Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

TRONG ĐỊCH HẬU LAO CAI




Nguyễn Lam Bí thư khu ủy khu XIV tươi cười nhìn tôi:
- Cậu công tác địch hậu được lắm. Bây giờ trong địch hậu Sơn La đã có đại đội độc lập của trung đoàn 148 vào hoạt động nên cậu không cần ở đấy nữa mà lên Lào Cai làm chính trị viên tỉnh đội. Trên ấy phong trào đang có triển vọng phát triển mạnh nên rất cần cán bộ. Anh Trường Minh bí thư tỉnh ủy nhiều lần đề nghị Khu bổ sung cán bộ có năng lực nhưng Khu cũng bí quá. Cân nhắc mãi thấy chỉ có cách đưa cậu lên đấy thôi. 
  Tôi thấy khoái trong bụng. Được Đảng nghĩ tới mình khi cách mạng cần là hạnh phúc lắm. Việc càng khó thì thành công càng giá trị. Trong chương trình học về văn học Pháp ở trường Bưởi có Le Cid của Corneille, trong đó có câu: ”Chiến thắng không hiểm nguy thì khúc khải hoàn chẳng vinh quang gì”[1]
    
Tôi hỏi Nguyễn Lam:
 -    Anh cử ai làm tỉnh đội trưởng trên ấy?
      
     Nguyễn Lam lắc đầu:
      -    Khu chưa chọn được ai, tạm thời chỉ định cậu Hùng Sơn làm tỉnh đội phó.
     
Tôi lên đường tìm gặp bí thư tỉnh ủy Trường Minh. Trong một ngày phải vượt qua đoạn đường hơn 70 cây số từ huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ lên châu Lục Yên tỉnh Yên Bái
Hoàng Trường Minh tên thật là Hoàng Khải Lủn, dân tộc Tày, không cao lớn nhưng chắc lẳn, hồng hào, trên môi luôn nở nụ cười rất cởi mở, thân thiện, thái độ khiêm tốn nhã nhặn. Khi bàn công việc anh xưng “mình”, gọi tôi bằng “anh” tuy hơn tôi ba bốn tuổi. “Theo mình, anh nên…”… “Mình thấy anh hơi nóng vội, không nên…”
Trong căn nhà sàn nhỏ dựng ven rừng, gần nhà có cọn nước suốt ngày kẽo kẹt giã gạo Trường Minh cho tôi biết khái quát tình hình tỉnh nhà. Cách mạng toàn quốc thành công từ tháng 8/1945 nhưng lúc đó ở Lào Cai chưa có cơ sở cách mạng sâu rộng, lại là địa bàn hoạt động mạnh của bọn Quốc dân đảng nên chưa Tổng khởi nghĩa. Cuối 1945, đoàn cán bộ Việt Minh do Ngô Minh Loan dẫn đầu mang thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Lào Cai xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập Ủy ban Hành chính Kháng chiến, đến tháng Chín 1946 mới thành lập được Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai. Lực lượng vũ trang Việt Minh do Vũ Nhung và Sơn Tùng chỉ huy phối hợp với các thổ ty giải phóng Phố Lu (28/10/1946) sau đó chia 2 mũi tiến đánh, giải phóng Lào Cai ngày 12/11/1946, đánh đổ bọn Quốc dân đảng thành lập chính quyền của Việt Minh. Cuối tháng Sáu 1947, thực hiện âm mưu tái xâm lược Việt Nam, bọn Pháp bao vây Lào Cai, mở nhiều trận tấn công từ Phong Thổ, Bình Lư sang. Do tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn lại bị nhiều thổ ty phản bội nên chủ lực của ta phải rút, Lào Cai bị Pháp tái chiếm. Tháng Mười Một 1947, thực hiện chính sách “chia để trị”, chúng thành lập bên hữu ngạn sông Hồng “tỉnh Phong Thổ” nằm trong “xứ Thái tự trị” (gồm các châu: Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên, Sa Pa, Bát Xát, một phần Bảo Thắng), lập bên tả ngạn  “tỉnh Lào Cai” nằm trong “xứ Nùng tự trị” (gồm các châu: Mường Khương, Bắc Hà, một phần Bảo Thắng, Hoàng Su Phì).
`Tôi muốn biết rõ tình hình hơn nên đề nghị bí thư Trường Minh cho người dẫn vào vùng địch tạm chiếm Cam Đường.
Sáng hôm sau người dẫn đường đến từ sớm: một dân quân Tày khoảng ngoài 30 tuổi, không mang vũ khí gì chỉ đeo con dao phát rừng ngang lưng. Tên anh là Xín, liên lạc viên của bí thư Trường Minh với cơ sở trong Cam Đường. Lúc mới đến Xín nhìn tôi một lúc rồi nói:
-   Đường khó đi lắm vớ! Toàn trèo núi băng rừng thôi đấy! Đi được không ?
-   Thừa sức. Nào, ta lên đường.

Đi được chừng vài giờ, Xín chỉ tay lên ngọn núi cao xanh um trước mặt:
-   Đèo Thềnh Phàng. Ta ngồi nghỉ một lúc rồi vượt đèo.
Tôi gạt đi:
-       Trời đang mát, ta tranh thủ vượt đèo rồi hẵng nghỉ.
-    Ờ, thế càng tốt. Nhưng sang bên kia đèo phải cẩn thận, dễ gặp phỉ lắm đấy. Bọn phỉ người Nùng
nguy hiểm lắm.
       
Tôi giật mình: không còn khẩu Sten quen thuộc trong tay, một tấc sắt cũng không.
Tuy vậy hai người qua đèo không gặp tên phỉ nào. Xuống đến chân đèo tôi thấm mệt, hỏi:
-       Còn xa không?

Xín đáp:
 -    Hai quăng dao thôi.
      
      Hai quăng dao? Ôi, chỉ có Giàng mới hiểu nổi hai quăng dao là bao xa...Hồi ở Sơn La có lần tôi hỏi một dân quân người Mán câu hỏi tương tự và được trả lời “Khăn mặt vắt vai thôi ”. Chịu, không hiểu “khăn mặt vắt vai” là bao xa, bây giờ lại “hai quăng dao”!  Cuối cùng tôi nhún vai tự động viên “khắc đi khắc đến”.  Đây là câu trả lời của anh dân quân người Thái hôm tôi hỏi “Còn xa không?”
Câu trả lời đầy triết lí! Khắc đi khắc đến…băn khoăn làm gì cho mệt!
Cam Đường có mỏ apatit do thực dân Pháp bắt đầu khai thác năm 1940 sau khi người dân địa phương tình cờ phát hiện năm 1924. Năm đó chú bé người Tày Trần Văn Nó trên đường lên nương dưới trời nắng thấy khát nước quá. Chú chặt một ống tre, múc nước dưới suối rồi kê mấy hòn đá làm bếp nấu nước. Vừa nhóm lửa thì cả mấy hòn đá bốc cháy xanh lẹt. Đá cháy là chuyện chưa thấy bao giờ, chú bé đâm hoảng “Có lẽ ma hiện lên báo thù vì nhà mình có người làm thầy mo”. Chú bỏ chạy về nhà báo bố mẹ, bố mẹ báo lí trưởng, lí trưởng báo quan Pháp.
Tuy vậy phải mười sáu năm sau -năm 1940 Pháp mới bắt đầu khai thác apatit ở ba khu : làng Mô, Cam Đường, mỏ Cóc với khoảng 300 công nhân, chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng Bắc kỳ lên làm thuê. Quặng apatit chở bằng ô tô lên thị xã Lào Cai cách 7 km về phía bắc rồi xuất bán một ít cho người Tàu qua cầu Cốc Lếu, phần lớn theo đường thủy chở về xuôi qua Bạch Hạc về Hà Nội. Khi chiến tranh nổ ra, mỏ đình chỉ sản xuất, phần đông công nhân trở về quê quán chỉ còn lại rất ít sống rải rác trong các thôn bản. Hình như giữa năm 1947 ở đây đã có đảng viên nhưng mất liên lạc hết, bí thư Trường Minh đang tìm cách chắp nối nhưng chưa được.

Liên lạc viên Xín dẫn tôi đi tới vài chỗ cao nhìn bao quát được địa thế toàn vùng rồi đến nhà một cơ sở quần chúng bên bờ sông Hồng. Chủ nhà lớn tuổi, chừng ngoài 50, người Mèo. Thấy liên lạc bước vào, chủ nhà đang vá lưới đứng dậy chỉ tay xuống sông. Tôi nhìn theo, thấy chiếc thuyền nhỏ có mui đậu sát bờ. Ba người theo lối đi giữa các bụi cây lúp xúp bước xuống thuyền. Chủ nhà nhanh nhẹn tháo dây buộc, đẩy thuyền ra xa bờ rồi thong thả chèo đi, mồm nhả khói thuốc khét lẹt. Xín giới thiệu với tôi:
-    Đồng chí liên lạc số 2 đấy.
   Rồi nói với liên lạc số 2:
       -   Đồng chí này cán bộ của bí thư Trường Minh.

      Tôi hỏi Xín:
-       Chắc đồng chí là số 1?
-       Ừ.
-       Có biết số 3 không?
-    Làm sao biết? Hỏi số 2 nó mới biết.
     
      Tôi gật gù “Tổ chức rất đơn giản nhưng hiệu nghiệm, rất thích hợp với hoàn cảnh vùng địch hậu có nhiều sắc tộc cùng chung sống”
Liên lạc số 2 cho biết nhiều điều về tình hình địch, tình hình tề ngụy trong vùng. Tôi hỏi thêm về tình hình cơ sở kháng chiến dọc đường đi thị trấn SaPa cách đây 40 km về phía tây nhưng anh ta lắc đầu “ Hỏi số 3, mình không biết ”.
Đêm hôm ấy liên lạc viên số 1 và tôi nằm ngủ trên con thuyền neo giữa sông. Sáng sớm tinh mơ Xín gọi tôi dậy trở về Lục Yên giữa sương mù phủ kín núi rừng.

Hơn một tháng sau bộ máy tỉnh đội đã tạm ổn, tôi đi với hai cán bộ chính trị của tỉnh đội và một cán bộ của tỉnh ủy vượt sông Hồng vào khu du kích Phong Niên.
Địa hình xã Phong Niên khá hiểm trở, đất dốc, nhiều núi đá và hang động, nhiều khe suối nhỏ chia cắt các thôn. Dân ở thành từng thôn mỗi thôn một tộc người, có những thôn toàn người Mán, những thôn khác toàn người Mèo, một số thôn như thôn Cốc Sâm toàn người Kinh. Tôi tới gặp xã đội trưởng tìm hiểu tình hình. Hai người đang bàn thì một người cao lớn đeo súng Colt trễ thắt lưng bước vào lán. Xã đội trưởng giới thiệu: tiểu đoàn trưởng Sơn Tùng của trung đoàn 165 (trung đoàn Lao Hà).
Sơn Tùng người Thổ Cao Bằng đội chiếc mũ cao bồi rất hợp vóc dáng cao to, hai mắt gườm gườm rất dữ, giọng nói khàn khàn. Mới gặp thì không dám gần, càng không dám cợt nhả nhưng chỉ sau vài câu chuyện là thấy mến. Anh kể lại chuyện chỉ huy tiểu đoàn bao vây thị xã Lào Cai hồi  tháng Tư năm 1949. Trong khi kể anh vỗ vai xã đội trưởng không dưới một chục lần làm vai xã đội trưởng gần sụp xuống.
-Thằng cha này khá lắm, không có nó huy động dân quân du kích và nhân dân giúp thì đơn vị mình chẳng làm ăn gì được. Trước hết là phải ém quân thật bí mật không bị địch phát hiện thì mới lợi dụng được yếu tố bất ngờ. Xã này là nơi lí tưởng, vừa kín đáo lại có người phục vụ nước nôi, cung cấp tin tức về thằng địch, dẫn đường tiếp cận mục tiêu. Vì thế bọn mình hoàn toàn chủ động. Khi bao vây chúng nó, bộ đội mình lại được tiếp tế đầy đủ, liên lạc thông suốt giữa các đơn vị với nhau. Mũi nghi binh của tiểu đội Ma Seo Lú du kích người Mèo làm bọn địch tập trung vào hướng ấy nên bị bọn mình bất ngờ choảng một đòn đau. Mình cám ơn các đồng chí dân quân nhiều lắm đấy!”
Tháng Ba 1950 bộ đội chủ lực mở chiến dịch Lê Hồng Phong tấn công Phố Lu diệt 2 đại đội phá hủy 1 tàu bay, giải phóng xã Xuân Quang, Gia Phú. Những xã mới giải phóng kết hợp với Phong Niên thành khu căn cứ vững chắc.
Trở về gặp Trường Minh tôi trình bày kế hoạch củng cố và phát triển lực lượng kháng chiến trong tỉnh. Tôi đề nghị mở cuộc họp Đảng có chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Tạ Văn Đoàn và phụ trách các đoàn thể cùng dự để lấy thêm ý kiến.Trường Minh sốt sắng tán thành, gọi ngay mấy cán bộ giúp việc đến bàn việc tổ chức hội nghị sau vài ngày nữa.
Đúng vào thời điểm ấy tôi được lệnh về nhận công tác ở phòng Chính trị bộ Tư lệnh Liên khu Việt bắc. Bí thư Trường Minh báo tin đó với vẻ tần ngần. Anh nói:
- Thoạt tiên mình định lờ đi, coi như không có lệnh này nhưng thế thì bậy quá, vô kỉ luật quá. Chúng mình đành phải chia tay nhau thôi”.
Tôi cũng cảm thấy bùi ngùi. Lần nào cũng thế, mỗi khi thuyên chuyển đi nơi khác lại thấy nơi đang hoạt động hình như có da có thịt gắn liền với da thịt mình, dứt ra thấy đau. Lát sau trấn tĩnh lại, tôi hỏi:
-   Trên đã cử ai về thay tôi chưa ?
-   Chưa nghe nói gì. Nhưng cậu cứ yên tâm đi nhận công tác mới, nếu cần mình sẽ kiêm luôn.
 Tôi rời Lục Yên châu giữa tháng 4 năm 1950, chưa kịp đóng góp gì cho Lao Cai. Năm 1952 vẫn chưa có chính trị viên tỉnh đội lên thay tôi, Trường Minh kiêm luôn chức vụ này.
                                                                                                                                                     SĐM



[1] A vaincre sans péril on triomphe sans gloire.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét