Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

ĐỒ DỞ HƠI!

           Sài Gòn giải phóng. Tôi vào tìm họ hàng và tham quan thành phố.
Sau khi đứng dưới tán cây tránh giọt mưa lâm thâm dự lễ Mừng Chiến thắng tôi lững thững dạo quanh thành phố. Hòa trong nhiều niềm vui khác tôi càng vui khi thấy mọi thứ còn nguyên vẹn, chỉ lác đác vài dấu vết nho nhỏ của cuộc chiến ác liệt vừa kết thúc vài ngày trước. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất mang nhiều thương tích nhất: hố bom, tường đổ, xác máy bay cháy…Một số nơi dọc bờ sông cũng gợi lên hình ảnh cuộc chiến tranh: xe máy, xe jeep, quân phục, giày, mũ nhà binh bằng nhựa bằng sắt, bi đông bẹp dúm vứt ngổn ngang, có chổ chất cao chắn hết hè đường.
Sau cuộc lễ khoảng một tiếng, không khí trở nên yên tĩnh, nhiều nhà đóng kín cửa, phố xá vắng người qua lại. Xem trên tivi tôi thấy Hà Nội mừng giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà sôi nổi, tưng bừng hơn trong này nhiều. Phải chăng vì người Hà Nội đã phải trả giá đắt hơn? Hay vì Hà Nội không phải đau lòng chứng kiến cảnh hàng vạn người bỏ của cải, nhà cửa, thậm chí có người bỏ cả vợ con để chạy trốn cuộc tắm máu tưởng tượng? Tôi không giải thích nổi, chỉ ghi nhận.
Khoảng một tuần sau, ở nhiều nơi trong thành phố diễn ra một cảnh khá lạ mắt. Nhiều chiếc xe tải Zil 130, Zil 157 phủ bạt kín mít đang oằn lưng xẹp nhíp cõng những thứ được bộ đội khiêng ra từ các doanh trại từ nhà các sĩ quan quân lực Sài Gòn bỏ trốn ra nước ngoài. Thùng xe chất đủ thứ  từ tủ lạnh, máy điều hòa, giường tủ gỗ cẩm lai đến chậu cây cảnh, đôn sứ…Ngồi cạnh lái xe trên cabin là một cán bộ trẻ có, ương ương có mà lớn tuổi cũng có. Tôi nhận ra trong số đó có dăm ba ông Cục phó, Cục trưởng, Sư trưởng, Chính ủy sư đoàn của binh đoàn Trường Sơn. Có những vị mấy hôm trước còn tả xung hữu đột, dốc sức chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc không tiếc mạng sống, giờ đây đang xoay trần bốc lên xe đủ thứ thượng vàng hạ cám để chở về nhà. Mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bơ phờ mặt mày hốc hác trông thật tội nghiệp! Những vị có bà con thân thích trong thành phố còn được tặng vài món quà. Dân Sài Gòn mỉa mai “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Trước các tiệm buôn mới mở cửa lại sau nhiều ngày nghỉ bán chờ thời, nhiều chiếc xe du lịch mang biển số trắng, biển số ngoại giao nối đuôi nhau xếp hàng. Các ông tây bà đầm từ Hà Nội kéo vào tranh nhau xùy đô Mĩ mua toàn những hàng xịn còn nguyên đai nguyên thùng: máy cát xét vừa nghe băng vừa chạy đĩa, giàn nghe nhạc băng cối loa thùng Akai, tivi National, tủ lạnh Hitachi…
Đúng là cốc mò cho cò xơi…trong khi những chiến sĩ được nghỉ phép về thăm quê chỉ xách những chiếc khung xe đạp, những hộp các tông đựng con búp bê biết nhắm mắt khi đặt nằm, thứ sang nhất là cái quạt Nhật cũ. Các chú lính trẻ hí hửng mang những thứ ấy về làm quà chiến thắng tặng bố mẹ, tặng người yêu. Khi qua trạm kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố các chú phải van nài gần như khóc mới không bị tịch thu vì tội phạm kỉ luật, làm sai qui định của cấp trên “Không được mua, không được mang hàng ra Bắc”.
Thấy một khu nhà bề thế nằm giữa bốn bề hàng rào sắt, hai cánh cổng mở toang dưới tấm biển đề “Trường Sinh Ngữ“, không có bộ đội gác, bên trong không có bóng người, tôi tò mò bước vào. Trên lối đi có rất nhiều sách, phần lớn đã ngấm nước mấy trận mưa đầu tháng, trên những trang giấy mủn nát hằn rõ nhiều vết giầy, giầy bộ đội, giầy bốt tin, đôi chỗ có cả dấu giầy cao gót. Dấu chân trần của người lớn, trẻ con cũng khá nhiều.
Hai dãy nhà dài lợp ngói nằm hai bên sườn, cửa chính cửa sổ gỗ sơn nâu cái đóng cái mở, bên trong tối om. Chắc là phòng học sinh ngữ hồi trước.
Tôi vào căn nhà vuông nằm giữa khuôn viên, bốn bề gắn kính. Nền nhà phủ kín nhiều lớp sách chồng lên nhau. Không bị nước mưa nên sách không mủn nát như những quyển vút ngoài sân, nhưng bị dẫm đạp, quăng quật, nhiều cuốn bị xé mất một số trang–chắc là những trang ảnh… Đưa mắt nhìn một lượt tôi thấy có rất nhiều loại sách từ văn học, ngôn ngữ học, y học, khoa học tự nhiên đến triết học, sử học v.v. Nhiều nhất là sách tiếng Anh, sách tiếng Pháp cũng khá nhiều.
Trong phòng có nhiều tủ kính kê trên nền nhà ngoài ra còn có những tủ kính treo khắp bốn bức tường, chắc là những tủ trước kia đựng sách, bây giờ trống hoác. Tất cả sách trong từng ấy chiếc tủ đã bị lôi ra, quẳng xuống đất, bị giằn vặt, tra khảo tàn tệ. Những người vào đây trước tôi chắc đã thất vọng, bực tức khi không tìm thấy những thứ đáng giá họ đang tìm.
Nhìn quang cảnh này, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Một kho tàng kiến thức quí giá đã bị hủy hoại.
Tôi bới trong đống sách với hi vọng may ra sẽ vớt vát được ít nhiều cuốn còn tương đối nguyên vẹn. Sau một lúc toát mồ hôi, tôi tìm được mấy cuốn tự điển Larousse, Oxford, cuốn Chủ nghĩa Hiện sinh là Chủ nghĩa Nhân đạo của Jean Paul Sartre, vài cuốn tiểu thuyết của Gustave Flaubert, Guy de Maupassant, một tập Livre de Poche trong đó có cuốn Bác sĩ Jivago của Boris Pasternak v.v. Tất cả bỏ đầy một chiếc bao tải ai đó vứt  trong thư viện. Tôi cõng bao tải lên lưng, trở về đơn vị.
Vài ngày sau nhân có đoàn xe chở hàng của các thủ trưởng mang về nhà ở Hà Nội, tôi nhờ cậu Ngôn lái xe của binh trạm tôi ngày trước mang giúp về nhà số sách tôi đã lau chùi sạch sẽ, xếp gọn gàng trong hòm đạn Mĩ nhặt bên đường.
Mười ngày sau, cậu Ngôn lái xe trở vào để chở tiếp hàng của các thủ trưởng, nhân thể tìm gặp tôi để báo tin nhà cửa vợ con tôi. Sau khi nghe tin tức về tình hình Hà Nội, tình hình vợ con, cuối cùng tôi hỏi:
- Cậu mang giúp mình hòm sách ra Bắc có bị rắc rối gì không?
- Báo cáo thủ trưởng, trót lọt không suy xuyển gì. Lúc qua trạm kiểm soát, nó bắt mở hòm, lục soát từ dưới lên trên, mở tung những quyển dầy để kiểm tra trong ruột rồi hỏi ‘Cậu biết tiếng nước ngoài đấy à?’  Em trả lời: ‘Không. Sách này của chính ủy tôi đấy chứ’. Thủ trưởng có biết nó nói gì không?
- Nó nói gì?
- Xin lỗi thủ trưởng. Nó bĩu môi ‘Bao nhiêu thứ quí chẳng lấy, lấy một đống sách. Đồ dở hơi!’
Tôi bật cười, vỗ vai chú lái xe thật thà, nói ‘Cám ơn cậu’.
                                                                                                                                    SĐM



Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

DÒNG SUỐI LỬA

           Tuy sức khỏe sa sút, bệnh đau dạ dày hành hạ ngày đêm nhưng tôi vẫn cố gắng bám tuyến, bám chiến sĩ. Hôm từ bản Ra Khum nơi đặt sở chỉ huy trung đoàn xuống thăm tiểu đoàn 968, khi sắp lội qua con suối chắn ngang đường tôi thấy chiếc xe Molotova ở bờ bên kia đang từ từ xuống suối. Trên thùng xe có hai cô gái ngồi vắt vẻo trên đống sách báo cao ngất và rất nhiều cuộn giấy màu. Loại xe Gat 2 tấn một cầu này rất yếu, chỉ dùng cho cơ quan bộ Tư lệnh chở nhẹ, chạy những đoạn ngắn. Chiếc này chắc là xe phòng Tuyên huấn Cục Chính trị chở sách báo vật liệu xuống phát cho các đơn vị.
            Xe lội qua suối, hai bánh trước bắt đầu bám vào bờ dốc bên này. Bờ khá cao, chiếc xe rú máy, hai bánh sau quay tít guồng nước suối bắn tung tóe…Bỗng cả đoạn suối bốc cháy rừng rực, lửa khói ngùn ngụt xung quanh xe, trên thùng xe. Cửa xe bật ra, hai chú lính lao xuống chạy một quãng rồi đứng lại, vẫy hai cô gái đang lập cập từ trên mui cabin tụt xuống đầu máy rồi nhẩy xuống đất vừa hét vừa chạy như ma đuổi.
            Một đoạn đường ống phía thượng lưu bị hở tự lúc nào, số xăng dư trong ống sau đợt bơm lúc đêm chẩy hết xuống suối. Tia lửa từ ống xả chiếc Molotova  phụt ra làm đoạn suối dài hàng mấy cây số biến thành suối lửa…
            Bốn người tần ngần ngồi nhìn cho đến khi chiếc xe cháy rụi trơ khung sắt đen sì. Họ lếch thếch lội qua suối đi bộ trở về cơ quan.
            Tôi tiếp tục lên đường. Cách chỗ suối cháy chừng nửa cây số, một tốp ba cô gái mỗi cô vác trên vai một chiếc ống nặng ba chục cân rưỡi tay cầm dao phát rừng lấy lối đi tới chỗ tuyến ống bị hở. Tôi nhập bọn, đến bên cô nhỏ người nhất có lẽ chỉ nặng hơn ba chục cân, nặng bằng chiếc ống cô đang vác. Tôi bảo cô gái:
          - Đưa dao cho tôi. Đi đã không vững lại còn vừa đi vừa chặt cây thế này bao giờ mới đến chỗ sửa tuyến?
          Cô bé chẳng biết tôi là ai, cong cớn đáp:
          - Đừng coi thường gái Hà Đông này nhé!
          Tôi phì cười:
          - Sư tử Hà Đông mà còm nhom thế kia ư? Chắc cả tháng nay chưa vồ được thằng nào!
        Cả ba cô đứng lại chống đầu ống xuống đất, ôm ống cười ngặt nghẽo.
        Lúc đi tiếp, họ cho biết sáng nay đã đi theo tuyến ống 4 cây số từ đơn vị đến chỗ đứt tuyến, quay lại hai cây số đến chỗ có ống dự trữ vác tới đây. Đi  theo tuyến nghĩa là đi mà không có đường đi, phải luồn rừng rậm, lội suối sâu, dẫm lên những nơi đầy bom từ trường mìn lá mìn vương đủ loại, nguy cơ thương vong có thể xẩy ra dưới mỗi bước chân.
         Đoạn ống bị hở nằm ngay giữa dòng suối. Hai bộ chân chống xiêu vẹo, ngoàm nối hai đoạn ống bật ra. Các cô chỉ cần thay hai ống bị biến dạng khớp nối, gioăng cao su bị sứt vài chỗ. Công việc hoàn thành sau nửa giờ, các cô trở về báo cáo lên tiểu đoàn vừa kịp thực hiện đợt bơm xăng nước rút theo lệnh của tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên:
            -Phải bơm xăng đầy kho Q6 ở bắc đường 9,  kho Q7 ở nam đường 9 trước khi địch đổ quân xuống cắt ngang tuyến chi viện miền nam của chúng ta. Trung đoàn 592 phải tổ chức ngay lực lượng chiến đấu với bộ binh địch, bảo vệ vững chắc đường ống.
            Lệnh đó căn cứ vào chỉ thị trực tiếp của đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn bộ Tư lệnh 559 ở Hà Nội ngày 26 tháng 6 năm 1970:

Từ khi Lon Non nắm chính quyền ở Campuchia, cảng Xihanúcvin bị khóa chặt, tuyến vận chuyển chiến lược 559 trở thành tuyến duy nhất thực hiện nhiệm vụ chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Vì vậy một trong những mục tiêu chiến lược rất quan trọng của Mỹ là dùng sức mạnh tổng lực cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm loại bỏ thảm họa đối với chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của chúng.
Sắp tới chúng sẽ đặc biệt chú trọng đánh phá vùng Trung - Hạ Lào và vùng đông bắc Campuchia. Không những bằng không quân, biệt kích mà có thể dùng những lực lượng bộ binh lớn của ngụy quân miền Nam, Lào, Thái Lan và Cam pu chia, khi cần có thể dùng cả bộ binh Mỹ để mở cuộc tiến quân bằng binh chủng hợp thành quy mô lớn.
Hướng tiến công chủ yếu có khả năng là địa bàn đường 9, Nam Lào. Địch có thể tổ chức cuộc hành quân bằng lực lượng cơ động dự bị chiến lược, thực hiện chiến thuật "Trực thăng vận" đổ quân xuống các điểm cao nam - bắc đường 9, kết hợp mũi tiến công bằng bộ binh cơ giới vượt Lao Bảo tiến lên Sê Pôn, hợp điểm với quân ngụy Lào, Thái đánh từ Mường Pha Lan xuống nhằm chiếm toàn bộ đường 9, cắt hẳn tuyến chi viện chiến lược.
 Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải theo dõi và chuẩn bị cho tình huống này. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn có lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, rất quen thuộc chiến trường, phải là một trong những lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch, đồng thời là lực lượng tại chỗ đánh địch và là căn cứ hậu cần chiến dịch.Trong bất cứ tình huống nào, Bộ đội Trường Sơn cũng phải thực hiện sự chi viện lớn hơn, sâu hơn, xa hơn, bảo đảm được các yêu cầu trước mắt, đồng thời có một phần dự trữ cho các chiến trường. Mặt khác, phải chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống ngăn chặn của địch. Phải có kế hoạch cơ bản, toàn diện về xây dựng vùng ba biên giới thành căn cứ vững chắc về mọi mặt.
×  ×  ×
            Lúc này trên chiến trường miền Nam đang còn 28 vạn quân Mỹ và 70 vạn quân ngụy. Trên chiến trường Cam-pu-chia có 12 vạn quân của Lon Non. Trên chiến trường Lào có 8 vạn quân Hoàng gia và thổ phỉ Vàng Pao cùng 10 tiểu đoàn quân Thái Lan.
            Với lực lượng quân sự hùng hậu như vậy Nixon cho rằng cần tranh thủ  thực hiện mục tiêu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", tạo vốn chính trị để hắn ta giành thắng lợi trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1972, vào ngồi trong Nhà Trắng một nhiệm kì nữa.
             Đúng như phán đoán của Quân ủy trung ương và bộ Quốc phòng, đầu tháng 2 năm 1971 địch mở cuộc tấn công lớn ở đường 9-Nam Lào với lực lượng 4 vạn quân ngụy tinh nhuệ nhất,  6000 quân Mĩ, 4 tiểu đoàn quân ngụy Lào, 580 xe tăng xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1 000 máy bay. Mục tiêu của chiến dịch là cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá hủy phần lớn các kho dự trữ chiến lược trên đường Trường Sơn, làm cho các lực lượng của ta ở các chiến trường không còn nguồn chi viện về người và vật chất kỹ thuật để mở các cuộc tiến công lớn trong mùa khô 1971 - 1972, tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tục rút quân, cho ngụy mạnh lên. Địch cho rằng đánh bại bộ đội chủ lực cơ động của quân đội ta sẽ chứng minh cho sự thành công của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tạo thêm thế mạnh trên chiến trường nhằm ép ta nhân nhượng trong cuộc đàm phán ở Paris.
            Đây là cuộc hành quân đầy tham vọng, có quy mô lớn nhất, điển hình nhất trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ và cũng là đỉnh cao của chiến tranh ngăn chặn nhằm cắt đứt hoàn toàn đường Hồ Chí Minh.
            Tôi bàn với trung đoàn trưởng Mai Trọng Phước cử một đại đội phối hợp tác chiến cùng Sư đoàn 2 của quân khu 5. Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn đặt ở cao điểm 310 gần kho Q7.
            Ngày 8-2-1971. Từ sáng sớm quân ngụy mở cuộc tấn công dọc đường 9. Bom, đạn từ trực thăng Cobra, từ các trận địa pháo dã chiến của địch nổ không phút nào ngớt xung quanh sở chỉ huy trung đoàn. Trực thăng UH1 bay rợp trời như chuồn chuồn báo mưa. Những chiếc trực thăng vận tải “Quả chuối bay” Chinook CH 47 cẩu các cỗ pháo 105 đặt lên đồi cao nã đạn vào trận địa pháo và các cứ điểm của ta. Chốc chốc lại có một chiếc trực thăng bốc cháy cắm đầu lao thẳng xuống đất vì trúng đạn cao xạ của bộ đội phòng không, đạn cao xạ vác vai SA-7 do Liên Xô viện trợ (ta gọi bằng mật danh  A72).
            Đại đội 6 của trung đoàn 592 do đại đội trưởng Nguyễn Thọ Sĩ chỉ huy lần đầu tiên chiến đấu như lính bộ binh nhưng anh em rất  kiên cường bảo vệ trận địa chặn đứng nhiều đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch có trực thăng yểm trợ. Đại đội vừa chặn đánh địch vừa bơm xăng vào phía trong.
            Sau ba tuần, ngày 16 -3 chủ lực ta từ nhiều hướng tiến công trung đoàn quân ngụy số 1 đóng trên cao điểm 72A. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, chúng tìm đường vượt qua yên ngựa Keng Be sang hội quân với bọn trên cao điểm 660 nhưng bị chốt của trung đoàn 592 chặn lại. Chốt chỉ có một trung đội nhưng cả một tiểu đoàn địch xung phong hết đợt này đến đợt khác vẫn không sao vượt qua. Thiếu úy đại đội phó Nông Văn Hoàng người Tày Cao Bằng chỉ huy trung đội diệt 37 tên địch, bị thương vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị diệt thêm nhiều tên cho đến lúc hi sinh. Gần sáng địch trên cao điểm 72A hốt hoảng tháo chạy, nhiều đứa cởi bỏ áo mũ, vứt súng đạp rừng le tìm đường thoát thân.
            Ngày 21-3 khi đại quân địch rút khỏi bản Đông, trung đoàn số 1 của Sư 1 bộ binh ngụy Sài Gòn trên cao điểm 660 bị xóa sổ: 905 tên bị tiêu diệt, 365 tên bị bắt sống trong đó có 3 tên sĩ quan cấp tá. Từng toán tàn binh vứt vũ khí lủi vào rừng tìm đường tới biên giới. Nhiều toán lạc đường, chui đầu vào vị trí đóng quân của ta, nhiều tên bị anh chị nuôi của các đơn vị thuộc trung đoàn 592 bắt gọn. Ngày 25-3 chiến dịch Lam Sơn kết thúc. Trong 45 ngày bom đạn đầy trời, lính ngụy đầy đất, xăng vẫn chẩy đầy trong tuyến ống của trung đoàn 592 cấp phát cho các đơn vị, tổng cộng được 608 tấn. Toàn bộ tuyến ống, kho, trạm bơm được bảo vệ an toàn. Các đơn vị của trung đoàn tiêu diệt 135 tên địch, riêng tiểu đoàn 968 diệt 107 tên, bắt sống 26 tên, thu 62 súng các loại.
            Những chiến công của trung đoàn ngay từ năm đầu tiên ra đời được Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá cao nên sau đó không lâu trung đoàn được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT.
            Bên cạnh trung đoàn 592, từ tháng 8-1971 có thêm trung đoàn đường ống thứ hai: trung đoàn 532 làm nhiệm vụ nối tiếp tuyến ống từ Mường Noòng vào Sông Bạc. Được tin trung đoàn trưởng 532 là Nguyễn Tuấn bạn học trường Bưởi ngày trước, tôi đi bộ một ngày đường đến Sê La Nông thăm bạn đồng thời bàn kế hoạch hợp đồng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Những cố gắng quá sức làm bệnh ngày càng nặng tới mức tôi không sao trụ nổi.
Ngày 30/11/1971 tôi được ra Bắc chữa bệnh. Chiếc xe Zil 130 chở tôi từ bản Tà Lào qua trọng điểm Pha Bang Nưa ra Hà Nội.
Người đến thay tôi là thiếu tá Đào Ngọc Khuê. Sau vài tuần đảm nhận vị trí, chính ủy Khuê đi cùng trung đoàn trưởng Mai Trọng Phước lên bộ Tư lệnh họp hội nghị quân chính. Họp xong Mai Trọng Phước ở lại làm việc với Cục Tham mưu, chính ủy Khuê trở về lo triển khai nghị quyết.
Chiếc xe chở Khuê đến con suối gần K4 thì một tốp Con Ma F4 lao tới. Xe trúng bom bốc cháy, cả bốn người trên xe gồm chính ủy, lái xe, liên lạc và một cán bộ cùng đi đều bị thương, trong đó Khuê và lái xe bị nặng nhất.
Khuê phải nằm viện 6 tháng, khi ra viện được xếp thương binh loại 3/4.
Ít lâu sau các bác sĩ nói:
-Mức độ thương tật của anh phải xếp loại 2/4 mới đúng. Anh nên đề nghị phúc tra lại.
Khuê tặc lưỡi:
-Lo chuyện “thăng cấp” thương binh đâu có dễ. Nhiều đồng chí đã phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần tốn bao nhiêu công sức mà cuối cùng vẫn thế. Thôi, đành chịu thiệt  vậy.
                                                                                                                                                SĐM



Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

CÓ GÌ CHỈ MỘT MÌNH TÔI…

          Sau gần ba năm đoàn 310 thực hiện nhiệm vụ vận tải theo phương châm “Đi không dấu nấu không khói nói không tiếng” cuối năm 1961 xe vận tải của đoàn 3 Cục Hậu cần bắt đầu lăn bánh ầm ầm trên đường Trường Sơn. Đến tháng 4 năm 1965 đã có 6 tiểu đoàn xe vận tải cơ giới của đoàn 559 đêm đêm chạy trên đường. Đế quốc Mĩ nhanh chóng phát hiện ra con đường chiến lược cực kì nguy hiểm cho chúng. Ngay từ tháng 12 năm 1964 chúng đã liên tiếp mở nhiều chiến dịch bắn phá ác liệt, giờ đây mức độ bắn phá càng tăng gấp bội: từ 20 phi vụ mỗi tháng năm 1964 tăng lên 1000 phi vụ mỗi tháng năm 1965.
           Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 nhu cầu của chiến trường miền nam tăng rất lớn nhưng mọi con đường đều bị địch đánh chặn quyết liệt, xăng dầu không chuyển vào được nên hoạt động vận chuyển hầu như tê liệt, bệnh binh không có thuốc, khẩu phần gạo của bộ đội từ 400g xuống còn 200g, nhiều kế hoạch chuẩn bị chiến đấu có nguy cơ phá sản.
            Bằng cách nào đưa được xăng dầu vào chiến trường?
            Kĩ sư Lưu Vĩnh Cường hướng dẫn binh trạm 12 tận dụng mọi thứ ống - ống phóng rocket của Mĩ, ống cao su, ống nước và cả ống bương nối với nhau bằng săm ô tô tạo thành tuyến đường ống có một không hai trên thế giới. Đường ống độc đáo này tồn tại được 2 tháng, bơm được 150 tấn xăng cho đoàn 559. Nhưng đường ống này hiệu quả không cao, xăng làm ống bương teo tóp, làm săm cao su nối ống chảy ra, hệ thống ống không chịu nổi áp suất cao nên hiệu quả chẳng bao nhiêu mà thất thoát thì quá lớn.
            Cùng với tuyến ống bương, binh trạm 12 dùng biện pháp “kiệu xăng”: bốn người khiêng một phuy loại 100 lít băng qua bãi lầy trọng điểm dài hàng kilomet. Hai ngày mới giao được hai xe xăng cho đoàn 559 với cái giá hai mươi chín chiến sĩ hi sinh, mười tám người bị thương!
            Khi Tổng tấn công Mậu Thân sang đợt 3 (tháng 8-1968) việc cung cấp xăng cho 559 vẫn tắc. Binh trạm 12 áp dụng biện pháp “gùi xăng”: 4000m nylon may thành túi mỗi túi đựng 20 lít xăng bỏ vào ba lô cho năm trăm người gùi qua trọng điểm, sau một ngày vượt bom mìn chỉ giao được hai chuyến. Túi nylon bị xăng làm bục, hàm lượng chì rất cao của xăng A72, A83 làm hơn bốn mươi chiến sĩ gái trai bị bỏng sùi lưng, hai chiến sĩ hi sinh vì ngộ độc chì. Tính chung trong các đơn vị vận chuyển xăng dầu trên đường Trường Sơn, số người hi sinh vì bom mìn địch chỉ chiếm 10%, vì bỏng và cháy xăng dầu chiếm 90%. Chỉ trong mấy ngày  hàng trăm con người đã ngã xuống sông Son, Cường Hà, trọng điểm Trạ Ang mà chỉ đưa được ba xe xăng cho binh trạm 14. Mỗi phuy xăng 200 lít qua Trạ Ang phải đổi bằng sinh mạng một chiến sĩ. Cái giá quá đắt!
            Phải tìm cách khác.
           Dưới làn bom đạn, chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cùng các chuyên viên Cục Xăng dầu, các cơ quan bộ Quốc phòng và chỉ huy các binh trạm tìm cách vượt qua khó khăn.
           Hôm tham quan cuộc diễn tập của quân đội khối Varsawa chủ nhiệm Đinh Đức Thiện đã được xem quân đội Liên Xô trình diễn kĩ thuật triển khai tuyến ống dẫn dầu dã chiến. Đây là một giải pháp khả thi. Nhưng quân đội khối Varsawa triển khai hệ thống này dưới sự yểm hộ của pháo binh, máy bay, rải ống bằng xe cơ giới, bơm xăng từ hậu phương tới các đơn vị tác chiến sau chừng mươi ngày thì tháo dỡ tuyến ống. Ta dùng sức người là chính, tạo tuyến ống cố định vượt qua nhiều cao điềm, vận hành lâu dài dưới bom đạn dầy đặc suốt ngày đêm… liệu có thành công?
           Tin ở sức sáng tạo của cán bộ chiến sĩ, Đinh đức Thiện đề nghị chính phủ xin Liên Xô viện trợ và chỉ sau hai tháng, từ tháng 9 đến tháng 11-1967 bạn đã giao cho ta hai bộ, mỗi bộ gồm số ống nối lại dài một trăm kilômet (mỗi ống đường kính 10 cm, dài 6m) kèm theo hai mươi máy bơm. Trong những năm 1970, 1971, 1972 Liên Xô viện trợ thêm 9 bộ nữa. Ngoài ra, bạn còn cử kĩ sư Kondrasov và chuyên gia máy bơm Yvrasenko sang mở lớp huấn luyện kĩ thuật cho 34 người trong đó có một số công nhân của khu gang thép Thái nguyên. Cuối năm 1967 Công trường 18 được thành lập do Mai Trọng Phước làm đoàn trưởng, Hoàng Sùng chính ủy. Ngày 23-6-1968 nhân dân hai xã Nam Lâm, Nam Đông huyện Nam Đàn, Nghệ An giúp Công trường 18 đưa đường ống vượt sông Lam thành công. Tuyến ống vượt qua được “Tam giác lửa Vinh -Nam Đàn -Linh Cảm” nhờ sự hợp đồng chặt chẽ giữa bộ đội với giáo viên, sinh viên các trường đại học Bách khoa, Mỏ Địa chất, Xây dựng, Cơ khí-Chế tạo máy của bộ Công nghiệp nặng. Trí tuệ và công sức của bà con nông dân cũng là một yếu  tố rất quan trọng. Thấy bộ đội dùng cuốc bới đất chỗ sâu chỗ nông, cong queo không thẳng, việc lắp đặt ống diễn ra chậm chạp, mấy bác nông dân Hà Tĩnh bảo:
            -Các chú mần rứa chừng mô mới xong? Để choa vẽ cách mần như ri nè.
            Một bác đánh trâu tới, hướng thẳng chỗ cậu kĩ sư đường ống đứng làm chuẩn phía xa, tì mạnh xuống bắp cày, vung roi quát “Vắt! “ Một đường cày dài bốn năm mươi  mét, rất thẳng rất sâu xuất hiện. Bộ đội đặt ống xuống, lấp đất kín. Những đoạn qua ruộng nước thì cấy lúa phủ lên trên. Thế là xong. Tốc độ lắp tuyến tăng gấp mười lần, rất đảm bảo kĩ thuật.
            Chỉ sau vài ngày tuyến ống dài 42km của Liên xô viện trợ  đã đưa 500 m3 xăng vào kho ở xã Nga Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 10-8-1968 Mai Trọng Phước hứng chai xăng đầu tiên từ lòng ống chẩy ra gửi về báo cáo với Tổng cục Hậu cần.
×  ×  ×
           Sau khi vào Nhà Trắng tổng thống Nixon chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, một điểm chủ chốt trong chiến lược là tập trung lực lượng không quân bắn phá đường Trường Sơn ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
         Nhu cầu xăng dầu cho vận chuyển chi viện chiến trường ngày càng lớn. Vấn đề đặt ra cho ngành Xăng dầu là phải có nhiều tuyến trên nhiều hướng nhưng một khó khăn lớn là thiếu vật liệu, khí tài. Những thứ do Liên xô viện trợ đã gần hết, chỉ còn khoảng 40km ống. Tháng 4 năm 1969 Cục Xăng dầu bắt đầu nghiên cứu sản xuất máy bơm, ống và các phụ kiện. Kĩ sư Nguyễn Văn Sên, các giáo sư trường đại học Bách khoa, các nhà máy Cơ khí Trung qui mô, Cơ khí Trần Hưng Đạo phối hợp chặt chẽ, chạy đua nước rút sản xuất thành công máy bơm tương đương máy bơm PNU35/70 của Liên Xô cùng với ống, gioăng, ngàm v.v.
            Do trình độ nền công nghiệp của ta thấp kém nên ống nặng tới 75kg, hơn gấp đôi ống Liên Xô, mang vác xuyên rừng, leo núi rất khó khăn. Để có ống đạt tiêu chuẩn, ta đề nghị Trung quốc giúp. Cuối năm 1969 tiến sĩ Long Đạt Thực dẫn đoàn cán bộ 14 người sang khảo sát tuyến ống từ Vinh đến đèo Mụ Giạ rồi về sản xuất thử đường ống theo mẫu Liên Xô. Năm 1970 bộ trưởng Ngoại thương Phương Nghị sang thị sát lần nữa rồi kí hiệp định chính thức viện trợ đường ống cho ta. Tính đến cuối cuộc chiến tranh đánh Mĩ, Trung quốc đã viện trợ cho ta 45 bộ.
            Tháng 7 năm 1970 bộ Quốc phòng quyết định đưa ống dẫn dầu vào sâu chiến trường. Lúc này đoàn Trường Sơn đã có 6500 đầu xe, hơn 1000 máy móc làm đường và hàng nghìn thiết bị các loại, nhu cầu rất lớn, không tải xăng dầu bằng đường ống thì không thể đảm bảo hoạt động của từng ấy trang thiết bị. Cuối mùa mưa năm 1970 trung đoàn đường ống đầu tiên của đoàn Trường Sơn ra đời: trung đoàn 592. Trung đoàn trưởng là thiếu tá Mai Trọng Phước người đã chỉ huy thi công tuyến ống vượt tam giác lửa Vinh -Nam Đàn -Linh Cảm, hai trung đoàn phó là thiếu tá Đặng Thế Hải và thiếu tá Nguyễn Đăng Tụng, trung tá Nguyễn Phan từ binh trạm 35 về làm chính ủy.  Đảng ủy trung đoàn quyết định trước mắt phải bơm xăng vượt qua “cửa tử” Pha Bang Nưa đang bị địch đánh phá dữ dội – chỉ trong tháng 11-1969 có gần 500 lần B52 rải thảm trong đó hơn 90 lần phá vỡ tuyến ống, làm nhiều chiến sĩ thương vong trong những trường hợp rất thương tâm. Trung đội trưởng Quy người Thanh Hóa thấy khớp nối ống bị hơi bom thổi làm lỏng ra, xăng chẩy rỉ rả liền cầm lắc lê chạy đến siết lại cho chặt. Đang siết thì xăng phía cao dồn xuống tưới đẫm quần áo Quy đúng lúc một loạt bom nổ. Quy bốc cháy đùng đùng như bó đuốc…
×  ×  ×
        Tuyến ống phía bắc sông Xê Bang Hiêng bị địch đánh phá quyết liệt gây tổn thất rất lớn.  Trung đoàn được lệnh chuyển tuyến ống này sang phía nam sông, nơi có một số địa hình chôn được ống và
cách xa đường ô tô nên đỡ bị vạ lây khi địch đánh xe.
         Để lắp đặt tuyến ống mới trước hết phải làm sạch bãi bom từ trường dày đặc. Để làm việc này đại đội 4 tiểu đoàn 668 tổ chức nhiều đội rà phá bom. Chỉ riêng đội của Nguyễn Văn Hà đã phá được 27 quả bom, các đội khác cũng thu được kết quả tương tự.
        Khi bom trên mặt đất được phá hết, bộ đội chuẩn bị lắp đặt tuyến ống mới. Tiểu đội trưởng Nguyễn Lương Định  đề nghị với đại đội trưởng:
           -Chưa chắc đã hết bom dưới lớp đất kia. Để tôi đi trước, có gì chỉ một mình tôi…
          Nguyễn Lương Định vác ống đi dọc tuyến. Cả đại đội hồi hộp nhìn theo. Đi gần hết tuyến Định vẫn an toàn nhưng đến điểm cuối cùng thì một quả bom từ trường nằm sâu dưới đất nổ tung, hất Định lên cao...
           Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu nguyên trưởng Tiểu ban Kĩ thuật E 592 kể lại trong cuốn “Con đường máu lửa” (Nhiều tác giả. NXB Văn Học 2013):                                                                                                                                                                                                     
           “ Tôi gặp lại Nguyễn Lương Định mười bẩy năm sau ngày Định bị thương trước cửa hang Cọp Đen. Tôi cõng anh vào hội trường dự mit tinh kỉ niệm 50 năm truyền thống bộ đội Trường Sơn. Gặp lại Định chúng tôi mới biết những năm qua anh đã vô cùng vất vả chiến đấu với bệnh tật, vật lộn với cuộc sống. Anh đã không nhận được tấm huân chương Chiến công hạng hai  trung đoàn 592 đã đề nghị tặng cho anh. Anh nói:
            “ Sau khi bị thương tôi không biết mình nằm mê man bất động trong bao nhiêu lâu. Tôi được chuyển qua nhiều quân y viện. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, nhẩm tính từ ngày bị thương đã qua cả tháng trời. Vết thương ở khắp nơi trên cơ thể. Nhiều xương bị gãy, nội tạng bị tổn thương. Những đêm nghiến răng chịu những cơn đau hành hạ tôi nhận ra rằng mình bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu mới: cuộc chiến với chính mình và tôi phải chiến thắng chính mình. Các bác sĩ nói với tôi: ‘Anh thoát chết là một điều thật kì diệu. Khi nhận anh vào viện chúng tôi không dám hi vọng anh sẽ sống. Anh không chỉ dũng cảm mà còn đầy nghị lực. Chính nghị lực của anh đã giúp chúng tôi giằng anh khỏi tay thần chết ’.
          “ Khi ngồi được xe lăn, tôi bắt đầu được đưa ra ngoài hít thở khí trời. Đó cũng là lúc tôi biết đôi chân của mình đã bại liệt. Một đôi chân vô dụng với một cơ thể đầy thương tích, tôi sẽ sống ra sao? Tôi bi quan, ý nghĩ không muốn sống bắt đầu luẩn quẩn trong đầu. May thay, tôi sớm nhận ra rằng bi quan không thể làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
          “ Trong trại có một cô y tá đem lòng thương tôi. Chúng tôi làm lễ cưới, hai vợ chồng về nhà tôi. Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ thì già, em gái tật nguyền. Tiền trợ cấp thương binh của tôi, tiền trợ cấp người nuôi thương bịnh nặng của vợ tôi chẳng được bao nhiêu. Tôi nhận bán vé số. Vợ tôi ngày ngày đi lấy vé số cho tôi ngồi bán rồi tất tả buôn đầu chợ bán cuối chợ sống qua ngày.
“ Một hôm tôi ra chợ mua rau trong cửa hàng mậu dịch. Rau mậu dịch thường là rau già, rau ôi vì các cô mậu dịch chẳng mấy khi tưới rau như những tư nhân trồng rau gánh ra chợ bán. Tuy vậy dây xếp hàng mua rau vẫn dài dằng dặc vì rau mậu dịch chỉ bằng nửa giá rau ngoài. Tôi đi xe lăn qua dãy người xếp hàng, tới gần cô mậu dịch.
‘Chị ơi, cho tôi mua một cân. Tôi có thẻ thương binh đây’.
Mặt cô mậu dịch viên vẫn lạnh ngắt như không nghe thấy tôi nói. Một ông đứng tuổi nhắc:
‘Chị ưu tiên bán cho anh thương binh đi. Chúng tôi đợi được mà’. Mặt cô mậu dịch đanh lại.
‘Thì cũng phải từ từ chứ.Thương binh có ba bảy đường thương binh. Có người vô kỉ luật, nghịch  bom nghịch đạn bị thương rồi cũng xoay được thẻ thương binh đấy!’
“ Nghe câu ấy tôi bàng hoàng. Những người như cô mậu dịch viên này đâu biết cái khốc liệt của chiến trường và sự hi sinh của những người như chúng tôi. Cơn phẫn uất bốc lên. Loại người như thế này không cần giải thích cho phí lời. Tôi nhoài tới vung chiếc nạng vào cô ta. Cô giơ tay đỡ, hét to:
‘ Ôi giời ơi, thương binh đánh mậu dịch! ’
“ Hai nhân viên trật tự của chợ đến đưa tôi ra ngoài.
‘ Đồng chí thương binh, xin đồng chí bình tĩnh.’ 
“ Tôi rời chợ đến một góc phố thì dừng lại, khóc tức tưởi, rất lâu, dường như khóc cho cả những thằng bạn nằm lại chiến trường. Chiến tranh qua rồi. Chẳng lẽ đời lại bất công với thương binh chúng tôi đến thế hay sao?
“ Đã thế tôi còn không biết rằng có một người trong xóm đã chứng kiến cảnh nhốn nháo vừa rồi. Bà này mới dọn về nên chẳng biết gì về tôi cứ vô tư kể lại câu chuyện ở chợ rồi kết luận bằng một câu lập lờ:
‘Cậu Định nhận là thương binh nhưng biết đâu cái điều cô mậu dịch nói là có lí’.
“ Từ sau hôm ấy hình như mọi người nhìn tôi bằng con mắt khác. Tôi làm sao giải thích cho họ hiểu đây? Trung đoàn 592 không còn nữa. Các bạn cũ cùng đơn vị mà tôi gặp lại đều nghèo khổ, đều phải chạy ăn từng bữa. Họ không có thì giờ và cũng chẳng biết làm cách nào để mọi người hiểu đúng con người tôi.”
        
         Nghe được câu chuyện trên Mai Trọng Phước nguyên trung đoàn trưởng 592, Hồ Sỹ Hậu nguyên trưởng ban Kĩ thuật trung đoàn và Trần Đình Bảo nguyên chính trị viên tiểu đoàn 668 cùng kí tên vào đơn đề nghị tặng huân chương Chiến công hạng hai, kèm theo báo cáo thành tích của Nguyễn Lương Định gửi lên Tổng cục Chính trị. Cục Chính sách khẩn trương làm mọi thủ tục cần thiết.
            Ngày trao huân chương, cả xóm được mời đến dự lễ và được nghe câu chuyện của Định trong chiến tranh. Mọi người đều rất xúc động.
        Gia đình của Định là một gia đình bất hạnh. Bố Định bị tai nạn giao thông gãy chân không đi lại được.Mấy người con khỏe mạnh đã lập gia đình đi làm ăn xa. Cô em ở lại nhà thì câm điếc. Vợ Định mất sớm vì đau tim. Mọi vất vả mệt nhọc dồn hết lên vai người mẹ già của Định.
          Những ngày cuối đời, được sự quan tâm của đồng đội trong trung đoàn 592, trong ban liên lạc cựu chiến binh ngành Xăng dầu và trong một số cơ quan bộ Tư lệnh Trường Sơn nên Nguyễn Lương Định vợi bớt được phần nào nỗi đau thể xác, tinh thần.
            Rồi lặng lẽ ra đi, một chiều đông…   
 

                                                                                                                                                                  SĐM