Tôi rời nhà Minh, về nhà anh chị Kim. Chiều
hôm sau đi gặp Nguyễn Anh Bảo kể lại chuyện xẩy ra ở nhà cô me tây làng Hoa và
quyết định của tôi. Lúc này Bảo sắp chuyển sang đường dây khác nên sau một hồi
suy tính, anh nói:
-Phan sang sinh hoạt với tổ Đỗ Đức Kiên[1]. Anh
ấy sẽ lo giải quyết việc này.
Ngày mai ta gặp nhau bàn thêm.
Hôm sau ba anh em gặp nhau bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Bảo bàn giao tôi cho tổ trưởng Đỗ Đức Kiên, dặn dò việc thu xếp nơi ăn ở
cho tôi rồi đạp xe đi.
Sau vài câu chuyện
Kiên nói:
- Phan đến ở với một công nhân trên bến Phà Đen, một quần chúng rất tốt. Ở với anh ấy
cậu sẽ học được nhiều điều. Cậu đã thoát li gia đình, có điều kiện thuận lợi hơn
mình để vô sản hóa, cắt đứt cái đuôi tiểu tư sản vẫn đang lẵng nhẵng sau lưng cánh
ta. Mình sẽ báo cho anh ấy biết. Ám hiệu thế này…
Anh công nhân ở
trong túp lều chênh vênh trên mặt đê sông Hồng, chiều ngang chừng hơn hai thước tây, chiều
dọc vừa bằng mặt đê khoảng gần hai thước, ba mặt quây liếp đan gióng một chi chít lỗ mắt cáo, cửa nhìn ra sông che manh khố tải rách bươm vì gió bấc quật phần phật.
Sau khi nhận ra ám hiệu anh tươi cười đón tôi, nụ cười rộng làm hai má hốc hác càng nhăn sâu thêm. Mái tóc chải lật
đã có những sợi bạc. Giọng Nghệ An pha giọng Bắc nghe không nặng lắm.
Anh chỉ tay
xuống phía xa dưới chân đê:
-
Mình
là Tám, thợ tiện trong công binh xưởng Nhật dưới
kia.
Trong lều có một
ổ rơm, trên đặt tấm chăn sợi Nam Định –loại chăn các chủ đồn điền phát cho phu
đi Tân Thế Giới. Cạnh ổ rơm có hai viên gạch một cục đá kê làm đầu rau. Góc lều chất mấy thanh củi bên trên chông chênh vài ống
bơ ám khói đen nhẻm.
Anh Tám ngồi
xuống sát bên, nắn nắn cánh tay tôi:
- Gầy
quá. Cậu bao nhiêu tuổi?
- Mười
chín. Anh bao nhiêu? Đã năm mươi chưa ạ?
- Băm
tám.
Tôi nghĩ thầm: trông
anh già trước tuổi nhiều.
Anh Tám kể
chuyện những năm học nghề tiện trên phố. May gặp được người tốt bụng, trong ba
năm phụ việc kiêm người ở không công anh được chủ bày vẽ tận tình nên có tay
nghề kha khá, kiếm được chỗ làm ở sở Đạn bờ sông của Pháp bây giờ thuộc nhà
binh Nhật, chuyên đúc đạn moóc-chi-ê, lựu đạn.
Trưa hôm đó khi tôi đi công tác về, anh Tám đã
đi làm. Nhìn bát cơm đặt cạnh ống bơ nước muối, tôi ngơ ngác nhìn quanh xem có
còn món gì nữa không. Rồi cười thầm “Mình thật ngớ ngẩn!” Tuy bụng đói meo nhưng
nuốt mãi mới hết bát cơm rưới nước muối. Từ khi không phải ăn cơm tù, lại có một
thời được vỗ béo ở nhà anh chị Kim, thần khẩu của tôi đã nhiễm thói kén cá chọn
canh. Bây giờ cá chẳng có canh cũng không nên ông ngúng nguẩy!
Tối tôi về, anh
Tám vẫn ngồi chờ, cơm chưa dọn ra. Trong một ống bơ nhỏ có chất nước màu nâu
bốc mùi thơm chua chua.
Tám xới cơm,
nói:
-
Nào, chén đi. Đây là tương Nhật, chúng nó vét không
hết còn sót trong hũ sành quẳng hố rác. Gạn hết đất cát, nấu chín còn ăn được.
Hai anh em đùn
đẩy nhường nhau chỗ cơm còn lại trong cái nồi hộp sắt tây, cuối cùng chia đôi
mỗi người một nửa.
Ăn xong, Tám
chất mấy gộc củi to vào bếp. Hai anh em ngồi chuyện vãn. Tám hỏi đủ chuyện về
tình hình thế giới, về Liên xô, về đường lối cách mạng của Việt Minh. Anh chăm chú lắng nghe, đầu luôn gật gù, mồm lẩm bẩm nhắc
lại những từ khó,
chắc anh muốn nhập tâm các lời giải thích của tôi.
Lúc đã khá khuya
thấy tôi tỏ vẻ mệt, mắt díp lại, anh giục:
-
Thôi, đi ngủ. Cậu còn ở đây mình còn có nhiều dịp hỏi
thêm. Chẳng mấy khi có một
ông thầy ở ngay trong nhà chỉ bảo cặn kẽ như thế này. Lúc
bé mình có được học hành gì đâu, bây giờ đọc còn phải đánh vần từng chữ ấy mà.
Hai anh em nằm
lên ổ rơm, đắp chung chiếc chăn mỏng vừa hẹp ngang vừa ngắn dọc, Tám ôm ghì tôi,
kéo chăn đắp kín người tôi, bỏ mặc lưng anh hở hết ra ngoài…
Nửa đêm tôi sực
tỉnh, thấy mình cuộn tròn trong chăn, gió bấc thổi tung manh khố tải che cửa
thốc khói bếp bay mù mịt, rất ấm nhưng hơi
khó thở. Tám ngồi cạnh bếp củi bập bùng, nghiêng người vào gần ngọn lửa lẩm
nhẩm đọc tờ Độc Lập, báo của đảng Dân Chủ.
- Anh không ngủ nữa à? Tôi hỏi.
- Ngủ thế được rồi. Dậy chụm thêm củi cho ấm, nhân thể đọc báo. Chịu khó đọc mỗi ngày một ít, lâu lâu sẽ rành. Ngu
dốt cực lắm.
Tôi ngầm hiểu anh đã nhường chăn, thức canh lửa cho tôi ngủ. Tôi tung chăn
đến ngồi bên anh.
Tám chỉ vào bản
nhạc trên tờ Độc Lập, số ra cuối năm
1944 in bài Tiến Quân ca của Văn Cao:
- Cái
này là chữ nước nào? Cậu đọc được không?
- Không
phải chữ đâu ạ. Đây là những ký hiệu âm nhạc, đọc lên thành bài hát.
Tám không hiểu, lắc đầu chán ngán. Tôi
giải thích tiếp:
-
Đây là bài Tiến Quân ca, bài ca chính thức của Việt Minh. Có những nốt nhạc thế này, mình tập hát dễ hơn. Em hát anh nghe thử nhé.
Đoàn [2]…quân
Việt Minh đi,
Chung lòng cứu quốc,
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu.
Thề phanh thây uống máu quân thù,
Tiến mau ra sa
trường
Tiến lên, cùng thét lên,
Chí trai là đây nơi ước nguyền..
Tôi say sưa hát
hết bài rồi hát lại từ đầu. Tám nghiêng đầu ngồi nghe,
tay vỗ đùi đánh nhịp, cuối cùng anh giơ cao hai tay hô to:
Tiến lên! Cùng thét lên!…
Chí trai là đây nơi ước nguyền!
Hai anh em vui
vẻ nắm tay nhau thật chặt.
Một hôm ăn tối xong Tám lấy trong túi dết ra một quả đạn moóc-chi-ê sáng loáng:
-
Mình tiện những quả moóc-chi-ê 60 li này cho
bọn Nhật.
Anh chỉ vào đuôi
quả đạn:
-
Ống thuốc phóng gắn vào đây.
Rồi chỉ vào cái
hốc sâu miệng tròn xoe trên đầu đạn:
-
Thuốc nổ nhồi trong này. Nhồi đầy thuốc rồi vặn chặt kíp nổ vào đây. Mình tiện xong, chúng nó dùng
thước kĩ thuật đo từng đoạn từ trên xuống dưới, nếu sai dù chỉ một dem là ốm
đòn. Quả này được chúng nó coi là đúng chuẩn.
Anh cười thích
thú:
- Nhưng nó vẫn
cứ thua mình. Khi tiện sâu vào bên trong khoang thuốc nổ, mình tiện lệch về một
phía. Ít thôi, chỉ ba bốn dem. Thế là khi bắn, đạn đi chệch mục tiêu. Sai một li đi một dặm mà. Ấy là
mình nghĩ thế, cậu thấy có đúng không?
Tôi không biết
đích xác nhưng cũng hình dung quả đạn chỗ dầy chỗ mỏng nên đường bay chắc chắn không
ổn định. Tôi thành thật khen:
-Hoan hô anh Tám có sáng kiến rất hay!
Tám khoái ra mặt, cười tít mắt làm những vết nhăn nhài quạt hằn sâu thêm.
Anh mơ màng:
- Bao giờ nhà máy là của ta, đúc đạn cho ta, tụi này sẽ đúc những quả đạn không sai lệch
nửa dem bắn đâu trúng đó…
Mấy ngày nay bữa cơm đã có rau muống luộc chấm nước tương loãng của Nhật,
muối vừng được đựng trong đĩa sành, ống bơ nước rau có vắt nước quất, lâu lâu
có món ăn tươi bằng…khúc cá khô nướng. Đũa bát đã có đôi, nồi nấu cơm bằng hộp
sắt đã thay bằng chiếc cà-mèn “tây quăng” lính Pháp
không kịp mang theo khi tháo chạy…Tất cả những tiến
bộ vượt bực ấy bào mòn gần hết tờ năm hào còn lại trong túi tôi khi rời khỏi nhà Minh. Vài tuần sau
trong túi chỉ còn mấy xu. Tài sản gần cạn mà chỉ cải thiện đôi chút bữa ăn bằng mấy món rẻ tiền. Riêng cơm thì không
tăng thêm hột nào. Suất gạo anh Tám lĩnh trong xưởng mỗi tháng vẫn chỉ 12 cân
cho hai miệng ăn. Đong thêm gạo chợ đen là chuyện không tưởng…
Tôi thấy không
nên ở đây lâu hơn nữa, dù đã quyến luyến Tám, coi như một người anh, một
người thầy đã dạy tôi nhiều bài học quí. Anh không một
lần nói đến những từ “hữu ái giai cấp” thậm chí có lẽ còn không hiểu mấy từ bác
học đó là nghĩa là gì nhưng anh luôn thực hiện trong hành động hằng ngày theo
bản chất tự nhiên của anh. Anh không nói đến vai trò, sức mạnh
của giai cấp công nhân nhưng đã nghĩ ra cách phá hoại vũ khí của quân thù ngay
trong sào huyệt của chúng. Mặc dầu đã lớn tuổi, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu, việc
học đối với anh rất vất vả nhưng anh vẫn tranh thủ mọi lúc để học qua những
buổi trò chuyện, qua báo chí.
Tôi chưa đọc cuốn sách nào viết về bản chất giai cấp công nhân nhưng qua những
ngày sống với anh Tám, tôi
đã cảm
nhận từ anh truyền sang cho tôi ít nhiều phẩm chất cao quí của giai cấp công nhân: thương yêu đồng chí đồng đội, nhận khó về mình nhường
thuận lợi cho bạn; căm thù địch sâu sắc, tìm mọi cách tiêu diệt chúng; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ của mình… Những bài học tôi ghi nhớ suốt đời và
luôn cố gắng làm theo.
Việc đầu tiên
làm theo tấm gương của anh là tôi đi phải
khỏi đây để anh khỏi đói
rét khỏi khổ thêm vì tôi.
Thế là một lần
nữa tôi lại đứng trước câu hỏi: Đi đâu
bây giờ? Sống bằng gì để tiếp tục cuộc chiến giành độc lập tự do cho dân tộc?
SĐM
[1]
Tên
thật là Phạm Khương (1924-2003) nguyên quán Thái Bình. Năm 1944, tham gia Việt Minh. Sau 8-1945 giữ chức: Chủ
nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Trường Sĩ quan Lục quân; Chánh Văn phòng Bộ Quốc
phòng. Sau khi tốt nghiệp “bằng đỏ” trường Voroshilov ở Liên xô, về làm Cục
trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư
lệnh Phòng không Không quân. Bị bắt trong vụ án "Xét lại".
[2] Trong bản viết đầu tiên nốt Rê
của Đoàn kéo dài, về sau Văn Cao theo gợi ý
của Đinh Ngọc
Liên chỉ huy đoàn Nhạc binh, sửa
cho nốt này bắt liền vào nốt sau. Lời Tiến quân ca cũng được
sửa nhiều chỗ trước và sau khi được quốc
hội phê duyệt chính thức là quốc ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét