Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

GIAN NAN CHUYỆN ĐĂNG KÍ HỘ KHẨU

             Cuối năm 1986 tôi chuyển vào công tác trong thành phố Hồ Chí Minh mang theo vợ con. Sau hơn hai năm xoay xở tôi dần dần ổn định được cuộc sống, cả ba đứa con tiếp tục được đi học  Năm 1988 đứa con gái đầu lòng của tôi tốt nghiệp cấp 3, chuẩn bị thi vào đại học. Nó đến Đại học Kinh tế nộp đơn, trường không nhận. Hỏi tại sao, nhân viên nhà trường nói: theo qui định, người không có hộ khẩu trong thành phố không được thi vào đại học.
Mấy năm qua tôi cho rằng chưa có hộ khẩu cũng chẳng sao, cứ từ từ. Bây giờ biết có qui định ấy tôi choáng váng. Nó không oái oăm như một qui định khác  “Không có nhà trong thành phố không được cấp hộ khẩu. Không có hộ khẩu không được mua nhà trong thành phố” nhưng nó vẫn làm tôi toát mồ hôi. Nếu con tôi không được vào đại học vì tôi không đăng kí hộ khẩu là tôi có tội với nó, với gia đình dòng họ.
Tôi vội viết ngay đơn mang lên cơ quan quản lí hộ khẩu của công an thành phố trên đường Trần Hưng Đạo. Kèm theo đơn là quyết định của bộ Quốc phòng điều vào công tác trong thành phố, quyết định của Tổng cục Chính trị cấp nhà, chứng minh thư sĩ quan, quyết định tặng huy hiệu 40 tuổi đảng …  Nộp đơn xong thản nhiên ngồi đợi, đinh ninh đơn sẽ được duyệt,  mươi ngày nữa sẽ có hộ khẩu. Nhưng nửa giờ sau cậu trợ lí trẻ măng mang ra trả lá đơn có bút phê của đại úy trưởng cơ quan “Trường hợp này không giải quyết”.
Tôi trực tiếp vào gặp vị đại úy, hỏi tại sao không giải quyết, thiếu tiêu chuẩn gì, đại úy đáp:
- Không giải quyết vì không thể giải quyết được.

Tôi hỏi tại sao không thể giải quyết được, vị đại úy giải thích:
            - Không giải quyết được vì đồng chí không thuộc diện được giải quyết. 

Tôi hỏi:
-Phải như thế nào mới thuộc diện được giải quyết? Tôi do bộ Quốc phòng điều vào công tác       trong thành phố mang theo gia đình mà không thuộc diện được cấp hộ khẩu ư?

Vị đại úy đáp:
- Ừ, trường hợp này không đủ điều kiện được cấp hộ khẩu.

Đại úy đứng phắt dậy bỏ vào buồng trong.
Tôi còn đến đây năm sáu lần nữa nhưng lần thì đại úy đi họp, lần thì thấy hàng chục người đứng đợi đông nghịt nên tôi lại quay về, biết chắc đến hết giờ làm việc vẫn chưa đến lượt mình. Một hôm tôi vừa ra đến cổng, một người đàn ông lớn tuổi hỏi bằng giọng Bắc:
 -Không được à?
Tôi chán ngán lắc đầu.
Người ấy giơ tay trước mặt tôi, xoa xoa ngón cái lên ngón trỏ ngụ ý phải đếm…đếm…
 Về nhà vắt tay lên trán nằm nghĩ mãi, tôi cho rằng phải có sự can thiệp của các vị lãnh đạo tối cao của thành phố mới giải quyết được vụ này. Nhiều ngày sau tôi tìm đến các nơi làm việc, đến tận nhà riêng xin gặp chủ tịch thành phố Phan Văn Khải, bí thư thành ủy Võ Trần Chí nhưng lần nào cũng bị lính gác, thư kí riêng, hoặc bác sĩ riêng tìm mọi cách từ chối, đuổi về. Có lần thoáng thấy bóng Chủ tịch Phan Văn Khải trong nhà nhưng người cán bộ đứng tiếp tôi ngoài cổng lại nói “Thủ trưởng đi họp Trung ương, không có nhà”. Một lần khác, tôi được trả lời “Thủ trưởng lên cơn đau tim, bác sĩ đang cấp cứu. Không tiếp khách”.
Tôi lại đến cơ quan công an định bụng chuyến này làm thật quyết liệt cho ra nhẽ. Ngồi đợi một lúc khá lâu thì một thiếu úy má búng ra sữa kéo tôi ra góc vắng nói nhỏ:
- Cháu thấy chú đi tới đi lui nhiều lần vất vả quá. Cháu nói câu này, chú nghe được thì nghe không thì chú bỏ ngoài tai …
            -  Cháu nói đi. Giúp chú với, chú kẹt lắm rồi.
- Người khác thì cứ mỗi khẩu ba cây. Chắc chú không có đủ mười lăm cây, chú chỉ mang năm cây tới là sau bẩy ngày có sổ hộ khẩu ngay.
 Tao làm gì có cây có cối! Mà dù có cũng không đời nào cho chúng mày ăn! Tôi rủa thầm trong bụng. Rồi về.
Chỉ còn nửa tháng nữa là hết hạn nộp đơn thi vào đại học. Đêm nằm nhẩm tính thấy đã gần ba chục lần gõ cửa các nơi mà vẫn không kết quả.
Nhất dạ sinh bách kế, sáng hôm sau, tôi đóng bộ nghiêm chỉnh, đeo quân hàm quân hiệu, đeo đủ mười tấm huân chương tôi đã dậy từ sớm bôi kem đánh răng chùi sạch mọi chỗ hoen rỉ mốc meo, đeo huy hiệu 40 tuổi đảng và gần hai chục tấm huy hiệu khác: huy hiệu Vì Thế hệ Trẻ, Tự vệ Chiến đấu Hoàng Diệu, Tù Chính trị, Đơn vị Anh hùng v.v. Rồi vuốt đi vuốt lại mãi cho bộ quân phục bớt nhăn nhúm, mới 5h30 sáng đã đạp xe đến đứng trước cửa Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đứng lâu tù cẳng, thỉnh thoảng tôi đi đi lại lại mươi bước cho đỡ chồn chân. Cậu lính gác ra khỏi bốt đến liếc mắt qua cầu vai, nhìn kĩ những thứ lấp lánh trên ngực áo tôi rồi bảo:
- Chú làm ơn đi quá ra xa xa một chút, đừng đi qua đi lại nhiều trước cổng cơ quan.
Lúc hơn 7h có chiếc xe con màu đen bóng loáng trườn tới sát vỉa hè, đỗ lại. Cửa xe mở, một người nhỏ nhắn, đứng tuổi bước xuống. Chẳng biết là ông nào, tôi đến trước mặt, đứng nghiêm giơ tay chào kiểu nhà binh:
-Xin gặp đồng chí năm phút ạ.

Ông ấy nhìn tôi rồi chỉ tay vào nhà.
-Mời đồng chí vào.

Thế là tôi vượt qua được hàng rào của bảo vệ, bác sĩ, thư kí riêng!
Trong căn phòng sáng sủa rộng chừng hơn bốn chục mét vuông có chiếc bàn to, sát tường trái có một người ngồi sau cái bàn đặt máy chữ.
Tôi lấy ra hết giấy tờ trong túi: quyết định của bộ Quốc phòng điều vào thành phố, chứng minh thư sĩ quan, quyết định tặng huy hiệu 40 tuổi đảng, quyết định cấp nhà… tất cả những giấy tờ bữa trước đã trình cơ quan công an, trên cùng là lá đơn có bút phê của viên đại úy công an ‘Trường hợp này không giải quyết’ rồi trình bày tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng: vào Thanh niên Cứu quốc từ 1942, bị tù Pháp tù Nhật, xung phong tham gia bộ đội Nam tiến năm 1945, cuối 1968 đi B lần thứ 2 xây dựng được hai đơn vị Anh hùng và chiến đấu cho đến ngày vào tiếp quản Sài Gòn v.v. Nguyên si những điều đã trình bày với đại úy công an trên đường Trần Hưng Đạo. Định nói về cậu thiếu úy ra giá 5 cây vàng nhưng rồi tôi nghĩ “Tha cho nó, nó hãy còn rất trẻ, sau này xã hội tiến lên sẽ không còn tệ nạn vòi vĩnh tham nhũng, nó sẽ trở thành người tốt.Vả lại lời nói gió bay, khẩu thiệt vô bằng, mình chẳng có chứng cứ gì trong tay…”
Ông ấy im lặng ngồi nghe, rồi quay sang bảo thư kí:
-Đồng chí đánh ngay công văn gửi sở Công an thành phố. Nội dung thế này…

Ông đọc từng câu cho thư kí gõ máy chữ lách tách, lách tách. Tôi ngồi nghe, nở từng khúc ruột.  Đánh máy xong thư kí mang đến xin chữ kí, đóng dấu, rồi đưa cho tôi một bản. Tôi nhìn ngay xuống chữ kí: Lê Quang Chánh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Bản công văn số 726/UB NC sau khi tóm tắt phần công sức tôi đã đóng góp, nhất là cho công cuộc giải phóng miền Nam, đoạn cuối viết: “ Xét đồng chí thuộc diện chính sách, gắn bó với chiến trường miền nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược và gắn bó với thành phố nhiều năm nay, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận để gia đình đồng chí gồm năm người (vợ, chồng, ba con) được thường trú tại chỗ đang ở” (công văn ghi rõ số nhà, tên phố, phường, quận, thành phố). Đề nghị Công an thành phố (Phòng PC 13) giải quyết thủ tục.
 TP. Hồ Chí Minh ngày 21 / 2 / 1989. Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Quang Chánh (kí tên. Đóng dấu). Sao y bản chính: Phó văn phòng Phan Kim Thảo.

Bẩy ngày sau công an quận mời tôi lên nhận sổ hộ khẩu.
Ngay hôm sau đơn xin thi của con tôi được chấp nhận. Sau cuộc thi tuyển nó thừa điểm đỗ vào đại học Kinh tế.
Tôi cất giữ tờ công văn có chữ kí phó chủ tịch Lê Quang Chánh không chỉ trong số giấy tờ và kỉ vật quí của gia đình mà ở trong lòng biết ơn, trong niềm tin tưởng  đất nước ta vẫn còn nhiều cán bộ, nhiều quan chức tốt, những người thầm lặng học và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh “Cần Kiệm Liêm Chí. Chí công vô tư”.
Khốn nỗi, nơi các vị ấy làm việc không có trống treo ngoài cổng để dân đánh trống  kêu oan như  cổng phủ Khai Phong của Bao Thanh Thiên thời nhà Tống bên Tàu!
                                                                                                                                              SĐM
 
Viết thêm: Hồi ấy -năm1989 tôi tin rằng “ Sau này sẽ không còn những kẻ như cậu thiếu úy công an đòi tôi phải đưa 5 cây vàng mới được cấp hộ khẩu, xã hội nước ta sẽ tốt đẹp hơn, không còn tệ nạn vòi vĩnh tham nhũng”.
           Nhưng chỉ ít lâu sau tôi đau xót nhận ra mình đã lầm. Ngày tháng trôi qua, nỗi đau càng đau thêm.
           Hơn hai mươi năm sau trên trang web Soha News ngày 12-9-2013 có bài của Bùi Hải viết dựa theo báo Trí thức trẻ. Tôi trích lại vài đoạn:
 “Ngày hôm qua, có một câu chuyện không mới nhưng vẫn gây chấn động dư luận. Chấn động vì hiện thực ấy mọi người đều biết cả nhưng không phải ai cũng dám khẳng định, nhất là lời khẳng định ấy phát ra từ miệng một vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước.
“Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ gần 3 tỉ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc xin tiêm cho một cháu nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn. Ăn của dân không từ một thứ gì.”
“Nếu theo dõi thông tin trên báo chí thì tuần nào cũng có thể thấy cái đúc kết ngắn gọn của Phó chủ tịch nước trở thành hiện thực. Ăn của dân không từ một thứ gì. Người ta “ăn” cả những cái bao cao su dự án cấp phát miễn phí, “ăn” cả bồn cầu, bệ tiểu của học sinh khi nâng dự toán một nhà vệ sinh trường tiểu học bé con con lên hàng trăm triệu đồng, “ăn” cả mấy chục cân gạo cấp cho người nghèo neo đơn."
                                                                                                                                             SĐM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét