Ngay khi đưa quân tái xâm lược nước ta, thực
dân Pháp đã có ý đồ chiếm đóng Tây Bắc. Trước ngày 19-12-1946 chúng đã chiếm
toàn tỉnh Lai Châu và một phần tỉnh Sơn La; mùa thu năm 1947, chúng chiếm hết
Sơn La và một phần tỉnh Hòa Bình, kiểm soát phần lớn vùng Tây Bắc. Tiếp đó,
chúng mở cuộc tiến công lên Việt Bắc (Thu - Đông 1947), chiếm tỉnh Lào Cai, các
huyện Nghĩa Lộ, Văn Bàn của Yên Bái và một phần phía tây tỉnh Phú Thọ, kiểm
soát trên 2 vạn km2 và gần 20 vạn nhân khẩu, thành lập được chính quyền bù
nhìn, tuyển mộ ngụy binh dễ dàng… Về chính trị, lợi dụng đời sống khó khăn của
nhân dân ta, chúng đưa ra chiêu bài “Xứ Thái tự trị”.
Hội nghị Quân sự lần thứ nhất (tháng
1-1947) nhận định: “ Căn cứ địa rừng núi miền Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có một
giá trị chiến lược rất quan trọng đối với miền Tây Bắc Việt Nam và miền Bắc
Đông Dương”… “phải đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền, tiến tới chiến
tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa để mở rộng khu vực tự do”.
Chấp hành nghị quyết trên, Bộ Tổng chỉ
huy quyết định mở Mặt trận miền Tây gồm các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Bắc trên
biên giới giáp Lào, phối hợp với bạn
đánh địch ở Sầm Nưa; tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, phá thế uy hiếp
Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của chúng. Phương châm hoạt động trên đất bạn là vừa
đánh địch vừa vũ trang tuyên truyền.
Cùng với việc thành lập các đơn vị Tây
tiến và Ban Xung phong Tây Bắc, Bộ Tổng Chỉ huy
quyết định xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở đường tiến lên Điện Biên Phủ,
lập mặt trận trong lòng địch ở Lai Châu.
Khu XIV được thành lập gồm các huyện bên hữu ngạn
sông Hồng của Phú Thọ, Yên Bái, các tỉnh Lào Cai, Sơn La và Lai Châu. Nguyễn
Lam nguyên bí thư Nam Định hồi 1945-46 làm bí thư khu ủy.
Nguyễn Lam thương lượng với trưởng phòng
dân quân khu X Nguyễn Trọng Tỉnh điều tôi sang phụ trách dân quân du kích khu
XIV.
Sau 2 tháng ngồi đọc báo cáo của các tỉnh
đội Sơn La, Phú Thọ, nghiên cứu bản đồ vùng Tây bắc rộng mênh mông chi chít đồn
giặc tôi bắt đầu thấy buồn chán.
Một hôm Nguyễn Lam đưa cho tôi xem bản
chỉ thị “Xây dựng căn cứ địa Tây bắc” của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ lâu tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của
căn cứ địa. Ngay từ thuở đầu tham gia cách mạng năm 1942, những mẩu tin về chiến khu Việt Bắc về đội Việt
nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã làm tôi mê mẩn với hình ảnh những bản làng
sạch bóng quân thù, nhân dân làm chủ, những chiến sĩ áo chàm chân quấn xà cạp cầm
súng đứng gác trước trụ sở Ủy ban Giải phóng, những đêm thắng trận trở về nằm nghe suối hát, ngắm ánh trăng múa
khúc Nghê Thường bên những tảng đá trầm tư… Trong những năm 1944-45 tôi đã cùng
Hoàng Đức Bình lặn lội khắp vùng Khả Cửu, Võ Miếu tỉnh Phú Thọ, cùng Lã Triều
Khu tới Ba Đình tỉnh Thanh Hóa tìm địa điểm lập chiến khu.
Đọc
xong bản chỉ thị của Đại tướng, tôi đề nghị với bí thư Nguyễn Lam:
- Anh
cho tôi dẫn một đội võ trang tuyên truyền thọc sâu vào địch hậu xây dựng cơ sở
quần chúng. Tôi muốn trực tiếp góp sức xây dựng căn cứ địa Tây Bắc.
Nguyễn
Lam chần chừ một lúc lâu rồi gật đầu:
- Đồng
ý.
Đội Võ trang Tuyên truyền Tây Bắc tiến ra
đời. Tôi là đội trưởng, Cầm Đan Quế người Thái Sơn La là đội phó. Đội viên gồm
10 dân quân do huyện đội Cẩm Khê cung cấp và 10 thanh niên người Thái Sơn La của
trại tản cư. Vũ khí: 6 khẩu súng trường dóp 3 dóp 5 của Pháp, 6 súng kíp, 2 quả
mìn làm bằng đầu đạn pháo 85 li, 1 ống phóng lựu, mỗi người 2 quả lựu đạn lọ mực.
Y tá Cừ có 2 ống thuốc sốt rét Praemaline, 1 gói bông và 2 cuộn băng.
20 đội viên được biên chế thành 2 tiểu đội,
một tiểu đội người Kinh do Tuyền nguyên tiểu đội trưởng du kích xã chỉ huy, một
tiểu đội người Thái do Hồm làm tiểu đội trưởng.. Thoạt tiên tôi định bố trí xen
kẽ đội viên người Thái với người Kinh trong từng tiểu đội nhưng nghĩ lại thấy
cung cách sinh hoạt, phong tục tập quán của hai tộc người có nhiều điểm khác
nhau nên tôi tách riêng ra. Lại nghĩ: mình là người Kinh, phải đề phòng anh em
Thái cho là mình thiên vị người Kinh nên tôi dồn cả 6 khẩu mutcơtông cho tiểu đội
Hồm, giao cho tiểu đội Tuyền cáng đáng 2 quả mìn nặng lặc lè, khẩu phóng lựu với
2 sọt đạn, 6 khẩu súng kíp.
Hôm đội lên đường, bí thư khu ủy Nguyễn
Lam tới dự lễ xuất phát, tặng tôi khẩu Sten anh đang dùng.
Cùng hành quân luồn vào hậu địch với đội
Tây bắc tiến còn có hai cô gái Thái ở trại tản cư xin đi theo để về với bố mẹ ở
Mộc Châu.
×××
Năm 1947 tất cả những làng giáp ranh giữa
huyện Yên Lập và huyện Thanh Sơn của Phú Thọ đều dưới quyền kiểm soát của quân
Pháp. Hàng ngày bọn chỉ huy cứ điểm Thu Cúc tung quân sục sạo khắp các làng vơ
vét lúa gạo gà vịt trâu bò, lùng bắt phụ nữ, triệt phá cơ sở cách mạng… Dọc đường
không còn những túp lều bán quà “tự giác” hồi 1945-46, những túp lều đơn sơ,
mái lá chuối mỏng tang che chiếc chõng nhỏ bày khúc sắn, nải chuối, không người
trông coi. Khách qua đường đói bụng cứ việc ăn, rồi tùy tâm trả tiền vào chiếc
giỏ treo bên mép chõng.
Đi hết địa phận huyện Thanh Sơn, đội
không còn được du kích dẫn đường phải tự xác định hướng đi. Đôi chân trần của chúng
tôi phải vượt qua không biết bao nhiêu núi đá tai mèo sắc nhọn, lội qua hàng
trăm khúc suối lạnh ngắt. Vất vả nhất là cậu Lâm gánh hai sọt mỗi sọt 20 quả đạn
phóng lựu nặng ngót nghét hai chục cân. Các đội viên khác đều lỉnh kỉnh nào
súng nào dao, bọc quần áo, bao gạo nên chẳng tương trợ gì được. May mà cô em Noọng
Ngàm rất sốt sắng thỉnh thoảng ghé vai gánh đỡ Lâm khi qua những đoạn đường
quang đãng bằng phẳng. Gánh nặng phải nghỉ nhiều nên hai cô cậu thường tụt lại
phía sau.
Hôm qua con suối gần xã Quang Huy cậu
Lâm đang lội bất chợt giương thẳng hai tay nâng gánh đạn lên khỏi đầu đúng lúc chân
bước hụt xuống hố sâu nước ngập tận cằm. Noọng Ngàm đi phía sau vội kéo phắt
váy lên cao dò dò chân bước thật chậm sợ tụt xuống hố. Lâm quay lại nhìn chằm
chằm một lúc lâu. Rồi hắn đứng lên, nước lúc này chỉ ngang đầu gối. Thì ra hắn
vừa quì xuống giả vờ tụt hố sâu khiến cô Ngàm vội tốc cao váy sợ ướt. Hắn được
một chầu nhìn no mắt, toét mồm cười hì hì…Chỉ chọc ghẹo cô gái đến
mức ấy thôi, không dám đùa với kỉ luật dân vận, nhất là với con gái người thiểu
số sống trong vùng địch chiếm.
Sau bốn ngày trèo đèo lội suối len lỏi
qua các cánh rừng già, chúng tôi tới cánh đồng rộng lớn của xã Quang Huy châu
Phù Yên tỉnh Sơn La. Cánh đồng trước kia là vựa lúa nuôi sống cả huyện bây giờ
cỏ hoang mọc um tùm quanh đồn giặc sừng sững ở phía bắc.
Tôi quyết định hạ trại ngay bìa rừng, từ
đây nhìn rõ cổng đồn địch cách xa chừng 300 mét, như vậy dễ kiểm soát được hành
động của địch, biết chúng ra khỏi đồn với lực lượng nhiều hay ít, đi về phía
nào, có thể chủ động đón đánh địch khi tương quan lực lượng có lợi cho ta.
Lợi thì quả là có lợi nhưng cũng có bất
lợi lớn. Ở gần địch nên phải tuyệt đối giữ bí mật, ban ngày phải nấu nướng ở
phía sau khá xa nơi đóng quân, ban đêm không được đốt lửa sưởi. Ngay đêm đầu
tiên chúng tôi đã nhớ da diết bếp lửa hồng xua tan sương muối mùa đông trong những
ngày hành quân vừa rồi. Các đội viên tiểu đội Hồm mang theo chăn từ trại tản cư
vừa đủ hai, ba người một chăn, tiểu đội Tuyền chẳng ai có chăn, tôi cũng không.
Chưa tối hẳn không khí đã lạnh ngăn ngắt.
Đêm đầu cả tiểu đội Tuyền không ngủ ngồi ôm chặt nhau sưởi ấm cho tôi.
Đêm thứ hai tôi nẩy ra sáng kiến chống
rét: lần lượt từng người một nằm xuống, những người khác vun lá khô đắp lên
thành chăn, người sau cùng vun lá ủ cho tôi rồi ra đứng gác. Nhưng sáng kiến
này không có tác dụng bao nhiêu: chỉ chừng mươi lăm phút sau các cậu trở mình
thế là tấm chăn rụng lả tả. Rét vẫn hoàn rét.
Hôm sau, tôi lùi trại vào sâu trong rừng,
chỉ để lại mỗi phiên hai người gác và kiểm soát đồn địch. Thế là bên các chàng
trai áo vải chân đất lại có ngọn lửa hồng, người bạn thân thiết vừa sưởi ấm vừa
nướng thơm những khúc củ mài. Đúng như các nhà nhân loại học nhận xét: phát
minh ra lửa khiến con người thoát khỏi cuộc sống của các loài động vật khác trên
hành tinh!
Hàng ngày đội chia thành nhiều tổ ba người
xen kẽ Kinh và Thái đi vào các khu lán của đồng bào thăm hỏi, động viên mọi người đánh giặc giữ
làng. Từ khi Pháp về đóng đồn, lập tề, lùng giết cán bộ và dân quân du kích, đặt
ra các chế độ phu phen, chế độ cung cấp phụ nữ, bắt dân tập trung thóc lúa để chúng phát theo khẩu phần, hàng ngày đồng bào
phải lên đồn lĩnh từng bơ gạo đem về nấu, dân phải nộp nhiều thứ thuế vô lý:
thuế ruộng, thuế nhà, thuế vợ chồng...Người xã Quang Huy chịu không nổi rủ nhau
trốn vào rừng dựng lán, bất hợp tác với địch. Sau dăm tháng số gạo ngô ít ỏi
mang theo đã hết mọi người phải cầm hơi bằng củ mài. Càng ngày càng phải đào
sâu mới có ăn, bây giờ phải đào hố ngập đầu người may ra mới bới được củ. Có bà
già đi đào từ sáng đến chiều không về, con cháu đi tìm thấy bà kiệt sức nằm chết
bên miệng hố. Măng rừng nhất là măng sặt nướng ăn rất dẻo rất ngọt nhưng chỉ
mùa mưa mới có. Mùa khô, nhiều bữa phải ăn củ nâu thay cơm. Băm nhỏ củ nâu người
Kinh dưới xuôi vẫn dùng nhuộm quần áo cho vào dỏ ngâm xuống suối, đặt tảng đá
lên cho khỏi trôi. Qua một đêm chất chát giảm bớt, đem về đồ như đồ xôi ăn cũng
xua bớt được cảm giác đói. Cơ thể gạn lọc chất bổ trong đó chẳng được bao
nhiêu, thải bã ra làm tắc nhiều khúc suối suốt mùa khô, đến mùa mưa dòng chảy mới
lại thông.
Bị địch dồn vào đường cùng nên người dân
vô cùng căm tức, chỉ một số rất ít phần tử thuộc từng lớp trên sốt sắng nhẩy ra
làm tay sai cho chúng, lập tề, thu thuế, bắt phu bắt lính bắt con gái. Tuy căm
tức nhưng chống sao nổi bọn cướp súng đạn đầy mình, họ chỉ còn cách bất hợp tác,
bỏ làng bỏ bản trốn vào rừng. Giờ đây có đội võ trang tuyên truyền đứng bên,
người dân có chỗ dựa để vùng lên chống địch. Khu rừng dựng lán bắt đầu có người
canh gác và báo động khi địch tới để trai tráng và đàn bà con gái kịp chạy trốn.
Vài chức dịch hội tề đã dám lần khân hẹn lần hẹn lữa để trì hoãn ngày nộp gạo,
nộp gái cho quan đồn. Trong hàng ngũ lính páctidăng đóng ở Thu Cúc đã có đôi ba
người trở thành cơ sở của đội chúng tôi, cung cấp tin tức về quân số, trang bị,
kế hoạch hành quân của địch. Nhưng chưa mấy người tin có thể đánh thắng địch giải
phóng quê hương.
Để tăng lòng tin tưởng, tinh thần chiến
đấu cho các cơ sở quần chúng và người dân địa phương, tôi thấy cần đánh thắng một
trận thật ròn rã..
Sau hơn một tuần đi thực địa trinh sát,
hỏi dò các dân công đã từng vào nhiều đồn địch trong vùng, tôi quyết định đánh
bọn đóng ở đồn có tên trên bản đồ là Kouê Lang. Trung đội lính khố đỏ và một tiểu
đội lính dõng trong đồn do một tên đội Pháp chỉ huy. Ngoài binh lính còn có hơn
hai chục dân công người Thái và người Mường túc trực, chủ yếu để đi gánh gạo,
thực phẩm từ các nơi về đồn. Đồn được xây dựng dưới thung lũng nhỏ bốn bề núi
vây chỉ hở hai lối đi, một về phía huyện Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái lối thứ hai về
phía làng Quang Huy châu Phù Yên. Đồn gồm năm dãy nhà tranh, xung quanh có hàng
rào lông nhím kết hợp dây thép gai và bãi chông tre, bốn góc có bốn chòi canh,
giữa đồn có khoảng sân nhỏ trồng cột cờ, cổng đồn đóng mở bằng cự mã.
Toàn đội hăng hái chuẩn bị trận đánh đầu
tiên, trận đánh “nhất định thắng”.
Khai trận là cuộc “pháo kích” bằng súng
phóng lựu. Súng do công binh xưởng Phan Đình Phùng chế tạo: một đoạn ống nước
đường kính 60 li dài 45 cm một đầu bịt kín và hàn thêm một đoạn ống nước cỡ 21
li dài 20 cm vừa làm đế vừa là ổ cơ bẩm chứa kim hỏa có lò so ép chặt. Sau khi
thả quả đạn từ miệng nòng xuống thì bật cơ
bẩm cho lò so đẩy kim hỏa mổ vào kíp nổ ở đuôi đạn, thuốc đẩy cháy đưa quả đạn
đi xa tối đa 150 mét ở góc bắn 45 độ.
Toàn đội dàn hàng ngang trên sườn núi
phía nam nhìn xuống cứ điểm Kouê Lang. Mới xế chiều, nhiều ngọn đèn măng-sông
đã thắp sáng các dãy nhà, nghe văng vẳng tiếng máy hát rên rỉ. Chắc bọn địch
đang chuẩn bị ăn tối.
Tôi nằm bên xạ thủ Viễn, bên kia là Lâm
với 5 quả đạn xếp ngay ngắn trước mặt. Loay hoay một lúc tôi áng chừng súng đã
được dựng thành góc 45 độ -mặt đất dốc thoai thoải nên rất khó hình dung được
góc 90 độ chia đôi. Rồi bảo Lâm thả một quả đạn vào. Viễn bật cơ bẩm. Một tiếng
nổ khẽ, ánh lửa phụt ra đầu nòng. Chừng mươi giây sau một chùm lửa hoa cà hoa cải
bốc sáng phía sau đồn địch. Trượt rồi!
Tôi níu tay Viễn bảo hạ thấp nòng xuống
một ít. Quả đạn thứ hai nổ ngay trên sân đúng lúc địch từ các dãy nhà chạy ra.
Qua ánh lửa thấy nhiều thằng lao đầu xuống đất ngã dúi dụi, không biết chúng nằm
xuống tránh đạn, bị thương hay chết. Lâm sướng quá đứng bật dậy chửi: “Tiên sư
chúng mày! Biết tay tao rồi chứ?” Rồi kêu “Ối!” và ngồi thụp xuống. Đạn súng
trường súng máy dưới cứ điểm bắn lên rú rít trên đầu. Tôi thả quả đạn thứ ba
vào nòng súng rồi chồm sang đỡ Lâm nằm xuống. Tiểu đội trưởng Tuyền vừa lăn tới
dìu Lâm lùi ra sau. Phóng hết năm quả đạn –bốn quả nổ rải rác trong đồn địch- tôi
ra lệnh rút, chỉ để lại một tổ ba người nắm tình hình địch. Lâm bị trúng đạn
vào vai trái được y tá Cử dùng toàn bộ số bông băng trong túi dết cầm máu rồi
cõng về căn cứ.
Về
đến nơi, việc tôi lo giải quyết trước tiên là chữa chạy vết thương cho Lâm, chàng
trai trắng trẻo, hồn nhiên, tinh nghịch nhất đội, tôi rất mến yêu. Y tá Cử lắc
đầu ngao ngán:
-Trong
tay tôi chẳng còn tí gì. Đồng chí xem đấy, chỉ băng bó một cái vai mà không đủ,
phải xé thêm áo của cậu ấy ra. Sáng mai tôi phải về Khu xin thêm thuốc men, dao
kéo chứ chỉ có cái túi dết rỗng thế này thì làm gì được?
Sáng hôm sau Cử để lại chiếc túi dết
trong có hai ống thuốc sốt rét Praemaline rồi len lén bỏ đi. Đi biệt tăm, không
quay lại nữa.
Khi
vết thương hết tê, Lâm bắt đầu thấy đau, càng lúc càng đau dữ, rồi lên cơn sốt.
Tôi rất lo, không biết nên làm gì. Tôi không chỉ lo cho Lâm mà còn lo tình trạng này ảnh hưởng
xấu đến tinh thần chiến đấu của toàn đội.
Mấy
anh em trong tiểu đội Hồm bàn tán với nhau hồi lâu bằng tiếng Thái rồi Hồm đến
gặp tôi:
-Tôi
vào tìm trong các lán may ra có người biết thuốc. Nhờ người ta giúp, chắc khỏi.
Rừng cho thuốc tốt lắm.
Xế trưa Hồm trở về, theo sau là một bà
chừng sáu chục tuổi và một cô gái cỡ đôi mươi. Thật lạ, từ hôm lên tới đây tôi thấy mọi người nam giới từ trai trẻ đến cụ
già đều xanh bủng, vàng vọt, nét mặt lờ đờ thế mà các cô gái tuy đôi má không hồng
nhưng vẫn mơn mởn, hai mắt vẫn long lanh, đi lại vẫn uyển chuyển. Sức sống của
nữ mạnh hơn nam chăng?
Bà
cụ bảo nấu một nồi nước, bỏ nắm lá cầm trên tay vào nồi rồi ngồi nhìn Lâm đang
thiêm thiếp nửa ngủ nửa mê man. Nồi nước sôi bắc xuống, mở vung để nguội bớt rồi
hai bà cháu mang tới chỗ Lâm. Cởi hết mấy vòng vải quấn vết thương, bà cụ lắc
mái tóc bạc:
- Vỡ
xương vai rồi. Khó đấy!
Vết thương được rửa sạch máu, vài mảnh xương vụn được lấy ra. Cô gái lấy trong địu
một nắm lá bỏ vào mồm nhai, thỉnh thoảng nhổ nước vào ống tre ngắn. Rồi nhè bã
đắp lên vết thương. Bà cụ dặn:
- Thấy
chỗ thuốc này khô thì đổ một ít nước trong ống vào. Cứ thế đến khi hết nước
trong ống thì tôi thay thuốc khác cho.
Hai
bà cháu ra về.
Xẩm
tối Quýnh đội viên trong tổ ba người ở lại theo dõi địch về báo cáo:
- Không
thấy chúng nó thò mặt ra ngoài cứ điểm. Tình cờ bọn em đi loanh quanh phát hiện
máng dẫn nước từ trên núi xuống đồn. Bỏ thuốc độc vào đấy thì chúng nó chết nhe
răng cả lũ.
Lấy
đâu ra thuốc độc? Với số lượng đủ giết chết hơn bốn chục tên?
Tôi
chợt nghĩ ra một kế.
Sáng
hôm sau tôi dẫn tiểu đội Hồm trở lại Kouê Lang, đến chỗ có máng nước.
Máng
cung cấp nước cho đồn địch là một dãy ống tre nối nhau chạy dài từ vách núi đá mang
xuống đồn dòng nước trong mát của rừng cung cấp cho mọi ăn uống sinh hoạt của bọn
giặc. Hồm tách đầu máng khỏi dòng suối rồi bố trí tiểu đội bí mật bao vây khu vực
xung quanh.
Hơn
một giờ rưỡi sau hai tên lính dõng đeo súng từ dưới chân núi thủng thẳng đi
lên, vừa đi vừa hút thuốc phì phèo.
- Giơ
tay lên!
Tiếng
hô của Hồm vang lên đồng thời với tiếng tôi lên đạn khẩu Sten. Sau lưng, bên phải
hai tên lính dõng các đội viên của Hồm xuất hiện, chĩa súng lăm lăm.
Hai tên pactidăng không chống cự, run lẩy
bẩy nộp hai khẩu dóp 5.
Hồm dịch lời tôi khuyên chúng bỏ đồn trở
về bản làng với vợ con. Hai tên vâng dạ rối rít rồi co cẳng chạy một mạch theo
hướng ngược lại hướng về cứ điểm.
Tôi
phán đoán có hai khả năng. Thứ nhất, địch sẽ tung lực lượng bọc thành vòng cung
quanh khu vực máng nước hòng giải vây và khôi phục đường dẫn nước về cứ điểm.
Thứ hai, cho rằng quân ta mạnh hơn và đang lập mưu nhử chúng ra để tiêu diệt,
chúng không dám đối đầu nhưng không thể ở lại cứ điểm vì thiếu nước nên sẽ tìm
đường bí mật rút đi.
Lúc
xế chiều người trưởng bản hội tề đến báo:
- Nhân mối cho biết đồn chuẩn bị rút. Chắc
sáng mai. Lính khố đỏ, pactidăng và quan đồn rút ra Nghĩa Lộ với dân công Thái,
hai chục dân công Mường và một tốp lính dõng mang gạo về tiếp tế cho đồn Quang
Huy.
Tôi lập kế hoạch phục kích với mục tiêu:
đoạt hết số gạo chúng định mang về đồn Quang Huy.
Đoạn đường giữa hai bản Suối Tấc và Suối
Chiếu được chọn làm trận địa phục kích. Trừ hai cậu phụ trách hai quả mìn phải ở
lại giữ nhà, toàn đội bố trí dọc đoạn đường rậm rạp bụi cây xen lẫn những đám cỏ
tranh. Tôi chọn vị trí khống chế được một quãng đường dài trước mặt để phát huy
tối đa uy lực khẩu tiểu liên, từ đây có thể quan sát được quả đồi cách xa khoảng
ba trăm mét.
Khoảng 9 giờ sáng trên sườn quả đồi ấy
thấp thoáng bóng một dãy dài những dân công mặc quần trắng áo trắng gánh gạo.
Mươi phút sau nhìn rõ họ gánh mỗi người hai sọt gạo ước chừng mỗi sọt mười cân.
Đi đầu là hai tên dõng đeo mutcơtông, giữa hàng có tên thứ ba. Cuối hàng chưa lọt
vào tầm mắt nhưng chắc cũng phải có ít nhất một hoặc hai tên dõng đi đoạn hậu.
Theo
lời tôi dặn tiểu đội trưởng Hồm quát:
- Đứng
lại! Nằm xuống!
Đoàn
dân công đứng khựng, đặt các gánh gạo xuống rồi đồng loạt nằm úp mặt dưới đất.
Một tên dõng tháo súng khỏi vai chĩa vào rừng bắn một phát rồi lên đạn định bắn
tiếp. Tôi nhằm vào ngực nó. Bỗng trong đầu tôi có tiếng thì thầm: “ Bắn bị
thương. Đừng bắn chết! ” Tôi hơi chúc mũi súng, khẽ lẩy cò. Ba phát đạn nối
nhau nổ ran. Tên dõng loạng choạng sắp ngã thì gượng được tiếp tục chạy, ống quần
chân trái đỏ lòm máu. Bỗng có tiếng hô :
- Bứt
khủng me! Mưa hườn! (Vứt súng đi! Về nhà!)
Tên dõng vứt súng, tiếp tục chạy. Những
tên khác biến đâu mất chẳng biết, khi chúng
tôi xông ra mặt đường chỉ thấy bốn khẩu súng với thắt lưng bao đạn đầy ắp vứt
bên đường. Tôi nhìn toán dân công vừa đứng dậy, không đoán ra ai là người vừa
làm công tác địch vận giỏi thế. Tung ra khẩu hiệu rất ngắn gọn, rất đúng lúc,
đánh trúng tâm lí địch nên rất hiệu quả.
Đội thu dọn chiến lợi phẩm được năm khẩu
súng, một trăm năm chục viên đạn, gần bốn trăm ki lô gạo. Phát cho đoàn dân
công mỗi người một cân gạo khuyên họ trở về quê quán, còn lại ba trăm tám chục
cân thì chia cho dân bản Quang Huy và dân quanh vùng hết ba trăm cân, đội giữ lại
gần tám mươi cân. Ăn thật dè sẻn cũng chỉ được hai chục ngày cháo loãng.
Lại có tin quần chúng báo: bộ đội ta
đánh mạnh khắp mặt trận Yên Bái, tấn công đồn Nghĩa Lộ, bọn quân ở đây định rút
về Mộc Châu qua Phù Yên để một đơn vị khác thiện chiến hơn đến thay. Thế là lại
có dịp đánh một trận nữa vừa để khuếch trương thanh thế uy hiếp tinh thần địch
tạo thuận lợi cho công tác phát triển cơ sở quần chúng, vừa rèn luyện nâng cao
khả năng tác chiến cho các đội viên của tôi số đông chưa trải qua trận mạc bao
giờ.
Đoạn đường cách đồn Quang Huy hơn 4 cây
số được chọn làm trận địa phục kích. Một bên đường là vách núi đất pha đá cây cối
rậm rạp, bên kia đường khá bằng phẳng, cỏ mọc lúp xúp. Giữa đoạn đường có lạch
nước cắt ngang, khi tới chỗ này có thể bọn địch dừng lại nghỉ chân, lấy nước uống,
rửa mặt mũi. Chôn một quả mìn ở đây chắc sẽ thắng to. Các tay súng bố trí thành
ba cụm trên vách núi, tôi và một tổ khống chế lạch nước vừa yểm hộ tổ đánh mìn
vừa chặn địch có thể lợi dụng lối này xông lên núi. Nếu có thằng dám liều mạng
!
Khoảng 3 giờ chiều tiểu đội trưởng Tuyền
ném một hòn đá nhỏ về phía tôi đang ngủ gà ngủ gật. Tôi giật mình, quay nhìn
Tuyền đang rối rít chỉ xuống mặt đường. Hiểu ý, tôi nhẹ tay kéo cơ bẩm khẩu
Sten, đặt thật chắc lên chạc cây trước mặt hồi hộp chờ.
Một tốp lính khố đỏ chừng 5, 6 tên đi
hàng một xuất hiện dưới con đường rộng chừng một thước tây. Thằng nào cánh tay
và đùi cũng nung núc thịt, súng vác ngang trên vai, hai bao đạn đầy căng trước
bụng, mũ bê rê đen đội lệch, giầy đinh nện cồm cộp, tất cả đều là người Ra Đê
trên cao nguyên Boloven bọn Pháp thường gọi là Mọi. Có tin đồn bọn này rất ác,
ác hơn cả lính Marốc rạch mặt.
Sau tốp lính khố đỏ là một thằng sĩ quan
người da trắng không biết là người nước nào (trong đội quân Lê dương của bọn
xâm lược Pháp có nhiều tên người Đức, Ý và các nước châu Âu khác). Cũng không nhìn
rõ là cấp gì, khẩu Colt đeo sệ sau lưng, oai vệ trên con ngựa hồng nhỏ thó. Tôi
ngắm thật kĩ rồi bóp cò, nó ngã lăn xuống đất, con ngựa lồng lên chạy vụt đi.
Hai thằng lính da đen từ phía sau lao tới, một thằng nằm xuống chĩa súng lên
vách núi nhả đạn, thằng kia cúi xuống định xốc tên sĩ quan lên vai. Tổ Hồm nổ
súng, hai thằng hốt hoảng chồm lên chạy bỏ lại thằng sĩ quan. Phía tiểu đội của
Tuyền cũng nổ dăm bẩy phát súng rồi im bặt. Tôi nhanh chân chạy xuống định tước
khẩu Colt. Nhưng sực nghĩ ra, tôi không lao xuống đường mà men theo vách núi,
tìm chỗ quang nhìn xuống mặt đường. Bọn địch án binh bất động nằm nép thành một
dãy dài dọc sườn núi. Phía trước phía sau thằng sĩ quan, cách nó chừng ba bốn
mét đều có địch. Xuống tước khẩu Colt sẽ ăn đạn. Mà hình như thằng sĩ quan chưa
chết hẳn, nhìn kĩ thấy bụng nó vẫn phập phồng.
Bỗng
nghe một tiếng nổ rất to, dội vào vách núi cuồn cuộn lan như sấm rền. Vài phút
sau Quí khoác vai sợi dây giật mìn lật đật
chạy đến vừa thở vừa báo cáo:
- Em
giật nổ rồi.
Tôi
hỏi:
-
Được mấy thằng?
- Có
một thôi.
- Ở
đâu? Dẫn tôi đến kiểm tra xem sao.
Quí
dẫn tôi về chỗ ban nãy tôi vừa bố trí, nhìn xuống chỗ thằng sĩ quan bị bắn ngã
ngựa. Bây giờ không thấy nó nữa. Không khí khét lẹt, cay nồng.
Quí
chỉ tay:
- Em
thấy một thằng bò lổm ngổm dưới kia liền giật mìn. Thế là nó tan xác.
Tôi
chép miệng, tiếc. Một quả mìn mà giết có một thằng đang dở sống dở chết
thì phí quá. Dù là thằng sĩ quan.
Về đến căn cứ việc đầu tiên của tôi là đến
thăm Lâm nằm trong lán cạnh khu dân sơ tán. Vết thương đã đỡ sưng tấy, khá khô.
Vẫn bà già bữa trước săn sóc cho Lâm suốt ngày suốt đêm, rửa ráy, thay thuốc,
bón cháo, giữ lửa sưởi. Tôi không thấy cô gái nhai thuốc hôm trước đâu, bèn hỏi
bà mẹ. Bà già buồn bã : bị bắt lên đồn rồi. Nó đi hái thuốc chẳng may bị lính đồn
đi tuần bắt được, có vài thứ thuốc phải
vào cánh rừng gần đồn địch mới có.. Trốn chui trốn lủi trong rừng gần một năm
nay rồi, thế mà vẫn không thoát!
Tôi
hỏi tiếp :
- Cô ấy bị bắt rồi, hàng ngày ai đi rừng lấy
thuốc ? Mé đi à ?
Bà
già lắc đầu :
-
Mé yếu lắm, đi không được đâu. Con gái mé đi.
Đúng
lúc ấy một cô gái khoảng ngoài đôi mươi rẽ bụi cây che trước cửa lán bước vào.
Cô đặt gùi xuống, tươi cười khoe:
- Được
nhiều lắm, mé à.
Cô
lấy trong gùi những nắm lá xanh, có lá dài, có lá tròn xoe, lá hình quả tim, lá
có răng cưa, lẫn với mấy thứ vỏ cây đặt xuống sàn liếp.
Tôi
hỏi cô gái :
- Em
đi lấy thuốc thế này mà không sợ bị chúng nó bắt lên đồn à ?
Cô
gái bẽn lẽn :
- Có sợ lắm chứ. Nhưng sợ anh Lâm chết hơn sợ
mình bị bắt đấy !
Tôi
chăm chú nhìn cô gái, xúc động trước tình cảm hồn nhiên mà mãnh liệt của cô và chợt
nẩy ra một ý:
- Em
đưa Lâm về Khu được không ? Về Khu mới có đủ thầy đủ thuốc, lại có đường có sữa
tẩm bổ cho Lâm chóng khỏi nữa. Anh cử hai đội viên đi với em. Thế nào ?
Tôi
quay sang bà mé :
-
Mé cho con gái đưa thương binh Lâm về Khu nhé ?
Bà
mé im lặng, trên khuôn mặt nhăn nheo không biểu lộ bà đang nghĩ gì. Lát sau bà
nói :
- Ừ,
cho.
Tôi
quay sang nhìn cô gái. Cô mỉm cười.
Việc tiếp theo là làm báo cáo gửi Khu ủy.
Không giấy, không bút, phải làm báo cáo miệng. Tôi gọi hai đội viên Thìn người
huyện Cẩm Khê và Ngoan người Thái Mộc Châu đến nhận báo cáo mang về Khu. Ba anh
em ngồi với nhau gần hết buổi chiều, Tôi bắt hai cậu phải thuộc lòng tất cả những
điều cần báo cáo, cần đề nghị với bí thư Khu ủy Nguyễn Lam. Tuy tôi đã cố cô
đúc thật ngắn gọn nhưng với hai anh chàng mới tốt nghiệp cấp 1 này thì những điều
phải nhập tâm vẫn là quá dài, khó nhớ. Suốt tối hôm ấy hai cậu luôn mồm lẩm bẩm
ôn lại như tụng kinh.
Sáng hôm sau Thìn, Ngoan và cô Nọi hộ tống
thương binh Lâm về Khu. Nọi đeo một bị quần áo bên vai, lưng gùi một gùi đầy lá
thuốc.
Nửa tháng sau ba người trở về, mang theo
lá thư ngắn gọn của Nguyễn Lam. Lượt đi kéo dài mười hai ngày lượt về chỉ mất
ba ngày vì không phải dìu phải cõng thương binh Lâm.
Thư Nguyễn Lam viết: “Khu đang nghiên cứu
giải quyết các đề nghị. Cậu phải về ngay Khu nhận công tác mới. Bàn giao mọi việc
cho Cầm Đan Quế.”
Tin đến đột ngột làm tôi bần thần một
lúc lâu. Bất chợt nhận ra những con người này, những cảnh vật này thân thiết với
mình tự bao giờ, thân thiết như da như thịt của chính mình…Cảm thấy mình chưa
làm hết sức để giúp những con người đáng mến này. Những vạt nương kia có thể trồng
ngô trồng sắn cứu đói nhưng mình chưa bàn với dân bản chuyện phát triển sản xuất.
Chưa làm cho đội viên hiểu ý nghĩa của việc xây dựng căn cứ địa Tây bắc, chưa
làm họ nhận rõ những công việc cụ thể cần phải làm. Chưa dành thì giờ thỏa đáng
huấn luyện nâng cao trình độ kĩ chiến thuật cho anh em. Lâm bị thương có phần
do khuyết điểm của mình. Biết bao việc đáng lẽ phải làm nhưng không làm, bây giờ
thì phải rời xa tất cả, muốn làm cũng không làm được nữa.
Tôi trao đổi những ý nghĩ này với Cầm
Đan Quế và góp ý nên đưa tiểu đội trưởng Tuyền lên làm đội phó. Tối hôm ấy bên
đống lửa toàn đội ngồi nghe tôi dặn dò, giới thiệu đội trưởng đội phó mới, rồi
liên hoan chia tay bằng bữa tiệc măng nướng. Mọi bữa măng sặt nướng ăn ngọt như
mía lùi sao đêm nay nó lại nhạt nhẽo và thoang thoảng đắng?
Sáng hôm sau Quế đi theo tiễn chân một
quãng đường. Khi tôi dừng lại khuyên Quế quay về, tôi đưa tặng Quế khẩu Sten với
lời chúc “ Giải phóng Tây bắc, giải phóng Sơn La là sự nghiệp chung của toàn
dân nhưng trực tiếp là các đồng chí người Thái người Mường, người các dân tộc địa
phương. Chúc Quế và đội mau chóng trở về quê hương.”
Tuyền và Ngoan cùng đi với tôi ra đến
vùng tự do huyện Yên Lập thì quay lại.
SĐM