Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

NHÀ TRÍ THỨC TRÙM CHĂN



       Sau hôm Sáu[1] bàn giao cơ sở tiếp tế, lúc trời tối tôi đi Ngõ Huế tìm nhà Trọng. Người mở cánh cửa kính treo rèm “phòng không” màu xanh là một người đàn ông tuổi trung niên, vóc dáng tầm thước trong bộ pyjama thoảng mùi nước hoa. Người đó lạnh lùng nhìn tôi, hỏi:
-Anh tìm ai?
Theo ám hiệu, tôi giơ tay trái, người đó cũng giơ tay trái bắt tay tôi. Tôi nói:
-Tôi là Việt.
Chủ nhà cười vui vẻ:
-Tôi là Minh. Mời anh vào.
Phòng khách khá sang. Bàn thờ Đức Mẹ Maria gắn phía trên cửa thông sang phòng trong, trên cao có cây thánh giá đen bóng. Bộ xa-lông Tàu lót đệm thêu hoa, tấm dựa lưng trải đăng-ten, hai ngọn đèn gắn chụp phòng không tỏa ánh sáng dịu, tủ sách rất to với bốn tầng ken đầy những cuốn sách đủ loại dầy mỏng và rất nhiều báo che kín một nửa bức tường phòng. Trọng ra hiệu mời ngồi rồi chỉ vào chiếc radio hiệu Murphy đang phát bản tin đài BBC về người kế nhiệm tổng thống Franklin Roosevelt vừa qua đời ngày 13 tháng Tư 1945.
 Trọng thở dài:
- Vị tổng thống vĩ đại này qua đời sớm ở tuổi 62 là một tổn thất lớn cho dân tộc ta, có thể nói là cho toàn thế giới. Từ những năm 30 ông đã tỏ thái độ chống chủ nghĩa đế quốc, coi việc chấm dứt chế độ thực dân của các nước châu Âu là một trong những mục tiêu chính của đời mình. Cách đây chưa lâu sau khi Pháp bị Nhật đảo chính tướng De Gaulle từ Congo Brazzaville gửi cho bọn bại binh Pháp ở Việt Nam bản thông điệp “Hãy yên tâm, đừng nôn nóng! Tôi sẽ gửi cho các bạn bốn sư đoàn để tái chiếm Đông Dương”. Nhưng không có đủ tàu chở quân nên De Gaulle đề nghị tổng thống Roosevelt giúp phương tiện. Roosevelt trả lời “Việc của Đông Dương do người Đông Dương tự giải quyết”. Nghĩa là Roosevelt không tán thành Pháp chiếm lại Đông Dương làm thuộc địa.
Ông ta mất đi, Harry Truman sẽ theo đường lối của người tiền nhiệm hay sẽ ủng hộ thực dân Pháp chiếm lại Đông Dương?
      Trọng rời mắt khỏi chiếc radio quay sang nhìn tôi:
      - Theo anh thì tình hình sẽ như thế nào nếu xẩy ra trường hợp thứ hai?
Tôi trả lời đại ý: vai trò các cường quốc hết sức quan trọng nên ta luôn tranh thủ thêm bạn bớt thù, phân hóa chúng. Trường hợp Mĩ giúp Pháp chiếm lại Đông Dương, cuộc đấu tranh giành độc lập của ta sẽ khó khăn gấp bội nhưng cuối cùng nhân dân ta mới là người quyết định vận mệnh nước nhà.
Trọng nêu tiếp hàng loạt câu hỏi khác. Theo BBC thì Liên Xô ký hòa ước bất xâm phạm với phát xít Đức là tạo thế cho Hitler rảnh tay đánh Pháp, anh thấy thế nào? Các hội nghị Teheran tháng 11 năm 1943, Yalta tháng 2 năm 1945 ảnh hưởng đến cục diện thế giới thời hậu chiến như thế nào?
Sau hàng loạt câu hỏi về tình hình thế giới Trọng đề cập đến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Pháp đã bị Nhật đánh bại, sao các anh còn dong mấy thằng Pháp kiều đi ngoài phố cho dân chúng xỉ vả? Việt Minh chủ trương đoàn kết toàn dân, vậy có đoàn kết với địa chủ, tư sản không? Xô viết Nghệ Tĩnh nêu khẩu hiệu “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ“ bây giờ bọn trí thức chúng tôi được xếp vào phía bạn hay thù? Đảng Cộng sản giao cho Dương Đức Hiền lập đảng Dân Chủ có phải là Đảng thừa nhận sai lầm cũ, đánh giá lại vai trò trí thức và sẽ trọng dụng chúng tôi lâu dài hay chỉ là mánh khóe nhất thời nhằm lôi kéo trí thức giúp Đảng một thời gian, khi giành được chính quyền vào tay sẽ lại hất cẳng chúng tôi?...
Cơn bão câu hỏi làm tôi tối tăm mặt mũi, cố vắt kiệt óc cũng chỉ trả lời được khoảng bốn năm chục phần trăm. Nhiều câu khá dễ trả lời: Pháp kiều bị một số thanh niên quá khích xử tội như thế chứ Việt Minh không chủ trương, cũng có thể đây là hành động của bọn Đại Việt nhằm đánh lạc hướng dân chúng.Chỉ thị “Nhật Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương ngày 12 tháng Ba 1945 đã nêu rõKẻ thù chính duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật”, khẩu hiệu ‘Đánh đuổi phát xít Pháp Nhật’ thay bằng khẩu hiệu ‘Đánh đuổi phát xít Nhật’”. Tôi nói rõ thêm về đường lối đoàn kết toàn dân của Việt Minh, về thắng lợi của Hồng quân Xô viết, về thời cơ tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ...
nhiều điều chính tôi cũng chưa hiểu, làm sao có thể trả lời nhà trí thức này? Đài BBC ở đâu, nói những gì tôi có nghe bao giờ mà biết! Hòa ước bất khả xâm phạm Liên xô ký với Đức đúng hay sai lợi hay hại thế nào tôi cũng chưa hề nghe cấp trên bình luận, chỉ loáng thoáng biết hình như năm 1939 Trung ương Đảng đã có thông báo giải thích nhưng từ đó đến giờ chẳng thấy ai nói đến chuyện này nữa. Các hội nghị Teheran, Yalta ra những nghị quyết tôi cũng chỉ đọc được vài dòng tin vắn trên các báo Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải phóng Từ khi tham gia cách mạng tôi chỉ tập trung vào việc phát triển cơ sở quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đâu có thì giờ và đầu óc nghĩ đến những chuyện xa xôi ấy!
Có lúc nổi cơn sĩ diện hão tôi đã định trả lời bừa nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không nên, nói lung tung sẽ làm mất uy tín của tổ chức. Lúc này, trước con mắt của Trọng tôi đại diện cho tổ chức cách mạng nên không thể nói năng hồ đồ, khinh suất. Nghĩ thế, tôi thấy cách tốt nhất là thẳng thắn nhận “Tôi chưa hiểu rõ vấn đề này. Tôi sẽ hỏi thượng cấp và  trao đổi với anh sau”.
Trọng tỏ ra thông cảm:
- Toàn những vấn đề hóc búa, không dễ gì chúng ta hiểu nổi. Các nhà chính trị nhiều thủ đoạn lắm, họ có những toan tính phải rất lâu sau này ta mới biết họ thực sự âm mưu chuyện gì. Thậm chí có những câu hỏi phải nhiều, rất nhiều chục năm nữa mới trả lời được.
Anh tủm tỉm nói tiếp:
- Và cũng có không ít chuyện phải chờ đến ngày Tận Thế nghe Chúa phán xét mới biết rõ đúng sai chứ người trần mắt thịt chúng mình làm sao biết được...
Vẫn còn muốn tiếp tục cuộc trò chuyện rất cởi mở, thân tình nhưng thấy đêm đã khuya tôi đứng lên. Trọng hiểu ý, rút ngăn kéo lấy ra năm tờ một đồng, bốn tờ năm hào đã để sẵn, đếm lại từng tờ rồi tự tay nhét vào túi áo blu-dông cho tôi.
Anh lôi bao gạo dưới gầm bàn đặt trước mặt.
 - Xin vui lòng nhận phần đóng góp nhỏ mọn của tôi. Cầu chúc các anh thành công.

      Tôi cám ơn rồi nói:
- Chúng tôi buộc phải luôn luôn đề phòng bất trắc, đề phòng cho chúng tôi và cho những người giúp đỡ chúng tôi. Nếu anh thấy có gì đáng nghi cần báo cho tôi đừng vào gặp thì báo bằng cách nào?

      Trọng cau mày suy nghĩ  giây lát rồi chỉ lên tấm rèm che cửa ra vào.
- Tôi có hai tấm rèm. Chiếc màu xanh nước biển kia báo hiệu bình yên. Nếu treo rèm màu hồng là có động. Thế được không?

      Anh đi vào buồng trong, mang ra tấm rèm màu hồng pha sợi kim tuyến lấp lánh.
Chúng tôi thống nhất ám hiệu ấy với một qui ước bổ sung: tôi chỉ tới đây trong khoảng từ 19 đến 20 giờ ngày thứ Ba hoặc thứ Năm trong tuần.
         Trên đường về và những ngày sau tôi suy nghĩ rất nhiều về người “trí thức trùm chăn” vừa gặp… ”Anh ấy gần gấp đôi tuổi mình mà một điều gọi mình bằng anh hai điều gọi mình bằng anh, tỏ ý tôn trọng người của tổ chức cách mạng. Anh hỏi mình rất nhiều điều vì muốn khoe ta đây đọc nhiều biết nhiều? Vì muốn thử tài anh chàng cán bộ Việt Minh mặt còn non choẹt?... Chắc anh Trọng có ý định ấy không nhiều thì ít. Ngay mình là thứ tiểu trí thức hạng bét mà những lần đầu gặp anh Lê Quang Đạo[2] năm 1942 mình cũng ba hoa muốn khoe ta đây đọc nhiều sách bụng đầy chữ, muốn thử tài anh ấy! Nhưng qua thái độ nhũn nhặn, lời lẽ ngay thẳng, nét mặt đăm chiêu có thể thấy anh Trọng đang thực sự trăn trở thực sự băn khoăn muốn tìm chân lí. Ngay các bạn học của mình tuy chưa tới mức học rộng đọc nhiều nhưng cũng thường cân nhắc, so sánh rất kĩ những tin tức, những luận điểm khác nhau, lật đi lật lại mọi khía cạnh, hoài nghi tất cả, phản bác tất cả, cuối cùng mới chấp nhận đâu là lẽ phải. Họ giác ngộ tương đối chậm so với các ông anh nông dân của mình ở quê ngoại nhưng khi [1] đã tin theo cái họ cho là đúng thì họ cũng sẵn sàng tử vì đạo… Không nên thấy họ băn khoăn, do dự, nêu những câu hỏi những nhận xét đôi khi làm mình ngạc nhiên thậm chí khó chịu mà chụp lên đầu họ đủ thứ tội…Năm 45 ở Thanh Hóa mình thăm dò Nguyễn Hiển[3] định đưa Hiển vào tổ chức nhưng thấy Hiển hỏi nhiều về chủ trương của Việt Minh, trong đó có nhiều câu hỏi thể hiện sự hoài nghi thiếu tin tưởng, thế là mình bỏ rơi luôn. Sau này gặp lại Hiển trách mình rất nhiều về chuyện đó. Mình  chưa làm công tác vận động trí thức bao giờ nên chưa biết rõ đối tượng này, cần đi sâu tìm hiểu thêm…Khi đặt ra một câu hỏi,  người ta thường có lời giải đáp của riêng mình. Lần gặp sau sẽ tìm cách khêu gợi Trọng bộc lộ rõ hơn những suy tư của anh ấy.”
   Lần thứ hai gặp Trọng tôi không có thì giờ ngồi lâu nên phải gác lại ý định này. Định lần sau sẽ hỏi nhưng lần gặp thứ ba lại không thành. Tại sao? Tôi sẽ kể lại trong một dịp khác.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              SĐM




[1] Bí danh của Nguyễn Tiến Sản tức An, tức Vinh Quốc chính ủy sư đoàn 308,  phó chính ủy quân khu 3 được cử  đi học ở Liên Xô rồi định cư bên đó khi xẩy ra vụ án Xét lại ở quê nhà.

[2] Lê Quang Đạo (1921-1999) bí thư Đảng bộ Hà Nội năm 1941-1942. Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam.
[3] Bí danh Nguyễn Linh giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Sự Thật tại Tp. Hồ Chí Minh.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét