Sau khi bàn công
việc, tôi rủ Huy con đi quan sát tình hình. Cả hai chúng tôi đang rất phấn khởi trước diễn biến mau lẹ của phong trào quần
chúng, háo hức được tận mắt chứng kiến
cảnh nhân dân thủ đô chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, muốn tự tai nghe quần chúng ca ngợi các hành động xuất quỉ
nhập thần của Việt Minh…Những cảnh, những lời đưa tinh thần chiến
đấu của chúng tôi lên cao chót vót, đồng thời ý thức cảnh giác, ý thức giữ bí mật cũng giảm sút mạnh. Riêng tôi những ngày qua được ăn
no ăn ngon nhờ số tiền của cô em con ông chú nên tinh thần lạc quan càng bốc
cao ngùn ngụt...
Từ nhà Huy ở phố Charron
(Mai Hắc Đế) ra phố Huế đi một quãng ngắn là tới nhà Phùng Văn Phúc[1] học trên tôi một
lớp. Lúc
này Phúc là ủy viên ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu.
Dẫy nhà trên đoạn phố Huế này có hai mươi bốn gian xây cùng một kiểu. Cửa
chính sơn
màu cánh gián, phần dưới là ván gỗ, phần trên lắp chấn song sắt. Sau
khung cửa chấn song nhà Phúc có một chú bé ngồi nhìn ra đường. Trông quen quen, tôi cố nhớ lại nhưng không
nhớ ra tên chỉ biết chú bé đầu húi trọc, da trắng xanh má còn búng ra sữa kia
học lớp 6EO trường Bưởi ở Thanh Hóa năm 1944.
Không cùng
đường dây, theo nguyên tắc thì không được tiếp xúc nhưng khi tới trước nhà tự nhiên tôi nẩy ra ý
nghĩ rẽ vào vừa để thăm người bạn đã lâu không gặp vừa để biết thêm tình hình; ở cương vị đang phụ trách chắc Phúc sẹo
nắm được nhiều chủ trương mới.
Tôi hỏi thằng bé:
-
Anh Phúc có nhà không?
Nó gật
đầu rồi hất hàm về cửa ngách ra hiệu bảo vào.
Tôi và Huy vào sân sau rồi đi vào gian trong. Không thấy Phúc.
Ra gian ngoài cũng không thấy, chỉ một mình thằng nhóc ngồi nhìn ra ngoài
đường.
Đang ngơ ngác
thì một gã mặc quần tây, sơ-mi lụa từ sân sau chạy vào, dứ khẩu Browning giữa
mặt chúng tôi, quát giọng lơ lớ:
-Etsu Mei[2]!
Giơ tay lên!
Nó rút còng số 8
xích tay phải tôi vào tay trái Huy rồi chạy vội ra sân.
Thằng nhóc vẫn
nhìn ra đường, không quay lại.
-
Đồ chó má! Nó sẽ còn đưa thêm người của ta vào
bẫy…
Tôi rủa thầm thằng ranh
con và
nghĩ rất nhanh: Phúc sẹo đang lâm nguy, phải tìm cách cứu! Tính nước đến quật thằng nhóc ngã xuống, bịt chặt mồm nó
nhưng thấy ngay không ổn: tên hiến binh nấp ngoài kia thấy nó không còn ngồi ở cửa sổ sẽ lập tức xông vào. Tôi thở dài ngán ngẩm ‘Đúng là mình còn mang nặng cái đuôi tiểu tư sản,
ông Kiên nói không sai .. gặp thuận lợi là lạc quan tếu,
tếu đến mức vô nguyên tắc, vô kỉ luật… Bỗng dưng tự dẫn
xác đến chui đầu vào thòng lọng! Đã thế còn đưa Huy con cùng vào bẫy. Tai
hại quá!’
Tôi rất lo
về mấy tờ truyền đơn trong túi. Vừa rồi thằng hiến binh vội chạy ra chỗ
mai phục nên chưa khám túi, chốc nữa chắc chắn nó sẽ khám.
Còn một tay tự
do, tôi móc túi quần sau lôi mớ tài liệu ra, cắn chặt giữa hai hàm răng rồi
mạnh tay xé làm đôi, đưa nửa non cho Huy
con.
-
Nhai nuốt hết đi.
Mới nửa giờ trước còn khoe với Huy, Đu ‘Tớ có tờ truyền đơn còn thơm mùi mực đây này!’ bây giờ mực vừa hôi mùi hắc ín vừa khét mùi nhựa đường. Trong mồm như có chảo lửa, nhai mãi
mấy tờ giấy mới nhuyễn, vón lại thành một cục nhưng cái cục giấy chết tiệt ấy
hút hết nước bọt làm lưỡi khô như khúc gỗ, cuống họng cứng như ống cao su. Tôi
dựa lưng vào tường lấy thế, trợn trừng trợn trạo bạnh quai hàm, vươn cổ dài ra hết cỡ mới nuốt trôi cái cục rất khó nuốt ấy. Được cái là nuốt trôi xuống bụng rồi thì thấy lòng nhẹ đi một ít.
Lát sau Phúc ‘sẹo’
bước vào. Thấy hai chúng tôi ngồi dúi dụi ở góc phòng, Phúc sửng sốt vừa định
hỏi thì tên hiến binh ban nãy xộc vào chĩa súng giữa mặt. Phúc chưa kịp phản
ứng đã bị nó dùng Jiu-jitsu quật ngã, rồi
rút xích khóa hai tay lại. Nó nghiến răng đạp, đấm anh vô hồi kì trận rồi mở
hòm, mở tủ ra lục, vứt tung mọi thứ khắp
nhà. Chắc thằng nhóc 6EO đã khai báo nhiều về anh.
Một thằng hiến binh thứ hai vào nắm giữa sợi xích kéo tôi và
Huy đứng lên rồi lôi hai cái mặt nhăn nhó vì đau ra ngoài đường, gọi xe kéo đẩy
cả hai lên.
Tôi rỉ tai Huy:
-
Chẳng ai biết chúng mình bị
bắt mà báo
động cho các cơ sở đề phòng. Ta giơ cao tay
bị xích lên, may ra có cậu nào nhìn thấy sẽ báo cho các bạn.
Mấy người đi xe
đạp quay đầu nhìn hai chàng trai đang giơ hai cánh tay bị xích lên quá đầu. Người thì hốt hoảng đạp dấn
lên vượt qua, người thì
thản nhiên nhìn rồi lạnh lùng quay đi...Trên lề đường,
một gã đứng dạng chân khuỳnh tay vênh bộ mặt dương dương đắc ý nhìn theo.
Sau này một đoàn viên Cứu quốc phố Charron kể lại: tình cờ trông thấy tổ
trưởng bị xích tay chung với một người nữa trên xe kéo, cậu
lập tức chạy
về báo cho tổ biết, cất giấu tài liệu, thay đổi chỗ ở...Mẹo
phát tín hiệu báo động của tôi đã có tác dụng.
x
x x
Trụ sở công ti xăng dầu Shell số 39 Gambetta (Trần Hưng Đạo) bị Nhật chiếm làm trại hiến binh kiêm nhà tù. Tầng dưới dựng hai cái cũi, mỗi
cái khoảng bốn mét chiều ngang, ba mét chiều
dọc.
Mặt trước lắp chấn song gỗ to bằng cẳng tay, các thanh
cách nhau độ mươi xăng-ti-mét, vừa đủ cho lính gác thúc khẩu súng gỗ vào
mặt người tù.
Tôi vừa bước lên hai bậc thang khom lưng chui vào cũi, mùi thối khẳn đã thúc vào tận phổi. Đưa mắt đếm thấy
khoảng năm
chục người ngồi thành bốn hàng. Huy lên
trước, len vào ngồi hàng thứ hai, tôi bước theo
sau ngồi
vào giữa hàng thứ nhất, vừa ngồi xuống đã bị ngón chân người ngồi hàng sau thúc
vào đít. Bên phải là một
gã tây
lai, bên trái một bác nông dân. Hàng cuối có Sỹ Tín bạn học trường Bưởi, đầu quấn kín băng có vết máu to bằng bàn tay trên thái dương trái.
Cạnh Tín là Hải cùng lớp với Tín ngồi bên một anh khoảng ba mươi tuổi có vẻ trí thức.
Gần cuối thu nhưng không khí hầm hập, tất cả đều mồ
hôi nhễ nhại, chỉ mặc quần đùi hay xi-líp, nhiều người cởi truồng, quần áo quấn quanh cổ hoặc trên đầu. Mồ hôi từ đời nảo đời nào rỏ xuống sàn
gỗ đóng thành lớp ghét dầy
đen bóng, trơn nhẫy.
Tôi hỏi chuyện
hai người ngồi bên. Bác nông dân từ Hà Đông mang cá ra bán ở chợ Dừa, lúc quay về đến Ngã tư Sở thấy trên
bốt điện dán tờ giấy vẽ cờ đỏ sao vàng, bác đứng lại xem. Đang lẩm nhẩm đánh
vần thì bị bắt.
Gã tây lai than thở “Tôi không làm chính trị. Tôi làm ăn lương thiện. Họ bắt nhầm”.
Trường hợp hai bạn Sỹ Tín, Hải thì tôi đã biết
từ trước. Tối hôm Thanh niên Cứu quốc vào
rạp Tố Như diễn thuyết vừa xong thì hiến binh Nhật ập đến. Tự vệ Chiến đấu nổ súng
bắn chết một sĩ quan Nhật, bắn bị thương Võ Văn Cầm thủ
lĩnh “Thanh niên Ái quốc”. Sỹ Tín bị chúng bắn sượt đầu, choáng óc ngã xuống và bị bắt.
Hải vừa dự xong lớp huấn luyện quân sự đang thèm súng thì gặp người mách
mối bán
một khẩu Chiêu Hòa có mấy
chục viên đạn kèm theo. Hải xin tiền mẹ, đi gặp tên mối lái và rơi vào bẫy. Bọn Thanh niên Ái quốc biết Việt Minh đang rất cần súng, nhiều người mê súng đến nỗi mất cảnh giác nên chúng bày mưu bắt
họ. Chúng
in giả “Tín phiếu Việt Minh” trên giấy màu xanh da trời có chữ ký của Triệu Vân
bộ trưởng Tài chính, đóng dấu Tổng bộ Việt Minh. Những người thuận ý mua thì
vừa mất tiền vừa bị tra tấn, tống giam. Liên hệ bản thân, tôi thấy mình hai lần
bị bắt đều do những thằng hèn khai báo, tiếp tay quân thù. Con đường cứu nước quả
là nhiều cạm bẫy lắm hiểm nguy…Nếu chủ quan hoặc không giữ nghiêm kỉ luật thì
càng dễ rơi vào tay địch.
Đến bữa trưa, mỗi người được
một nắm cơm bằng quả trứng vịt, ăn hết vẫn ngờ ngợ như chưa ăn…nó làm tôi nhớ
đến nắm cơm trộn vôi trong nhà tù Thanh Hóa, nắm cơm Khất thực ăn giấu ăn giếm
trên đường Cổ Ngư. Mấy ai đã được nếm nhiều thứ cơm nắm như tôi?... Gã tây lai nghiêng người nhấc một bên mông, dùng móng tay út khều mấy hột cơm vãi bị đè lún xuống lớp
ghét dưới sàn gỗ, bỏ mồm nhai tóp tép. Khều hết mấy hột dưới mông, gã nhấc đùi tôi lên nhòm nhòm rồi cúi
xuống móc mấy hạt cơm chìm dưới lớp ghét bỏ mồm...
Xẩm tối, người
ngồi đầu dãy thứ nhất gọi to:
-
Anatà ơi! Kôkăng bengiô[3]!
Tên lính gác mở
khóa. Hai người ngồi hàng cuối khiêng thùng cứt ở góc cuối phòng mang
đi đổ.
Tối đến, ngọn
đèn 100 oát chiếu sáng những cái đầu dúi
dụi ngả vào nhau.
Tuổi 19 dễ ngủ nên chẳng mấy chốc tôi bắt đầu gà gật. Đâu đó có tiếng ngáy, tên
lính gác dừng lại quát ồi ồi, thọc khẩu súng gỗ dài vẫn dùng tập đâm lê đâm vào mặt người đang ngáy làm anh ta
kêu lên. Tôi tỉnh giấc.
Bỗng từ mạn Hàm
Long rộ lên tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh! Ủng hộ Việt
Minh!” dồn dập nối tiếp nhau. Tôi mừng quýnh, nhớ lại diễn biến đêm mùng 9 tháng Ba ở Thanh Hóa. Rồi
thấy lo, quay xuống rỉ tai Huy con:
-Bọn phát xít Đức hễ rút khỏi chỗ nào thì việc đầu tiên là
giết hết tù binh. Khi
bọn Nhật này rút, chắc chắn nó sẽ xả súng bắn chúng mình. Lúc ấy tớ với cậu
phải đập vỡ bóng đèn rồi leo lên nấp trên trần may ra mới thoát chết.
Huy hỏi:
- Đập bằng cái gì?
- Bằng cái nắp thùng cứt kia kìa. Hai chúng mình bê lên mà choảng vỡ bóng
đèn.
Tôi nói thế để tự trấn an và trấn an Huy con chứ trong bụng nghĩ: “Nó quẳng vài quả lựu đạn vào thì nằm dưới này cũng
chết trèo lên trên kia cũng toi!”
Nhưng không có
lựu đạn ném vào. Chỉ có khẩu súng gỗ của lính gác thỉnh thoảng đâm vào đầu
những người ngáy to.
Ba tối sau
tối nào cũng
có tiếng hô ‘Ủng hộ Việt
Minh!’ hôm ở mạn Lò Đúc hôm ở phía chợ Hôm, những tiếng hô gieo niềm hi vọng cháy bỏng pha lẫn hồi
hộp, lo lắng.
Ngày thứ mười
mấy không nhớ, một tên tay sai tới mở khóa cũi:
-
Ngài Khâm sai đã điều đình với các quan Nhật thả các người.
Chờ đại diện ngài Khâm sai tới phủ dụ rồi về nhà.
Gã xua hết tù lên tầng sát mái ngồi chờ. Tôi đến ngồi gần một ô tường cho
thoáng.
Chờ hàng tiếng vẫn
không thấy đại diện Khâm sai đến. Khoảng 10 giờ tôi chợt thấy lá cờ đỏ sao vàng
phấp phới trên đầu một tốp năm sáu người dưới phố, bên người cầm cờ có hai
người đeo súng ngắn ở thắt lưng. Tôi bật dậy reo to:
-
Việt Minh kia rồi!
Và chạy ra cầu
thang. Nhiều người khác rầm rầm chạy theo.
Xuống tới lưng
chừng cầu thang, đoàn người ùn lại bên chiếc cáng do hai tên lính Nhật khiêng.
Trên cáng, một xác người mặt trắng bệch, bụng đắp chiếc chăn đỏ lòm đang rỏ máu xuống đất. Tên sĩ quan Nhật đã Harakiri, tự mổ bụng vì nỗi nhục thua
trận.
Gã tây lai tái mặt cố dán người vào tay vịn cầu thang tránh chiếc cáng rồi
quay lưng lại làm dấu thánh giá lia lịa, lẩm bẩm ‘Quỉ tha
ma bắt mày! Quỉ tha ma bắt mày!’
Tôi
nghĩ thầm: ‘Thằng phát xít này chết là đáng đời. Nhưng nó còn có chút lòng tự
trọng, không như thằng Lê Đỗ Nguyên đã khai báo cho địch bắt 32 bạn học mà vẫn
nhâng nháo lên mặt khoe " biết tương kế tựu kế " nên chỉ sau vài giờ bị bắt đã được mật thám Pháp cho về nhà! SĐM
-------------------------
[1] Học sinh trường Bưởi, một trong tám đội viên đầu tiên
của đội Ngô Quyền, một trong năm đảng viên lớp Hoàng văn Thụ của Hà Nội. Hi
sinh ở khu Đại la, Hà Nội, trong những
ngày đầu cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 12 năm 1946.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét