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ với thực lực và biện pháp tiến hành. Ở vào tình trạng ấy, người chỉ huy như bị bó tay, không còn hành động một các tự tin nữa.
Tết Mậu Thân năm 1968 là những ngày tháng, những kỷ niệm và những kinh nghiệm xương máu không thể nào quên được trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Long An chúng tôi. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân trên toàn miền Nam là hết sức to lớn, góp phần làm cho quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi nước ta. Nhưng tôi cũng nghĩ như một số đồng chí khác, nếu ta biết dừng lại sau đợt một (đợt Tết Mậu Thân), đưa lực lượng về giữ các căn cứ và vùng nông thôn đồng bằng, sẽ tránh được tổn thất lớn và hậu quả nặng nề trong những năm 1969 - 1970. (Trich cuốn Ở chiến trường Long An. Huỳnh Công Thân. NXB Quân đội Nhân dân).
Võ Văn Dũng ủy
viên Trung ương Đảng bí thư tỉnh Vĩnh Long kể lại nhân dịp kỉ niệm 72 năm Nam
kì Khởi nghĩa 23-11-2012.
Sau đợt Tổng tấn công và Nổi dậy mùa xuân Mậu Thân
1968 lực lượng ta ở các tỉnh miền Tây Nam bộ bị tổn thất nặng nên gặp muôn vàn
khó khăn bị động trước âm mưu “bình định cấp tốc” của Mĩ ngụy. Cuối năm 1968 ở
Tây Nam bộ có 250 xã thì tại 50 xã đảng viên phải li hương, 40 xã chỉ còn mỗi xã 1 hoặc 2 đảng viên,
không có chi bộ, 2 phần 3 số ấp không còn ấp đội, số lượng du kích chỉ còn một
nửa so với trước, các trung đoàn chủ lực Khu, các tiểu đoàn địa phương quân tỉnh,
các đại đội địa phương quân ở các huyện đều bị thiệt hại nặng, tình hình cách mạng
tạm thời đen tối.
Theo Ban Tổng kết chiến lược
(trực thuộc bộ Chính trị):
Điều đáng tiếc là sau thắng lợi của đợt 1 các lực lượng vũ trang giải
phóng ở miền Nam lại liên tiếp cố mở đợt tấn công thứ 2 (tháng 5-1968) và thứ 3
(tháng 8-1968) khi tính bí mật bất ngờ không còn và lực lượng đã bị tổn thất nặng
nề. Ta đã phạm sai lầm lớn về chỉ đạo chiến lược…đã đề ra yêu cầu chưa thật sát
với tình hình thực tế lúcđó, không đánh giá hết âm mưu địch trong kế hoạch bình
định nông thôn.(Tổng kết cuộc Kháng chiến chống Mĩ cứu nước-Thắng
lợi và bài học. NXB chính trị Quốc gia
1996).
Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn
Mạnh Hà viện trưởng viện Lịch sử Đảng CSVN viết:
Chính do sai lầm đó mà chỗ đứng chân của bộ đội chủ lực trên nhiều vùng
rộng lớn ở miền Nam bị thu hẹp, nhiều đơn vị sau khi rút ra khỏi các thành thị
đã không còn chỗ đứng chân ở nông thôn đồng bằng, phải rút lên vùng rừng núi,
sang bên kia biên giới Việt Nam-Campuchia, rút ra miền Bắc. Tình hình khó khăn
về thế và lực của cách mạng đặc biệt là
về quân sự kéo dài sang cả năm 1969 đầu năm 1970.
Phần lớn cơ sở quần chúng bị
khủng bố tan tác vì địch liên tiếp mở các chiến dịch bình định mang tên “Phượng
hoàng” do tên thủ tướng ngụy Sài Gòn Trần Thiện Khiêm khởi xướng từ cuối 1966,
đến cuối 1967 được CIA chính thức hỗ trợ. Sau Tết Mậu Thân 68, khi hầu hết các
cơ sở cách mạng đã tự lộ mình để tham gia cuộc Tổng tấn công, chiến dịch Phượng
hoàng gây tác hại rất lớn. Theo thống kê của Mĩ được trích đăng trên Wikipedia“trong năm 1968 có 13 000 cán bộ nằm vùng bị
bắt, bị giết, năm 1969 có 19 534 cán bộ nằm vùng bị “vô hiệu hóa”. Nhưng chỉ dưới
10 % là mục tiêu của chương trình này, số còn lại bị gán là người của Mặt trận
Dân tộc Giải phóng… Trong nhiều trường hợp người này vu khống người kia là Việt
Cộng để mượn tay quân đội Mỹ giết kẻ mình thù oán”.
CIA vừa trực tiếp bắt, giết
vừa tổ chức, huấn luyện cho bọn ngụy từ cấp tỉnh đến cấp xã cách tiến hành cuộc
khủng bố. CIA treo thưởng 11 000 USD cho mỗi cán bộ bị bắt sống, vì thế bọn chức
dịch từ cấp xã đến cấp tỉnh bắt rất nhiều
người không phải là cán bộ cách mạng để hoàn thành chỉ tiêu CIA giao và nhận tiền
thưởng. Ở nhiều nơi, khi bọn Phượng hoàng kéo tới, những hầm bí mật từ nhiều
năm nay vẫn an toàn đều bị chúng phát hiện rất nhanh rất chính xác do đã bị lộ
trong Tổng tấn công. Thám báo, mật vụ len lỏi khắp nơi. Tình hình hết sức khó
khăn…
Sau chiến tranh, phó thủ tướng
Nguyễn Cơ Thạch nhận định: “Chương trình Phượng Hoàng đã phá hoại đến 95 % cơ sở
cách mạng ở một số khu vực tại miền nam Việt Nam”.
Đại tá Trần Trọng Trung –cán bộ Cục Tác chiến bộ Tổng
Tham mưu- viết trong cuốn “Lịch sử Cục
Tác chiến 1945-2000”(NXB QĐND 2000):
“Trong giai
đoạn đang hình thành kế hoạch chiến lược, cũng như trong những ngày khởi đầu
làn sóng đầu tiên của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên
Giáp thường xuyên vắng mặt khỏi Bộ Tổng Hành dinh và không dự nhiều cuộc họp
quan trọng của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, hay các cuộc gặp của tiểu
ban năm người trong Bộ Chính trị với Quân ủy Trung ương.”
Tiểu ban năm
người do Lê Đức Thọ đề xướng thành lập gồm Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ,
Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng (thay Nguyễn Chí Thanh được điều vào miền Nam). Với thành phần như vậy, tất nhiên Võ Nguyên Giáp bị thiểu số.
Ngày 19-6-2007 đại tá
Trần Trọng Trung cho biết “Các nguồn tin
của Việt Nam nói tướng Võ Nguyên Giáp phản đối nhiều chi tiết quan trọng trong
kế hoạch ngay từ đầu bởi vì theo ông, cuộc tổng khởi nghĩa không thể thực hiện
trừ khi quân đội Việt Nam Cộng hòa và lực lượng Mỹ đã bị làm cho tê liệt”.
Gần đây nhất, tại cuộc hội thảo "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản
lĩnh và trí tuệ Việt Nam" do Bộ Quốc phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức trong hai ngày 14 và 15/4/2005 đại
tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định trong tham luận của ông:"Cuộc tấn công
Tết Mậu Thân … đã đánh bại một bước ý chí xâm lược của Mỹ trong lúc quân Mỹ
đông nhất, mạnh nhất và những cố gắng chiến tranh cao nhất. Chiến lược ‘chiến
tranh cục bộ’ bị phá sản, chính quyền Mỹ phải 'phi Mỹ hóa' - 'Việt Nam hóa chiến
tranh'."
Và đại tướng phê bình:
Và đại tướng phê bình:
"do chủ quan duy ý chí, không nắm vững quy luật của khởi nghĩa
và chiến tranh cách mạng nên đã chủ trương tiến hành tổng khởi nghĩa, bộc lộ
toàn bộ cơ sở cách mạng của quần chúng trong chiến tranh ngay khi trên chiến
trường còn hơn một triệu quân Mỹ - ngụy và các nước chư hầu. Việc tiếp tục kéo
dài tấn công vào các đô thị, chậm chuyển hướng hoạt động về nông thôn trong Mậu
Thân 1968 đã gây ra nhiều tổn thất về thế và lực cho cách mạng”.
SĐM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét