Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

CÔ ĐẦU XÓM KHÂM THIÊN



    Sau khi ra khỏi cũi hiến binh Nhật tôi tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội rồi xung phong vào bộ đội Nam tiến. Khi đang ở Huế chờ giao liên dẫn vào chiến trường thì được lệnh trở ra Bắc tham gia bảo vệ thủ đô. Các sự kiện lịch sử trong giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Mười hai năm 1946 đã được nhiều người tường thuật rất đầy đủ nên tôi chỉ kể về một đội viên khá đặc biệt của tôi.
Đêm 25 tháng 12 năm 1946 tôi dẫn tổ chiến đấu thọc sâu vào vùng Pháp chiếm đóng để lợi dụng bất ngờ tiêu diệt địch. Tổ có hai đội viên Thắng, Khải và liên lạc viên Cơm ‘còi’. Thắng và Khải rất dũng cảm, thiện chiến, do Đỗ Đức Kiên chỉ huy mặt trận ô Cầu Dền trực tiếp chọn trong số tự vệ Thành giao cho tôi.
 Đường đi vào hậu địch lắt léo qua các lỗ tường lúc ở gian ngoài lúc ở tít phía sau gần chuồng xí, có chỗ phải trèo lên gác mới có lối đi tiếp. Dưới chân lổn nhổn gạch vữa, ống dẫn nước, dây điện, vỏ chai, bô vệ sinh, lúc lóa mắt vì pháo sáng, lúc mù tịt như chui vào hũ nút.
Đi được chừng nửa giờ, tôi thấy một bóng người từ sau bức tường đổ chui ra. Tiếng phụ nữ lảnh lót:
-      Các anh ơi! Em đi với!
Tôi hỏi:
-          Ai thế?
-          Em đây mà.
-          Em là ai?
-          Là Thúy. Thúy Khâm Thiên ạ.

Tôi hỏi tiếp:
-          Cô đi đâu?
-          Đi với các anh chứ đi đâu. Ban nãy ngồi họp mà xung phong xin đi chắc đến Tết mới được ông Kiên chọn nên em đón ở đây chờ nhập bọn các anh.

      Tôi rất phân vân. Phụ nữ làm được trò trống gì trong chiến đấu sau lưng địch? Lại hỏi tiếp:
-          Cô đi với chúng tôi làm gì? Có biết bắn súng, ném lựu đạn không?
-          Cứ bắn cứ ném khắc biết. Chưa được bắn được ném thì làm liên lạc, tải thương, chị nuôi…Việc gì em cũng làm được tuốt.

Hết đường từ chối, tôi dịu giọng:
-     Bám sát cậu Khải kẻo lạc. Sẽ phân công cho đồng chí sau.
Từ “đồng chí” đến rất tự nhiên tuồng như không có cách gọi nào thích hợp hơn.

Bọn tôi qua đêm trên gác căn nhà nằm ở khoảng giữa chợ Hôm và chợ Mơ. Chợ Hôm đã bị Pháp chiếm hôm 23.
Sáng sớm hôm sau. Tiếng động cơ xe tăng ầm ầm, xích sắt loảng xoảng đánh thức bọn tôi choàng dậy, ghé mắt nhìn xuống đường. Một chiếc xe tăng dẫn chừng một đại đội lính Pháp lính Phi đi thành hai hàng dọc xuống chợ Mơ, cuối hàng là một chiếc Jeep không gắn đui xết[1] mà gắn ăngten vắt vẻo. Chiếc Jeep dừng lại ở mép đường ngay dưới chân tường nhà chúng tôi đang nấp, bốn thằng lính thông tin nhẩy xuống. Không thằng nào đeo súng.
Liên lạc Cơm ‘còi’ lủi đi một lúc rồi về nói thầm:
-          Chúng dừng lại rồi. Hình như chúng nó chuẩn bị tấn công ô Cầu Dền.
Tôi nghĩ rất nhanh: diệt bọn lính thông tin này sẽ gây khó khăn lớn cho chúng nó. Nhưng nên chờ lúc thằng chỉ huy đến hẵng cho chúng ăn đòn.
 Chờ một lúc lâu vẫn không thấy thằng chỉ huy nào đến bên chiếc Jeep, chỉ thấy một tên lính thỉnh thoảng xì xồ một hai phút vào micro. Sau lưng tôi tiếng súng máy, lựu đạn, pháo xe tăng bắt đầu nổ như sấm phía ô Cầu Dền
Không chần chừ được nữa, tôi đập kim hỏa quả lựu đạn Nhật thả xuống.        
Qua đám khói nhìn rõ hai thằng xốc nách thằng bị thương lôi đi sền sệt.
Lựu đạn vừa nổ Khải nấp ở tầng dưới lao ra thu chiến lợi phẩm. Cỗ máy thông tin gắn chặt trên xe, xác thằng ban nãy ủng oẳng nằm đè lên máy. Khải lôi nó xuống, rồi nắm hai tay lắc chiếc máy nhưng nó không nhúc nhích.
Đạn chiu chíu bay tới, trúng chiếc xe tóe lửa. Tôi hét:
-      Rút lui!
      Khải vừa buông tay thì ngã gục xuống đường. Thắng chạy ra nhưng Thúy túm áo kéo lại. Cô lăn trên  mặt đường vài vòng tới xốc Khải lên lưng rồi bò lổm ngổm dưới làn đạn địch cõng Khải vào. Thắng  giúp cô dìu Khải bị đạn trúng bắp chân đưa về trạm cấp cứu. Tôi đoạn hậu, sẵn sàng dùng lựu đạn lọ mực chặn đánh nếu địch đuổi theo. Nhưng không thằng nào dám liều mạng xông vào trận đồ bát quái đầy đe dọa này.
 Cơm ‘còi’ từ đầu vẫn quan sát địch, nửa giờ sau chạy theo tổ. Nó báo cáo: một thằng chết, một thằng bị thương, chiếc Jeep không cháy nhưng bị hỏng nặng nên chúng bỏ lại.

Nghe tôi tường thuật trận đánh ủy viên quân sự Kiên rất vui, bảo:
-      Cậu viết ngay một bài kể lại kinh nghiệm của các cậu đăng lên tờ báo của Liên khu ta sắp ra số đầu tiên.
Một tuần sau - đầu năm 1947 tờ báo khổ nhỏ của Liên khu 2 ra mắt bạn đọc, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi mới sáng tác in kín trang ba. Bài “Ổ Du kích sau lưng địch” của tôi in ở góc trái cuối trang nhất. Anh chị em tự vệ giành nhau đọc, gật gù, bàn tán sôi nổi về cách áp dụng những kinh nghiệm trong bài báo. Nhìn cảnh ấy tôi rất khoái, rất tự hào. Lần đầu tiên thấy được tác dụng của báo chí, tôi tự nhủ “Kháng chiến thành công, mình sẽ viết những bài báo thật hay cho mọi người đọc”.
Tiết trời cuối đông rét căm căm, những tấm màn gió lấy ở các ngôi nhà vắng chủ đắp không đủ ấm nên bốn chúng tôi nằm úp thìa, Cơm ‘còi’ đêm nào cũng ôm chặt tôi. Khi giấc ngủ chưa đến, chúng tôi rì rầm tán chuyện, mở đầu bằng cuộc trao đổi kinh nghiệm trận đánh trong ngày, sau đó là đủ thứ tào lao về cuộc sống đã qua, về mơ ước tương lai. Thúy nằm cách chúng tôi chừng nửa mét, ít khi tham gia trò chuyện với đám con trai mà thường lẩm bẩm hát. Cô hay hát bài tôi đã từng nghe bố hát hồi ở  bên Lào.
       
Hồng Hồng Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì,
Ngoảnh mặt lại đã tới kì tơ liễu…

Có đêm Thúy ngâm thơ:
       Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu[2]...

Giữa tiếng súng tiếng lựu đạn, giọng ngâm tiếng hát của Thúy đưa chúng tôi ra khỏi bầu không khí khói lửa trở về với thanh bình hồi trước khiến chúng tôi càng hăng say bảo vệ những điều tốt đẹp đang có nguy cơ biến đi mãi mãi.
Một tối tôi hỏi Thúy:
-   Chắc Thúy biết gốc gác bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết và ý nghĩa của nó như thế nào chứ? Mình đã nhiều lần nghe nhưng không biết có gì thú vị mà nhiều người hát thế.

Thúy im lặng hồi lâu mới trả lời. Hơn tuổi nhưng mỗi khi nói với tôi cô đều xưng “em” rất ngọt:
-     Em cũng không rõ lắm. Chỉ nghe lỏm các quan viên... à à… các ông khách đến hát giảng giải cho nhau thôi. Đại khái ngày xưa cô Hồng Tuyết yêu một ông thi sĩ và muốn lấy ông làm chồng nhưng ông chê cô còn bé chưa biết gì ông không thèm lấy. Mười lăm năm sau thấy cô đã lớn ông ấy đòi lấy cô thì đến lượt ông bị cô ấy chê là đã già mõm ra rồi. Vì chuyện ấm ớ thế nên có người đã làm thêm bốn câu mưỡu như thế này:
       Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì,
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

Cả bọn cười phá lên. Tôi suỵt suỵt ra hiệu đừng cười to, lộ vị trí.
Tuy rất tò mò muốn biết rõ về Thúy nhưng sau gần một tuần tôi mới lựa lời hỏi:
-          Hồi còn ở nhà Thúy học đến lớp mấy mà thuộc nhiều bài hát bài thơ thế?
-          Các bài hát bài thơ em thuộc là nhờ các chị cùng nghề dạy truyền khẩu cho đấy ạ! Em bỏ nhà ra Hà nội mới được đi học lớp Bình dân Học vụ chứ ở quê  làm gì có trường. Lớp học do chị Quỳnh Vân cán bộ Phụ nữ khu phố phụ trách. Học đang vui thì tháng Mười Một vừa rồi lớp phải giải tán vì giặc Pháp làm dữ quá.

Tôi nghĩ ngay đến chị tôi, đến những bạn học, những hướng đạo sinh, sinh viên rất sốt sắng đi xóa mù chữ trong thành phố. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn hồi đang giảng dạy tại trường Bưởi được hội Truyền bá Quốc ngữ mời làm cố vấn. Ông đã soạn quyển sách học vần nổi tiếng. Những câu “i tờ hai móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang… O tròn như quả trứng gà. Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu” và “huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn; hỏi lom khom đứng, ngã buồn nằm ngang” thật dễ nhớ dễ thuộc. Theo giáo sư, chữ t đọc là tờ, chữ m là mờ, s và x là sờ v.v.
Thúy bỗng bật cười:
-          Lớp em có mấy đứa rất bạo mồm bạo miệng. Hôm cậu giáo trẻ Kỳ đến dạy thay ông thầy già mọi tối trước, một đứa đứng lên hỏi: “Hôm nay thầy có dạy bài “sờ em xem” không ạ?

Cả bọn lại cười ngặt nghẽo. Tôi suỵt suỵt ra hiệu rồi hỏi tiếp:
-     Trước khi đi hát Thúy ở đâu? Sao không làm nghề khác mà lại đi hát?
     
      Một tiếng thở dài át hẳn tiếng bom đạn, một ánh mắt lóe lên qua chớp sáng làn đạn vạch đường vừa bay qua cửa sổ.
-      Anh đừng hỏi chuyện ấy. Chuyện chẳng vui vẻ gì mà kể anh nghe thêm buồn.
Từ đó tôi không hỏi Thúy chuyện ấy nữa. Thúy cũng không một lần nói đến, cứ lầm lũi làm nhiệm vụ về phía sau lấy cơm nước mang lên trận địa cho chúng tôi, có hôm mang kèm cả đạn, lựu đạn. Ngay cả khi bọn địch đã củng cố các vị trí sau lưng chúng tôi, đường đi về phía sau rất nguy hiểm nhưng Thúy vẫn đều đặn đi đi về về như đi chợ. Có hôm nghe tiếng súng rộ lên nhiều đợt rất gần, mãi không thấy Thúy, chúng tôi rất lo. Đến khuya mới thấy Thúy đến, vai đeo bị cói cơm, một bên chân bị đạn sượt qua. Tôi hỏi:
-Sao không chờ lúc chúng nó rút hẵng đi?

Thúy nhẹ nhàng đáp:
-Em sợ các anh đói.
-Chân chảy máu thế kia, sao không băng chặt vào?
-Cả cơ nghiệp chỉ có hai cuộn băng với một nắm bông bé tẹo, em phải để dành lỡ khi…nói dại, trong các anh có ai làm sao thì có mà dùng.

Tôi rất xúc động, định ôm Thúy hôn lên má nhưng sợ anh em hiểu lầm sinh lắm chuyện rắc rối nên lại thôi.

Tổ chúng tôi mải miết chiến đấu cho đến khi trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Năm người trong tổ chia tay nhau mỗi người một nơi. Sau đó không bao giờ tôi gặp lại Thúy, không biết Thúy sống chết thế nào.
Chỉ biết chắc một điều:
      Trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô đã có nhiều chiến sĩ xuất thân từ xóm cô đầu Khâm Thiên ngã xuống. Tấm gương chiến đấu hi sinh của họ cũng trong sáng cũng oanh liệt như bao tấm gương của Tự vệ Thành, Tự vệ Chiến đấu Hoàng Diệu, Vệ quốc đoàn. Nhưng không ai ghi lại. Vì định kiến coi các cô đào hát là đồ “xướng ca vô loài”?
                                                                                                                                                                                SĐM  


[1] Súng trọng liên 12,7
[2] Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị (772-846) nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Bản dịch của Tô Huy Vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét