Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

TÔI VIẾT BÁO



         Tờ báo Quân Việt Bắc của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc ra đều đều mỗi tuần một số nhanh chóng được du kích và bộ đội địa phương Liên khu khen ngợi. Mục “Tây thua ta thắng” kể chuyện những mưu mẹo đánh giặc tài tinh của quân dân ta được mọi người tìm đọc trước tiên khi báo đến tay. Tôi thường nhắc hai cây bút chính Lê Kim Thảo, Ngô Linh Ngọc: muốn tờ báo có những bài “bổ ích” và “được bạn đọc ưa thích” cần hai điều kiện : một là có nhiều cộng tác viên dưới đơn vị viết bài, cung cấp tài liệu, góp ý, hai là chúng mình phải xuống tham gia chiến đấu với quân dân dưới cơ sở. Bản thân tôi tuy bận nhiều việc nhưng tự nhủ mình là chủ bút nên phải cố thu xếp thì giờ thâm nhập thực tiễn.
Hôm đi Bắc Ninh tìm hiểu về tiểu đoàn bộ đội địa phương Thiên Đức (tên chữ của sông Đuống), tôi đi với một toán chừng mươi cô dân công vừa hoàn thành nhiệm vụ ngoài vùng tự do trở về quê trong vùng địch tạm chiếm. Suôt chặng đường hơn năm chục cây số từ Thái Nguyên đến huyện Việt Yên cô gái quê khoảng đôi mươi trẻ nhất bọn luôn đi bên tôi trò chuyện rất vui, cung cấp nhiều tài liệu về đời sống nhân dân vùng địch hậu. Khi tới sông Cầu trời đã tối mịt không còn nhìn rõ mặt người, cả toán chuẩn bị qua sông sang huyện Yên Phong. Tôi hỏi cô gái:
-    Đò đâu, sao không thấy ?
     
Tiếng khúc khích cười xen tiếng sóng vỗ bờ:
        -    Làm gì có đò ạ. Chúng em vẫn phải bơi qua sông đấy chứ. Đoạn này rộng nhất, nước chảy xiết nhất nên là chỗ chúng nó ít nghi ngờ nhất. Nhưng nhiều khi bơi dưới sông thì không sao, lên bờ đi một quãng thì gặp địch. Chúng nó tra hỏi, khám kĩ lắm cơ. Vì thế chúng em phải giữ quần áo, đầu tóc thật khô để chúng khỏi nghi. Nói xin lỗi anh, ngay cái quần lót của mình cũng bị chúng nó kiểm tra. Và kiếm cớ để giở trò khốn nạn…

Ngừng một lát, cô tiếp:
 -   Bọn em bơi qua sông như cơm bữa ấy chứ. Chẳng đêm nào không đưa đón cán bộ huyện cán bộ tỉnh, rồi cán bộ trung đoàn này đại đoàn kia ra vào như đi chợ ấy…Nhưng thôi, chuyện chúng em thì nói đến tết cũng chưa hết. Anh cởi quần áo cho vào tấm ni lông này, túm lại làm phao bơi cho đảm bảo.
 Tôi cởi quần áo đưa hết cho cô gái, trên người chỉ còn chiếc quần đùi. Nghe loáng thoáng có tiếng sột soạt rồi một bàn tay mềm mại nóng ấm cầm tay tôi dắt xuống sông.
-   Anh em mình bám chắc vào bọc quần áo này mà bơi.

Chiếc phao đơn giản mà rất tốt, hai người ôm vẫn nổi. Và tôi chợt nhận ra một điều lúc đầu không để ý: những đụng chạm khi bơi cho thấy trên mình cô gái không có một mảnh vải nào dù nhỏ.
Nhớ lại chuyện cô vừa kể tôi thấy xót xa cho thân phận những em gái trong địch hậu. Xót xa và cảm phục. Vì tình yêu tổ quốc, họ chịu đựng tất cả, hi sinh tất cả, cả những thứ họ coi là quí nhất trên thân mình… Chẳng dân tộc nào trên thế giới có nhiều nữ tướng, nữ binh như dân tộc mình. Trước hiểm họa mất nước các bông hoa cũng biến thành gươm súng. Hạnh phúc cho dân tộc nẩy sinh từ bất hạnh !

Hôm đi lấy tin ở tiểu đoàn Bạch Đằng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Yên tôi được một công nhân mỏ than Mạo Khê dẫn về Lưu Kiếm xã Yên Đức. Sau chiến dịch đường 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám) tháng Ba 1951 bộ đội chủ lực của ta rút đi, địch ra sức củng cố lực lượng, lùng phá các cơ sở kháng chiến nên việc liên lạc với các đơn vị trong hậu địch rất khó khăn.
Anh phu mỏ dẫn tôi vượt qua đường 18 về Chí Linh. Tới một xóm nhỏ thấy trời sắp sáng anh đưa vào một nhà cơ sở nghỉ chân. Nhà chỉ có hai mẹ con, người chồng đã hi sinh trong trận Bến Tắm. Khẽ nâng tấm liếp cánh cửa lách vào, anh công nhân bật lửa. Trên chõng chỉ có chú bé nằm đắp chiếu. Anh gọi chú dậy. Nó mới khoảng mười tuổi, gầy nhách, dụi đôi mắt hấp hay nhìn rồi lẩm bẩm “Chào chú Đồng”.
Chú Đồng hỏi:
-        Mẹ đâu ?
-        Mẹ cháu đi chợ mua hàng từ hôm qua, mai về. Hai chú nghỉ nhà cháu hả ?
-        Ừ. Nghỉ đây tối đi tiếp.
-        Hai chú vào giường mẹ trong buồng mà ngủ, cháu gác cho.
-        Hầm nhà mình vẫn tốt chứ ?
-        Vâng.

Buồng trong có chiếc giường gỗ mộc kê sát cửa sau, chắc là cửa xuống bếp. Vừa nằm xuống tôi đã ngủ vùi…Đang ngủ bỗng thấy mình bị lôi tuột khỏi giường, mắt nhắm mắt mở nghe tiếng Đồng giục:
  -   Xuống hầm !
Nghe thế là tỉnh ngay, tôi theo Đồng qua cửa sau chạy ra lũy tre sát vách bếp, len vào giữa một bụi rồi chui xuống hầm bí mật, ngồi thu mình thật gọn giỏng tai nghe động tĩnh.
Tiếng dụ dỗ :
-        Mấy anh bộ đội đâu? Nói cho chú biết chú cho nhiều kẹo. Một túi to đây này !
-        Có anh nào đâu ạ. Cháu đang ngủ có thấy gì đâu ạ.
       -    Đừng nói dối. Rõ ràng chú trông thấy mấy anh bộ đội vào đây mà. Nào, nói đi. Kẹo đây.
-        Chú cho cháu trước đi. Lần sau hễ trông thấy bộ đội cháu sẽ báo.
-        Địt mẹ thằng ranh con xỏ lá! Này kẹo này…Này kẹo này…

Tiếng uỳnh uỵch uỳnh uỵch…Xen lẫn tiếng khóc, tiếng gào “Đau quá chú ơi…Đau quá…Cháu chết mất thôi…”
Tôi nhấp nhổm muốn xông lên nhưng rồi nghiến chặt răng ngồi im.
Không nghe tiếng gì nữa. Chừng mươi phút sau tôi định chui ra nhưng Đồng khẽ giật áo giữ lại.
-        Đừng vội. Thể nào chúng nó vẫn còn nấp rình đâu đó.

Chừng mười phút nữa, tiếng thằng bé nghêu ngao hát một câu chẳng biết là vọng cổ, hò Huế hay chèo Bắc : “Vẫn còn, vẫn còn một bóng hồng lưu luyến…”…”Vẫn còn, vẫn còn…”
Đến quá trưa,  tiếng thằng bé:
 -   Cơm là cơm chín rồi… Cơm là cơm chín rồi…mình ăn cho đẫy bụng…

Hai anh em ra khỏi hầm.
Thấy thằng bé đi tập tễnh tôi hỏi:
-        Có sao không em?
-        Giầy đinh nó đá vào mắt cá chân thâm tím hết đây này. Nhưng không sao đâu. Anh với chú xơi cơm, em ra đầu ngõ gác.
Những chuyến đi vào địch hậu các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên… mang đến cho tôi nhiều tư liệu rất sinh động, nhiều xúc động sâu sắc, giúp tôi viết được nhiều bài báo mang hơi thở cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của  quân dân Liên khu. Và tăng thêm lòng yêu nước, thương dân, chí căm thù địch của tôi.
Tờ Quân Việt bắc không chỉ có nhiều bài hay mà còn có hình thức đẹp, in bằng máy chứ không in litho như báo của các Khu bạn. Nhà viết kịch kiêm nhà thơ tài hoa Lưu Quang Thuận vui vẻ nhận in báo tại một cơ sở của Việt nam Thư Ấn Cục cùng đóng trong làng Gia Điền với tòa soạn. Thỉnh thoảng Lưu Quang Thuận ra xóm ngoài ngồi bù khú với Hoàng Cầm, Ngô Linh Ngọc, có bữa dắt theo thằng con Lưu Quang Vũ lên 2 tuổi. Tôi rất quí thằng bé hiền lành có đôi mắt mơ màng, thỉnh thoảng có tiền tôi lại mua cho nó vài cái kẹo vừng.
Lưu Quang Thuận sinh ngày 14 tháng 7 năm 1921 tại Đà Nẵng. Trước 1945, viết  kịch bản đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì (1941) được biểu diễn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tham gia Việt Minh năm 1946, sáng lập Nhà xuất bản Hoa Lư, tạp chí Sân khấu và là Giám đốc Việt nam Thư ấn Cục tại chiến khu Việt bắc. Năm 1948 gia nhập quân đội hoạt động trong Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn Văn công Nhân dân trung ương. Từ năm 1954 đến 1964 làm việc tại Đài phát thanh tiếng nói Việt nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ. Từ 1965 đến khi mất, làm việc tại Nhà hát chèo Việt nam. Con trai ông là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.
 Lưu Quang Thuận qua đời đột ngột ngày 21 tháng 2 năm 1981 khi đang xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hà nội. Trong khoảng 20 năm cuối đời, không biết vì lý do gì mà Lưu Quang Thuận không được tăng lương lần nào. 10 ngày sau khi ông qua đời, có người đến nhà ông mang đến bà quả phụ Vũ Thị Khánh quyết định nâng lương cho ông từ cán sự 6 (93 đồng/tháng) lên chuyên viên 1 (103 đồng/tháng). Bà Khánh từ tốn cảm ơn và phiền người này mang giúp bản quyết định nâng lương đến …nghĩa trang Văn Điển!

Lúc đó tờ Quân Việt bắc đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó nên tôi không có điều kiện đưa sự việc này lên báo. Thật đáng tiếc!
                                                                                                                                                                                          SĐM



Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

LIÊN KHU VIỆT BẮC



Liên khu Việt Bắc vừa là một cấp hành chính (có Ủy ban Kháng chiến Hành chính) vừa là cấp quân sự (có bộ Tư lệnh) gồm 17 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Quảng Yên, Hải Ninh, Đặc khu Hòn Gai và huyện Mai Đà của tỉnh Hòa Bình.
Lê Đình Thiệp chủ nhiệm chính trị bộ Tư lệnh Liên khu là cán bộ Việt Minh hoạt động từ thời kì bí mật ở Vĩnh Yên, Phú Thọ. Xuất thân nông dân, ít chữ, không mắc bệnh thành phần chủ nghĩa, đối xử rất tốt với bọn cán bộ trẻ loại tạch tạch sè chiếm số đông trong cơ quan. Ông cho rằng chỉ bọn này mới làm được việc ở các ban tuyên huấn, địch vận, hành chính, riêng các ban bảo vệ, tổ chức, cán bộ mới cần cán bộ thành phần cơ bản, có lập trường quan điểm vững vàng, ít chữ cũng chẳng sao. Đinh ninh như thế nên khi tôi về làm trưởng ban tuyên huấn ông rất niềm nở, thực sự vui mừng. Chiến dịch Biên giới vừa giành thắng lợi to lớn, cánh cửa liên lạc với phe xã hội chủ nghĩa mở rộng, vô vàn công việc về tuyên truyền cổ động, giáo dục, văn hóa đang chờ trong khi ban tuyên huấn chưa có người phụ trách. Mà ở đấy toàn những cái đầu xem chừng không dễ bảo: các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Văn An, Nguyễn Lầy, ca sĩ kiêm diễn viên kịch nói Thúy Nga, diễn viên chèo Nguyễn Thị Thậm, diễn viên Huy Công, nhà văn Ngô Linh Ngọc, Bàng Sĩ Nguyên, thi sĩ Hoàng Cầm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bàng Thúc Long, nhà báo Lê Kim Thảo, họa sĩ Giang Tô và Tô Linh (con Tô Dĩ tức Lê Giản giám đốc đầu tiên của Nha Công an)… Một dàn hợp xướng đa dạng đa tài có khả năng tấu lên những khúc nhạc hay nhưng chưa có nhạc trưởng. Chủ nhiệm Lê Đình Thiệp tin chắc tôi là dân Hà Nội học đến Tú tài lại đã tham gia hoạt động bí mật, từng ra tù vào tội chắc có đủ uy tín và tài năng để phụ trách cái tập thể khá phức tạp này.
Tôi điều hành ban Tuyên huấn khá thuận lợi không phải vì có tài cán gì mà vì các thành viên tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng rất giống nhau ở một điểm căn bản: thiết tha yêu nước, quyết cống hiến hết sức mình cho thắng lợi. Tôi tự nhủ “mình dốt thơ dốt nhạc dốt kịch dốt họa nên đừng can thiệp sâu vào công việc của mấy ông tướng này. Chỉ cần nhắc họ giữ vững định hướng chính trị trong sáng tác: động viên tình yêu quê hương đất nước, tinh thần chiến đấu hi sinh giành độc lập tự do. Thế là được. Họ hay mơ mộng viển vông, họ hay lãng mạn cũng chẳng sao. Bản thân mình cũng hay lãng mạn viển vông kiểu tiểu tư sản chứ có kém gì!”
Tập thể ban Tuyên huấn sống với nhau như anh em một nhà, kính trên nhường dưới, giúp đỡ chăm sóc nhau tận tình, chẳng ai so kè tị nạnh ai.
Riêng hai cậu Ngọc Châu và Xuân Quang sống cô độc, cả ngày không nói một câu không cười một tiếng. Khi đã thân nhau Châu và Quang mới tiết lộ với tôi họ là nạn nhân vụ H122.
Năm 1948 cơ quan quân báo được tin bọn Phòng Nhì (2è Bureau: cơ quan gián điệp Pháp) đã gài được một người của chúng vào Bộ Chỉ huy khu Việt bắc. Mang bí danh H122, hắn đã lấy được kế hoạch Thu Đông 1948 của bộ Quốc phòng chuyển vào nội thành cho quân Pháp.
Khu ủy và bộ Tư lệnh Việt bắc mở cuộc điều tra.
Quân báo của ta phối hợp với công an truy lùng. Trình độ người phụ trách điều tra rất non kém, cứ nghi ai là cho bắt, đã thế lại dùng nhiều biện pháp thô bạo - kể cả truy bức, mớm cung, tra tấn... Một số chiến sĩ, cán bộ của 5 trung đoàn bị bắt, trong đó có một anh chăn ngựa của quân đội nhận mình chính là H122. Anh ta khai ra nhiều cơ sở ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Không chịu được đau đớn, những người bị bắt khai lung tung, mới hơn một tháng đã có tới mấy trăm người bị tống giam, nhân dân, bộ đội rất hoang mang.
Được tin, Bác Hồ cử Trần Đăng Ninh chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đi xác minh. Suốt 3 tháng trời, ông cùng các thành viên đoàn kiểm tra gặp gỡ từng người bị bắt, thâm nhập thực tế từng khu vực. Cuối cùng, Trần Đăng Ninh kết luận: “Trong nội bộ không có địch, đây là vụ án giả tạo, do địch phao tin, những người bị bắt bị mớm cung ép cung nên khai láo làm mấy trăm người bị oan, ta đã mắc mưu địch...”.
Lê Giản, Tổng giám đốc đầu tiên của Nha Công an Trung ương kể lại:
 “Năm 1948, Trung ương và Bác Hồ giao cho anh Trần Đăng Ninh đi kiểm tra vụ H122. Tôi được cùng anh đi làm vụ này. Đó là một vụ đặc biệt có rất nhiều vấn đề, nhiều bài học tỏ rõ phẩm chất bản lĩnh tài năng lớn của anh Ninh. Trong thẩm tra vụ H122, anh Ninh có cách làm việc rất khoa học, sâu sát, tỉ mỉ và cẩn thận, kiên quyết... Với tài năng và trí tuệ, với kinh nghiệm cuộc sống phong phú, từng trải, với tinh thần làm việc ngày đêm, với quyền lực tối cao được Bác Hồ giao, một lòng vì Đảng, vì dân, vì công lý, anh Ninh đã giải oan cho mấy trăm người, lấy lại niềm tin cho cán bộ và nhân dân Từ đó anh được ca tụng là “Bao Công Việt Nam”.

Ngày 19 tháng 1 năm 2011 Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh viết trên báo Cựu Chiến binh:
“Kỹ sư Võ Quý Huân, một trí thức Việt kiều theo Bác Hồ về nước năm 1946, được giao trông coi một cơ sở sản xuất vũ khí ở Liên khu IV. Năm 1949, trong ngành quân giới có tin rằng cơ sở này bị  thất thoát nhiều tài sản, Huân tham ô nên mới có nhiều tiền tiêu sài và ăn mặc sang trọng thế. Trần Đăng Ninh lại được cử đến điều tra vụ việc. Huân là một nhà khoa học, chỉ chú tâm vào nghiên cứu và sản xuất, chẳng để ý gì đến việc khác. Sở dĩ anh sinh hoạt khá hơn vì có vốn mang từ Pháp về; nhà vợ lại giàu có, chu cấp cho chồng thường xuyên. Mấy kẻ xấu ở xí nghiệp đã lợi dụng chuyện đó để xoay sở, chi tiêu vô nguyên tắc, rồi đổ vấy cho anh...
“Năm 1951, Trần Đăng Ninh xuống làm việc với Chi cục vận tải Việt Bắc, đóng ở Nà Cù (tỉnh Bắc Kạn). Xong việc, ông lại lên chiến khu. Khi đi được hơn 10 cây số, thì có người kể: ‘Chi cục này vừa bắt giam anh Vinh, trạm trưởng Binh trạm Bắc Kạn, hàng ngày chỉ cho ăn cơm muối, bắt đi làm cỏ vê‘. Đồng chí Ninh liền lệnh cho xe quay trở lại. Ông chất vấn thẳng thừng Chi cục trưởng, mặc dù người đó là bạn chiến đấu cũ đã cùng ở tù với nhau:
-    Tại sao anh bắt Vinh?
-        Vì nó thụt két một số tiền lớn
-        Anh đã chắc chưa?
-        Ấy là anh em báo cáo...
-        Mới nghe báo cáo, mà anh đã bắt người ta, anh to gan thật! Tôi lệnh cho anh thả Vinh ra ngay; cho trở lại đơn vị để xác minh lại sổ sách, chứng từ kế toán. Nếu thụt quỹ, thi hành kỷ luật cũng chưa muộn. Sinh mệnh một con người mà sao anh xử sự đơn giản thế...
      Vụ việc đã được làm rõ: Vinh luộm thuộm, nghiệp vụ kém; sổ sách kế toán không kịp thời,chứ quỹ tiền mặt không hao hụt gì.
Cũng ở Chi cục này, lại xảy ra một chuyện: Binh trạm Cao Bằng mất một số tiền lớn. Không điều tra nguyên nhân, Chi cục trưởng nhờ Ty Công an bắt giam luôn cả ban chỉ huy trạm. Nghe chuyện, đồng chí Ninh liền cho xe đón 3 “bị can” về xét hỏi. Cuối cùng một trạm phó khai nhận đã mở hòm lấy cắp tiền, hiện còn giấu trên mái nhà, chứ trạm trưởng và trạm phó không liên quan...”

Bao công Trần Đăng Ninh là người như thế !
Trần Đăng Ninh (1910-1955), tức Nguyễn Tuấn Đáng, quê xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Hoạt động cách mạng năm 1930, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936. Năm 1939, ủy viên Thành ủy Hà Nội, tham gia lãnh đạo phong trào công nhân. Năm 1940 ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ,  được cử về Bắc Sơn  lập ủy ban cách mạng, tổ chức du kích, xây dựng căn cứ Ngũ Viễn - Vũ Lăng. Tháng 5 năm 1941, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Bị Pháp bắt giam hai lần (1941, 1943), kết án tù 20 năm khổ sai rồi tù chung thân.Hai lần vượt ngục: tháng 3/1943, vượt ngục lần thứ nhất, tháng 9 năm đó bị bắt lại. Tháng 3 năm 1945, vượt ngục lần hai, được cử làm ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách chiến khu Hoàng Hoa Thám. Tháng 8 năm 1945, vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, làm Đặc phái viên của  Trung ương Đảng ở Trung Bộ và Nam Bộ, rồi đặc trách xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, Phó Tổng thanh tra Chính phủ (1946-1949). Năm 1950, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần), Ủy viên Tổng quân ủy (1950-1955).Đại hội Đảng lần thứ II bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Sau khi về tiếp quản Hà Nội một thời gian ngắn Trần Đăng Ninh qua đời vì bệnh hiểm nghèo khi mới 45 tuổi. Được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí, được truy tặng huân chương Sao Vàng
     
Trong vụ H122 Ngọc Châu và Xuân Quang bị bắt cùng với một số cán bộ trung cao cấp của quân đội. Hai cậu suy sụp tinh thần, oán trách tổ chức xử trí oan, dùng nhục hình khi lấy cung, giam giữ khắc nghiệt làm sức khỏe bị giảm sút mạnh. Biết chuyện, tôi cố tìm cách an ủi, động viên. Dần dần cả hai tỏ ra vui vẻ hơn đôi chút nhưng chắc chắn trong thâm tâm vẫn còn hậm hực. Chẳng trách được các cậu ấy. Họ bị oan nhưng sau đó chẳng được chút gì gọi là chính thức giải oan và bồi thường thiệt hại. Thậm chí một lời xin lỗi cũng không.
Tôi thường hay ngồi hút thuốc lào với Hoàng Cầm. Nhà thơ vừa rít từng hơi nhè nhẹ trong điếu cày vừa khe khẽ ngâm những bài sáng tác từ mấy năm trước, ngâm chẳng bài nào trọn vẹn, bài này một mẩu bài kia một đoạn, theo ngẫu hứng từng lúc. Cũng có thể vì muốn giãi lòng với người đảng viên phụ trách mình tuy chỉ đáng tuổi em.
Máu tôi mai sẽ chảy, trôi phăng kiếp ngựa trâu. Xương tôi tôi bắc nhịp cầu, cho đàn em bé lên lầu Tự do. (Đêm liên hoan.10/1947)
Chúng em…Rồi cũng như anh máu chảy ròng. Chết vì Tổ quốc nhẹ như không. Chúng em chết hết mà không chết. Vì sống muôn đời với núi sông. (Khóc Lê Lương. 11/1947)
Từ bé tôi đã là đứa trẻ cục mịch, thờ ơ với thi phú, lớn lên nghe các đàn anh ca ngợi Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thế Lữ, v.v. tôi dửng dưng chẳng tìm đọc xem thơ của các vị ấy hay ho đến đâu mà thiên hạ say như điếu đổ …Thậm chí còn ngầm coi thường những người như Xuân Diệu tự nhận Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mâyNhững người sống cũng bằng thừa chẳng ích lợi gì cho nhân quần xã hội!
Cho tới khi tôi rời địch hậu Lao Cai về làm trưởng ban Tuyên Huấn Cục Chính trị Liên khu Việt Bắc nơi có khá nhiều văn nghệ sĩ trong đó có nhà thơ Hoàng Cầm.
Thấy Hoàng Cầm đội trưởng Văn công nhiều tuổi nhất, ít nói, vẻ mặt nghiêm nghị nên tôi ít trò chuyện, không dám đùa cợt như với những người khác, chỉ quan hệ bình thường không thân cũng không sơ. Vả lại quân số đội Văn công tuy thuộc ban Tuyên huấn nhưng về nghiệp vụ chuyên môn thì đội tương đối độc lập nên quan hệ công tác giữa tôi với đội trưởng Văn công không mật thiết lắm.
Hôm Hoàng Cầm dẫn đội từ Lao Cai về sau chuyến đi đầy sóng gió –một đêm toàn đội đang ngồi quanh bếp lửa nhà sàn thì thổ phỉ nấp trong rừng bắn trúng bếp làm than lửa văng tung tóe, may mà không ai bị thương- tôi tổ chức cuộc họp toàn ban để mừng thắng lợi. Họp xong, theo thông lệ phải có văn nghệ. Mọi người hét to“Hoàng Cầm ngâm thơ! Hoàng Cầm ngâm thơ!” Cả mấy chục con người già trẻ gái trai đều cuồng nhiệt đòi nghe thơ. Tôi không hét nhưng cũng mỉm cười ngụ ý đồng tình.
Hoàng Cầm hắng giọng vài lần rồi cất tiếng ngâm bài Bên kia sông Đuống. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe ngâm thơ và lại là nghe một trong những vài thơ hay nhất thời bấy giờ.
     Nghe hơi thở lúc dồn dập lúc đứt quãng, nhìn nét mặt đau xót của Hoàng Cầm khi ngâm Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả. Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã bây giờ tan tác về đâu?... tôi ngộ ra một điều: bọn cướp nước không chỉ chiếm đoạt những giá trị vật thể, hữu hình của đất nước ta mà còn rắp tâm tiêu diệt nền văn hóa ngàn đời –linh hồn của dân tộc ta nữa. Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… cùng với vô  vàn thứ quí giá khác đang có nguy cơ mất đi mãi mãi.    
Bên kia sông Đuống làm tôi thay đổi tận gốc thái độ đối với thơ. Tôi rất biết ơn Hoàng Cầm đã mở rộng cánh cửa tâm hồn tôi để Nàng Thơ ghé thăm và trao tặng nhiều cảm xúc giúp tôi nhậy cảm hơn, tình yêu nước yêu dân, lòng căm thù giặc càng sâu sắc thêm.
Sau đêm ấy, mỗi khi hai anh em ngồi với nhau tôi lại đòi Hoàng Cầm ngâm bài thơ tôi yêu thích.
Đã có không ít bài báo, trang sách ca ngợi bài thơ ấy nhưng tôi thích bài của Phùng Quán nhất vì lời lẽ mộc mạc nhưng ý tứ lại sâu sa:
Thế gian có một ngàn con sông
Và một ngàn nhà thơ lớn
Nhưng chỉ có một dòng
May được thơ xưng tụng
Nhờ đó mà vang vọng
Nhờ đó mà vinh danh
Đó là con sông Đuống
Con sông của quê anh
Mà bàn tay anh xót xa như ngón rụng
Tôi có một niềm tin sắt đá như đinh đóng cột
Ngày nào anh nhắm mắt
Đi sau linh cữu anh
Ngoài bạn hữu gia đình
Có cả con sông Đuống
Sông Đuống sẽ mặc đại tang
Khóc bên bồi bên lở
Sóng cuộn bờ nức nở
Ngàn đời chịu tang anh

Lần nào Hoàng Cầm chiều ý tôi ngâm Bên kiia sông Đuống Hồ Bắc cũng xán đến nghe ké. Tuy chẳng học lớp nào về nhạc nhưng năm 19 tuổi Hồ Bắc đã sáng tác bài Làng tôi và nhiều bài hát được bộ đội yêu thích. Nghe bài thơ vài lần thành mê, niềm mê biến thành cảm hứng sáng tác: năm 1950 chàng nhạc sĩ 20 tuổi trình làng một ca khúc cùng tên.
                                                                                                                                                                                               SĐM