Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

CÔ “ME TÂY” LÀNG NGỌC HÀ



Sau khi anh Kim báo động, Nguyễn Anh Bảo khuyên tôi chuyển đến căn phòng Vân đang thuê. Vân sắp đi dự lớp huấn luyện của Xứ ủy Bắc Kỳ, tôi đến đấy ở cho an toàn.
Căn phòng nằm trong ngôi nhà ở cuối dẫy năm ngôi nhà xây cùng một kiểu ở rìa phố Ngọc Hà phía tây vườn Bách thú. Nhà có ngách đi vào sân, từ sân vào phòng trong không phải qua gian ngoài, đi sớm về tối không phiền hà đến chủ nhà, ngược lại chủ nhà cũng không lo công việc của mình bị người thuê nhà dòm ngó.
Lúc tôi đến, chủ nhà đang nấu cơm. Vân rỉ tai tôi: cô Minh là vợ lính Lê dương, chồng mới chết trận. Cô khoảng ngoài hai mươi, thon thả, hai lọn tóc mai xoăn tròn buông lơi trên má, cặp mắt lá răm đượm vẻ buồn. Vân giới thiệu tôi là Phấn, quê Sơn Tây, học trường Thăng Long, đến thuê nhà thay mình về quê chăm sóc bố đang ốm.
Chủ nhà đặt mâm cơm trưa lên bàn, mời tôi cùng ăn. Ba người vừa ăn vừa nói chuyện, chuyện giá gạo ngày càng cao, chuyện người ngồi trên nóc tàu hỏa bị dầm cầu Ninh Bình gạt xuống sông, máy bay Mĩ ném bom giết chết nhiều người…
Ăn xong Vân đứng dậy, khoác xắc lên vai.
Chủ nhà chậm rãi:
- Tuy cậu Vân đã đưa mười cân gạo và 6 đồng 5 hào tiền nhà tiền ăn cả tháng nhưng cậu chỉ ở nhà có mười ngày. Để tôi trả lại tiền, gạo còn thừa rồi hẵng đi.

Vân lắc đầu:
- Chị bắn sang cho Phấn.
Rồi tiếp:
- Chào chị Minh, cám ơn chị nhiều.

Tôi tiễn Vân ra cửa.
Một tuần trôi qua. Mối quan hệ với cô chủ nhà trở nên thân mật qua những cuộc trò chuyện quanh mâm cơm. Quen mồm, thỉnh thoảng cô xổ ra một vài tiếng tây bồi. Cô không tò mò hỏi về việc “học hành” về hoàn cảnh gia đình của tôi. Tôi cũng tránh hỏi về người chồng Lê dương, chỉ xoay quanh cuộc mưu sinh về lâu về dài của cô. Hôm tôi hỏi:
- Không buôn bán, không nơi nương tựa, rồi đây chị sống bằng gì?
Minh cười chua chát:
- Không buôn nhưng có bán đấy chứ. Bán dần mọi thứ trong nhà, ăn hết sẽ tính sau. Mo-phú[1]! Cứ liều nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần tứ tung…
- Sao chị không về quê với các cụ?
- Ở đây may ra sống chứ về quê thì ba bẩy hăm mốt ngày là chết nhe răng. Bà mẹ mới gửi thư nhắn có tiền có gạo thì mang về cứu đói, bố mẹ ăn hết chỗ cám ngày xưa nuôi lợn còn thừa rồi. Mình về là mang về thêm một miệng ăn, càng chóng đưa cả nhà vào cảnh chết đói cả nút chứ sống sao nổi.
Minh ứa nước mắt, đặt bát cơm chạy vào ngách bếp khóc thút thít.
Tháng sau, lúc đưa số tiền gạo của Trọng ủng hộ, tôi tỏ ý băn khoăn:
- Các thứ góp cho chị chỉ có từng này nhưng hình như chị cho ăn trội hơn…
Minh gạt đi:
- Đừng nghĩ vớ vẩn. Có gì ăn nấy, ăn cho khỏe lấy sức mà học.
Minh lo liệu rất chu đáo chuyện ăn uống, liễn cơm gạo đỏ bao giờ cũng ủ nóng chờ tôi về mới lấy ra cùng ngồi ăn, thức ăn chỉ là muối vừng, cà pháo, rau luộc, lâu lâu mới có đĩa rau muống sào tỏi hoặc giá sào bì lợn nhưng mâm bát luôn sạch sẽ, bữa nào cũng giành chỗ ngồi đầu nồi xới cơm, bát nào cũng lèn thật chặt trao bằng hai tay kèm theo nụ cười kn đáo.
Một hôm tôi đi công tác từ tối hôm trước đến tối hôm sau mới về. Ăn cơm xong định về phòng mình thì Minh giữ lại.
- Sáng nay ngủ dậy thấy có cái này dán ngoài cửa.
Minh đi đến giường thò tay xuống gầm lấy ra tờ giấy. Tờ áp-phích viết: “Ủng hộ Việt Minh“, “Đánh đuổi giặc Nhật“,“Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa”, bên rìa có một vạch đỏ chạy suốt chiều dọc, chính giữa vẽ ngôi sao vàng.
Tôi giật mình: ”Đã qui định là không được dán vào nhà dân, họ dễ bị rắc rối, chủ nhà sẽ oán mình. Mấy cậu này vô kỉ luật quá.” Rồi nghĩ tiếp: ”Chắc họ cũng như mình trước kia, coi đây là nhà vợ lính tẩy, là đồ đĩ rạc ôm đít tây! Cứ dán vào đây cho nó chết quách!”
Tôi thăm dò:
- Sao không đốt đi? Giữ lại nguy hiểm lắm.
Minh lắc đầu:
- Của Việt Minh, đốt đi là không tốt với họ. Chốc nữa mang ra cầu ao chặn gạch lên, sáng mai thể nào cũng có nhiều người đọc. Trước kia Hen-rich thích Việt Minh lắm.
Được dịp tìm hiểu kĩ về cô chủ nhà, tôi hỏi:
- Hen-rich là ai? Sao chị biết Hen-rich thích Việt Minh?
Minh đáp:
- Hen-rich là chồng mình, người Đức. Hiền và tốt lắm, nói tiếng ta rất giỏi. Không nghiện rượu, không hút thuốc, không bao giờ nói nặng vợ một câu, hễ  hàng xóm đánh vợ là sang can, hễ họ chửi vợ “Đồ An-na-mít bẩn thỉu” là anh ấy vuốt má Minh, lắc lắc đầu xin lỗi
Cô tiếp:
- Một hôm Hen-rich bảo: “Anh sắp phải xa em. Anh đi làm một việc rất thiêng liêng rất nguy hiểm.” Minh hỏi: ”Anh đi đâu? Làm gì? Bao giờ về?” Anh lắc đầu nói còn chờ lệnh cấp trên, chỉ biết là việc này có lợi cho nước Đức quê anh, cho nước Annam quê chung của hai vợ chồng. Anh ấy còn nói: không dám hi sinh cho tổ quốc là hèn. Nhưng...
Minh gục mặt khóc nấc lên.
Tôi lặng im, nhẹ nhẹ xoa tay trên lưng Minh. Lát sau thổn thức:
- Hen-rich chưa kịp đi thì đêm đảo chính, Nhật bắn chết anh ấy cùng mấy người bạn. Chỉ một người chạy thoát, nửa đêm đến đập cửa báo tin cho Minh rồi biến mất.
Lát sau cô tiếp:
- Trước đó vài hôm Hen-rich đưa một gói nhỏ, dặn “Em tìm Việt Minh đưa món quà anh tặng họ”. Nhưng mình biết Việt Minh ở đâu mà đưa. Hoàn cảnh mình như thế, ai dám tin? Phấn đông bạn bè, dễ tìm họ hơn, Phấn giúp Minh việc này nhé!
Tôi thận trọng:
- Có biết là gói gì đâu tôi dám đưa cho Việt Minh?

Minh ra khóa cửa rồi tới ngồi xổm trước tủ gương, thì thầm:
- Tự tay Hen-rich đóng  thêm cái đáy tủ này đấy.
lôi ra một gói bọc kn, nhỉnh hơn bàn tay, chằng dây gai hai lần chữ thập, trên mảnh giấy dán đè lên viết bằng tiếng Pháp: “Quà tặng của Henrich Hess. Chúc thành công.
Tôi cắt dây. Trong hộp các-tông có khẩu Walther 7,65 xanh ngời ánh thép, tên súng khắc chìm sơn màu vàng tươi, báng nhựa nâu đỏ, hai băng đạn lắp đầy mỗi băng bẩy viên, các chỗ trống trong hộp lèn những viên đạn vàng chóe.
Minh tròn xoe mắt nhìn  tôi.
Tim tôi đập thình thịch. Lần đầu tiên được cầm trên tay một khẩu súng đẹp chẳng khác một món nữ trang. Ngắm nghía, mân mê một lúc tôi tháo khẩu súng kiểm tra lò so, kim hỏa, soi nòng qua ánh đèn xem các đường rãnh. Tất cả đều rất tốt, còn mới toanh.
Tôi nói nhỏ:
- Mình sẽ tìm Việt Minh đưa cho họ. Họ sẽ dùng nó bắn chết những đứa đã giết Hen-rich, những đứa bắt dân mình nhổ lúa trồng đay làm hàng triệu người chết đói…
Minh lộ vẻ lo lắng.
-Cẩn thận nhé Phấn ơi. Dễ mất đầu lắm đấy.
Cô ngả người tì nhẹ lên vai tôi.

 Đến hẹn, tôi lại đi nhận tiền và gạo. Lần này Trọng lúng túng xin lỗi: “Nhà tôi có việc đột xuất phải về quê, vội quá nên quên không để lại tem gạo. Xin gửi anh tiền, thứ Ba tuần sau mời anh đến”. Trọng tự tay nhét vào túi  tôi sáu tờ 1 đồng và hai tờ 5 hào.
Thế là một tuần nữa mới có gạo. Tôi chờ có cả tiền và gạo đưa một lúc như lần trước mới dễ nói của bố mẹ gửi cho. Lúc ngồi ăn trưa tôi phân trần:
- Không hiểu sao tháng này các cụ tiếp tế chậm thế. Mình phải lên Sơn Tây xem sao…
Minh xua tay:
- Không cần, không cần... Chẳng lẽ Minh không nuôi nổi Phấn dăm bẩy ngày? Mình còn phải  giúp bố mẹ nữa cơ mà. Phận làm con, không đời nào khoanh tay ngồi nhìn bố mẹ chết đói. Minh đã có cách giúp bố mẹ vượt qua đận này.... Phấn cứ ăn no ngủ kĩ, đừng ngại.
Tôi nghĩ khác. Ở đây ăn bám dù chỉ dăm bẩy ngày cũng gây khó khăn lớn cho Minh, tôi không đành lòng. Tối đến, tôi khóa cửa phòng, xách xắc quần áo sang nhà anh chị Kim. Sau khi kiểm tra, biết chắc không có hai cành tre buộc chéo tôi vào nhà. Đã quen lệ đi đi về về bất chợt của tôi, anh chị Kim sốt sắng thu xếp chỗ ngủ cho tôi.

Thứ Ba, theo hẹn tôi lại tới nhà Trọng.
Tám giờ tối. Từ phố Huế rẽ vào ngõ, tôi đi theo dẫy nhà đối diện căng mắt nhìn. Sau cánh cửa kính căng tấm rèm màu hồng, những sợi kim tuyến phản chiếu ánh đèn đường càng nổi rõ màu hồng tươi. Tôi chột dạ: tín hiệu báo động.
Nhìn xung quanh không thấy ai lảng vảng quanh đây, tôi ra khỏi ngõ theo phố Jacquin (Ngô Thời Nhậm) trở về. Sáng mai sẽ khất nợ Minh lần nữa rồi tính tiếp.
Nhưng họa vô đơn chí.
Về đến nhà, thấy ánh đèn điện hắt qua khe cánh cửa lá sách chập chờn lúc sáng lúc mờ tôi lấy làm lạ, ghé mắt nhìn qua lỗ khoá. Trên mặt bàn vứt bừa bãi một chiếc quần tây xanh sẫm, chiếc áo sơ-mi trắng và chiếc may-ô. Một gã đàn ông cởi trần, trên người chỉ có chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn đang loay hoay khoanh tờ báo che bớt ánh sáng ngọn đèn điện. Qua tấm màn buông trên giường loáng thoáng hình người nằm duỗi thẳng hai chân.
Hiểu ngay thế là thế nào tôi rón rén đi vào phòng mình, thu dọn quần áo. Nay mai chắc chắn sẽ có nhiều khách làng chơi lui tới xóm này giải buồn, lại đây rất nguy hiểm.
Nhẩm tính tháng này còn thiếu của Minh năm ngày tiền ăn tiền ở khoảng hơn một đồng, tôi suy tính giây lát rồi tặc lưỡi, rút túi đếm đủ sáu đồng năm hào đặt lên bàn. Thương Minh lắm Minh ơi! Nhưng Phấn không có cách gì cứu Minh được!
Tôi khóa cửa, đi về nhà anh chị Kim. Dọc đường và suốt đêm ấy tôi nghĩ rất nhiều, càng nghĩ càng đau lòng trước tình cảnh của Minh và giải pháp cùng quẫn của cô. Than ôi! chuyện cô Kiều phải bán mình chuộc cha không phải là chuyện tưởng tượng của nhà thơ mà là chuyện thực trên đời này! Trong tâm tưởng chợt vọng lên tiếng thở dài thê thảm “Đau đớn thay phận đàn bà!”
                                                                                                                                             SĐM



[1] M’en fous : cóc cần .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét