Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

CHUYỆN ÔNG TRÁNG A PAO NHẬP HỘ KHẨU


            Năm 1989 khi xin nhập hộ khẩu vào thành phố Hồ Chí Minh tôi đã tưởng mình gian nan đến thế là cùng, ngờ đâu 10 năm sau người xin nhập hộ khẩu vào Hà Nội còn khổ hơn! Dưới đây là bài báo tôi chép nguyên văn của Vĩnh Phúc đăng trên Tuổi TrẻOnline ngày 16-05-2005.

Ông Tráng A Pao nhập hộ khẩu như thế đó!
Phải mất gần năm năm, ông Tráng A Pao - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - mới chuyển được hộ khẩu cho vợ, con từ Lào Cai về Hà Nội.
            Không thể không đặt ra câu hỏi sau khi nghe ông kể về con đường trần ai của mình: một cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng mà còn bị hành, đối với dân thường thì sao? Việc quản lý bằng hộ khẩu liệu có còn phù hợp?
Trò chuyện với TS  bên hành lang Quốc hội (QH), ông Tráng A Pao nhớ lại:

- Khi chuyển về Hà Nội công tác, tôi cắt hộ khẩu ở địa phương (Lào Cai) rồi giao anh em làm giúp việc nhập hộ khẩu về Hà Nội. Cán bộ làm công tác quản lý hộ khẩu ở Hà Nội đòi phải có giấy cấp nhà, giấy điều động công tác...
Nộp bản sao có công chứng họ không đồng ý, họ bảo giấy có dấu đen không được, phải có dấu đỏ. Thế là tôi phải đưa cả giấy điều động công tác do ông Phạm Thế Duyệt - lúc đó là thường trực Bộ Chính trị -  ký, giấy cấp nhà của Ban Tài chính Quản trị cũng có dấu đỏ. Thế mà vẫn không được.

“Đáng lý ra người dân chấp hành pháp luật của Nhà nước nghiêm túc như thế phải hoan nghênh, phải tạo điều kiện. Với người dân, nhập hộ khẩu bây giờ cũng chẳng được lợi ích gì.
Tôi ở đây mà không có hộ khẩu có ai dám đến bắt tôi đâu. Người dân mất lòng tin vì có một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước làm việc chưa tròn trách nhiệm. Nếu cứ để kéo dài mãi thế này thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu”.
* Ông đã nhập hộ khẩu về Hà Nội trước, sau đó nhập hộ khẩu cho vợ, con ông về cùng. Thế mà họ đòi cả giấy điều động công tác, giấy cấp nhà của ông?
- Thì đó mới là chuyện lạ. Sau khi tôi phát biểu chuyện này ở phiên họp của Ủy ban thường vụ QH, báo chí đăng lên thì họ mới có văn bản trả lời tôi về việc tôi nhập hộ khẩu cho bà xã. Nhưng nội dung trong văn bản trả lời hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi đang định viết một bài báo về việc này.

* Vậy nội dung họ trả lời ông như thế nào?
- Họ nói rằng tôi không muốn đưa vợ con xuống Hà Nội.

* Thế họ còn yêu cầu ông nộp gì nữa?
- Họ lại yêu cầu nộp giấy... đăng ký kết hôn. Nhưng giấy này thì tôi không có. Bởi lúc chúng tôi kết hôn chúng ta mới giành được chính quyền, chưa có ai cấp giấy đăng ký kết hôn cả. Bây giờ già thế này rồi, đã có con cái lấy vợ, lấy chồng, có cháu rồi mà họ còn yêu cầu muốn nhập hộ khẩu cho vợ tôi là phải có giấy kết hôn giữa nhà tôi và tôi. Điều này là hoàn toàn vô lý...
Tôi phải nhờ đến ông Phạm Chuyên cũng là đại biểu QH, giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nhưng cũng vẫn chưa giải quyết được.

* Ông từng nói họ có biểu hiện vòi vĩnh, thưa ông?
- Đúng. Vì họ cứ đòi hết giấy này lại giấy kia. Khi đủ rồi thì lại nói chưa được. Nói thật, nếu mình chi ít tiền chắc chắn sẽ xong ngay. Ngay cơ quan tôi, có cậu vừa từ miền núi về, đi lo hộ khẩu chỉ vài ngày là xong hết. Vợ con cậu ấy vẫn còn ở trên đó mà hộ khẩu ở Hà Nội thì đã đăng ký được rồi. Như thế, chắc chắn phải có cái mà nhà báo thường nêu ấy, đó là cái “đếm đếm”.

* Xin hỏi thật: đã khi nào ông cũng tính đến chuyện đưa cho họ cái “đếm đếm” cho xong việc để dành thời gian đi làm việc khác không?
- Mình đang là người làm luật mà lại đi làm chuyện ấy là sai.

* Đến khi nào vợ ông mới được nhập hộ khẩu?
- Khi tôi phát biểu chuyện này ở Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An đã giao cho Văn phòng Quốc Hội, sau đó anh em ở văn phòng giải quyết, đến cuối năm 2004 vợ tôi mới được nhập hộ khẩu về đây (ông Pao chuyển về Hà Nội từ năm 2000 - PV). Không biết anh em ở văn phòng có phải mất tiền nong gì không.

* Ông là ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH mà thấy việc bất bình như thế sao không lên tiếng ngay để các cơ quan có trách nhiệm giải quyết?
- Tôi đã lên tiếng nhiều rồi vì tôi thấy mình bị như thế thì chắc chắn người dân khác cũng vậy. Tôi tuy là ủy viên Trung ương, là chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nhưng ra ngoài xã hội hay đi giải quyết các công việc khác tôi cũng như người dân bình thường.

* Khi thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp này, một số đại biểu Quốc Hội đã lên tiếng rằng không nên duy trì cách thức quản lý theo hộ khẩu nữa mà nên quản lý theo nơi cư trú. Ý kiến ông ra sao?
- Trước đây trong thời bao cấp thì rõ ràng phải quản lý theo hộ khẩu vì nó liên quan chế độ lương thực, thực phẩm... Đến giờ, tôi thấy nếu quản lý theo hộ khẩu cũng chỉ để cơ quan chức năng nắm được ai đi, ai ở.
Trong khi những thủ tục để nhập hộ khẩu như hiện nay rườm rà quá, phải đơn giản hóa đi. Nhất là các qui định như phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy kết hôn... (mới được nhập hộ khẩu) là hoàn toàn vô lý và không cần thiết.

* Xin cảm ơn ông.

VĨNH PHÚC thực hiện

SDM  chép lại                                               

           

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

GIAN NAN CHUYỆN ĐĂNG KÍ HỘ KHẨU

             Cuối năm 1986 tôi chuyển vào công tác trong thành phố Hồ Chí Minh mang theo vợ con. Sau hơn hai năm xoay xở tôi dần dần ổn định được cuộc sống, cả ba đứa con tiếp tục được đi học  Năm 1988 đứa con gái đầu lòng của tôi tốt nghiệp cấp 3, chuẩn bị thi vào đại học. Nó đến Đại học Kinh tế nộp đơn, trường không nhận. Hỏi tại sao, nhân viên nhà trường nói: theo qui định, người không có hộ khẩu trong thành phố không được thi vào đại học.
Mấy năm qua tôi cho rằng chưa có hộ khẩu cũng chẳng sao, cứ từ từ. Bây giờ biết có qui định ấy tôi choáng váng. Nó không oái oăm như một qui định khác  “Không có nhà trong thành phố không được cấp hộ khẩu. Không có hộ khẩu không được mua nhà trong thành phố” nhưng nó vẫn làm tôi toát mồ hôi. Nếu con tôi không được vào đại học vì tôi không đăng kí hộ khẩu là tôi có tội với nó, với gia đình dòng họ.
Tôi vội viết ngay đơn mang lên cơ quan quản lí hộ khẩu của công an thành phố trên đường Trần Hưng Đạo. Kèm theo đơn là quyết định của bộ Quốc phòng điều vào công tác trong thành phố, quyết định của Tổng cục Chính trị cấp nhà, chứng minh thư sĩ quan, quyết định tặng huy hiệu 40 tuổi đảng …  Nộp đơn xong thản nhiên ngồi đợi, đinh ninh đơn sẽ được duyệt,  mươi ngày nữa sẽ có hộ khẩu. Nhưng nửa giờ sau cậu trợ lí trẻ măng mang ra trả lá đơn có bút phê của đại úy trưởng cơ quan “Trường hợp này không giải quyết”.
Tôi trực tiếp vào gặp vị đại úy, hỏi tại sao không giải quyết, thiếu tiêu chuẩn gì, đại úy đáp:
- Không giải quyết vì không thể giải quyết được.

Tôi hỏi tại sao không thể giải quyết được, vị đại úy giải thích:
            - Không giải quyết được vì đồng chí không thuộc diện được giải quyết. 

Tôi hỏi:
-Phải như thế nào mới thuộc diện được giải quyết? Tôi do bộ Quốc phòng điều vào công tác       trong thành phố mang theo gia đình mà không thuộc diện được cấp hộ khẩu ư?

Vị đại úy đáp:
- Ừ, trường hợp này không đủ điều kiện được cấp hộ khẩu.

Đại úy đứng phắt dậy bỏ vào buồng trong.
Tôi còn đến đây năm sáu lần nữa nhưng lần thì đại úy đi họp, lần thì thấy hàng chục người đứng đợi đông nghịt nên tôi lại quay về, biết chắc đến hết giờ làm việc vẫn chưa đến lượt mình. Một hôm tôi vừa ra đến cổng, một người đàn ông lớn tuổi hỏi bằng giọng Bắc:
 -Không được à?
Tôi chán ngán lắc đầu.
Người ấy giơ tay trước mặt tôi, xoa xoa ngón cái lên ngón trỏ ngụ ý phải đếm…đếm…
 Về nhà vắt tay lên trán nằm nghĩ mãi, tôi cho rằng phải có sự can thiệp của các vị lãnh đạo tối cao của thành phố mới giải quyết được vụ này. Nhiều ngày sau tôi tìm đến các nơi làm việc, đến tận nhà riêng xin gặp chủ tịch thành phố Phan Văn Khải, bí thư thành ủy Võ Trần Chí nhưng lần nào cũng bị lính gác, thư kí riêng, hoặc bác sĩ riêng tìm mọi cách từ chối, đuổi về. Có lần thoáng thấy bóng Chủ tịch Phan Văn Khải trong nhà nhưng người cán bộ đứng tiếp tôi ngoài cổng lại nói “Thủ trưởng đi họp Trung ương, không có nhà”. Một lần khác, tôi được trả lời “Thủ trưởng lên cơn đau tim, bác sĩ đang cấp cứu. Không tiếp khách”.
Tôi lại đến cơ quan công an định bụng chuyến này làm thật quyết liệt cho ra nhẽ. Ngồi đợi một lúc khá lâu thì một thiếu úy má búng ra sữa kéo tôi ra góc vắng nói nhỏ:
- Cháu thấy chú đi tới đi lui nhiều lần vất vả quá. Cháu nói câu này, chú nghe được thì nghe không thì chú bỏ ngoài tai …
            -  Cháu nói đi. Giúp chú với, chú kẹt lắm rồi.
- Người khác thì cứ mỗi khẩu ba cây. Chắc chú không có đủ mười lăm cây, chú chỉ mang năm cây tới là sau bẩy ngày có sổ hộ khẩu ngay.
 Tao làm gì có cây có cối! Mà dù có cũng không đời nào cho chúng mày ăn! Tôi rủa thầm trong bụng. Rồi về.
Chỉ còn nửa tháng nữa là hết hạn nộp đơn thi vào đại học. Đêm nằm nhẩm tính thấy đã gần ba chục lần gõ cửa các nơi mà vẫn không kết quả.
Nhất dạ sinh bách kế, sáng hôm sau, tôi đóng bộ nghiêm chỉnh, đeo quân hàm quân hiệu, đeo đủ mười tấm huân chương tôi đã dậy từ sớm bôi kem đánh răng chùi sạch mọi chỗ hoen rỉ mốc meo, đeo huy hiệu 40 tuổi đảng và gần hai chục tấm huy hiệu khác: huy hiệu Vì Thế hệ Trẻ, Tự vệ Chiến đấu Hoàng Diệu, Tù Chính trị, Đơn vị Anh hùng v.v. Rồi vuốt đi vuốt lại mãi cho bộ quân phục bớt nhăn nhúm, mới 5h30 sáng đã đạp xe đến đứng trước cửa Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đứng lâu tù cẳng, thỉnh thoảng tôi đi đi lại lại mươi bước cho đỡ chồn chân. Cậu lính gác ra khỏi bốt đến liếc mắt qua cầu vai, nhìn kĩ những thứ lấp lánh trên ngực áo tôi rồi bảo:
- Chú làm ơn đi quá ra xa xa một chút, đừng đi qua đi lại nhiều trước cổng cơ quan.
Lúc hơn 7h có chiếc xe con màu đen bóng loáng trườn tới sát vỉa hè, đỗ lại. Cửa xe mở, một người nhỏ nhắn, đứng tuổi bước xuống. Chẳng biết là ông nào, tôi đến trước mặt, đứng nghiêm giơ tay chào kiểu nhà binh:
-Xin gặp đồng chí năm phút ạ.

Ông ấy nhìn tôi rồi chỉ tay vào nhà.
-Mời đồng chí vào.

Thế là tôi vượt qua được hàng rào của bảo vệ, bác sĩ, thư kí riêng!
Trong căn phòng sáng sủa rộng chừng hơn bốn chục mét vuông có chiếc bàn to, sát tường trái có một người ngồi sau cái bàn đặt máy chữ.
Tôi lấy ra hết giấy tờ trong túi: quyết định của bộ Quốc phòng điều vào thành phố, chứng minh thư sĩ quan, quyết định tặng huy hiệu 40 tuổi đảng, quyết định cấp nhà… tất cả những giấy tờ bữa trước đã trình cơ quan công an, trên cùng là lá đơn có bút phê của viên đại úy công an ‘Trường hợp này không giải quyết’ rồi trình bày tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng: vào Thanh niên Cứu quốc từ 1942, bị tù Pháp tù Nhật, xung phong tham gia bộ đội Nam tiến năm 1945, cuối 1968 đi B lần thứ 2 xây dựng được hai đơn vị Anh hùng và chiến đấu cho đến ngày vào tiếp quản Sài Gòn v.v. Nguyên si những điều đã trình bày với đại úy công an trên đường Trần Hưng Đạo. Định nói về cậu thiếu úy ra giá 5 cây vàng nhưng rồi tôi nghĩ “Tha cho nó, nó hãy còn rất trẻ, sau này xã hội tiến lên sẽ không còn tệ nạn vòi vĩnh tham nhũng, nó sẽ trở thành người tốt.Vả lại lời nói gió bay, khẩu thiệt vô bằng, mình chẳng có chứng cứ gì trong tay…”
Ông ấy im lặng ngồi nghe, rồi quay sang bảo thư kí:
-Đồng chí đánh ngay công văn gửi sở Công an thành phố. Nội dung thế này…

Ông đọc từng câu cho thư kí gõ máy chữ lách tách, lách tách. Tôi ngồi nghe, nở từng khúc ruột.  Đánh máy xong thư kí mang đến xin chữ kí, đóng dấu, rồi đưa cho tôi một bản. Tôi nhìn ngay xuống chữ kí: Lê Quang Chánh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Bản công văn số 726/UB NC sau khi tóm tắt phần công sức tôi đã đóng góp, nhất là cho công cuộc giải phóng miền Nam, đoạn cuối viết: “ Xét đồng chí thuộc diện chính sách, gắn bó với chiến trường miền nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược và gắn bó với thành phố nhiều năm nay, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận để gia đình đồng chí gồm năm người (vợ, chồng, ba con) được thường trú tại chỗ đang ở” (công văn ghi rõ số nhà, tên phố, phường, quận, thành phố). Đề nghị Công an thành phố (Phòng PC 13) giải quyết thủ tục.
 TP. Hồ Chí Minh ngày 21 / 2 / 1989. Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Quang Chánh (kí tên. Đóng dấu). Sao y bản chính: Phó văn phòng Phan Kim Thảo.

Bẩy ngày sau công an quận mời tôi lên nhận sổ hộ khẩu.
Ngay hôm sau đơn xin thi của con tôi được chấp nhận. Sau cuộc thi tuyển nó thừa điểm đỗ vào đại học Kinh tế.
Tôi cất giữ tờ công văn có chữ kí phó chủ tịch Lê Quang Chánh không chỉ trong số giấy tờ và kỉ vật quí của gia đình mà ở trong lòng biết ơn, trong niềm tin tưởng  đất nước ta vẫn còn nhiều cán bộ, nhiều quan chức tốt, những người thầm lặng học và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh “Cần Kiệm Liêm Chí. Chí công vô tư”.
Khốn nỗi, nơi các vị ấy làm việc không có trống treo ngoài cổng để dân đánh trống  kêu oan như  cổng phủ Khai Phong của Bao Thanh Thiên thời nhà Tống bên Tàu!
                                                                                                                                              SĐM
 
Viết thêm: Hồi ấy -năm1989 tôi tin rằng “ Sau này sẽ không còn những kẻ như cậu thiếu úy công an đòi tôi phải đưa 5 cây vàng mới được cấp hộ khẩu, xã hội nước ta sẽ tốt đẹp hơn, không còn tệ nạn vòi vĩnh tham nhũng”.
           Nhưng chỉ ít lâu sau tôi đau xót nhận ra mình đã lầm. Ngày tháng trôi qua, nỗi đau càng đau thêm.
           Hơn hai mươi năm sau trên trang web Soha News ngày 12-9-2013 có bài của Bùi Hải viết dựa theo báo Trí thức trẻ. Tôi trích lại vài đoạn:
 “Ngày hôm qua, có một câu chuyện không mới nhưng vẫn gây chấn động dư luận. Chấn động vì hiện thực ấy mọi người đều biết cả nhưng không phải ai cũng dám khẳng định, nhất là lời khẳng định ấy phát ra từ miệng một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước.
“Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ gần 3 tỉ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc xin tiêm cho một cháu nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn. Ăn của dân không từ một thứ gì.”
“Nếu theo dõi thông tin trên báo chí thì tuần nào cũng có thể thấy cái đúc kết ngắn gọn của Phó chủ tịch nước trở thành hiện thực. Ăn của dân không từ một thứ gì. Người ta “ăn” cả những cái bao cao su dự án cấp phát miễn phí, “ăn” cả bồn cầu, bệ tiểu của học sinh khi nâng dự toán một nhà vệ sinh trường tiểu học bé con con lên hàng trăm triệu đồng, “ăn” cả mấy chục cân gạo cấp cho người nghèo neo đơn."
                                                                                                                                             SĐM



Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

TỰ CỨU MÌNH LÀ CHÍNH


          Những năm 1980 cuộc sống người Hà Nội hết sức cơ cực. Một số thứ thiết yều được phân phối ở mức tối thiểu qua tem phiếu.
Về thực phẩm, cán bộ cấp ‘đặc biệt’ được từ bảy cân rưỡi thịt, ba cân rưỡi đường/tháng trở lên; bộ trưởng hoặc tương đương (phiếu A) trước 1975 được sáu cân thịt, ba cân đường; sau 1975 còn bốn cân hai lạng thịt,  hai cân đường/tháng. Cán bộ trung cấp (phiếu C) trước 1975 được một cân rưỡi thịt, một cân đường/tháng; sau 1975 còn một cân thịt, tám lạng đường/tháng. Công nhân lao động nặng được một cân rưỡi thịt, bảy lạng rưỡi đường/tháng. Nhân dân (phiếu N) được ba lạng thịt và một lạng đường/tháng.
 Ngoài thịt, còn có đậu phụ, nước mắm.
Chất đốt là dầu hỏa, tiêu chuẩn của cán bộ và nhân dân bằng nhau: 4 lít/tháng.
Có giấy kết hôn được mua 1 màn đôi, 2kg bánh kẹo, 1 tút thuốc lá để tổ chức đám cưới.                             Có giấy báo tử được mua quan tài loại gỗ nhóm 4, kèm theo 10m vải xô hay vải trắng.
Tiêu chuẩn gạo trung bình 13,5 kg/người nhưng thường chỉ có một nửa thậm chí một phần ba là gạo còn lại là bo bo, khoai bi (củ khoai tây chỉ to bằng hòn bi), về sau thay bằng mì sợi do các lò thủ công sản xuất. Gọi là gạo nhưng nhiều hạt chỉ là vỏ hạt gạo do mối mọt bỏ lại sau khi nhấm nháp hết phần lõi, khi vo gạo nổi lềnh bềnh, mùi mốc sặc sụa. Mà mua đâu có dễ! Muốn mua sớm để kịp giờ đi làm, tôi phải dậy từ hai ba giờ sáng mang sổ gạo đến cửa hàng nhưng đến nơi đã thấy một dãy dài đứng xếp hàng xen kẽ với những cục gạch xí chỗ. Nhẩm tính thấy không đến lượt mình kịp mua trước giờ đi làm, tôi bỏ về. Có hôm chủ nhật đứng đến gần 8 giờ sáng chắc mẩm sắp đến lượt thì cô hàng gạo thông báo “Kho hết gạo”. Lại mang sổ về, gõ cửa hàng xóm năn nỉ xin vay.
Để có thêm chất tươi, tôi cải biến lôgia trước căn gác thành chuồng thỏ. Nuôi thỏ không tốn cơm gạo như nuôi gà, chỉ tốn công cắt cỏ. Xuống khỏi xe ca hàng ngày đưa đón cán bộ vào làm việc trong Hà Đông, sáng nào tôi và anh bạn Thế Trường cũng tranh thủ xách bao tải cầm liềm đi cắt cỏ. Sân bóng, các khoảng đất trong khuôn viên Học viện Chính trị có nhiều cỏ. Buổi chiều lên xe về Hà Nội hai chúng tôi mỗi người xách một bao tải đầy. Tuy chuồng thỏ suốt ngày đêm theo gió nam đưa mùi khó ngửi vào tận bàn ăn giường ngủ nhưng nhìn mấy đứa con ăn thịt thỏ ngon lành tôi cũng hả dạ.
Một sáng đi cắt cỏ ngang qua cửa sau nhà bếp, hai chúng tôi tình cờ bắt gặp một “chị nuôi” ngồi bên chảo canh nấu cho bữa ăn trưa đang vớt xương trong chảo ra thổi phù phù rồi gặm lấy gặm để. Gặm hết thịt, cô thản nhiên ném trả cục xương vào chảo canh. Thế Trường tức quá chửi:
-Đồ mất dạy! Phải cho mày một trận!

Tôi vội can :
-Thôi mà, thế là nó thương chúng mình đấy. Nó mà vứt vào thùng nước gạo thì chốc nữa chúng mình còn gì mà mút!
Thế Trường tỉnh ngộ,  lẳng lặng ngồi xuống cắt cỏ.
xxx

Trên đường đi học về hai đứa Xuân Phương, Thu Hằng con tôi lội bùn xuống mót những cuống rau muống già người chủ ruộng rau vứt bỏ, mang về khoe: “Có rau nấu canh rồi bố ơi!”. Trước khi đi làm tôi dặn: “Phải băm nhỏ ra hầm thật dừ mới nuốt nổi”.
Chiều được nghỉ học hai con chị ngồi băm, thằng em Nhị Hà chăm chú nhặt từng mẩu rau văng ra xa. Ba chị em đang chuẩn bị món rau hầm thì chú Thông bạn bố từ hồi ở Việt Bắc đến chơi. Chú đứng nhìn một lúc, tấm tắc khen:
 - Giỏi thật, ba chị em chúng mày lít nhít thế kia mà đã chịu khó băm rau giúp bố mẹ nuôi lợn. Nuôi được mấy con ?
Xuân Phương lây nhiễm thói ỡm ờ của bố nó thản nhiên đáp:
- Ba con ạ.
xxx
Tuy Hà Nội có Vua Lốp rất tài giỏi làm được những chiếc lốp “Quyết thắng” nổi tiếng khắp thủ đô nhưng mới đây Vua Lốp bị tù oan, xưởng lốp đóng cửa nên người đi xe đạp lại khổ sở vì chuyện lốp xe. Chúng tôi cũng chẳng thoát.
Ban Tổng kết Chiến tranh có tám cán bộ, mỗi người một chiếc xe đạp cà tàng. Hôm phòng hậu cần Tổng cục Chính trị báo tin ban được phân phối một chiếc lốp, trưởng ban Đinh Dư ấn định ngày tổ chức bình xét người được mua. Sáu người xin rút khỏi cuộc bình chọn vì biết thân biết phận: tuy lốp xe mình đã nhẵn thín nhưng còn vá víu đi tạm được.
Còn lại Nguyễn Thượng Hiền và Trần Giang đối đầu nhau.
Sáng hôm bình xét, trước khi lên đường Hiền dùng kéo cắt hết mấy đường chỉ khâu chỗ lốp nứt cũ, tháo hết hơi, đi bộ dắt xe tới trường, chắc mẩm với sáng kiến này mình sẽ được mua chiếc lốp độc nhất. Nhưng khi Trần Giang dắt xe tới, hội đồng bình xét thấy ngay Giang mới là người xứng đáng: lốp sau toạc một miếng dài hơn gang tay, dài hơn chỗ nứt ở lốp xe của Hiền (trước khi đi Giang đã dùng dao rạch dài thêm chỗ nứt cũ).
 Nguyễn Thượng Hiền ngậm ngùi dắt xe ra thuê thợ vá chín chỗ lốp vừa tự tay rạch thủng lúc sáng.
Không chỉ lốp xe đạp mà vải thâm may quần nữ, áo ba lỗ của nam cũng phải bình xét hoặc rút thăm. Nhà văn Nguyễn Tuân cám cảnh tuôn ra mấy câu lẩy Kiều “Bắt cởi trần phải cởi trần, Cho thanh cao mới được phần may ô”.
xxx
Cuộc sống với những cảnh dở khóc dở cười đó rất gay go cho những người sống bằng đồng lương, nếu có vài đứa con đang tuổi ăn học càng bi đát. Cuối năm 1986 tình hình càng nguy ngập, đồng lương còm của tôi không sao nuôi nổi 5 miệng ăn trong đó có 3 đứa con đang đi học, đứa lớn nhất cấp 3, đứa nhỏ nhất cấp 1. Tôi đề nghị thượng tướng Đặng Vũ Hiệp phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị:
-Anh cho tôi vào Sài Gòn, mang theo vợ con. Vào trong ấy may ra tôi còn xoay xở nuôi chúng nó được ăn được học chứ ở ngoài này tôi bó tay.
Hiệp suy nghĩ vài giây rồi nói:
-Trong ấy không còn cái ghế nào vừa với ông.

Tôi nói ngay:
-Không cần ghế, ngồi dưới đất cũng được. Với tôi bây giờ không phải là chuyện ghế cao ghế thấp mà là sức khỏe và học hành của ba đứa con. Anh cứ cho tôi vào.
Tôi xin vào thành phố vì tin chắc vào trong ấy sẽ dễ sống hơn. Khi Nguyễn Văn Linh rút khỏi bộ Chính trị trở về làm bí thư thành ủy năm 1981, ông ủng hộ những hành động xé rào dưới thời bí thư Võ Văn Kiệt, bật đèn xanh cho các cơ sở công thương nghiệp bung ra sản xuất - kinh doanh có hiệu quả nhờ vậy thành phố Hồ Chí Minh có bước nhảy vọt. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 1976 - 1980 chỉ 2,2% năm sang giai đoạn 1981 - 1985 tăng lên 8,2% năm. Tỷ lệ thu ngân sách tăng từ 10% năm 1980 lên 18,5% năm 1985. Nhờ vậy đời sống của cán bộ các ngành các cấp được cải thiện đáng kể, không khí chung khá dễ thở, con đường mưu sinh thông thoáng hơn ở Hà Nội.
Thấy tôi nằng nặc đòi, Đặng Vũ Hiệp đành phải kí quyết định cử tôi vào làm giảng viên chính trị ở phân hiệu Học viện Quân y trong thành phố Hồ Chí Minh. Giảng viên thường thôi, không vai vế gì.
Tôi mừng lắm, rối rít cám ơn Hiệp.
Tôi vào đến nơi đúng lúc bộ Quốc phòng giao Học viện mở lớp tập huấn cho khoảng 40 y sĩ, bác sĩ Cămpuchia, chương trình chính trị do tôi đảm nhiệm. Tôi vừa lo chuẩn bị giáo án, tu sửa căn nhà xiêu vẹo, dột nát, vừa nghĩ cách cải thiện mức sống. Cân nhắc hồi lâu tôi quyết định mở quán cà phê. Biết tin, các bạn trong đơn vị tới giúp mỗi người một tay: Đăng Việt lắp bàn cầu vệ sinh, Phúc nhặt nhạnh các mảnh ván đóng bàn đóng ghế…
Bà vợ ông đại tá nhà bên cạnh thấy thế cũng tính chuyện mở quán nhậu. Bà đang trang trí quầy hàng, nhào đất đắp bếp lò thì ông chồng vừa đi công tác về. Ông quát:
-Dẹp! dẹp hết! Vợ đại tá mà bán cháo lòng à? Bán hàng ăn lãi cũng là bóc lột! Dẹp ngay!
Tôi không sợ xấu mặt cũng chẳng lo biến thành tên bóc lột, cứ ráo riết chuẩn bị. Ông đại tá hàng xóm sang chất vấn:
-Bác vẫn kiên trì mở quán à? Lê nin nói: “Sản xuất nhỏ từng giờ từng phút đẻ ra chủ nghĩa tư bản” bác còn nhớ chứ?

Tôi đáp:
-Nhớ. Thuộc lòng là khác. Chính vì thế tôi tin chắc cái sản xuất nhỏ này sẽ đẻ ra tư bản thật nhanh thật nhiều để vợ con khỏi đói rách khỏi thất học.
xxx

Một buổi sáng mặt trời mới ló, Thiết Vũ – bạn học trường Bưởi, mới xuất bản vở kịch “Dạ khúc”- cưỡi xe Dream đến rủ tôi đi ăn sáng. Vào quán phở Thiết Vũ gọi hai bát tái gầu, dặn: “Một bát cho thêm hột gà”. Phở bưng ra, Thiết Vũ bảo:
 -Ông chén bát có trứng đi. Gầy và xanh thế kia, ốm thì khổ vợ khổ con.

Vài ba ngày Thiết Vũ lại chở đi ăn phở để bồi dưỡng sức khỏe cho tôi.
Thái Thị Chi Lan cô tiểu thư con nhà quan học cùng lớp, năm 1945 đã nhiều lần tiếp tế chè lam phủ Quảng, tôm he rim, cá thu kho khi tôi bị tù ở Thanh Hóa tìm đến nhà:
-Sau bao năm chiến tranh ác liệt mà anh em mình còn được gặp lại nhau như thế này ư? Mừng ơi là mừng!
Mừng quá, Chi Lan ôm mặt khóc rưng rức!
Lần nào đến thăm Lan cũng cho quà, hôm thì chai nước mắm Phú Quốc, hôm một cân đường. Lan còn luân phiên Thiết Vũ đưa tôi ra Thủ khoa Huân ăn sáng, hôm bún ốc, hôm bún chả. 
Thấy Chi Lan lần nào cũng ngự xế lô từ phố Tú Xương đến đây khá xa, tôi hỏi:
-Sao không đi xe máy, anh thấy trong nhà có xe máy cơ mà?
-Xe của thằng con đấy chứ ạ. Em có biết đi xe máy đâu. Hồi trước giải phóng em toàn lái xe hơi.
-Xe đâu rồi?
-Hồi cải tạo tư sản thấy họ làm dữ quá em phát hoảng phải tống vội đi sợ bị qui là tư sản thì chết.
-Em kinh doanh gì mà sợ bị qui thành tư sản?
-Kinh doanh nghề… nội trợ. Chỉ ở nhà lo cơm nước, thỉnh thoảng dạy tiếng Anh cho một hai đứa trẻ con. Dạy cho vui, không lấy tiền vì chúng nó toàn là con các bạn.. Cát sê của ca sĩ Thanh Lan con gái em cũng kha khá nên tạm đủ tiêu. Anh Vịnh ông xã em thì ốm đau nhiều chẳng kinh doanh buôn bán gì. Nhưng vẫn sợ vì nghe tin ngoài Bắc nhà nước tịch thu tài sản của những người có nhà từ hai tầng trở lên. Nhà em hai tầng, trong khuôn viên lại có bể bơi  nho nhỏ nữa.
-Anh đến có thấy bể bơi đâu…
-Bọn em sợ, phải đổ đất vào cho cỏ mọc lấp kín đi.
xxx
Võ Duy Linh mách nước:
 -Anh nên đăng kí làm thành viên viện Trao đổi Văn hóa với Pháp. Nó có rất nhiều tiểu thuyết, báo chí. Thấy quyển nào hay, anh dịch em sẽ in.
Tôi tới đăng kí, mượn nhiều cuốn bestseller về đọc. Cô Đắc Vị ở Paris về thăm mang theo hàng chục cuốn của cô Lê ở Thụy Sĩ nhờ mang về tặng tôi. Những cuốn sách “bỏ túi” (Livre de Poche) của Pierre Bellemare, Jacques Antoine tuy viết về các vụ án hình sự nhưng không nặng về miêu tả các chi tiết li kì rùng rợn mà có chất văn học rất rõ. Thấy những câu chuyện sinh động này có tác dụng nâng cao cảnh giác và trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân, có tác dụng tốt đối với những người có trách nhiệm truy bắt, xét xử bọn tội phạm nên tôi cặm cụi ngồi dịch. Sau vài tháng, Võ Duy Linh in bộ  Hồ sơ Interpol nhiều tập, bán rất chạy.
Hôm tới đưa nhuận bút, Linh nói:
 -Thấy anh viết tay vất vả quá, em tặng anh chiếc máy chữ Royal này. Tuy cũ nhưng còn tốt lắm. Mổ cò lạch cạch vẫn hơn ngồi mài bút gẫy lưng.
Chi Lan đến chơi thấy tôi vẫn cắm đầu dịch tuy đang là chủ nhật liền giằng quyển sách:
-Anh để em dịch đỡ cho, được nhiều được ít gì cũng là giúp anh một tay.
Thiết Vũ đọc sách thấy cuốn nào hay lại mang đến, bảo:
-Ông dịch đi. Bán được đấy.
Trên bàn viết, dần dần các cuốn sách chất cao bằng đầu: sách về các vụ án hình sự nổi tiếng thế giới, sách văn học,sách hướng dẫn nuôi dạy con cái, phòng bệnh chăm sóc sức khỏe…Tôi tự nhủ “Mình sẽ dịch bằng hết những cuốn hay và bổ ích. Kho tàng tri thức này rất quí, phải tạo điều kiện để những người không biết tiếng nước ngoài cũng tiếp cận được, bỏ phí là có tội. Vả lại đây là chiếc cần câu cơm rất hiệu nghiệm. Người Sài Gòn chăm đọc sách báo, mình không sợ ế”.
Qua những bài báo cuốn sách được in dần dần tôi trở thành cộng tác viên của nhiều nhà xuất bản và tòa báo… Tiếng lành đồn xa, một đầu nậu đến gặp tôi, đưa cuốn tiểu thuyết của một tác giả Mĩ.
-Anh dịch, tôi trả nhuận bút gấp ba mức thông thường. Anh sẽ có mười cây vàng.
Tôi đọc lướt qua, mang đi trả ngay:
-Nhiều trang nhầy nhụa quá, in ra sẽ có hại cho các cháu thanh niên, trước tiên là con tôi, con anh. Anh đừng thuê dịch, đừng in quyển này.
Sau đó, không thấy tiểu thuyết Trong ngục tù dục vọng xuất hiện trên thị trường.
Nhờ các khoản nhuận bút tôi trả được học phí mua được quần áo tươm tất cho ba đứa con, đứa lớn được học thêm lớp võ Taekwondo, thằng út có ‘gia sư’ mỗi tuần hai buổi đến nhà dậy kèm môn toán lý hóa, tôi tậu được xe đạp để đi làm và đưa đón thằng út đi học, vài năm sau mua được chiếc xe máy “nghĩa địa” cho hai đứa con gái chở nhau tới trường đại học. Rồi mắc điện thoại, mua máy tính nối mạng bằng đường truyền dial-up… Nếu không vào thành phố Hồ Chí Minh có lẽ phải 5, 6 năm nữa mới được như thế.
Đôi lúc ngồi uống cà phê nhớ lại hồi 1986 học nghị quyết đại hội VI ở Hà Nội tôi đã nói “Trong tình thế này mỗi đảng viên phải lo tự cứu mình là chính”. Hôm sau phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tổng kết đợt học lớn tiếng phê “Nói ‘phải tự cứu mình’ là sai lầm nghiêm trọng, là mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng!”
Mỗi khi nghe tôi kể lại chuyện này các bạn tôi đều bật cười! Vui ra phết.
                                                                                                                                       SĐM