Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

TÔI VIẾT BÁO



         Tờ báo Quân Việt Bắc của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc ra đều đều mỗi tuần một số nhanh chóng được du kích và bộ đội địa phương Liên khu khen ngợi. Mục “Tây thua ta thắng” kể chuyện những mưu mẹo đánh giặc tài tinh của quân dân ta được mọi người tìm đọc trước tiên khi báo đến tay. Tôi thường nhắc hai cây bút chính Lê Kim Thảo, Ngô Linh Ngọc: muốn tờ báo có những bài “bổ ích” và “được bạn đọc ưa thích” cần hai điều kiện : một là có nhiều cộng tác viên dưới đơn vị viết bài, cung cấp tài liệu, góp ý, hai là chúng mình phải xuống tham gia chiến đấu với quân dân dưới cơ sở. Bản thân tôi tuy bận nhiều việc nhưng tự nhủ mình là chủ bút nên phải cố thu xếp thì giờ thâm nhập thực tiễn.
Hôm đi Bắc Ninh tìm hiểu về tiểu đoàn bộ đội địa phương Thiên Đức (tên chữ của sông Đuống), tôi đi với một toán chừng mươi cô dân công vừa hoàn thành nhiệm vụ ngoài vùng tự do trở về quê trong vùng địch tạm chiếm. Suôt chặng đường hơn năm chục cây số từ Thái Nguyên đến huyện Việt Yên cô gái quê khoảng đôi mươi trẻ nhất bọn luôn đi bên tôi trò chuyện rất vui, cung cấp nhiều tài liệu về đời sống nhân dân vùng địch hậu. Khi tới sông Cầu trời đã tối mịt không còn nhìn rõ mặt người, cả toán chuẩn bị qua sông sang huyện Yên Phong. Tôi hỏi cô gái:
-    Đò đâu, sao không thấy ?
     
Tiếng khúc khích cười xen tiếng sóng vỗ bờ:
        -    Làm gì có đò ạ. Chúng em vẫn phải bơi qua sông đấy chứ. Đoạn này rộng nhất, nước chảy xiết nhất nên là chỗ chúng nó ít nghi ngờ nhất. Nhưng nhiều khi bơi dưới sông thì không sao, lên bờ đi một quãng thì gặp địch. Chúng nó tra hỏi, khám kĩ lắm cơ. Vì thế chúng em phải giữ quần áo, đầu tóc thật khô để chúng khỏi nghi. Nói xin lỗi anh, ngay cái quần lót của mình cũng bị chúng nó kiểm tra. Và kiếm cớ để giở trò khốn nạn…

Ngừng một lát, cô tiếp:
 -   Bọn em bơi qua sông như cơm bữa ấy chứ. Chẳng đêm nào không đưa đón cán bộ huyện cán bộ tỉnh, rồi cán bộ trung đoàn này đại đoàn kia ra vào như đi chợ ấy…Nhưng thôi, chuyện chúng em thì nói đến tết cũng chưa hết. Anh cởi quần áo cho vào tấm ni lông này, túm lại làm phao bơi cho đảm bảo.
 Tôi cởi quần áo đưa hết cho cô gái, trên người chỉ còn chiếc quần đùi. Nghe loáng thoáng có tiếng sột soạt rồi một bàn tay mềm mại nóng ấm cầm tay tôi dắt xuống sông.
-   Anh em mình bám chắc vào bọc quần áo này mà bơi.

Chiếc phao đơn giản mà rất tốt, hai người ôm vẫn nổi. Và tôi chợt nhận ra một điều lúc đầu không để ý: những đụng chạm khi bơi cho thấy trên mình cô gái không có một mảnh vải nào dù nhỏ.
Nhớ lại chuyện cô vừa kể tôi thấy xót xa cho thân phận những em gái trong địch hậu. Xót xa và cảm phục. Vì tình yêu tổ quốc, họ chịu đựng tất cả, hi sinh tất cả, cả những thứ họ coi là quí nhất trên thân mình… Chẳng dân tộc nào trên thế giới có nhiều nữ tướng, nữ binh như dân tộc mình. Trước hiểm họa mất nước các bông hoa cũng biến thành gươm súng. Hạnh phúc cho dân tộc nẩy sinh từ bất hạnh !

Hôm đi lấy tin ở tiểu đoàn Bạch Đằng bộ đội địa phương tỉnh Quảng Yên tôi được một công nhân mỏ than Mạo Khê dẫn về Lưu Kiếm xã Yên Đức. Sau chiến dịch đường 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám) tháng Ba 1951 bộ đội chủ lực của ta rút đi, địch ra sức củng cố lực lượng, lùng phá các cơ sở kháng chiến nên việc liên lạc với các đơn vị trong hậu địch rất khó khăn.
Anh phu mỏ dẫn tôi vượt qua đường 18 về Chí Linh. Tới một xóm nhỏ thấy trời sắp sáng anh đưa vào một nhà cơ sở nghỉ chân. Nhà chỉ có hai mẹ con, người chồng đã hi sinh trong trận Bến Tắm. Khẽ nâng tấm liếp cánh cửa lách vào, anh công nhân bật lửa. Trên chõng chỉ có chú bé nằm đắp chiếu. Anh gọi chú dậy. Nó mới khoảng mười tuổi, gầy nhách, dụi đôi mắt hấp hay nhìn rồi lẩm bẩm “Chào chú Đồng”.
Chú Đồng hỏi:
-        Mẹ đâu ?
-        Mẹ cháu đi chợ mua hàng từ hôm qua, mai về. Hai chú nghỉ nhà cháu hả ?
-        Ừ. Nghỉ đây tối đi tiếp.
-        Hai chú vào giường mẹ trong buồng mà ngủ, cháu gác cho.
-        Hầm nhà mình vẫn tốt chứ ?
-        Vâng.

Buồng trong có chiếc giường gỗ mộc kê sát cửa sau, chắc là cửa xuống bếp. Vừa nằm xuống tôi đã ngủ vùi…Đang ngủ bỗng thấy mình bị lôi tuột khỏi giường, mắt nhắm mắt mở nghe tiếng Đồng giục:
  -   Xuống hầm !
Nghe thế là tỉnh ngay, tôi theo Đồng qua cửa sau chạy ra lũy tre sát vách bếp, len vào giữa một bụi rồi chui xuống hầm bí mật, ngồi thu mình thật gọn giỏng tai nghe động tĩnh.
Tiếng dụ dỗ :
-        Mấy anh bộ đội đâu? Nói cho chú biết chú cho nhiều kẹo. Một túi to đây này !
-        Có anh nào đâu ạ. Cháu đang ngủ có thấy gì đâu ạ.
       -    Đừng nói dối. Rõ ràng chú trông thấy mấy anh bộ đội vào đây mà. Nào, nói đi. Kẹo đây.
-        Chú cho cháu trước đi. Lần sau hễ trông thấy bộ đội cháu sẽ báo.
-        Địt mẹ thằng ranh con xỏ lá! Này kẹo này…Này kẹo này…

Tiếng uỳnh uỵch uỳnh uỵch…Xen lẫn tiếng khóc, tiếng gào “Đau quá chú ơi…Đau quá…Cháu chết mất thôi…”
Tôi nhấp nhổm muốn xông lên nhưng rồi nghiến chặt răng ngồi im.
Không nghe tiếng gì nữa. Chừng mươi phút sau tôi định chui ra nhưng Đồng khẽ giật áo giữ lại.
-        Đừng vội. Thể nào chúng nó vẫn còn nấp rình đâu đó.

Chừng mười phút nữa, tiếng thằng bé nghêu ngao hát một câu chẳng biết là vọng cổ, hò Huế hay chèo Bắc : “Vẫn còn, vẫn còn một bóng hồng lưu luyến…”…”Vẫn còn, vẫn còn…”
Đến quá trưa,  tiếng thằng bé:
 -   Cơm là cơm chín rồi… Cơm là cơm chín rồi…mình ăn cho đẫy bụng…

Hai anh em ra khỏi hầm.
Thấy thằng bé đi tập tễnh tôi hỏi:
-        Có sao không em?
-        Giầy đinh nó đá vào mắt cá chân thâm tím hết đây này. Nhưng không sao đâu. Anh với chú xơi cơm, em ra đầu ngõ gác.
Những chuyến đi vào địch hậu các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên… mang đến cho tôi nhiều tư liệu rất sinh động, nhiều xúc động sâu sắc, giúp tôi viết được nhiều bài báo mang hơi thở cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của  quân dân Liên khu. Và tăng thêm lòng yêu nước, thương dân, chí căm thù địch của tôi.
Tờ Quân Việt bắc không chỉ có nhiều bài hay mà còn có hình thức đẹp, in bằng máy chứ không in litho như báo của các Khu bạn. Nhà viết kịch kiêm nhà thơ tài hoa Lưu Quang Thuận vui vẻ nhận in báo tại một cơ sở của Việt nam Thư Ấn Cục cùng đóng trong làng Gia Điền với tòa soạn. Thỉnh thoảng Lưu Quang Thuận ra xóm ngoài ngồi bù khú với Hoàng Cầm, Ngô Linh Ngọc, có bữa dắt theo thằng con Lưu Quang Vũ lên 2 tuổi. Tôi rất quí thằng bé hiền lành có đôi mắt mơ màng, thỉnh thoảng có tiền tôi lại mua cho nó vài cái kẹo vừng.
Lưu Quang Thuận sinh ngày 14 tháng 7 năm 1921 tại Đà Nẵng. Trước 1945, viết  kịch bản đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì (1941) được biểu diễn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tham gia Việt Minh năm 1946, sáng lập Nhà xuất bản Hoa Lư, tạp chí Sân khấu và là Giám đốc Việt nam Thư ấn Cục tại chiến khu Việt bắc. Năm 1948 gia nhập quân đội hoạt động trong Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn Văn công Nhân dân trung ương. Từ năm 1954 đến 1964 làm việc tại Đài phát thanh tiếng nói Việt nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ. Từ 1965 đến khi mất, làm việc tại Nhà hát chèo Việt nam. Con trai ông là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.
 Lưu Quang Thuận qua đời đột ngột ngày 21 tháng 2 năm 1981 khi đang xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hà nội. Trong khoảng 20 năm cuối đời, không biết vì lý do gì mà Lưu Quang Thuận không được tăng lương lần nào. 10 ngày sau khi ông qua đời, có người đến nhà ông mang đến bà quả phụ Vũ Thị Khánh quyết định nâng lương cho ông từ cán sự 6 (93 đồng/tháng) lên chuyên viên 1 (103 đồng/tháng). Bà Khánh từ tốn cảm ơn và phiền người này mang giúp bản quyết định nâng lương đến …nghĩa trang Văn Điển!

Lúc đó tờ Quân Việt bắc đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó nên tôi không có điều kiện đưa sự việc này lên báo. Thật đáng tiếc!
                                                                                                                                                                                          SĐM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét